Giáo sư Mỹ xin lỗi về bài viết sai sót về Việt Nam
Vị giáo sư đang “nổi như cồn” Joel Brinkley, hiện giảng dạy báo chí tại Đại học Stanford (Mỹ), đã lên tiếng xin lỗi trước làn sóng chỉ trích dữ dội của độc giả trong lẫn ngoài nước nhắm vào bài viết chứa đựng nhiều thông tin sai lệch về Việt Nam của ông.
Sau khi bài viết “Despite increasing prosperity, Vietnam’s appetites remain unique” (Dù ngày càng thịnh vượng, thú ẩm thực ở Việt Nam vẫn khác thường) đăng tải cuối tháng 1/2013 trên tờ Chicago Tribune (Mỹ), cái tên Joel Brinkley trở thành mục tiêu công kích của bạn đọc khắp thế giới.
Trong bài viết gây tranh cãi của mình, GS Joel Brinkley tạo cho người đọc cảm giác người Việt Nam dường như đã ăn thịt hết mọi loài động vật. Cựu phóng viên tờ New York Times còn lớn tiếng quy kết Việt Nam là “một quốc gia hung hăng” do đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Vị giáo sư từng đoạt giải báo chí danh giá Pulitzer sau đó còn biện giải rằng tính cách “hung hăng” của người Việt là do họ thích ăn thịt, đặc biệt là thịt chó, thịt chuột và chim chóc.
Trước phản ứng mạnh mẽ của bạn đọc, tờ Chicago Tribune phải cho đăng một thông báo thừa nhận bài viết của GS Joel Brinkley “không đáp ứng các tiêu chuẩn báo chí của chúng tôi” và “các bước biên tập cần thiết đã không được tuân thủ” dù rằng “chúng tôi có cả một quá trình biên tập tin bài cẩn thận”.
GS Joel Brinkley đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với báo Tuổi trẻ.
GS Joel Brinkley |
- Ông đã đến Việt Nam được bao nhiêu lần? Ông đã ở VN bao lâu trước khi viết bài báo gây tranh cãi này?
GS Joel Brinkley: Tôi đã đến Việt Nam 4-5 lần rồi và bài viết của tôi là kết quả của chuyến tham quan kéo dài mười ngày trong khoảng từ cuối tháng 12-2012 đến đầu tháng 1-2013.
- Ông nghĩ gì về phản ứng giận dữ của độc giả Việt Nam lẫn quốc tế khi đọc bài viết của mình? Có khi nào họ hiểu lầm ý ông không?
Tôi đã viết bài về các quốc gia khác nhau trong suốt gần 40 năm nay, trong đó tôi có 25 năm làm phóng viên thường trú ở nước ngoài cho tờ New York Times và sáu năm sắm vai là một nhà báo phụ trách các chuyên mục.
Rất nhiều người không thích một số bài tôi viết. Là một nhà báo, đặc biệt là người viết cho mục ý kiến cá nhân, đó là điều mà tôi mong đợi. Nhưng tôi chưa bao giờ gặp phải những phản ứng gay gắt trong suốt quá trình làm báo lâu năm của mình như lần này.
- Ông có gặp gỡ hay phỏng vấn ai ở Việt Nam trước khi viết bài báo đó không? Nếu có thì bao nhiêu người?
Tôi đi từ TP.HCM ra Hà Nội trong chuyến du lịch vào tháng trước và đã nói chuyện với nhiều người, phần lớn là dân thường. Tôi không đếm số người tôi đã gặp gỡ.
Tôi biết chuyện ăn thịt động vật hoang dã không phải là một thói quen phổ biến khắp Việt Nam, nhưng tôi biết rõ những gì tôi đã tận mắt chứng kiến từ những người mà tôi đã trò chuyện. Tôi đi cùng với vài người và tất cả chúng tôi đều có cùng nhận xét như nhau.
- Dựa vào đâu mà ông lập luận rằng ăn thịt khiến người ta trở nên hung hăng hơn?
Lập luận đó đã được viết không đúng và tôi xin lỗi về điều đó. Bản thân thịt không làm cho người ta trở nên hung hăng. Tuy vậy, khẩu phần ăn của người Việt thật sự khiến họ cường tráng hơn người dân ở các nước láng giềng. Tôi biết rõ điều này vì tôi đã có thời gian dài ở Campuchia và Lào.
- Từ đâu mà ông có thông tin khẳng định rằng ở Việt Nam “món ăn khoái khẩu là thịt chó”? Ông có thực hiện cuộc thăm dò nào chưa?
Tôi không có thực hiện cuộc thăm dò nào cả. Nhưng nhiều người đã nói với tôi như thế và những người khác cũng đã viết như thế.
- Nếu có cơ hội thì ông có muốn thay đổi nội dung của bài viết trước sức ép của làn sóng phê phán gay gắt hiện nay không?
Tôi sẽ sửa nội dung về thói quen ăn thịt và tính hung hăng. Tôi đã viết không chính xác phần đó. Tôi sẽ viết rằng người Việt Nam cường tráng hơn người dân các quốc gia láng giềng vốn chỉ ăn cơm chứ không có nhiều thứ khác trong khẩu phần của họ.
“GS Joel Brinkley lẽ ra phải tìm hiểu nhiều hơn nữa trước khi viết bài này nhưng hình như ông ta chỉ biết vừa đủ để tỏ ra nguy hiểm mà thôi. Bài viết của ông đã khiến tờ báo cho khởi đăng phải xấu hổ mà thừa nhận rằng nó “không đáp ứng các tiêu chuẩn báo chí” rồi đổ thừa cho sơ sót trong “quá trình biên tập tin bài”. Đồng nghiệp trước đây của vị giáo sư này tại tờ New York Times và hiện nay ở Đại học Stanford chắc là đang lắc đầu ngao ngán” - Scott Duke Harris (nhà báo Mỹ từng đoạt giải Pulitzer)
- “Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Stanford nhận thấy bài viết này là một sự xuyên tạc hình ảnh văn hóa Việt Nam... Bài báo của GS Joel Brinkley là một sự tấn công được ngụy trang sơ sài vào nền văn hóa Việt Nam, đặc biệt là thú ẩm thực. Những phát biểu xúc phạm của vị giáo sư này, như khẳng định người Việt đã tiêu thụ gần hết động vật hoang dã/thuần hóa, là không chính xác và chỉ mang tính giật gân. Tất cả chỉ dựa trên số liệu thống kê xuất phát từ những hoàn cảnh không rõ ràng... Ông ấy đã khiến chúng tôi thất vọng” - Trích từ bài viết của Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Stanford đăng trên tờ The Stanford Daily, tờ báo do sinh viên trường này điều hành.
- “Tôi viết thư này thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với bài viết gần đây của ông về thói quen ăn uống của người Việt. Là một bạn đọc làm trong lĩnh vực hàn lâm và với tư cách là một người Úc gốc Việt, tôi trông đợi ông phải có chút kiến thức về chủ đề mà ông đang viết, thế nhưng tôi cảm thấy thất vọng vì ông thiếu cả kiến thức cơ bản cũng như kinh nghiệm để nhận xét về văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á. Hơn nữa, những dữ liệu ông nêu ra là vô giá trị và vô căn cứ về mặt khoa học. Hậu quả là gần như mỗi đoạn văn trong bài viết của ông đều sai sự thật hoặc không thỏa đáng về mặt khoa học” - Nguyễn Văn Tuấn (giáo sư Đại học New South Wales, Úc).
|
Bài viết nguyên văn bằng tiếng Anh, tạm dịch như sau:
“Ở Việt Nam, bạn dễ dàng nhận thấy những điều bất thường. Bạn không nghe tiếng chim hót, không thấy sóc leo cây hay chuột lục lọi trong những đống rác. Thậm chí, cũng chẳng có con chó nào chạy rông.
Thực tế, hầu như bạn không thấy được một con thú hoang hay thú nuôi nào cả. Chúng đi đâu cả rồi? Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng: chúng đều bị ăn thịt cả.
Dĩ nhiên, cũng như đa số các nước trong khu vực, hổ, voi, tê giác và những động vật lớn khác đã bị bán sang Trung Quốc. Việt Nam không phải là nước duy nhất làm điều này, thế nhưng, Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới nói quốc gia này là tàn ác nhất đối với động vật hoang dã.
Nhiều báo cáo cho thấy người Việt giết tê giác để lấy sừng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Người Trung Quốc cần những chiếc sừng cũng như nhiều bộ phận cơ thể của các động vật quí hiếm khác vì tin vào công dụng chữa bệnh hoang đường.
Việc mua bán động vật có thể giải thích được sự tuyệt vong của loài hổ, voi và những con thú lớn khác. Nhưng còn chim và chuột thì sao? Vâng, người ta cũng ăn cả chúng, như với hầu hết các loài động vật khác ở đây. Vào tháng Giêng ở Đà Nẵng, tôi đã thấy một người hàng rong bên vệ đường đang bán một chậu chuột chết, lông đã được vặt hết nhưng thân hình còn nguyên vẹn, sẵn sàng để nấu.
Mùa xuân trước, tổ chức Bảo tồn Quốc tế đã báo cáo rằng một số loài vượn Việt Nam, một họ hàng của giống đười ươi, “đang đứng trước thảm hoạ diệt vong” vì chúng đã bị ăn thịt hết, chỉ còn lại vài con.
Những điều này dẫn đến một vấn đề thú vị. Người Việt từng ăn thịt qua nhiều thế hệ, trong khi các nước láng giềng phía tây Đông nam Á như Campuchia, Lào, Thái Lan và Miến Điện lại không động đến đông vật hoang dã.
Tại những nước trên, bạn có thể thấy những đàn chim giờ không còn nữa ở Việt Nam, cũng như vô số chó và mèo. Ở những nơi ấy, người ta chủ yếu ăn cơm, và thức ăn của người dân cũng ít ỏi.
Việt Nam luôn là một quốc gia hung hãn. Đã có 17 cuộc chiến tranh với Trung Quốc kể từ khi giành được độc lập hơn 1.000 năm trước và đã xâm chiếm Cambodia vô số lần và gần đây nhất là vào năm 1979. Trong khi đó, những quốc gia ở phía tây của nó đa phần là hòa bình trong những thế kỷ gần đây.
Nhiều nhà nhân loại học và sử học cho rằng sự khác biệt này là từ nguồn gốc của quốc gia. Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, trong khi Ấn Độ lại ảnh hưởng nặng nề đến những quốc gia kia - hai quốc gia với đặc tính vô cùng khác biệt cho đến tận ngày nay.
Rõ rang, đây là một phần nguyên nhân. Nhưng tôi còn cho rằng vì người Việt thường ăn thịt qua nhiều thế hệ, bổ sung một nguồn chất đạm quan trọng trong chế độ ăn uống của họ, điều này cũng giải thích thiên hướng hung hăng của quốc gia này và tạo ra một mối tương phản rõ rệt so với các nước láng giềng.
Hiện nay, món ăn được ưa chuộng là thịt chó. Trên thực tế, thịt chó rất đắt. Nó được xem là món đặc biệt vì được cho là chứa nhiều chất đạm hơn những loại thịt khác. Trong truyền thống người Việt, mỗi khi bị xui xẻo, bạn nên ăn thịt chó để thay đổi thời vận. Nhưng bạn không nên ăn vào ngày đầu tháng âm lịch vì sẽ làm vận may đảo ngược. Bạn sẽ gặp xui xẻo.
Nhưng giờ đây truyền thống đang đối chọi với thời buổi hiện đại và luật lệ cũng thay đổi theo. Ba mươi năm trước, nuôi chó là phạm pháp. Chính quyền cho rằng thịt chó là một ưu tiên dinh dưỡng nên không được bỏ qua. Quan điểm này vẫn còn phù hợp, mặc dù chính quyền đã bãi bỏ điều luật trên từ nhiều năm qua.
Thực tế là cho đến nay, không là một điều hiếm hoi khi ta thấy dọc theo các xa lộ những chiếc xe vận tải chở những chú chó nằm cuộn trong những chiếc lồng chồng cao đến sáu tầng, rộng tám tầng để đưa ra chợ -- tương tự như cảnh chuyên chở gà đến lò mổ ở phương tây.
Nhưng Việt Nam hiện là một đất nước đang giàu lên nhanh chóng; hơn phân nửa dân số sinh sau cuộc chiến Việt Nam (mà họ gọi là cuộc chiến tranh chống Mỹ). Thu nhập bình quân đầu người là 3.400 Mỹ kim, dù có vẻ không nhiều nhưng lại cao hơn đa số các nước láng giềng. Và một khi giới trung lưu tăng trưởng, ảnh hưởng từ phương Tây cũng tăng theo -- được tiếp thu từ truyền hình, điện ảnh, Facebook, Twitter và những thứ khác.
Điều này làm nảy sinh ra việc một số người muốn nuôi giữ thú vật. Vì thế giờ đây thỉnh thoảng bạn cũng thấy được vày chú chó đang nằm trước hiên nhà ai đó -- dưới con mắt đầy cảnh giác của chủ nhà. Thậm chí giờ đây khi Việt Nam đang trưởng thành và hiện đại hoá nhanh chóng, nếu một chú chó nào lang thang xa nhà, ai đó sẽ bắt cóc chúng và làm thịt.
Đến thăm Việt Nam, nhiều du khách phương Tây đã cảm thấy thất vọng. Như một blogger phương Tây đã nhận định: “Tôi có thể thành thực nói rằng đấy là một cảnh rùng rợn nhất mà tôi từng chứng kiến.”
Tôi hoàn toàn đồng ý.
|
(Theo Tuổi trẻ, NCĐT)
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/109340/giao-su-my-xin-loi-ve-bai-viet-sai-sot-ve-viet-nam.html
http://www.chicagotribune.com/sns-201301291330--tms--amvoicesctnav-c20130129-20130129,0,7268350.column (Bảng gốc English)
http://www.chicagotribune.com/sns-201301291330--tms--amvoicesctnav-c20130129-20130129,0,7268350.column (Bảng gốc English)
No comments:
Post a Comment