Sunday, February 24, 2013

Trao súng cho thằng điên không bằng trao quyền cho thằng dốt!

24/02/2013

Con “chuột bạch” khốn cùng!

Tô Văn Trường
Có một loạt việc tày đình được quyết định rất ẩu và khoác một cái vỏ bọc an toàn là ”thí điểm” để có thể thành công hay không thì kẻ phạm tội vẫn có cửa thoát thân. Nếu coi những chuyện lớn như vậy là thí điểm thì quả là người ta đã mang đất nước ra để làm trò đùa. Thí điểm tập đoàn nhà nước, hút hết máu của nền kinh tế thì là chuyện thật chứ còn thí điểm gì nữa. Thí điểm 2 nhà máy bô xit, đây là đầu tư thật cả tỷ đô la và kéo theo một loạt các hạ tầng phụ trợ , lại là thí điểm. Nếu công luận không sớm lên tiếng thì quy mô khủng có thể bắt đầu ngay chứ đâu chỉ giới hạn ở 2 nhà máy.
Tàu cao tốc không làm xuyên Việt được thì cũng dự định “thí điểm” ở một đoạn để thúc đẩy phát triển du lịch miền Trung. Tới đây, không biết nhà máy hạt nhân có thí điểm không? Mà nói rộng ra đi lên Chủ nghĩa xã hội mà chẳng ai biết rõ nó là cái gì thì cũng lại là một cuộc thí điểm nhiều đời hết ông đến cha, giờ đã đến cháu chắt rồi. Ai là người đam mê “thí điểm” và tự cho mình có quyền “thí điểm” nhiều và với quy mô như vậy? Cơ thể của đất nước, xã hội có thể chịu đựng nổi bao nhiêu lần thí điểm nữa đây?
Nhìn lại cả quá trình phản biện xã hội về dự án bô xít Tây Nguyên, rất nhiều nhà khoa học, người dân đã không tiếc thời gian, công sức nghiên cứu, tìm hiểu đi thực tế, phân tích đánh giá toàn diện dự án để khuyên can, kể cả lấy chữ ký kiên trì kiến nghị tập thể của hàng nghìn người nhưng kết quả như “đàn gảy tai trâu ” nên mới tới cơ sự này.
Mấy hôm nay bùng lên 2 sự kiện là Thủ tướng tuyên bố dừng cảng Kê Gà và thông tin là làm bauxite kiểu gì cũng lỗ! Thông tin xấu không bưng bít được nữa. Vinacomin chắc cũng hết “máu” rồi nên đang “giẫy chết” và đang bắt đầu điệp khúc “chỉ triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ ” – tức là đổ tội cho Thủ tướng đây. Trước đây, Thủ tướng đã có lần đăng đàn nói rõ dự án bô xít là chủ trương lớn của Đảng. Còn Đảng là ai và có thể đổ tội cho ai đây?!!! Ngay nhiều vị lãnh đạo chủ chốt đương chức hiện nay đã từng nói như ra lệnh cho Quốc hội "Đã quyết rồi"! Liệu có thể lôi ra công luận, và tòa án lương tâm ông cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, cái người cả gan ký với Tàu năm xưa đã kịp hạ cánh an toàn về cưới cô vợ trẻ hay không?
Có 2 việc quan trọng cần phải làm ngay. Thứ nhất là thành lập Ban Thẩm định đánh giá độc lập xem xét lại toàn diện về dự án bô xít. Các số liệu “ma, ảo thuật” liên quan đến dự án là trách nhiệm cụ thể của ai? Dừng ngay bây giờ thì còn phúc cho dân tộc, cho dù đã đầu tư tốn kém đến đâu chăng nữa. Cần phải dừng ngay dự án để xác định rõ những kẻ tiếp tục “cố đấm ăn xôi” hay ngoan cố để vụ lợi hoặc chạy trốn trách nhiệm. Thứ hai là bài học nào từ sự kiện này có thể rút ra cho việc ra các quyết định chiến lược và lắng nghe phản biện xã hội?
Người dân có quyền đặt câu hỏi vì lý do gì khi dự án bô xít Tây Nguyên biện giải ở trên giấy cũng còn chưa xong, khía cạnh nào cũng thấy lo “điên đảo luôn” (ngôn ngữ của Táo quân), giờ thì làm kiểu gì cũng lỗ nữa thì tại sao lại còn làm? Có mục tiêu thật nào chưa nói ra không? Tại sao nhìn vào đâu cũng thấy công nghệ Trung Quốc, công nhân Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sản phẩm bô xít gần như duy nhất là Trung Quốc? Chỉ có điếc và mù mới không biết Trung Quốc đang nhăm nhe muốn nuốt chửng Việt Nam.
Lý do chính để Đảng và Nhà nước vẫn quyết tâm thực hiện dự án bô xít lâu nay vẫn là hiệu quả kinh tế trên giấy. Nay thực tiễn, bước đầu đã bác bỏ thành lũy cuối cùng của một thứ lập luận lừa dối thiên hạ này. Các loại VINA lâu nay có làm được cái gì ra hồn đâu ngoài việc xà xẻo phần trăm các dự án cho vào túi riêng. Các mặt khác như văn hóa, an ninh quốc phòng, môi trường, v.v. Các chuyên gia, các nhà khoa học đã nói từ lâu, không ai có thể bào chữa được nữa về mức độ rủi ro cao và tác động xấu của dự án. Có điều trước đây người ta vẫn nói theo kiểu “cả vú lấp miệng em” là do ta nghèo nên vẫn phải chấp nhận hy sinh một vài thứ để có cái ăn.
Về các bài học thì có lẽ vẫn là về lỗi hệ thống. Về quyết định chiến lược, lâu nay có một thực tế tệ hại là đất nước cứ bị mang ra làm trò thí nghiệm. Đất nước và dân tộc ta đang là một con “chuột bạch” khốn cùng! Có một loạt việc tày đình được quyết định rất ẩu và khoác một cái vỏ bọc an toàn là ”thí điểm” để có thể thành công hay không thì kẻ phạm tội vẫn có cửa thoát thân. Nếu coi những chuyện lớn như vậy là thí điểm thì quả là người ta đã mang đất nước ra để làm trò đùa. Thí điểm tập đoàn nhà nước, hút hết máu của nền kinh tế thì là chuyện thật chứ còn thí điểm gì nữa. Thí điểm 2 nhà máy bô xit, đây là đầu tư thật cả tỷ đô la và kéo theo một loạt các hạ tầng phụ trợ , lại là thí điểm. Nếu công luận không sớm lên tiếng thì quy mô khủng có thể bắt đầu ngay chứ đâu chỉ giới hạn ở 2 nhà máy.
Lần này, các lãnh đạo Vinacomin còn đang sống sượng, muối mặt phán bừa rằng biết đâu trong 30 năm nữa thì giá nhôm sẽ lên cao thì dự án lại hiệu quả!!! Cần phải đánh giá lại toàn diện dự án để từ đó rút ra bài học về những sai sót trong việc quyết định làm dự án. Trong việc đánh giá lại, nên loại bỏ quyết định mang tính chính trị mà phải xây dựng trên việc đánh giá lợi ích kinh tế và môi trường. Làm đến đâu, chỉ mang tính thử nghiệm, hay khai thác đáp ứng nhu cầu của thị trường thì phải xem xét lợi ích kinh tế như thế nào, có tính đến cả giá của nó trong thời gian sắp tới. Theo tôi, 5 năm trước mắt, giá alumin khó lòng mà đi lên vì kinh tế thế giới sẽ tiếp tục yếu. Theo bài báo Wall Street Journal, về cung vẫn cao hơn cầu. Họ sản xuất nhưng tồn kho để giữ giá. Nếu lãi suất tăng, tồn kho sẽ đắt, hàng tung ra sẽ làm giá xuống nữa, ít nhất 20%. Như vậy, năm 2014-2015 lối ra của bô xit vẫn sẽ đen tối (tham khảo bài báo theo đường link sau: http://professional.wsj.com/article/SB10001424127887324352004578136901061507138.html?mg=reno64-wsj).
Có phương pháp “ngụy luận” khác là thay vì đưa ra các chỉ số đo lường kết quả và sự thành công, người ta hay quy về một số chỉ số định tính khó đo lường, mập mờ. Cần phải tiếp tục cảnh giác với kiểu lập luận đưa mọi sự vào thế mập mờ để nói thể nào cũng được này (đã dốt lại còn tỏ ra “nguy hiểm”). Doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ ở các chỉ số tài chính, kinh doanh thì đưa ra khái niệm khó đo là điều tiết vỹ mô, điều tiết thị trường. Chương trình đánh bắt cá xa bờ thay vì cần có các chỉ số đo lường hiệu quả bền vững của đồng vốn đầu tư thì lại viện cớ củng cố an ninh quốc phòng mơ hồ. Cuối cùng cũng đành thú nhận thất bại. Nhà máy Dung Quất thay vì sử dụng các chỉ số đầu tư đơn giản như NPV, IRR thì lại nhấn mạnh tới động lực phát triển miền Trung, cố tình “giật gấu, vá vai” bưng bít, để mỗi năm lỗ 120 triệu đô la, tất cả lại đổ lên đầu tiền thuế của dân… Lợi ích nhóm sẽ tiếp tục hoành hành biến lãnh đạo thành "hoàng đế cởi truồng" trước bàn dân thiên hạ. Dự án tỷ đô Cảng Lạch Huyện đang tìm cách “lách luật” thì nguy cơ đi theo vết xe đổ đã hiển hiện rõ ràng.
Tàu cao tốc không làm xuyên Việt được thì cũng dự định “thí điểm” ở 1 đoạn để thúc đẩy phát triển du lịch miền Trung. Tới đây, không biết nhà máy hạt nhân có thí điểm không? Mà nói rộng ra đi lên Chủ nghĩa xã hội mà chẳng ai biết rõ nó là cái gì thì cũng lại là một cuộc thí điểm nhiều đời hết ông đến cha, giờ đã đến cháu chắt rồi. Ai là người đam mê “thí điểm” và tự cho mình có quyền “thí điểm” nhiều và với quy mô như vậy? Cơ thể của đất nước, xã hội có thể chịu đựng nổi bao nhiêu lần thí điểm nữa đây?
Một bài học sâu xa nữa là văn hóa tiếp thu phản biện xã hội. Không thể không đặt câu hỏi tại sao lãnh đạo đất nước lại mắc quá nhiều sai lầm như vậy?. Hầu như đụng đâu, sai đấy, làm đâu, hỏng đấy! Quyết định càng lớn lại càng sai. Bên cạnh nhiều vị lãnh đạo tầm nhìn, tư duy, năng lực hạn chế là đội ngũ tham mưu hỏng. Còn chốt kiểm soát cuối cùng là phản biện xã hội thì lại bị thù ghét thì còn ai chỉ dẫn, góp ý cho mình nữa. Chuyện xảy ra quá nhiều lần. Chân lý của quyền lực đã thắng quyền lực của chân lý hết lần này đến lần khác. Riêng lần này, ai có thắc mắc về dự án bô xít, xin nhớ lại lời của thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang, còn chụp mũ cho các trí thức là phản động!?
Vấn đề không chỉ nằm trong việc tiếp thu phản biện xã hội mà chính là hệ thống hiện hành không dung thứ ý kiến trái chiều với nhà cầm quyền. Cái gì cũng để Đảng và Nhà nước lo thì lo sao cho thấu. Mưu sỹ thì toàn lựa đám a dua, lựa theo ý cấp trên mà minh họa theo thì làm gì còn có khoa học nữa. Trung thần còn có mấy người? Không chỉ là văn hóa tiếp thu phản biện mà còn là văn hóa tự chịu trách nhiệm cá nhân. Những người to mồm về dự án bô xit này đi đâu cả rồi? Ai là người đưa ra chủ trương lớn? Ai là người xây dựng báo cáo khả thi? Cái gốc cuối cùng vẫn phải là dân chủ hóa xã hội để mỗi quyết định quan trọng của đất nước được đưa ra đều phải có chất lượng dựa trên một quy trình khoa học, chuẩn mực.
Đã đến lúc Đảng, Quốc hội và Chính phủ phải nhận thức được rằng những tiếng nói phản biện xã hội không còn là những tiếng đàn bầu thánh thót du dương vì còn đâu những cánh đồng cỏ xanh non, những bờ xôi, ruộng mật, còn đâu những cánh rừng bạt ngàn Tây Nguyên vươn lên từ đất để bảo vệ đất. Những tiếng nói phản biện xã hội đang trở thành tiếng cồng, tiếng chiêng của Tây Nguyên hùng vĩ, là tiếng sóng gầm trong bão của biển Đông đang ôm ấp cái đất nước còng lưng hình chữ S mảnh mai đầy đau thương, bất hạnh này. Tiếng nói phản biện là tiếng lòng chắt lọc từ trí tuệ của các trí thức, người dân có trái tim hàng đêm nhỏ máu trước vận nước.
Không thể chữa các vết thương đã hoại tử bằng bông băng và thuốc đỏ. Từ dự án bô xít, (một chuyện trong hàng ngàn chuyện) Đảng tự đặt mình trên dân tộc, quốc gia rồi, vậy cần gì Quốc hội, cần gì Hiến pháp? Điều 4 Hiến pháp như khẳng định: "Cha là chủ gia đình". Đúng, Cha là chủ gia đình, theo nghĩa ấy mà trị quốc thì là "Nhân trị" chứ không phải "Pháp trị". Vì có mấy ai làm cha mà có thương ghét các con công bằng, công tâm đâu. Vì thương ghét là phạm trù tình cảm, cảm tính. Cả Quốc hội, Chính phủ, Tòa án đều do một "Cha" quyết thì thà rằng "Cha" làm luôn như trong chiến tranh, Đảng quyết hết mà có ai nói gì đâu?. Hoàn cảnh thời bình, tập tành với nền kinh tế thị trường cho nên phải học kinh nghiệm của những nước tiên tiến. Làm theo kiểu cũ, say mê thí điểm thì sẽ còn biết bao bô xít, các Vina và những "kỳ nhân Hoàng Hữu Phước" xuất hiện làm điên đảo nhân quần! Đã đến lúc người dân không cho phép đem dân tộc ta, đất nước ta ra làm thí điểm như con “chuột bạch” khốn cùng!
T.V.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

2 comments:

  1. Nguyen Huynh Thuat (Nguyễn Huỳnh Thuật)February 24, 2013 at 11:35 PM

    Bài của chú Trường Thuật đã đọc tại http://bvbong.blogspot.com/2013/02/con-chuot-bach-khon-cung.html

    Thư gửi chú TS. Tô Văn Trường xin được chia sẻ cùng cả nhà và những ai quan tâm.

    "Kính thưa chú Trường,

    Kính chia sẻ chú Trường bài viết rất thẳng, rất thật, rất trọng tâm, rất thuyết phục và đánh động lương tri.

    Cháu nghĩ chúng ta đang cần một sự thức tỉnh và giác ngộ thực sự để thay đổi cách suy nghĩ và cách nhìn của chúng ta nhất là từ các vĩ nhân-lãnh đạo kinh tế và vĩ nhân chính trị và trước hết là từ chính ta, hội ta, nhóm ta, gia đình ta.

    Theo cháu thì phương pháp tư duy, hệ tư duy, ý thức hệ, tâm thức cộng đồng, tâm thức đất nước là gốc của mọi vấn đề. Cháu hiểu rằng hiện nay chúng ta đang khủng hoảng nghiêm trọng về hệ tư duy, hệ giá trị chú ạ. Xã hội chúng ta được xây dựng trên một cái nhìn nhị nguyên, khái niệm rất hạn hẹp về thành công, hạnh phúc và phát triển bền vững. Họ cho rằng, quan niệm rằng đó chính là quyền lực, giàu có tài chính, tăng trưởng GDP, danh tiếng, sức mạnh quân sự-vũ trang.

    Cháu hiểu rằng để có cuộc cách mạng lớn chúng ta cần có một ý chí mạnh liệt, và dũng cảm quyết tâm hành động để có một cuộc đại phẩu thuật, một cuộc lột xác thoát khỏi lối tư duy truyền thống, lối tư duy thiếu/không hệ thống, lối tư duy không biện chứng/tương tức chân thực. Trong khi chờ cuộc đại phẫu thuật toàn diện ấy thì mỗi người trong chúng ta có thể tự giải phẩu cho chính mình trước chú ạ.

    Kinh nghiệm của cháu cho thấy, những người đã tự giải phẩu hoặc được giải phẩu thành công là những người sống một cuộc sống rất sức khỏe, vui vẻ, nhẹ nhàng, hạnh phúc, tự do trong bất cứ hoàn cảnh và môi trường sống nào khi họ đã có điều kiện tối thiểu để sống: cơm ăn đơn giản, thanh đạm và áo che thân. Họ là những người đã về nhà thật sự, đã về, đã tới. Ở đâu cũng là nhà, ở đâu cũng là hạnh phúc, ở đâu cũng là thiên đường. Họ tri ân/biết ơn với những gì họ có được, họ nâng nêu từng chiếc lá, cành hoa, con vật,.. Họ trân quý tình làng, nghĩa sớm, xem trọng cái tình-cái nghĩa, tính cộng đồng. Cháu cũng đã may mắn sống cùng và chứng kiến, trải nghiệm với những gia đình "một mái nhà tranh có nhiều cửa trống, nhiều quả tim vàng" ở Cát Tiên, Khao Yai của Thái Lan,...và đặc biệt là tại Nhật Bản. Họ tiêu thụ ít, tiêu thụ đơn giản với những sản phẩm sạch-hữu cơ từ vườn nhà, sống gần gũi với thiên nhiên-mẹ hiền và sớm chiều có mặt tươi mát-hạnh phúc cho nhau.

    "Một nhà sum họp sớm trưa
    Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng
    Bốn bề bát ngát mênh mong
    Nhạc dâng hôm sớm mây lồng trước sau"

    Đối với họ cũng như đối với cháu thì hạnh phúc là cái gì đó rất đơn giản, dễ có và mới hoài và ở bất kỳ lúc nào, ở đâu ta cũng có thể có được như những giọt sương mai đậu trên lá thắm, như nụ cười và ánh mắt trẻ thơ, như chim ca hoa nở,... chú ạ. Cháu cũng như họ nhận được sức sống tươi mát và trẻ trung từ những phiến lá non, sự vững chãi bình an của những chiếc lá xanh đã lớn và sẵn sàng buông xả thân mạng rất thong dong của những chiếc lá già hay những chiếc lá xanh lìa cành trong giông tố một cách bình an không sợ hãi,,,...
    Mỗi buổi sáng cháu được chào mặt trời với những tia nắng luôn luôn mới và nắng trong cháu với nắng của mặt trời vui mừng gặp lại nhau mỗi ngày. Mỗi ngày một mới, mỗi ngày cháu là một con người mới, mỗi ngày cháu có nhiều cơ hội để ăn mừng sự sống và chọn những niềm vui sống khác nhau.

    Cháu quyết tâm sống cho đẹp mỗi ngày để đáp lại niềm tin yêu gửi gắm nơi chú, quý thành viên nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên (SCT). tổ tiên, gia đình và mẹ đất. Quyết tâm gieo hạt từ bi, ươm mầm tươi xanh, giữ gìn đất mẹ mỗi ngày. Là công dân tốt có trách nhiệm với môi trường và đất nước mỗi ngày.

    Kính thư,
    cháu Thuật"

    ReplyDelete
  2. Lê Hữu Tí WRE 73 & 75February 26, 2013 at 9:43 AM

    Thân gửi Anh Trường,

    Cám ơn bài "Dự đoán về dự án Bô-xít Tây nguyên" của anh. Email vừa rồi của tôi hơi khác với email tôi viết về Dung quất trước đây. Tôi nhìn ở đây một bài toán kinh tế vi mô nhưng xã hội chúng ta chưa có một hệ thống thực hiện và kiểm tính (accountability). Tôi nghĩ chúng ta học kinh nghiệm xây dựng "hạ tầng xã hội và tổ chức" (social and institutional infrastructure) của Mỹ trong những năm cuối thập kỹ 1980s khi Quốc hội khám phá việc mất trên mấy tỉ đô la trong việc xây dựng. Từ đó, Quốc hội Mỹ đã đưa ra bộ luật "Qui hoạch và quản lý chiến lược" (Government Performance and Results Act - GPRA) năm 1993. GPRA là bộ luật về qui hoạch và quản lý chiến lược đầu tiên của thế giới và từ đó cả nước Mỹ đã và đang tiếp tục học hỏi để thực thi bộ luật này. Tôi hy vọng trong năm 2013, Quốc hội Mỹ sẽ tổng kết kinh nghiệm 20 năm học hỏi trên cơ sở toàn quốc để chúng ta tham khảo. Các nước ở Đông Nam Á cũng đã và đang học hỏi việc lập và áp dụng kinh nghiệm này. (Đây là phần đầu của chương trình tôi dạy tại ĐH Đà nẵng.)

    Trong email của tôi về Bô-xit, tôi hy vọng tập thể chúng ta có thể đưa ra làm tiền đề cho việc xây dựng nên một case-study với những con số cụ thể và kinh nghiệm thực tế của sự yếu kém của "hạ tầng xã hội và tổ chức" của đất nước. Tôi hy vọng case-study này sẽ dẫn đến khả năng và yêu cầu cho việc thiết lập những cơ chế và hạ tầng xã hội ban đầu cho công việc qui hoạch và quản lý chiến lược.

    Điểm đầu tiên là chúng ta có những thông tin cụ thể về kinh tế của dự án này hay không.

    Thân ái,

    Lê Hữu Tí
    WRE 73 & 75

    ReplyDelete