Ăn chay: bạn đang cứu thế giới!
SGTT.VN - Bạn là người ăn chay trường hay thường ăn vào
những ngày rằm như tết Nguyên tiêu vừa qua? Nghe có vẻ “thánh thiện”
tuy có hơi “âm lịch” so với phần nhân loại còn lại. Thế nhưng, có thể
bạn không cổ hủ chút nào như nhiều người đang nghĩ, mà rất hiện đại, bởi
bạn đang tham gia “cứu độ” thế giới…
Miếng bíttết cuối cùng
Tiệc chay thịnh soạn thua gì tiệc mặn. Ảnh: Hồng Thái
|
Một ngày thu 1970, anh sinh viên Peter Singer ngồi
trong phòng ăn rộng lớn của đại học Oxford và ăn một miếng bíttết. Ngồi
bên cạnh anh, một sinh viên khác quyết liệt từ chối miếng bíttết. Tưởng
miếng thịt không ngon, anh hỏi thì người bạn học bảo là anh không bao
giờ ăn thịt. Sửng sốt tra hỏi bạn thì anh nhận ngay một câu hỏi ngược:
“Hãy đưa ra một lý do tử tế về chuyện vì sao con người lại được phép ăn
thịt thú vật?” Ăn nốt miếng bíttết còn lại, Peter Singer không biết rằng
đó là miếng bíttết cuối cùng của đời mình.
Vốn là một người gốc Do Thái và có người thân bị giết
hại trong trại tập trung của Đức quốc xã, Singer rất nhạy cảm với những
đề tài như thế. Sau câu hỏi của bạn đồng môn, anh sinh viên khoa triết
này bỏ hơn ba năm ròng để nghiền ngẫm đề tài “Con người nên hành xử với
loài vật ra sao?” Năm 1975, anh cho ra đời một cuốn sách best-seller có
tên Giải phóng loài vật (Animal Liberation).
Tư tưởng lớn gặp nhau
Lập luận để triết gia Singer tạo nên cả một phong trào
bảo vệ động vật chính là việc đả phá thuyết “con người là trung tâm”.
Với quan niệm con người là loài có lý trí, do vậy có giá trị, còn loài
vật thì không, ông đặt ra câu hỏi: Liệu ta có thể cả quyết rằng cuộc
sống thông minh có giá trị hơn cuộc sống ít thông minh, và trí thông
minh vượt trội có phải là giấy phép vô điều kiện để con người muốn làm
gì thì làm?
Trước Singer đã có nhiều bậc tiền bối lẫy lừng. Triết
gia Bentham, từ thời cách mạng Pháp 1789, đã viết: “Sẽ đến một ngày mà
các tạo vật đang sống sót được nhận những quyền lợi mà người ta vẫn bạo
ngược tước đi của chúng. Một ngày nào đó ta sẽ nhận ra rằng số lượng
chân và lớp lông trên da không phải là lý do chính đáng để ta bắt một
sinh thể mẫn cảm chịu số phận như vậy. Nhưng đặc điểm nào khác có thể
giúp vạch đường biên giới bất khả xâm phạm? Khả năng nói chăng? Nhưng
một con ngựa trưởng thành hay một con chó biết thể hiện nhiều hơn một
đứa trẻ… Câu hỏi không phải là chúng có biết tư duy hay chúng có biết
nói không, mà là chúng có biết đau khổ không?”
Và nếu ngược dòng thời gian hơn 2.000 năm nữa, ta sẽ
được diện kiến Đức Phật Thích Ca, một trong những người đầu tiên cảm
nhận sâu sắc nỗi đau của chúng sinh khi bị giết hại…
Thay búa bằng… điện
Cũng như con người khi xử án đồng loại, việc “xử tử”
bò, heo, cừu… đi từ búa tạ cho đến búa điện hay “ghế điện”. Chỉ có điều
khác là con người khi bị xử tử thì thường là những kẻ có tội, còn heo bò
thì chỉ có mỗi tội là sinh ra làm loài vật. Điều này cho thấy rằng loài
người cũng đã cảm nhận sự đau đớn của loài vật khi bị giết thịt và họ
muốn giảm thiểu mức độ đó cho chúng.
Có thể lập luận rằng việc giết hại gia súc, gia cầm là
cần thiết để loài người sinh tồn. Thế nhưng đối với các loài “sơn hào
hải vị” mà việc săn bắt chỉ để “ăn chơi cho biết” thì sao? Chỉ là một
loài yếu ớt như “cây sậy” mà Pascal từng nhận định, thế nhưng bằng trí
thông minh tai hại của mình, loài người đã săn bắt hầu như không chừa
một loài động vật nào dù đó là loài bò, đi, chạy, nhảy, lặn lội hay bay
lượn. Như dân nhậu thường nói: “Con gì nhúc nhích được thì ăn”.
Cho đến giờ, pháp luật bảo vệ động vật vẫn hoạt động
yếu xìu. Được xem là có quyền lực nhất trên thế giới để bảo vệ giống
loài là Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã có
nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Tuy nhiên, tính kể từ khi CITES thành lập
năm 1973 cho đến nay, con người cứ thản nhiên “ăn” mất một nửa số động
thực vật có từ thời điểm đó!
Cây, con chết, người cũng chết…
Tốc độ diệt chủng muôn loài của con người không chỉ gói
gọn trong việc “thịt” trực tiếp mà còn ở việc tàn phá những “ngôi nhà”
của chúng. Hiện nay chỉ còn 2% diện tích rừng nhiệt đới che phủ, là nơi
tập trung nhiều giống loài động thực vật “nhất quả đất”. Trong vòng chưa
đầy 30 năm, rừng co hẹp quá nửa. Với tốc độ đốn gỗ như hiện nay, đến
năm 2045, cây nhiệt đới cuối cùng sẽ bị chặt. Mỗi ngày có vài trăm loài
thú tuyệt chủng, đa phần không có tên và chưa bao giờ được khoa học khám
phá…
Không cần là nhà tiên tri hay một bác học uyên thâm thì
con người cũng có thể biết đến chân lý đơn giản: “Cây chết, sau đó
người chết”. Thế nhưng những nỗ lực bảo vệ môi trường của các nhà sinh
thái học hiện nay chừng như không khác gì chàng “hiệp sĩ khùng” Don
Quixote chống lại cối xay gió. Hầu hết các chính quyền trên thế giới đều
lên tiếng mạnh mẽ về việc “bảo vệ môi trường” hay “phát triển bền
vững”, kỳ thực đó chỉ là những trò mị dân.
Công bằng mà nói, cũng đã có những nỗ lực từ một vài
quốc gia phát triển, như việc đưa môn luân lý học môi trường vào giảng
dạy hay đòi mở rộng khái niệm “vật quyền” lên ngang bằng với khái niệm
“nhân quyền”, thế nhưng đó cũng chỉ được xem là một thứ “phú quý sinh lễ
nghĩa” chứ chưa phải chuyện thiết yếu sinh tồn.
Vậy thì bạn cứ hãy ăn chay để “cứu độ” chúng sinh đi, như con người của hơn 2.000 năm trước, nếu bạn có thể…
Đoàn Đạt
Nguồn:
SCT: Mời quý vị xem clip ngắn từ Internet tạm gọi là: Chân lý giản đơn minh họa.
Câu tiêu đề khá hay ^^, ăn chay bạn đã góp phần cứu cả thế giới
ReplyDelete