RSF lại trắng trợn vu cáo và bịa đặt
Cập nhật lúc 22:26, Thứ hai, 04/02/2013 (GMT+7)
Sau khi Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF)công bố phúc trình "chỉ số tự do báo chí năm 2013", lập tức một số cơ quan truyền thông và một số diễn đàn trên internet vội vàng khai thác thông tin từ phúc trình này để vu cáo Ðảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Như vậy, một lần nữa RSF lại tiếp tục các hành vi không xứng đáng với nhiệm vụ mà nó tự đề ra...
Trước hết cần khẳng định, với bản phúc tiến "Chỉ số tự do báo chí 2013" công bố ngày 30-1, Tổ chức phóng viên không biên giới (Reporters sans frontières - RSF) vẫn tiếp tục duy trì cái nhìn sai trái, cùng nhiều luận điệu có tính chất xuyên tạc, để từ đó nhận xét xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam. RSF cho rằng, tự do báo chí ở Việt Nam "chưa có dấu hiệu được cải thiện", người dân "không được tự do tiếp cận thông tin" và Việt Nam đã trở thành "nước cầm tù blogger và cư dân mạng lớn thứ hai thế giới". Tranh thủ cơ hội, ngay sau khi RSF công bố phúc trình, một số cơ quan truyền thông và diễn đàn vốn thiếu thiện chí với Việt Nam, vội vàng "té nước theo mưa", đồng loạt đưa tin bài, thực hiện phỏng vấn để "làm sâu sắc hơn" phúc trình của RSF, mà thực chất là tuyên truyền, kích động những nhóm cực đoan trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài và một số người sinh sống trong nước. Trả lời phỏng vấn trên VOA tiếng Việt ngày 30-1, Benjamin Ismail - Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của RSF, xưng xưng nói rằng tình hình tự do báo chí tại Việt Nam "đang xuống dốc tệ hại". Ông ta đưa ra dẫn chứng, 12 trường hợp blogger, 14 "nhà hoạt động Công giáo và Tin lành" bị xét xử trong năm 2012 để vu cáo Nhà nước Việt Nam "gia tăng đàn áp tự do báo chí, tự do ngôn luận". Benjamin Ismail còn trắng trợn bịa đặt: Ở Việt Nam "không có chỗ cho bất kỳ sự chỉ trích nào đối với nhà cầm quyền, các chính sách của Nhà nước, hệ thống chính trị hay các quan chức nhà nước". RSF và Benjamin Ismail cố tình bỏ qua những cáo trạng đầy thuyết phục, với đầy đủ chứng cứ cụ thể và xác thực về hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của các đối tượng mà họ đề cập là thấy thái độ không khách quan, bất chấp sự thật của họ. Chẳng lẽ, RSF và Benjamin Ismail không có khả năng phân biệt sự khác nhau giữa nhà báo chính danh, lấy hoạt động báo chí làm nghề nghiệp xã hội với người viết blog (blogger) lợi dụng internet để thực hiện hành vi vi phạm Ðiều 88 của Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam?
Ðể "chứng minh" cho độ tin cậy trong phúc trình của RSF, trả lời phỏng vấn của VOA, Benjamin Ismail cố gắng giải thích phương pháp điều tra, nghiên cứu của tổ chức này; và ông ta càng giải thích thì lối làm việc tùy tiện, vô trách nhiệm của RSF càng lộ ra. Tương tự một số tổ chức đội lốt nhân quyền khác như "Tổ chức theo dõi nhân quyền" (Human Rights Watch), "Nhà tự do" (Freedom House), RSF không hề tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế tại Việt Nam; phớt lờ các thông tin và các số liệu chính thống, chỉ đưa ra một bảng khảo sát gồm 80 câu hỏi thuộc loại "trả lời sao cũng được", cóp nhặt tin tức một chiều, phiến diện, thậm chí bị bóp méo từ một số website, blog của các thế lực thù địch với Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, rồi phỏng vấn một số nhân vật vốn có định kiến cố hữu và cái nhìn thiếu thiện chí đối với Việt Nam, từ đó "xào nấu" lại thành một món hổ lốn rồi đưa vào cái gọi là "phúc trình thường niên". Với phương pháp điều tra, nghiên cứu phi khoa học và cực kỳ phiến diện như thế, liệu các báo cáo của RSF có "khách quan, tin cậy" như RSF và các thành viên của nó vẫn lớn tiếng khẳng định?
Ra đời năm 1985 tại Montpellier (Pháp), do các nhà báo là Robert Menard, Remy Loury, Emilien Jubineau và Jacces Molenat thành lập, ngay từ đầu, RSF tự cho mình quyền cổ xúy tự do báo chí, tự do ngôn luận kiểu phương Tây. Và xét theo tiến trình thời gian, đây không phải là lần đầu tiên RSF lên tiếng bóp méo, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Vậy RSF hoạt động có phải vì quyền lợi của các nhà báo hay không? Ðiểm lại các vụ bê bối của RSF do báo chí phương Tây phanh phui, nhiều người không khỏi giật mình khi biết RSF nhận tiền của nhiều tổ chức, cá nhân để thực hiện các chiến dịch tuyên truyền chống phá các quốc gia theo "hợp đồng" đã được thỏa thuận trước. RSF bị tố cáo nhận hàng trăm nghìn USD từ các tổ chức phản động lưu vong người gốc Cuba như "Trung tâm vì Cuba tự do", tổ chức "Ðoàn kết Cuba" và một số tổ chức đối lập tại Venezuela để tiến hành các chiến dịch truyền thông chống Nhà nước Cuba và Chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela tháng 4-2002. Không dừng lại ở đó, RSF còn nhận tiền từ các tổ chức, cá nhân để tham gia các hoạt động lật đổ Tổng thống Haiti, J.B. Aristide trong cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này năm 2004. Cụ thể, RSF đã "dụng công" viết và đưa nhiều bài vở tuyên truyền cáo buộc Tổng thống J.B. Aristide là "hắc tinh của tự do báo chí", để gây áp lực từ bên ngoài nhằm lật đổ Tổng thống J.B.Aristide. Mục từ "Phóng viên không biên giới" của Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đã cho biết: "Theo điều tra của hai nhà báo thuộc đài truyền thanh và truyền hình nhà nước WDR (Ðức) tổ chức Phóng viên không biên giới nhận được nhiều ủng hộ từ nhà tỷ phú Mỹ George Soros, người đã từng ủng hộ công đoàn Solidarnos’c’ hàng triệu USD, từ Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (National Endowment for Democracy), là tổ chức mà 90% ngân sách xuất phát từ ngân sách quốc gia của Mỹ và thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ". Có lẽ vì thế, để đổi lại, việc tường trình về thực trạng "phân biệt đối xử" với nhà báo được RSF tiến hành một cách có chọn lọc. Cũng theo Wikipedia, RSF "đã im lặng nhiều năm trong vụ người quay phim của Al Jazeera, Sami Al-Haj, bị bắt cóc tại Pakistan lúc đang trên đường công tác đến Afghanistan, bị tra tấn và ngày 13-6-2002 bị dẫn về Guantánamo... Việc 16 nhà báo bị giết chết trong lần NATO không kích đài truyền hình Nam Tư cũng không được nhắc đến trong bất cứ một bản tường trình hằng năm nào của RSF"... Như vậy, dù tự khoác lên mình cái nhãn hiệu bảo vệ quyền lợi của các nhà báo nhưng trên thực tế, RSF không hề bảo vệ các nhà báo chân chính mà chỉ chăm chăm tiếp tay một số blogger và nhà báo giả danh để hoạt động chống phá. Khi cái "tâm" đã không sáng thì khó có thể đưa ra các nhận xét khách quan. Do đó, không có gì lạ trước cái nhìn sai lệch cùng xu hướng "chống cộng" của RSF. Các yếu tố có tính bản chất này không đem lại uy tín và hình ảnh tử tế cho RSF, mà RSF càng làm trò, càng cao ngạo và trơ tráo phê phán vấn đề tự do báo chí ở nước này hay nước khác, thì chỉ càng làm cho hình ảnh của nó thêm hoen ố.
Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của mọi công dân; và cũng như các quốc gia khác, để giữ gìn kỷ cương và bảo đảm sự ổn định để phát triển, Nhà nước Việt Nam không cho phép lợi dụng những quyền này để tuyên truyền, kích động lật đổ chính quyền, phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Trên thực tế, Ðảng và Nhà nước Việt Nam luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, thông qua các hình thức phản biện xã hội, qua hệ thống báo chí truyền thông. Nhân dân được tạo điều kiện thực hiện quyền phản biện thông qua đại diện của mình là MTTQ Việt Nam và các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh... Ðây là cầu nối giữa nhân dân với Ðảng và chính quyền các cấp, Mặt trận và các đoàn thể, một mặt tuyên truyền, phổ biến, động viên nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, một mặt phát huy tính dân chủ xã hội, tạo cơ hội để nhân dân phản ánh nguyện vọng chính đáng của mình. Gần 17 nghìn nhà báo được cấp thẻ Nhà báo và hơn 19 nghìn hội viên Hội Nhà báo cùng cộng tác viên trên khắp cả nước là bộ phận xã hội hết sức quan trọng, thường xuyên bám sát thực tiễn cuộc sống, đi đầu trong đấu tranh phòng và chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, từ đó đề xuất, phản biện một cách khoa học về các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với những phóng sự điều tra, các bài bình luận, phân tích sắc sảo và thuyết phục, các bài tường thuật trực tiếp các phiên họp QH, ý kiến của cử tri cả nước, v.v. báo chí Việt Nam không chỉ tham gia vào sự phát triển tinh thần, vật chất của xã hội, mà trở thành cầu nối giữa người dân với cơ quan chức năng.
Báo chí Việt Nam thật sự là một kênh thông tin, phản biện xã hội rộng rãi, công khai, dân chủ, nhanh chóng, có hiệu quả. Ðặc biệt là những ngày này, sau khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được công bố, toàn dân Việt Nam đã thảo luận rất sôi nổi, rất nhiều ý kiến đã được trình bày công khai để góp phần hoàn thiện Hiến pháp... Tất cả những sự thật ấy là bằng chứng cụ thể và xác thực, đủ sức chứng minh các đánh giá của RSF và những người như Benjamin Ismail là lố bịch.
LAM SƠN
No comments:
Post a Comment