Friday, December 6, 2013

Những món quà những quý giá được SCT làm bằng cả trái tim chung!

Nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên (SCT) đã tổ chức những lần triển lãm ở Bình Quới (TP.HCM), Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh) năm 2012, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM năm 2013 và mới đây tại nhà văn hóa Thanh niên HCM với chủ đề "Di sản Cát Tiên - Thiên nhiên trong tôi" phục vụ công chúng miễn phí một cách rộng rãi.

Cách triển lãm của nhóm rất cộng đồng và tất cả từ thiện nguyện đóng góp của các cá nhân là thành viên của nhóm và những người ủng hộ nhóm: mọi người cùng góp ảnh, góp tiền (chi phí in ảnh, xin giấy phép,...). Mới nhất là 15 nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước đã giới thiệu hơn 100 ảnh chụp những cánh rừng nguyên sinh và di sản trên khắp cả nước đến đông đảo người xem tại nhà văn hóa Thanh niên HCM vừa qua.

Ngoài chi phí đầu tư cho thiết bị chuyên dụng, các nhiếp ảnh gia còn lang thang nhiều ngày tháng trên các cánh rừng, di sản cả nước, chịu mưa nắng muỗi mòng, lội suối, băng đèo, vượt thác,... với nhiều gian nao và bao nguy hiểm,.... 
Nét đẹp rừng xanh, di sản, đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa Việt Nam hay một khoảnh khắc đẹp-tuyệt diệu của muôn loài, của thiên nhiên, của di sản được SCT đưa đến với công chúng là để cùng nhau hiểu và yêu thiên nhiên, yêu quý bảo vệ môi trường sống của chính mình tốt hơn, gửi gắm thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ thiên nhiên - di sản không chỉ của riêng một quốc gia mà của cả nhân loại.

Đây là món quà những quý giá vì nó được làm bằng cả trái tim của những những người yêu thiên nhiên tha thiết, những tâm hồn nghệ thuật và giàu lòng nhân bản. Video Clip này http://www.youtube.com/watch?v=eVT7z5b9tV8 đã ghi lại được các hoạt động triển lãm của nhóm ở khắp nơi và gom thành một công trình nhỏ để cùng chia sẻ hạnh phúc. Những khoảnh khắc ngắn ngủi chớp mắt đã trở thành bất tận.

Mong có thêm nhiều hơn nữa sự ủng hộ, nhiều trái tim xanh để cho các cuộc triển lãm sắp tới của SCT cho riêng sinh viên các trường đại học, các em học sinh nhất là học sinh vùng các Vườn Quốc gia, khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển, khu di sản được thành công tốt đẹp.

Trân trọng và tri ân tất cả.
Thay mặt nhóm SCT
Nguyễn Huỳnh Thuật
Xem thêm: 
 

Bốn lò phản ứng ở cùng một thung lũng như ở Ninh Thuận liệu có an toàn không?

SCT- Thầy Đặng Đình Cung là người ký chữ ký đầu tiên trong danh sách 17 nhà khoa học gửi Thư Ủng hộ Kiến Nghị của Nhóm Yêu quý Bảo vệ Rừng Cát Tiên.

BBT SCT có nhận được thư của thầy Đặng Đình Cung với nội dung, trích: "Thưa các Bác,
Tôi có ký kiến-nghị chống dự-án Đồng-Nai 6 và 6A do nhóm đề-xướng. Thủ-tướng đã quyết-định hủy-dự-án đó. Nhờ đó tôi có thêm một số bạn trên khắp thế-giới thỉnh-thoảng trao đổi với nhau về bảo-vệ môi-trường ở Việt-Nam.
Xin tự giới-thiệu bài "Thiên-tai, biến đổi khí-hậu và an-toàn điện hạt nhân" vừa được đăng ở địa-chỉ
http://motthegioi.vn/goc-quan-sat/dang-dinh-cung-thien-tai-bien-doi-khi-hau-va-toan-dien-hat-nhan
Xin kính thư
DANG Dinh Cung, ME, DS, DBA
1 rue du Poisson Bleu, F-92290 CHATENAY-MALABRY, France
DANG Dinh Cung is specialized in Industrial Management.
He advises companies in their search of productivity improvement".
“Chính phủ nên lắng nghe và xem xét tâm thư của nhà khoa học tâm huyết vì nước vì dân này vì cuộc sống an toàn của người dân địa phương trước khi quá muộn. Đây là trách nhiệm của Chính phủ cần được thể hiện trước nhân dân và lịch sử”.
SCT

Đặng Đình Cung: Thiên tai, biến đổi khí hậu và an toàn điện hạt nhân


Một công trình công nhiệp có thể bị tai nạn do vận hành và do những tác động không tùy ở thiết kế, xây dựng và vận hành như là thiên tai, thuyên chuyển nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, khủng bố tấn công, phi cơ rơi,… gọi là tác động ngoại. Xác suất những tác động ngoại này trở thành một tai nạn thì rất hiếm.
Do đó, người thường không quan tâm đến rủi ro của các tác động này trừ khi xẩy ra những tai biến như là bão Hải Yến gần đây hay sóng thần ở Nhật cách đây hai năm. Khi tai nạn xẩy ra thì hậu quả của nó rất to lớn và các kỹ sư phải bỏ ra nhiều công lao để thiết kế những hạng mục đối phó chúng và để bố trí những phương tiện cứu hộ nếu tai nạn cũng vẫn xẩy ra.
Trong bài này, chúng tôi xin giới hạn ở tác động của thiên tai. Khi lấy thí dụ thì chúng tôi chủ yếu nêu lên những tình huống của ngành điện hạt nhân. Nhưng những vấn đề và giải pháp trình bày trong bài có thể áp dụng cho tất cả mọi ngành công nghiệp: một nhà máy điện hạt nhân cũng chỉ là một nhà máy như mọi nhà máy khác với tất cả những vấn đề an toàn của một nhà máy.

Các loại thiên tai

Thiên tai bởi động đất, núi lửa, sóng thần, lũ lụt, cuồng phong và bão.
Quả đất là một lò phản ứng hạt nhân gồm một cái lõi vật liệu bị nung lỏng và một lớp vỏ đã nguội và trở nên rắn do tiếp cận với vũ trụ. Chúng ta và các sinh thảo vật sinh sống trên lớp vỏ đó của lò phản ứng. Nó gồm bởi những lớp địa chất nổi trên cái lõi lỏng xôi xục như những miếng chả nổi trên mặt dầu trong một cái nồi đặt trên lửa.
Do đó những lớp địa chất liên tục rung động sinh ra động đất khắp nơi trên toàn cầu. Thông thường thì những trận động đất đó không đủ mạnh để con người phát hiện được nếu không có máy rò tinh nhậy. Nhưng thỉnh thoảng thì có một vài lớp địa chất di chuyển mạnh sinh ra những trận động đất tai hại có thể ảnh hưởng đến diễn biến của lịch sử. Khi có động đất thì cấu trúc của một công trình có thể bị gẫy.
Có vài nơi những lớp điạ chất không kín làm cho những vật liệu lỏng trong lòng đất phun ra ngoài trời. Hiện tượng này gọi là núi lửa. Những vật liệu hãy còn lỏng có thể đốt cháy công trình. Những vật liệu đã nguội và đông lại thành đá hay bụi có thể chôn vùi công trình.
Khi động đất hay có núi lửa trổi dậy thì lòng biển bỗng nhiên rung động gây nên sóng. Sóng có thể tràn vào bờ, nơi có công trình. Người ta gọi hiện tượng này là sóng thần. Nhưng cũng có nhiều thiên tai khác sinh ra sóng thần như là gió mạnh cộng với đại triều cường. Lũ cũng là một làn sóng nước từ thượng nguồn chẩy xuống. Cường độ của sóng có thể làm vỡ công trình hay ít ra làm ngập nước và hư hại một số hạng mục bảo vệ công trình. Lụt thì cũng có tác động làm ngập các hạng mục của công trình.
Cuồng phong phát hiện ở dưới một đám mây. So với bão thì bán kính vòng xoáy nhỏ hơn rất nhiều, một hai cây số so với 500 đến 1.000 cây số. Cuồng phong rất mạnh mà lại tập trung ở một diện tích nhỏ nên khả năng tàn phá rất lớn ở vùng ảnh hưởng của nó. Hậu quả của cuồng phong tương tự như bão. Chúng thường phát hiện mỗi năm ở cùng một dải đất gọi là hành lang cuồng phong và người ta tránh không xây gì ở đó.
Bão là một hiện tượng khí tượng của vùng biển nhiệt đới. Nó có hình xoắn, ở vòng ngoài có mưa to và gió mạnh còn ở trung tâm thì yên tĩnh và không có mưa. Gió có thể lật đổ những công trình và mưa có thể sinh ra lụt với hậu quả là làm ngập các hạng mục của công trình như kể ở trên. Khi ở ngoài khơi bão tạo ra một làn sóng tiến mau hơn tâm bão và ập vào bờ với tác động như một sóng thần.
Ngoài bão ra thì thiên tai không đe dọa nước ta trầm trọng như các nước láng giềng ven Biển Đông.
Chúng ta không có cuồng phong như ở bên Mỹ. Nước ta có ít động đất,mà nếu có thì cường độ tương đối thấp. Về núi lửa thì ngoài khơi Trung Bộ thỉnh thoảng có một núi lửa hiện lên rồi biến mất. Ở Tây Nguyên cách đây vài triệu năm núi lửa phun ra một lớp basan rất thuận lợi cho các ngành nông lâm. Nhưng từ khi có sử sách ghi chép thì chưa thấy có núi lửa nào hoạt động trở lại. Những sóng thần khủng khiếp như ở đảo Sumatra hay Nhật Bản là do những động đất ở ngoài Biển Đông. Nếu xẩy ra thì cường độ của sóng đã giảm tới độ không nguy hiểm khi đến nước ta nhờ có những đảo xung quanh Biển Đông bao che. Những sóng do bão và sóng biển mạnh thì ảnh hưởng của chúng đáng lo ngại nhưng dễ khắc phục. Lũ lụt ở nước ta tự nhiên đã trầm trọng mà lại bị chính sách quản lý chỉnh trang lãnh thổ thiếu nghiêm túc làm trầm trọng thêm : đô thị hóa, đốn rừng, khai thác hầm mỏ, đào luồng giao thông đường sông, xây hồ thủy lợi với dung tích không tối ưu,… Bão nhiệt đới sinh ra ở Thái Bình Dương, xuyên qua quần đảo Philippines, vượt Biển Đông, nhân đó gia tăng cường độ trước khi đổ bộ vào đất liền miền Trung. Bão là thiên tai nguy hiểm nhất cho nước ta.

Phương pháp phòng vệ

Nếu không tính đến những đe dọa do thiên tai hay tính không đầy đủ thì công trình và những hạng mục bảo vệ có thể bị phá hủy sinh ra tai nạn với hậu quả khủng khiếp của một thiên tai. Nếu thiết kế với những thông số về rủi ro của các nước lân cận thì phải đầu tư cho những hạng mục phòng ngừa hay bảo vệ chống lại những tai nạn không bao giờ sẽ xẩy ra.
Tỷ dụ, từ một thế kỷ nay, ở nước ta không bao giờ có động đất ở bực 9 của thang Richter và không bao giờ có bão mạnh như ở Philippines. Vậy xây những công trình bảo vệ có thể chống lại thiên tai với những cường độ đó là phí phạm.
Để có những thông số vừa phải thì người ta nghiên cứu những thiên tai từ một thế kỷ trước và người ta lấy thiên tai trầm trọng nhất để làm cơ sở thiết kế công trình và những hạng mục bảo vệ.
Nhưng nếu biết đã có một thiên tai trầm trọng hơn đã xẩy ra cách đây hơn một thế kỷ hay do suy đoán khoa học thì người ta lấy thiên tai trầm trọng hơn đó để làm cơ sở thiết kế.
Ở Fukushima, người ta đã thiết kế đê đủ để chắn sóng thần lớn nhất mà họ biết đến. Nhưng, lúc đó, họ đâu biết rằng cách đây một nghìn năm đã có một sóng thần lớn hơn nữa. Nếu họ biết được khi thiết kế nhà máy thì tất nhiên họ đã dùng thông tin đó để xây một đê cao hơn và, có thể, họ đã tránh được tai nạn.
Nếu chính quyền Bắc Trà Mi đã tiến hành khảo sát địa chất và nhận thấy khối nước trong hồ Sông Tranh 2 sẽ làm gẫy những lớp địa chất dưới lòng hồ thì chắc họ đã không cho phép xây đập.
Ngoài nghi ngờ về tính đầy đủ của các nghiên cứu dựa trên lịch sử người ta còn phải tính thêm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong tương lai, những thiên tai khí hậu sẽ diễn biến phức tạp: mùa khô thì sẽ khô nhiều hơn và kéo dài lâu hơn, mùa mưa thì sẽ mưa nhiều hơn và mưa lâu hơn, giông bão thì sẽ xẩy ra nhiều hơn với cường độ gió mạnh hơn và lượng mưa lớn hơn.
Các chuyên gia chỉ tranh cãi về cường độ và lịch trình diễn tiến của những biến đổi đó chứ còn khí hậu đang biến đổi thì các vị đã nhất trí hiển nhiên này rồi. Chỉ có năm nay thôi chúng ta đã phải đối mặt với hai bão nhiệt đới mạnh khác thường có thể gọi là “bão của thế kỷ”.
Những nhận xét này làm lỗi thời nguyên tắc suy ra thông số thiết kế từ nghiên cứu thiên tai của một thế kỷ trước. Để tính đến biến đổi khí hậu, người ta nhân các thông số thiết kế đó với một hệ số gọi là hệ số an toàn. Nhưng đó chỉ là một hệ số mà mỗi văn phòng thiết kế xây dựng tự quyết một cách chủ quan.
Dù đã thiết kế những hạng mục phòng vệ với những thông số của thiên tai trầm trọng nhất thì cũng không có thể quả quyết được rằng một công trình sẽ an toàn tuyệt đối. Chúng ta chỉ có thể nói rằng xác suất một tai nạn sẽ xẩy ra là rất nhỏ, nhưng không thể nói rằng tai nạn đó sẽ không bao giờ xẩy ra.
Để đối phó với một tai nạn có thể xẩy ra người ta nghiên cứu tình huống của thiên tai trầm trọng nhất và suy đoán hậu quả của nó tới mỗi hạng mục, những gì trầm trọng nhất có thể xẩy ra khi hạng mục đó hỏng hóc hay bị phá hủy và trong trường hợp đó thì phải đối phó ra sao.
Nếu giải pháp đối phó thất bại thì hạng mục nào sẽ hỏng hóc hay bị phá hủy thêm và hậu quả trầm trọng nhất sẽ ra sao và trong trường hợp đó thì phải đối phó như thế nào. Người ta cứ tiếp tục như vậy ít nhất năm lần cho mỗi hạng mục của công trình. Sau đó người ta tổng kết để thiết kế trước khi động thổ (chúng tôi xin nhấn lại : “trước khi động thổ”) một phương pháp đối phó tai nạn gồm những hệ thống báo động, nhân viên cứu trợ, kênh thông tin cư dân và chương trình huấn luyện cứu trợ. Nhân viên cứu trợ và cư dân sẽ định kỳ thao luyện theo chương trình đó.
Trong ngành điện hạt nhân, tai nạn trầm trọng nhất là lõi của lò phản ứng bị nung chẩy. Đây là điểm cần xem xét kỹ lưỡng trước khi mua một nhà máy. Tai nạn này không nhất thiết là do thiên tai gây ra. Ở Fukhusima, sóng thần đã làm hỏng các máy bơm làm nguội lò phản ứng. Vì không được làm nguội, lõi của lò đã nung chẩy làm nung chẩy luôn cả lò phản ứng.
Theo diễn biến của tai nạn thì hình như Tepco, chủ nhân nhà máy, không có thiết bị bơm thay thế khẩn cấp nên tai nạn đã tràn lan một cách phức tạp. Theo định nghĩa của một cao điểm, một thiên tai không bao giờ có cao điểm ở nhiều nơi cùng một lúc.
Những người chuyên môn viết lại lịch sử đặt câu hỏi : “Tại sao lại xây bốn lò phản ứng gần nhau như vậy ?”. Dù có sẵn phương án đối phó hoàn hảo đến đâu chăng nữa thì tất cả công nghệ nước Nhật cũng không thể đối phó được với bốn lò hạt nhân bị tai nạn cùng một lúc.
Rút kinh nghiệm tai nạn Fukushima, một kỹ sư về an toàn công nghiệp có thể đặt câu hỏi : “Bốn lò phản ứng ở cùng một thung lũng như ở Ninh Thuận liệu có an toàn không?
Kết luận
Vì định nghĩa của thiên tai trầm trọng nhất không có tính chất khoa học và hệ số an toàn có tính chất chủ quan mà mọi dự án xây dựng công nghiệp, nhất là một dự án điện hạt nhân, đều gây tranh cãi về an toàn (có gì bảo đảm rằng trong quá khứ xa hơn một thế kỷ không có một thiên tai nào trầm trọng hơn? Hệ số an toàn phải là một rưỡi, hai, ba hay hơn nữa?).
Tốt nhất là để cho cư dân nơi mình dự định xây công trình quyền quyết định thực hiện dự án hay không vì họ là bên liên quan (stake holder) chính sẽ chịu hậu quả của một tai nạn. Hồ sơ tác động an toàn phải bao gồm (a) hồ sơ về lịch sử những thiên tai của địa phương, (b) định nghĩa thiên tai trầm trọng nhất của mỗi loại thiên tai và những thông số thiết kế đã được suy ra, (c) những phương án đối phó thiên tai với chứng minh những phương án đề ra sẽ hữu hiệu, (d) ảnh hưởng của những tai nạn tiềm tàng, (e) những phương án bảo vệ sinh mạng và tài sản của cư dân nếu tai nạn xẩy ra với chứng minh những phương án đề ra sẽ hữu hiệu. Sau khi tham khảo hồ sơ và đã được chủ đầu tư trả lời rành mạch và trung thực tất cả những câu hỏi của người dân thì dự án sẽ không bị chống đối. Chúng tôi chưa biết có một dự án điện hạt nhân nào đã được thực hiện hài hòa mà không theo quy trình thông tin tuyên truyền thông thoáng này.
Lòng tin của người dân là nhân tố thành công chính (key factor of success) của mọi ý đồ.

Tuesday, December 3, 2013

Lạc lối Thiên Đường Xanh! (Thương tặng những trái tim Yêu Thiên nhiên)



Dư âm triển lãm: “Di sản Việt Nam - Thiên nhiên trong tôi”
       Lạc lối Thiên Đường Xanh
Những vạt nắng nhún nhường khua tan lớp sương đêm, tưới sắc vàng ngậy lên cảnh vật buổi sớm. Từng ngọn lau trắng muốt vặn vẹo dáng gầy theo nhịp thở của gió . Tôi khẽ sững người với cái se se lạnh đầu ngày…
Tháng 12 về… tôi gọi tên Mùa lạnh giá.
Thế sao…
Tôi vẫn ngẩn ngơ với mấy ngày cuối tháng 11-khoảng thời gian tuyệt vời khi được khoác áo xanh tình nguyện trong triển lãm: “Di sản Việt Nam- Thiên nhiên trong tôi” diễn ra ngày 23-26/11/2013 tại Nhà Văn Hoá Thanh Niên, Q1, tp.HCM. Đến giờ, tôi còn neo ý nghĩ giữa lưng chừng núi, đứng cạnh đám mây bồng bềnh và trôi dọc bờ suối trong trẻo…hơn 100 bức ảnh thể hiện nét đẹp di sản thiên nhiên, sự đa dạng của các loài động-thực vật quý hiếm trong rừng Việt Nam dường như đã đưa tôi về với đại ngàn man dại, đến gần hơn với xứ thiêng mỹ miều. Rồi chực khóc trước những bức ảnh về cánh rừng xanh bị tàn phá, thuỷ điện được xây huỷ diệt môi sinh và gần như sự vô ý thức của con người đã chém nát thân thể Mẹ hiền thiên nhiên.
Ôi, những tuyệt phẩm về vườn quốc gia, khu bảo tồn, các khu rừng Việt Nam dưới ống kính của 12 nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước đã tái hiện sinh động sự quyến rũ của cảnh sắc thiên nhiên, âm thanh trầm hùng của thác suối quấn quyện giai điệu thanh lương, trong trẻo của chim muông, thú rừng.  Tôi rảo dọc hành lang, ngắm nghía rất lâu rồi ngỡ ngàng với cách sắp xếp ảnh hết sức độc đáo. Tôi không khỏi mường tượng đến truyện cổ tích “Nguời đẹp và quái vật” , bởi bên cạnh một bức ảnh tươi đẹp về rừng núi, muôn thú hoang dã là một hiện trạng đau lòng về nạn đốt rừng, dòng chảy bị suy thoái, lũ lụt… Ba Tuệ Cát bảo: “Khi trưng bày như thế, mặc nhiên người xem dễ dàng thấy rõ tầm quan trọng của môi trường sống- đánh động tâm thức cộng đồng chấm dứt mọi hành động đối xử tệ bạc với thiên nhiên…”.
Hầu hết các bức ảnh được chụp ở Vườn Quốc Gia Cát Tiên- một trong sáu khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận ở Việt Nam. Nếu như các nhà khoa học xem là “kho báu đại ngàn” thì với những ai sinh sống, làm việc ở đây  đều tâm niệm nó là “Báu vật” mà tạo hoá đã ban tặng. Chú Nguyễn Huỳnh Thuật- đồng sáng lập và trưởng đại diện SCT, người gắn bó máu thịt với rừng cho biết: “Đây là dịp để công chúng có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh rừng nguyên sinh tại Việt Nam, sự giàu có mà  thiên nhiên hào phóng ban tặng cho chúng ta. Những bức ảnh cũng phản ánh về thái độ ứng xử của con người với thiên nhiên, nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay hành động để bảo vệ môi trường”. Trả lời phỏng vấn, chú cũng chia sẻ rằng: “Lần đầu tiên trong lịch sử, có những bức ảnh về thiên nhiên chân thực và quý hiếm thế này. Điều thứ hai mà mọi người ngạc nhiên là không có bất cứ tài trợ nào cho cuộc triễn lãm này. Họ tìm hiểu ai có thể làm chuyện này, và họ được biết rằng có những người yêu quý thiên nhiên chung tay vì những mục tiêu tốt đẹp”.
Tôi mê mẫn những bức ảnh, não bộ bắt đầu phân tích góc ảnh, độ sáng, kỹ thuật lia máy, phỏng đoán mức độ nguy hiểm của những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và không chuyên mà lòng khâm phục tột cùng. Giả như không chất chứa lòng yêu thiên nhiên, thương tiếc “báu vật” của tạo hoá thì họ có treo sinh mạng mình trên ống kính, lang thang ngày đêm trong rừng thẳm với biết bao mối nguy rình rập, chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết?  Bác nhiếp ảnh Tăng  A Pẩu- thành viên Ban tổ chức và cũng là một trong các tác giả có nhiều ảnh triển lãm lo ngại: “Việt Nam may mắn được thiên nhiên ưu đãi cho những khu rừng nhiệt đới trù phú, tươi đẹp nhưng chúng đang có nguy cơ bị biến mất do sự tàn phá của con người”. Bác hào hứng kể về chuyến “đi săn”, “canh me” chim, bướm…, khoảnh khắc tìm và ghi lại một góc ảnh đẹp…Khuôn mặt bác rạng rỡ nhưng khó ai đoán được bác đã phiêu bạt nhiều ngày, nhiều tháng gian nan mới “chớp” được những bức ảnh trác tuyệt ấy… Khu rừng Khộp và huyền thoại linh thiêng của nó cũng được bác Saigon Guider giới thiệu cặn kẽ, diễn lược chi tiết với kinh nghiệm dày dạn “nằm rừng săn ảnh”, vốn hiểu biết đáng nể đã gây một hấp lực đậm nét trong mắt người thưởng lãm.
Chú Ngô khẽ nhắc: “ Khi cháu đã khoác chiếc áo xanh này, xem như một tình nguyện viên thực thụ, hãy góp tay cùng mọi người lan toả tình yêu thiên nhiên đến cộng đồng…Đến làm quen với các bạn tình nguyện viên khác và học hỏi cháu nhé”. Mỉm cười rụt rè, tôi ái ngại vì chính bản thân mình còn kém cỏi trong giao tiếp- huống hồ truyền đạt tình yêu môi sinh đến mọi người quả thực khó. Tôi xốc ba lô, tự nhủ: “ Nothing’s Impossible. Hãy làm bằng tất cả trái tim. Các chú đã cho mình nguồn tự tin đáng kể rồi còn gì…”. Rốt cuộc tôi cũng reo cười trong bầu không khí tình nguyện và lẽo đẽo theo sau anh Hoàng để học lóm. Anh say sưa kể về các loài chim, thú quý, giải thích tỉ mỉ tập tính sinh tồn và nguy cơ tuyệt chủng như loài Vượn má vàng, Chà vá chân đen, dòng dọc, hồng hoàng…Và những ngày anh lặn lội rừng sâu  để chụp ảnh chim muông cũng cuốn hút sự hiếu kì của mọi người. Cứ ngỡ anh là một chuyên viên môi trường “lão luyện” chốn rừng già, nhưng ít ai biết rằng anh là kiến trúc sư trẻ, một nhiếp ảnh gia không chuyên Yêu Rừng, nguồn kiến thức sâu rộng đó do anh tự tìm tòi, nghiên cứu được.
Tôi lạc về vòng tay ôm của Mẹ Đất- Trời Cha.Tôi về với Đại Địa nhiệm màu!
Tôi về với truyền thuyết tên gọi Cát Tiên- truyện kể chàng thợ săn người Châu Mạ bắn vào khối trụ lạ có nhiều màu rực rỡ. Nước tuôn trào từ khối trụ thành một dòng suối thơ mộng ảnh hiện bóng các tiên nữ múa hát, nào khác xứ sở bồng lai tiên cảnh?
Gói ghém cho riêng mình những thông tin thú vị về rừng, chim, thú…tôi hồ hởi ra “chiêu” với những bạn trẻ trạc tuổi. Có một chút ít vốn liếng về mỹ thuật nên phản xạ của tôi khá vững về màu sắc, bố cục ảnh nhưng thách thức vướng vấp là diễn giải ý nghĩa bức ảnh. Điều đó có nghĩa là tình nguyện viên thay mặt nhiếp ảnh gia thuyết trình về ý nghĩa thực sự của ảnh để khôn khéo truyền đạt Thông điệp Môi Trường đến người xem. Thoáng bối rối, tôi nhún vai kể  cho họ nghe những gì tôi biết về cánh rừng thiêng, đời sống hoang dã, những tập tính dễ thương của chim, thú…Một bạn sinh viên năm 2, chuyên ngành kinh tế gật đầu: “Rừng chết, thì con người cũng chết. Mong một lần em được đến thăm Cát Tiên huyền bí”. Chính sự đồng tình của người bạn trẻ đã động viên lòng tự tin trong tôi: “Yeah, Nothing’s Impossible- This moment is a miracle moment”.
Cứ thế, tôi huyên thuyên chia sẻ bài thuyết trình ngắn gọn rất tự nhiên không mảy may rập khuôn theo kiểu trường lớp.  Tôi học được cách truyền thông tốt với mọi người qua việc  trao nhau nụ cười. Nó dễ làm như bài tính đố của học sinh tiểu học và đáp số tìm được là sợi dây nối kết yêu thương, hàn gắn những rạn vỡ trong mối quan hệ giữa người với người. Những ấn tượng sâu sắc về nụ cười thiện nguyện, về giờ phút sát cánh cùng các bạn trên hành trình vì Mái Nhà Xanh- vì Hơi Thở Lành hoá thành một kỷ niệm khó phai trong miền ký ức tôi!
Tạm biệt Sài Gòn…tôi về với miền sông nước quê tôi!  
Chuyến đi đã cho tôi những cơ hội tiếp xúc với thực tế cuộc sống, trui rèn Ý thức sống- Thái độ sống và hun đúc Khả năng đối diện với thách thức trong tự thân. Tôi nhận ra những thiếu sót, yếu kém của bản thân mình, vì lòng tự tôn của tuổi trẻ tôi dành 2 ngày để tìm hiểu kỹ lưỡng vết thương mà “bọn cướp đen tối” đã gây lên hình hài Mẹ hiền Thiên Nhiên. Nhưng tôi cũng biết rằng, chỉ khi nào tôi thật sự có mặt mỗi phút, mỗi giây để trở về quan tâm, chăm sóc Mẹ thì đó là cách tốt nhất huỷ bác và dè chừng những tác động xấu đến Mẹ. Lúc ấy “Ta đã có đường về với Đất Mẹ thanh lương”… Đừng hờ hợt trước những động thái tàn hoại môi trường sống trên quê hương mình!
Là một sinh viên chuyên Anh, tôi mong muốn dùng ngôn ngữ để lan toả Thông điệp Bảo vệ Môi trường- Giữ gìn Môi sinh đến với tất cả mọi người. Sức tôi yếu, cho tôi xin thêm một cánh tay, hai cánh tay rắn khoẻ nào đó để vòng tay thêm vững chãi để che chở thân Mẹ. Hãy biểu đạt niềm yêu kính của ta trước tấm lòng thuần hậu, bao dung của Mẹ, nơi ta quay về nương náu sau những mệt mỏi, rối ren đời sống.
Hình ảnh thiên nhiên khoác chiếc áo bàu xinh đẹp, lộng lẫy… chú nai rừng nhởn nhơ trên đồng cỏ non, những chú chim đủ màu chao liệng tự do trên bầu trời… quang cảnh thê lương của cháy rừng, đôi mắt ứa nước của người dân tộc thiểu số…  khiến lòng tôi buốt, mạch tim chú Thuật rối nhịp Nhật và Nguyệt, rừng xanh yêu dấu, biển xanh bạt ngàn đều là những thực tại nhiệm mầu đang có thật. Khi ta không còn mãi chạy theo mồi nhử của tiền tài-quyền chức-danh vọng-địa vị-tiêu thụ xa xỉ,… tất cả đều có khả năng tính trở về bản tính thiện, bản tính người trong ta bất cứ lúc nào nếu muốn, để rong chơi, nắm tay leo đồi thế kỷ với nhiều rừng xanh bạc ngàn cùng bao thác ghềnh đẹp”.
Trong bài phỏng vấn của Jo Confino “ Beyond environment: falling back in love with Mother  Earth” ( Tình yêu dành cho Đất Mẹ không còn là ý niệm về Môi trường), Thiền sư Nhất Hạnh đã trả lời rằng: “Khi nhu yếu sinh tồn bị thay thế bởi lòng tham và ngạo mạn thì bạo động sẽ phát sinh và luôn đưa tới những huỷ diệt không đáng có. Chúng ta đã học bài học rằng gây bạo lực cho con người và cho những loài sinh vật khác chính là ta đang gây bạo lực với chính ta, còn khi ta biết bảo hộ mọi loài thì ta cũng đang bảo hộ chính ta. Thiên nhiên xanh  là lá chắn vĩnh hằng cho nhịp thở con người. Khi màu xanh mất đi, sự còi cọc, điêu tàn xâm chiếm thì ta sẽ nằm dài thoi thóp…ngán ngẩm vì  ta đã đối xử tàn nhẫn với môi trường sống cũng nghĩa là tự thắt nghẽn mạch sống của chính ta. Rồi thèm thuồng  chi nữa một hành tinh tươi nguyên  nét xanh non…?
Ôi Mẹ ơi,
Để con vòng tay ôm Mẹ,
Để con gào lên nỗi đau của Mẹ,
Để con đau thay Mẹ một lần,
Để con cúi lạy, van lơn người,
Dẫu máu rướm đỏ ngòm cánh áo
Thân này tan, nhưng tim con tha thiết vạn lần
Đừng giết Mẹ! Xin đừng giết Mẹ!
Những khoảnh khắc trải nghiệm tuyệt vời đó đã thả hồn tôi về với Đại ngàn mênh mông, tiếp xúc sâu sắc với chốn Địa Đàng xinh đẹp…dường như tôi lạc lối Thiên đường xanh! Ôi thật  nhiệm mầu!
Thương yêu và trân trọng,
Tôi,
Chuông Mây- Hồ Linh
1-3/12/2013. 1:19pm
P/S: Thương tặng những trái tim Yêu Thiên nhiên. 

Tuesday, November 26, 2013

Cuộc triễn lãm ảnh “Thiên nhiên trong tôi” và xã hội dân sự.

Xã hội dân sự, Cuộc triễn lãm ảnh “Thiên nhiên trong tôi”

Kính Hòa, 2013-11-26 

Cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường cần có nhiều hoạt động dân sự để hỗ trợ vai trò của nhà nước. Trong thời gian qua, các hoạt động dân sự như vậy, dù không được nhà nước chính thức công nhận, góp phần rất lớn vào việc bảo vệ môi trường cũng như nâng cao ý thức về môi trường của người dân. Kính Hòa trình bày.
Cuộc triễn lãm tranh và thông điệp bảo vệ môi trường
Một cuộc triễn lãm về thiên nhiên Việt nam được tổ chức tại số 4 Phạm Ngọc Thạch, trong khuôn viên nhà văn hóa Thanh niên từ ngày 23 đến 26 tháng 11 đang thu hút hàng ngàn lượt người xem. Điều đặc biệt là cuộc triễn lãm không phải do một trường Đại học, một cơ quan nhà nước,…hay những tổ chức …chính thống tương tự, mà bởi một nhóm người. Nhóm người đó là nhóm những người yêu quý rừng Nam Cát Tiên (Nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên, Saving Cat Tien - SCT, có FB: https://www.facebook.com/SavingCatTienNP - BBT SCT) và những ủng hộ viên của họ.
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật, sáng lập viên của nhóm SavingCattien cho chúng tôi biết,
Lần đầu tiên trong lịch sử, có những bức ảnh về thiên nhiên chân thực và quý hiếm thế này. Điều thứ hai mà mọi người ngạc nhiên là không có bất cứ tài trợ nào cho cuộc triễn lãm này. Họ tìm hiểu ai có thể làm chuyện này, và họ được biết rằng có những người yêu quý thiên nhiên chung tay vì những mục tiêu tốt đẹp như thế này.
Hơn 100 bức ảnh có ba chủ đề. Thứ nhất là các di sản thắng cảnh thiên nhiên cũng như văn hóa. Thứ hai là về các động thực vật quý hiếm của Việt nam. Thứ ba là các tác động xấu của rừng bị phá do các công trình thủy điện. Ba chủ đề này nhằm đánh thức sự vô ý thức của con người làm tàn phá thiên nhiên và môi trường.”
Khu vực triễn lãm nhìn từ xa
Khu vực triễn lãm nhìn từ xa. Courtesy Saving Cat Tien NP
Ngoài những người chụp ảnh Việt Nam, có nhiều tác giả quốc tế cũng gửi ảnh đến để triễn lãm, như nhà nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh về thiên nhiên là ông Aladin Thayer người Áo, hay như Giáo sư Gebhard Schueler chuyên gia về rừng và làm việc tại Việt Nam hơn 15 năm. Các bức ảnh này được bán để lấy tiền bù cho chi phí tổ chức triễn lãm, và giúp đỡ cho những nạn nhân của lũ lụt vừa qua tại miền Trung mà một trong những nguyên nhân chính là các hồ chứa nước của những nhà máy thủy điện xả nước lũ giữa mùa mưa bão.
Một người dân trung niên đến xem triển lãm nói với chúng tôi,
“Những bức ảnh rất sống động. Tôi thấy người ta xem nhiều và hiểu nguyên nhân của các tận lũ lụt vừa qua.”
Cuộc triễn lãm cũng cuốn hút nhiều bạn trẻ, thậm chí có bạn chỉ biết cuộc triễn lãm qua truyền thông xã hội mà đã lặn lội từ xa đến để xem triễn lãm. Một bạn sinh viên đến từ Trường Đại học Cần thơ nói với chúng tôi,
“Em biết cuộc triễn lãm qua Facebook, em đến xem triễn lãm và phụ giúp các anh chị của nhóm Saving Cat Tiên chung tay bảo vệ môi trường. Sự tàn phá của con người sẽ gây ra các hậu quả đáng tiếc như lũ lụt vừa qua ở miền Trung.”

Rừng nhiệt đới, ảnh của Prof. Dr. Gebhard Schueler

Rừng nhiệt đới, ảnh của Prof. Dr. Gebhard Schueler

Nhà nước nhìn nhận như thế nào về hoạt động dân sự?
Những người tổ chức buổi triễn lãm này cũng chính là những người đã vận động để hủy bỏ hai dự án thủy điện lớn trên sông Đồng Nai là Đồng Nai 6 và 6A. Nhờ sự vận động này mà Chủ tịch nước đã biết đến mối nguy hại của hai con đập ấy đối với di sản thiên nhiên vô cùng quý giá của Việt nam là rừng nam Cát tiên, cũng như những tác động tiêu cực đối với cả vùng hạ du miền Đông Nam bộ nói chung. Và cuối cùng thì chính phủ Việt nam đã chính thức loại bỏ hai dự án Đồng nai 6 và 6A.
Hiện nay nhóm người này vẫn không có …tư cách pháp nhân dù rằng các hoạt động dân sự của họ đã đóng góp vô cùng lớn vào việc cất lên tiếng nói phản biện, đưa những lợi ích xã hội vượt lên tiền bạc và quyền lực của các công ty tư nhân chủ hai dự án kể trên.
Khi chúng tôi đang viết những dòng này thì có một bài báo xuất hiện trên báo Quân đội nhân dân bàn về xã hội dân sự. Trong bài báo này tác giả Thanh Nguyên trình bày một cái nhìn đầy nghi ngại về xã hội dân sự qua đoạn văn sau đây,
Một số blogger ở ta đang tuyên truyền cho “xã hội dân sự”, vẫn giữ nguyên khái niệm nhưng mang hàm nghĩa tiêu cực: Đòi thành lập những tổ chức đối trọng với nhà nước với mục đích làm giảm, khuynh loát vai trò, dẫn đến làm tan rã Nhà nước.


Khách xem triễn lãm

Khách xem triễn lãm. Courtesy Saving Cat Tien NP

Trên thực tế thì không thấy hoạt động dân sự nào nhằm làm tan rã nhà nước cả. Chẳng lẽ việc dừng lại các dự án kinh tế nguy hại như Đồng Nai 6 và 6A lại nhằm mục đích làm tan rã nhà nước? Hay phản biện dự án bauxite Tây Nguyên lại khuynh loát vai trò của Nhà nước?
Bài báo cũng cho rằng nếu xã hội dân sự là tốt đẹp thì Việt nam đã có rồi, tác giả viết,
Nếu cái gì tốt đẹp, tích cực của cái gọi là “xã hội dân sự” thì xã hội ta đang có. Ví dụ chúng ta có tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của người lao động. Tương tự là các tổ chức Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi… Các tổ chức này cũng là cầu nối giữa Nhà nước với hội viên…
Không rõ hàng trăm cuộc biểu tình của công nhân và các vụ đòi đất của nông dân có nằm trong các hoạt động dân sự mà bài báo cho rằng đã có những tổ chức hoạt động dưới sự lãnh đạo của đảng đảm nhận hay không? Nhưng riêng trong lĩnh vực môi trường thì còn rất nhiều khiếm khuyết.
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật nói với chúng tôi rằng sau cuộc triễn lãm này, nhóm của ông tiếp tục dấn thân vào việc bảo vệ môi trường thiên nhiên và văn hóa, và quan trọng nhất là hợp tác với các trường Đại học nhằm thực hiện việc giáo dục ý thức về môi trường, góp phần lan tỏa đến cộng đồng những vấn đề phải quan tâm về môi trường của đất nước,…và còn rất nhiều việc phải làm. Ngay như bạn sinh viên đến từ Cần Thơ mà chúng tôi có nói chuyện, sống ngay giữa đồng bằng sông Cửu Long mà lại hoàn toàn không biết gì về các đập nước đã và đang được xây dựng trên thượng nguồn sẽ giết dần giết mòn quê hương của bạn ấy.
Ông Thuật cũng có nói rằng chính hoạt động của các nhóm dân sự sẽ gánh bớt gánh nặng của nhà nước. Các nhóm dân sự sẽ góp phần cất lên tiếng nói phản biện từ dân chúng, giúp cho việc cân bằng các lợi ích khác nhau giữa các nhóm người trong xã hội. Điều ấy chỉ làm cho Nhà nước mạnh lên, trở thành Nhà nước do dân và vì dân như chính phủ Việt nam vẫn hàng tuyên bố.

Một số hình ảnh chọn lọc của triển lãm xem tại http://kienthuc.net.vn/di-san/ve-dep-nhu-thien-duong-cua-di-san-thien-nhien-vn-284868.html?p=19









Tham khảo:
http://phapluattp.vn/20131123112727165p0c1085/thien-nhien-len-tieng.htm
http://vtv4.vn/newsdetail/8402
http://www.tinmoitruong.vn/viec-lam---hoc-bong/trien-lam-anh--thien-nhien-trong-toi--tai-tp-hcm_79_28775_1.html
http://www.tinmoitruong.vn/my-thuat/trien-lam-anh-nghe-thuat-chu-de---thien-nhien-trong-toi-_42_28821_1.html 
http://vietbao.vn/Du-lich/Song-dong-anh-thien-nhien-hoang-da-o-Viet-Nam/2131732490/255/ 
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/san-khau-my-thuat/rung-viet-nam-song-dong-trong-trien-lam-vi-thien-nhien-2913819.html  
http://vtvcantho.vn/CVTV/Detail/44865?id_menu=70&act=News_Detail&contr=Content  
http://danviet.vn/que-nha/ve-dep-ky-thu-rung-viet-nam-trong-mat-cac-nha-nhiep-anh/20131126045243537p1c29.htm 

Thông điệp triển lãm “Di sản Việt Nam – Thiên nhiên trong tôi” đã được lan xa.

SCT - Thông điệp triển lãm đã được lan xa.

“Di sản Việt Nam – Thiên nhiên trong tôi”
14:47' 25/11/2013
(ThanhtraVietnam) - Chào mừng kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và Ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28/11, đồng thời hưởng ứng "Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh, nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên, Triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề: “Di sản Việt Nam – Thiên nhiên trong tôi” được tổ chức bởi sự góp sức chung tay của cộng đồng những người yêu quý và bảo vệ thiên nhiên Việt Nam.

Triển lãm ảnh giới thiệu bộ ảnh chọn lọc của nhiếp ảnh gia Tăng A Pảu và nhóm nhiếp ảnh gia thiên nhiên. Khoảng 100 bức ảnh được trưng bày với 3 chủ đề chính: Nét đẹp di sản thiên nhiên Việt Nam; sự đa dạng của các loại động vật, thực vật quý hiếm trong rừng Việt Nam; Rừng ơi!: mô tả những cánh rừng bị tàn phá bởi sự thiếu ý thức của con người.

Triển lãm là tập hợp những góc nhìn nghệ thuật nhưng cũng ẩn chứa những câu chuyện thực tế đằng sau mỗi sự thể hiện. Với sự chung tay của hơn 12 nhiếp ảnh gia trong cả nước, triển lãm mong muốn mang lại một cái nhìn toàn diện và cập nhật nhất cho cộng đồng cả nước về di sản thiên nhiên Việt Nam và rừng Việt. Việt Nam hiện đang được thế giới đánh giá là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây. Đây là dịp để cộng đồng có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh rừng nguyên sinh tại Việt Nam, sự giàu có mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho chúng ta, đồng thời cũng phản ảnh thái độ ứng xử của con người trước thiên nhiên, nhằm kêu gọi cộng đồng yêu quý thiên nhiên và cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ cho chính chúng ta. Đây hoàn toàn là một triển lãm vì cộng đồng, bởi triển lãm hoàn toàn được tổ chức dựa trên tinh thần tự nguyện đóng góp từ những con người yêu thiên nhiên, thể hiện bước tiến trong ý thức yêu quý bảo vệ thiên nhiên và di sản của người Việt.

Quỹ thu được từ hoạt động bán ảnh tại triển lãm sẽ đóng góp cho các hoạt động bảo vệ thiên nhiên và một phần được trích đóng góp cho đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung. Sự kiện diễn ra từ ngày 23 – 26/11 tại Nhà Văn hóa Thanh Niên, số 4, Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh./.
Nhất Anh
Một số hình ảnh chọn lọc của triển lãm xem tại http://kienthuc.net.vn/di-san/ve-dep-nhu-thien-duong-cua-di-san-thien-nhien-vn-284868.html?p=19 









Tham khảo:
http://phapluattp.vn/20131123112727165p0c1085/thien-nhien-len-tieng.htm
http://vtv4.vn/newsdetail/8402
http://www.tinmoitruong.vn/viec-lam---hoc-bong/trien-lam-anh--thien-nhien-trong-toi--tai-tp-hcm_79_28775_1.html
http://www.tinmoitruong.vn/my-thuat/trien-lam-anh-nghe-thuat-chu-de---thien-nhien-trong-toi-_42_28821_1.html 
http://vietbao.vn/Du-lich/Song-dong-anh-thien-nhien-hoang-da-o-Viet-Nam/2131732490/255/ 
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/san-khau-my-thuat/rung-viet-nam-song-dong-trong-trien-lam-vi-thien-nhien-2913819.html  
http://vtvcantho.vn/CVTV/Detail/44865?id_menu=70&act=News_Detail&contr=Content 

Monday, November 25, 2013

Rừng xuống phố! Triển lãm "Thiên nhiên trong tôi"

SCT- Những hình ảnh và tin bên dưới đã được đã tờ báo in Tuổi trẻ Chủ Nhật (TTCN) ra ngày 23.11 lan tỏa và đầu giờ chiều Chủ Nhật nhiều người báo với BTC là họ đã đi tìm mua tờ báo này để xem, lưu lại ảnh đẹp nhưng rất tiếc tại các sạp báo đã không còn. Có vợ chồng hai bác lớn tuổi đã đến triển lãm để xem và tiềm mua ảnh có chim gõ kiến và BTC ghi nhận địa chỉ và sẽ chuyển cho hai bác sớm.

TTCT - Hưởng ứng Ngày Di sản Việt Nam (23-11) và Ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28-11), Nhóm Yêu quý và Bảo vệ Cát Tiên (SCT) tổ chức triển lãm ảnh Rừng Việt “Cát Tiên trong tôi” tại nhà Văn hóa Thanh Niên, số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM, từ ngày 23 đến 26-11.
Là những người yêu quý rừng, nhóm chú trọng đến hoạt động kêu gọi cộng đồng quan tâm việc bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học của rừng Việt Nam.

Đến nay nhóm đã tổ chức những lần triển lãm ở Bình Quới (TP.HCM), Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh) năm 2012, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM năm 2013. Nếu như những lần triển lãm trước đây đều hỗ trợ cho những hoạt động như hội thảo môi trường, ngày nhân chủng học..., triển lãm ảnh lần này được nhóm tổ chức độc lập, phục vụ công chúng rộng rãi.
Cách triển lãm của nhóm cũng rất cộng đồng: mọi người cùng góp ảnh, góp tiền (chi phí in ảnh). Khoảng 15 nhiếp ảnh gia giới thiệu hơn 100 ảnh chụp những cánh rừng trên khắp cả nước, từ Tây Bắc đến Cát Tiên (Đồng Nai), Bidoup (Lâm Đồng), Kon Ka Kinh (Kon Tum), Yok Đôn (Đắk Lắk)...
Ngoài chi phí đầu tư cho thiết bị chuyên dụng, các nhiếp ảnh gia còn lang thang nhiều ngày tháng trên các cánh rừng cả nước, chịu mưa nắng muỗi mòng... chỉ để chụp chim muông, thú rừng hay một khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên.
Những sản phẩm của họ đến với công chúng lần này còn là một thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ thiên nhiên - di sản không chỉ của riêng một quốc gia mà của cả nhân loại.
QUANG THI
Tham khảo thêm:
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/san-khau-my-thuat/rung-viet-nam-song-dong-trong-trien-lam-vi-thien-nhien-2913819.html 

http://suckhoemoitruong.com.vn/tin-tuc-24h/trien-lam-anh-nghe-thuat.

Cập nhật hình ảnh triển lãm "Thiên nhiên trong tôi" ngày 24.11.2013

SCT -Một số ảnh cập nhật của ở triển lãm "Di sản Việt Nam - Thiên nhiên trong tôi"ngày thứ hai của triển lãm, ngày 24.11) khai mạc triễn lãm, ngày 23.11.2013 tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên Tp.HCM, số 4 Phạm Ngọc Thạch.
Màu xanh tình nguyện vì triển lãm
Nguyen Huynh Thuat (Đồng sáng lập và trưởng đại diện SCT - Saving Cát Tiên) thay mặt ban tổ chức triển lãm đang trả lời đài truyền hình về triển lãm đặc biệt: không tài trợ, không quảng cáo. 
Nhiếp ảnh gia Tang A Pau (người có nhiều tác phẩm tham gia nhất) đang trả lời đài truyền hình về triển lãm và các tác phẩm của mình.
Người xem triển lãm được tận tình giải thích ý nghĩa tranh, những câu chuyện thật, thông điệp cảm động ẩn đằng sau những bức ảnh làm nức lòng người tham quan.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Phúc Lộc từ Đà Lạt: Tác giả bên các tác phẩm của mình.

Buổi triển-lãm và diễn giải có sức cuốn hút kỳ-lạ ... Người đến xem ngày càng đông như hội
NAG Tang A Pau đang kể về quá trình chụp bức ảnh sếu đầu đỏ tại triển lãm tranh, vị khách say mê và đã mua lại bức ảnh này để ủng hộ việc bảo vệ môi trường, gìn giữ ngôi nhà xanh chung.
24/11/2013 - 06:45
Thiên nhiên lên tiếng

(PL)- Sáng 23-11, triển lãm ảnh “Thiên nhiên trong tôi” đã khai mạc tại Nhà Văn hóa Thanh Niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM).

Khoảng 100 tác phẩm của các nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên đã được giới thiệu. Ông Tăng A Pẩu - thành viên ban tổ chức và cũng là một trong các tác giả có ảnh triển lãm - cho biết Việt Nam may mắn được thiên nhiên ưu đãi cho những khu rừng nhiệt đới trù phú, tươi đẹp nhưng chúng đang có nguy cơ bị biến mất do sự tàn phá của con người.


Một tác phẩm báo động rừng bị tàn phá tại triển lãm (nguồn: savingcattien nationalpark. blogspot.com)

Triển lãm kéo dài đến 27-11 nhằm kêu gọi mọi người hãy đối xử với tự nhiên một cách thân thiện hơn và chung tay bảo vệ môi trường. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng ngày Di sản thiên nhiên Việt Nam 25-11 và ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28-11. Sau đợt triển lãm, số ảnh trưng bày sẽ được bán đấu giá để gây quỹ cho hoạt động bảo vệ Vườn quốc gia Cát Tiên và trích một phần ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng lũ lụt vừa qua. Triển lãm do Nhóm yêu quý bảo vệ Cát Tiên (SCT) tổ chức.

07:05 | 24/11/2013

Trưng bày 100 tác phẩm nhiếp ảnh về thiên nhiên tại TP.HCM
Chào mừng kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và Ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28/11 và hưởng ứng "Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh, nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên, Triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề: “Di sản Việt Nam - Thiên nhiên trong tôi” được tổ chức bởi sự góp sức chung tay của cộng đồng những người yêu quý và bảo vệ thiên nhiên Việt Nam.
Thời gian diễn ra từ ngày 23 - 26/11 năm 2013 tại Nhà Văn hóa Thanh Niên, số 4, Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM. Triển lãm ảnh giới thiệu bộ ảnh chọn lọc của nhiếp ảnh gia Tăng A Pảu và nhóm nhiếp ảnh gia thiên nhiên.
Khoảng 100 bức ảnh được trưng bày với 3 chủ đề chính: Nét đẹp di sản thiên nhiên Việt Nam; Sự đa dạng của các loại động vật, thực vật quý hiếm trong rừng Việt Nam; Rừng ơi! mô tả những cánh rừng bị tàn phá bởi sự thiếu ý thức của con người.
Triển lãm là tập hợp những góc nhìn nghệ thuật nhưng cũng ẩn chứa những câu chuyện thực tế đằng sau mỗi sự thể hiện. Với sự chung tay của hơn 12 nhiếp ảnh gia trong cả nước, triển lãm mong muốn mang lại một cái nhìn toàn diện và cập nhật nhất cho cộng đồng cả nước về di sản thiên nhiên Việt Nam và rừng Việt.
Việt Nam hiện đang được thế giới đánh giá là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây. Đây là dịp để cộng đồng có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh rừng nguyên sinh tại Việt Nam, sự giàu có mà thiên nhiên hào phóng ban tặng, phản ảnh thái độ ứng xử của con người trước thiên nhiên, nhằm kêu gọi cộng đồng yêu quý thiên nhiên và cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Theo Ban Tổ chức, Triển lãm ảnh mở cửa tự do không thu phí. Đây hoàn toàn là một triển lãm vì cộng đồng, bởi triển lãm hoàn toàn được tổ chức dựa trên tinh thần tự nguyện đóng góp từ những con người yêu thiên nhiên, thể hiện bước tiến trong ý thức yêu quý bảo vệ thiên nhiên và di sản của người Việt.
Quỹ thu được từ hoạt động bán ảnh tại triển lãm sẽ đóng góp cho các hoạt động bảo vệ thiên nhiên và một phần được trích đóng góp cho đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung.

Ninh Toàn