Friday, November 30, 2012

UNESCO: Dừng thủy điện ĐN 6, 6A để không nêu gương xấu - NLĐO


Thứ Năm, 29/11/2012 09:42

(NLĐO) - UNESCO đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai và BQL Khu DTSQ cần có những khuyến cáo mạnh mẽ hơn nữa đối với các cấp có thẩm quyền cho dừng triển khai 2 dự án thủy điện ĐN 6, 6A.

Ủy ban quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB) vừa có văn bản gởi UBND tỉnh Đồng Nai và BQL Khu DTSQ Đồng Nai về việc đề nghị dừng triển khai hai nhà máy thủy điện ĐN 6, 6A.

Theo đó, Khu DTSQ Đồng Nai được UNESCO công nhận ngày 28-6-2011 và được cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao về đa dạng sinh học, truyền thống lịch sử và không gian văn hóa. Việc xây dựng hai nhà máy thủy điện Đồng Nai 6, 6A tại vùng lõi của khu DTSQ sẽ tác động tiêu cực tới bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị lịch, văn hóa và sinh kế của người dân.

Vì vậy, tổ chức này đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai và BQL Khu DTSQ cần có những khuyến cáo mạnh mẽ hơn nữa đối với các cấp có thẩm quyền cho dừng triển khai 2 dự án này.
 
Vị trí nhà đầu tư dự kiến xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A nằm nay vùng lõi của Khu DTSQ Đồng Nai

MAB lưu ý: Khi dự án đang trong giai đoạn thẩm định đánh giá tác động môi trường, chúng ta cần nhắc lại những cam kết quốc tế mà Việt Nam đang tham gia. Đặc biệt là khu DTSQ Đồng Nai phải đóng góp vào việc xây dựng một nền “kinh tế xanh, xã hội xanh” quy mô toàn cầu trong khuyến cáo của UNESCO tại hội nghị thượng đỉnh Rio+20 vừa qua tại Brazil. Mặt khác, Việt Nam cũng đang chuẩn bị hội nhập xây dựng khung chiến lược của chương trình MAB 2011-2021.
Khi đó, VN không thể báo cáo thập kỷ đa dạng sinh học 2011-2020 với mạng lưới các khu DTSQ quốc tế về trường hợp của Đồng Nai khi môi trường sống của các loài sinh vật bị chia cắt, cảnh quan bị phân mảnh, tính kết nối sinh thái bị phá vỡ, hệ thống sinh thái bị đảo lộn bởi các đập thủy điện nằm trong vùng lõi khu DTSQ.
“Trong quá trình hội nhập quốc tế, hình ảnh của Việt Nam nếu chưa được là tấm gương tốt thì không nên là ví dụ không tốt trong các trích dẫn của báo cáo khoa học, báo cáo đánh giá của các tổ chức trong nước và quốc tế”, MAB nhấn mạnh.
T. Kim

Thursday, November 29, 2012

UNESCO đề nghị dừng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A - TTO

Thứ Năm, 29/11/2012, 06:14 (GMT+7)




Nơi dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 nhìn từ trên đồi xuống với cánh rừng xanh bạt ngàn - Ảnh: Đức Tuyên




UNESCO đề nghị dừng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
TT - Ngày 28-11, ông Nguyễn Thành Trí, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh vừa nhận được văn bản của Ủy ban quốc gia chương trình và con người sinh quyển VN (MAB), thuộc UNESCO, về việc đề nghị dừng triển khai hai dự án này.


Theo đó, MAB yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai và Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Đồng Nai cần có những khuyến cáo mạnh mẽ hơn nữa đối với các cấp có thẩm quyền cho dừng triển khai hai nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong vùng lõi khu DTSQ Đồng Nai. Bởi theo MAB, nếu triển khai hai nhà máy thủy điện trên thì VN sẽ đi ngược với cam kết quốc tế.
Coi chừng vi phạm cam kết quốc tế!
"Trong quá trình hội nhập quốc tế, hình ảnh của VN nếu chưa được là tấm gương tốt thì không nên là ví dụ không tốt trong các trích dẫn của những báo cáo khoa học, đánh giá của các tổ chức trong nước và quốc tế"
Theo văn bản của Ủy ban quốc gia chương trình và con người sinh quyển VN (MAB - UNESCO)

MAB nêu rõ khu DTSQ Đồng Nai được UNESCO công nhận ngày 28-6-2011, được cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao về đa dạng sinh học, truyền thống lịch sử và không gian văn hóa.
Trước đây, việc đổi tên và nâng cấp khu DTSQ này thành khu DTSQ thế giới là dựa trên sự cam kết và uy tín của tỉnh Đồng Nai với 80% diện tích bảo tồn nằm trên địa bàn và thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh Đồng Nai.
Cũng theo MAB, định hướng phát triển khu DTSQ của UNESCO là sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, nhưng việc xây dựng hai thủy điện này sẽ gây tác động tiêu cực tới bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị lịch sử - văn hóa và sinh kế của người dân.
Cũng theo MAB, trong lúc Quốc hội và Chính phủ đang thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với hai dự án thủy điện trên, Đồng Nai cần nhắc lại những cam kết quốc tế mà VN đã và đang tham gia.
Cụ thể, khu DTSQ Đồng Nai phải đóng góp vào việc xây dựng một nền “kinh tế xanh, xã hội xanh” quy mô toàn cầu trong khuyến cáo của UNESCO tại hội nghị thượng đỉnh Rio+20 vừa qua tại Brazil. Mặt khác, VN cũng đang chuẩn bị hội nhập xây dựng khung chiến lược của chương trình MAB 2011-2021.
Khi đó, VN không thể báo cáo thập kỷ đa dạng sinh học 2011-2020 với mạng lưới các khu DTSQ quốc tế về trường hợp của Đồng Nai khi môi trường sống của các loài sinh vật bị chia cắt, cảnh quan bị phân mảnh, tính kết nối sinh thái bị phá vỡ, hệ thống sinh thái bị đảo lộn bởi các đập thủy điện nằm trong vùng lõi khu DTSQ.
Lợi nhỏ, hại lớn!
Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề nghị của UNESCO, ông Nguyễn Thành Trí cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của họ. Ngay sau khi nhận được văn bản, chúng tôi đã trả lời cho UNESCO là chúng tôi cực lực phản đối việc xây hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Chúng tôi có gửi kèm cho họ các văn bản kiến nghị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã gửi cho Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đề nghị dừng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A”.
Theo ông Trí, tỉnh Đồng Nai nhận thấy nếu xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ góp phần tăng nguồn điện cho quốc gia. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của dự án này đối với môi trường vùng hạ lưu là rất lớn, khả năng sẽ phải đánh đổi nhiều thiệt hại chưa thể lường trước được về môi trường cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân. “Cái lợi trước mắt có thể thấy được là nhỏ nhưng cái hại về lâu dài sẽ rất lớn”-ông Trí nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Phương - phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - nói: “Khi nói về việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, người dân rất bức xúc. Đây không chỉ là tâm tư, nguyện vọng của riêng cử tri tỉnh Đồng Nai mà còn của cả hàng triệu người dân ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai. Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã có ý kiến kiến nghị đến Bộ Chính trị dừng triển khai dự án này”.
Yêu cầu hoàn thiện lại báo cáo ĐTM
Tối 28-11, thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) cho biết bộ chưa chính thức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Theo thông báo của Tổng cục Môi trường, phiên họp kỹ thuật của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM của các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A mới là phiên họp đầu tiên của hội đồng thẩm định. Những phiên họp kỹ thuật như phiên họp ngày 28-11 thường được tổ chức trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án phức tạp hoặc dự án được dư luận xã hội quan tâm.
Tổng cục Môi trường cũng cho biết trong phiên họp kỹ thuật sáng 28-11, sau khi nghe chủ dự án trình bày tóm tắt nội dung báo cáo ĐTM, các thành viên hội đồng đã đặt câu hỏi về các vấn đề môi trường của hai dự án, đồng thời cũng đã có nhận xét ban đầu về những tồn tại cơ bản của nội dung báo cáo ĐTM. Sau cuộc họp, cơ quan thường trực thẩm định sẽ tổng hợp ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định, báo cáo bộ để có văn bản chính thức đề nghị chủ dự án tiếp tục hoàn thiện báo cáo ĐTM của các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, sau khi hoàn thiện sẽ chính thức xem xét, thẩm định.

HÀ MI - VÂN LAM
 ------------------------------------
* Tin bài liên quan:

Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Không đủ tin cậy! - NLĐO


Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Không đủ tin cậy!

Thứ Tư, 28/11/2012 23:27

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được làm khá công phu nhưng theo định hướng của nhà đầu tư và nhiều khía cạnh vẫn chưa được nói đến

Ngày 28-11, tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (ĐN 6 và 6A) đã có cuộc họp về vấn đề kỹ thuật.
Bỏ lọt nhiều điểm quan trọng
TS Đào Trọng Tứ, Ủy viên Thường trực Mạng lưới Cộng tác vì nước của Việt Nam, Ủy viên Ban Cố vấn Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), cho biết nội dung chính của cuộc họp là chủ đầu tư trình bày tóm tắt nội dung ĐTM của ĐN 6 và 6A. Sau đó, các thành viên hội đồng thẩm định góp ý ban đầu về những điểm còn nghi vấn, thắc mắc. “ĐTM của ĐN 6 và 6A được làm khá công phu nhưng theo định hướng của nhà đầu tư và nhiều khía cạnh đã bị bỏ qua” - ông Tứ nói.
Theo TS Đào Trọng Tứ, hội đồng thẩm định đã đề nghị chủ đầu tư làm rõ thêm khá nhiều vấn đề trọng tâm như ĐTM cần làm rõ tác động môi trường của ĐN 6 và 6A đến sông Đồng Nai và Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên...; các phương án giải quyết sinh kế của người dân, đặc biệt là động đất kích thích.
Một nhóm cán bộ khoa học khảo sát Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: TĂNG A PẨU
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia lâm nghiệp, nhận định ĐTM này vẫn còn nhiều nghi vấn. Ông Lung đặt một loạt câu hỏi cho nhà đầu tư như: “Tại sao lại dọn lòng hồ có 50% số cây rừng? Tại sao đường dây tải điện lại không nằm trong dự án này, nó ảnh hưởng đến rừng như thế nào? Dòng sông Đồng Nai có 13 nhà máy thủy điện, Chính phủ đã có chỉ thị về vận hành liên hồ chứa, mỗi hồ phải làm theo quy trình chung, người trên xả mà người giữa không xả thì bị vỡ đập ngay, tính chất cắt lũ không còn nữa. Vì thế, phải có quy trình liên hồ chứa. Hiện nay, ĐN 6 và 6A không nằm trong danh sách vận hành liên hồ chứa, vậy chủ đầu tư xử lý vấn đề này như thế nào?
Chưa đủ điều kiện để thông qua
Trong bản nhận xét gửi tới hội đồng thẩm định, TS Tô Văn Trường, chuyên ngành tài nguyên nước và môi trường, ủy viên hội đồng thẩm định, cho rằng ĐTM của ĐN 6 và 6A đã có cải thiện so với trước. Tuy nhiên, các mặt tồn tại phải được nghiên cứu bổ sung và giải trình cụ thể. Đặc biệt, phần tính toán mô hình thủy văn, thủy lực không đủ độ tin cậy.
Theo ông Trường, ĐN 6 sử dụng 77,36 ha đất của VQG Cát Tiên và 77,99 ha đất của rừng phòng hộ đầu nguồn; ĐN 6A sử dụng 59,62 ha đất của VQG Cát Tiên và 157,26 ha đất của rừng phòng hộ đầu nguồn - đều lớn hơn so với mức quy định 50 ha tại mục b khoản 2 điều 3 Nghị quyết số 49/2010 của Quốc hội về những dự án phải lập báo cáo đầu tư trình Quốc hội xem xét quyết định về chủ trương đầu tư.
 
Bên cạnh đó, 2 dự án thủy điện này đều có trong các quy hoạch đã được duyệt nhưng không phải là quy hoạch quốc phòng, an ninh; còn VQG Cát Tiên thuộc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học nên theo quy định tại mục d khoản 2 điều 11 của Luật Đa dạng sinh học phải được ưu tiên thực hiện. Ngoài ra, Quyết định số 1419/TTG ngày 27-9-2012 Thủ tướng Chính phủ đã xếp VQG Cát Tiên vào hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt được bảo vệ, giữ gìn theo Luật Di sản Văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa. “Báo cáo ĐTM của ĐN 6 và 6A chưa đủ điều kiện để Hội đồng thẩm định xem xét, thông  qua” - TS Trường nhận định.
Sau khi nghe ý kiến của các bên, ông Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định - Tổng cục Môi trường Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), kết luận: “Chủ đầu tư và tư vấn phải tiếp tục hoàn thiện ĐTM để làm rõ các vấn đề mà các thành viên hội đồng thẩm định đã nêu ra tại cuộc họp cũng như những tồn tại của nó”.
17 tháng giằng co
- Tháng 6-2011, Bộ NN-PTNT xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch VQG Cát Tiên để xây dựng ĐN 6 và 6A. Theo đó, 2 thủy điện này nằm trên địa bàn các tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước, chiếm gần 137 ha của VQG Cát Tiên.
- Báo Người Lao Động thực hiện loạt bài “Thủy điện “lấn” VQG”.
- Tháng 7-2011, Chính phủ giao các bộ, ngành kiểm tra, đánh giá ĐN 6 và 6A.
- Tháng 8-2011, các nhà khoa học tổ chức khảo sát nơi dự kiến xây dựng ĐN 6 và 6A, hội thảo đánh giá tác động của dự án lên môi trường... Qua đó, hầu hết đề nghị không triển khai.
- Tháng 2-2012, TS Phạm Khánh Nam, Phó trưởng Khoa Kinh tế phát triển Trường Đại học Kinh tế TPHCM, có bài viết trên Báo Người Lao Động nhận định dự án chỉ có lợi cho chủ đầu tư.
- Giữa tháng 5-2012, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai (trong đó có Ramsar Bàu Sấu và VQG Cát Tiên) được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
- Ngày 23 đến 25-8-2012, Bộ TN-MT khảo sát vị trí xây dựng ĐN 6A và cho rằng hầu hết là rừng nghèo.
- Đầu tháng 9-2012, TS Nguyễn Huỳnh Thuật, chuyên gia về bảo tồn đa dạng sinh học VQG Cát Tiên, gửi tâm thư đề nghị Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cứu VQG Cát Tiên.
- Tháng 10-2012, ĐTM về ĐN 6 và 6A do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thực hiện bị phát hiện sao chép, cắt dán nên Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã thuê Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) lập ĐTM khác. ĐTM này đã bị VRN chỉ ra 8 lỗ hổng.
- Báo Người Lao Động tiếp tục có loạt bài “Hai dự án thủy điện kỳ lạ”.
- Tháng 11-2012, ông Nguyễn Vũ Trung, Phó trưởng Phòng Đánh giá môi trường tổng hợp - Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ TN-MT), lên tiếng ủng hộ dự án, gọi những người phản đối là “à ơi theo tâm lý bầy đàn”.
- Chủ đầu tư tổ chức họp báo “kết tội” báo chí và một bộ phận tỉnh Đồng Nai câu kết với nhau để làm “tội” doanh nghiệp...
- Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai gửi văn bản lên Bộ Chính trị và Ban Bí thư đề nghị không triển khai ĐN 6 và 6A.
- Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định ĐN 6 và 6A đang trong quá trình thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
- Ngày 28-11-2012, Hội đồng thẩm định ĐTM của Bộ TN-MT họp bàn về ĐN 6 và 6A. Trước đó, ông Nguyễn Vũ Trung đã ra khỏi danh sách hội đồng này.
T.Kim
THẾ DŨNG

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: ĐTM chưa đủ điều kiện để thông qua - http://phapluattp.vn


28/11/2012 - 05:45
Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: ĐTM chưa đủ điều kiện để thông qua
Tiếp tục phát hiện nhiều thiếu sót trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai dự án.
Hôm nay 28-11, Hội đồng Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ họp lấy ý kiến thành viên và các chuyên gia để đưa ra kết luận trình Bộ TN&MT. Sau khi cân nhắc rất kỹ, tôi cho rằng ĐTM của hai dự án này chưa đủ điều kiện để được xem xét thông qua.
Mất vĩnh viễn nhiều diện tích rừng
Theo số liệu trong ĐTM, dự án Đồng Nai 6A sẽ làm 107 ha đất rừng bị ngập, trong đó có 25 ha thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Cát Tiên. Còn dự án Đồng Nai 6 sẽ chiếm vĩnh viễn hơn 171 ha, trong đó có trên 77 ha thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Tuy nhiên, báo cáo này chưa tính đến diện tích đất dùng cho tuyến truyền tải điện, bao gồm cả hành lang an toàn. Dù hành lang an toàn theo quy định là không lớn nhưng lại kéo dài và như vậy diện tích đất và rừng bị mất là không nhỏ.
Đáng lo ngại nhất là cả hai dự án đều phạm vào khu bảo tồn thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Đây là một trong những khu vực hiếm hoi ở Đông Nam Bộ có tính đa dạng sinh học cao, tồn tại nhiều loại động thực vật có tính bản địa, có giá trị kinh tế và cần được bảo tồn vì có nguy cơ tuyệt chủng.
Ngoài ra, ĐTM cho rằng Bàu Sấu là một hồ tự nhiên hình thành vào mùa lũ trên một nhánh suối nhỏ chảy ra sông Đồng Nai. Chế độ thủy văn của Bàu Sấu không phụ thuộc vào dòng chính sông Đồng Nai nên sẽ không bị tác động bởi các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Tuy nhiên, lập luận này lại không được minh chứng bằng mô hình toán, do đó rất thiếu tính thuyết phục
Hai dự án thủy điện sẽ làm biến mất gần 300 ha đất rừng, ảnh hưởng không nhỏ tới Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: T.PHƯƠNG
Chưa tính đến trường hợp vỡ đập
Trong ĐTM có đề cập đến rất nhiều loại rủi ro và sự cố, tuy nhiên những rủi ro hoặc lỗi kỹ thuật trong các khâu thiết kế, thi công lại chưa được đề cập tới (ví dụ hiện tượng rò rỉ, thấm thân đập như thủy điện Sông Tranh 2). ĐTM cũng cho rằng đối với rủi ro do vỡ đập thì mức độ, diện tích ngập ở phía hạ lưu được tính toán tương đương với trường hợp lũ năm 2000 và 2006. Tuy vậy, báo cáo chưa có sự cam kết của chủ đầu tư về việc xây dựng kế hoạch, các biện pháp ứng phó, phương tiện dự phòng nếu sự cố xảy ra.
Theo tôi, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chỉ là đập dâng nhưng vẫn có tác động đến dòng chảy sau đập. Với dung tích tổng cộng cả hai hồ là gần 100 triệu m3, thiệt hại cho vùng hạ du sau đập là đáng kể.
Dân đồng tình - bằng chứng đâu?
Theo chủ đầu tư, kết quả khảo sát ý kiến các hộ dân tại xã Phước Cát 2, Đồng Nai Thượng (Cát Tiên, Lâm Đồng), xã Đồng Nai (Bù Đăng, Bình Phước),… cho thấy người dân đều đồng tình với việc xây dựng dự án. Điều tôi quan tâm là đại diện cộng đồng dân cư gồm những ai? Danh sách của nhóm, phiếu tham vấn cộng đồng? Chủ đầu tư cần giải thích rõ hơn vấn đề này.
* * *
Cái được về mặt kinh tế của hai dự án này đã được chủ đầu tư nêu rõ, tuy nhiên những thiệt hại về môi trường cũng được các nhà khoa học đánh giá khá đầy đủ. Đúng là cả hai dự án đều có trong các quy hoạch đã được duyệt nhưng đó không phải là quy hoạch quốc phòng, an ninh. Trong khi đó, Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học nên theo Điều 11 của Luật Đa dạng sinh học phải được ưu tiên. Cũng lưu ý thêm, Quyết định 1419/2012 của Thủ tướng đã xếp Vườn quốc gia Cát Tiên vào hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cần được bảo vệ, giữ gìn theo Luật Di sản văn hóa.
TS TÔ VĂN TRƯỜNG, Ủy viên Hội đồng Thẩm định ĐTM dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
TRÀ PHƯƠNG lược ghi
Ngày 27-11, ông Nguyễn Huỳnh Thuật, đại diện nhóm Yêu quý và bảo vệ Cát Tiên, gửi văn bản đến Hội đồng Thẩm định nêu hàng loạt thắc mắc về độ tin cậy của nhiều số liệu trong ĐTM của hai dự án. Chẳng hạn, ĐTM đếm lượng cây lồ ô của hai dự án thủy điện “chính xác” đến… nửa cây (771.829,5 cây).
Ngoài ra, nhóm này cho rằng đơn vị được thuê lập ĐTM (Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM) thiếu một số cán bộ chuyên ngành liên quan theo quy định như trắc địa, địa chất công trình, địa vật lý… Do đó các vấn đề liên quan trong ĐTM bị sai, làm mờ hoặc bỏ qua, một số giải pháp đưa ra được xem là không tưởng.
Điều quan trọng, ở phần căn cứ pháp lý, ĐTM của hai dự án không viện dẫn Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội (có hiệu lực từ đầu tháng 8-2010) về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Thay vào đó, ĐTM lại viện dẫn Nghị quyết 66/2006 của Quốc hội đã hết hiệu lực. Nhóm Yêu quý và bảo vệ Cát Tiên đặt vấn đề: Các ĐTM xác định sai thẩm quyền phê duyệt việc đầu tư dự án có đủ điều kiện để được trình duyệt và thẩm định hay không?
Ngoài ra, Nghị định 29/2011 xác định khi lập ĐTM thì phải tham vấn ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức chịu tác động trực tiếp của dự án. Nhưng tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh, thành vùng hạ lưu sông Đồng Nai đã không được tham vấn đầy đủ.
Từ các luận điểm trên, nhóm mong muốn các thành viên Hội đồng Thẩm định xem xét ĐTM một cách khoa học, khách quan để trình Quốc hội, Thủ tướng xem xét, quyết định.
M.PHONG

Wednesday, November 28, 2012

NƯỚC NON - NON NƯỚC - Thư gửi bạn Nguyễn Huỳnh Thuật đang ở Malaysia

NƯỚC NON - NON NƯỚC
Gửi tới bạn Nguyễn Huỳnh Thuật đang ở Malaysia

Ngày mai, 28/11/2012, tại thủ đô Malaysia, bạn tham dự một Hội nghị quốc tế về môi trường với sự hãnh diện cho giới trí thức trẻ Việt Nam.
Cũng ngày mai, sau đó 01 giờ, tại Hà Nội có Hội đồng tiến hành thẩm định 2 ĐTM về thủy điện trên sông Đồng Nai quê ta.
Tối mai, các tin tức sẽ được loan báo. Một sự ngẫu nhiên thú vị phải không.
Mới chiều 09/11/2012, bạn gọi cho tôi lúc ngồi đò qua sông Đồng Nai rời Vườn QG Cát Tiên sau khi đã nộp Đơn xin thôi việc. Tôi hình dung ra vóc dáng thư sinh, ngẩng nhìn mây bay, khỏa tay mạn nước, tâm hồn thanh thản… mà rớt nước mắt vì ngang trái:
"Mây trắng vẫn bay trên rừng xanh
Vốc nước Đồng Nai vẫn mát lành
Vẫn hẹn Cát Tiên ngày trở lại
Muôn người vẫn xiết chặt tay anh"
Hôm nay, từ trên mây trắng che cánh rừng cọ dầu gần sân bay Kuala Lumpur, bạn vừa thấy tòa tháp đôi Petronas đã từng nhắc đến trong thư gửi Chủ tịch nước là lại nhói lòng lo lắng cho Cát Tiên.
Thôi nói chuyện nước non của người ta bạn nhé cho thời sự chút.
Bây giờ, Malaysia đã vượt chúng ta rất xa nhưng vẫn quyết tâm phát triển nhanh tiếp cận đảo quốc Singapore bé nhỏ. Nối hai Quốc gia này là một cây cầu thấp và ngắn hơn cầu Hóa An bắc qua sông Đồng Nai. Bạn cứ ngồi nguyên trên xe hơi mà làm thủ tục nhập cảnh sang Singapore, mất vài phút. Hải quan cửa khẩu sẽ hỏi có thuốc lá không? Bạn chỉ được mang 01 bao nhưng phải bóc ra nhé, để nguyên sẽ bị phạt ngay dù sau đó có quăng vào thùng rác.

Mô hình Quy hoạch của Iskandar Malaysia 2011- Ảnh: Thùy Trang
(Cây cầu dây văng Second Link từ Tanjung Kupang sẽ nối với Singapore
Cặp hông cây cầu này là ba tuyến ống màu trắng rất lớn. Bạn tôi cho biết hai tuyến ống nhập nước thô vào Singapore, còn một tuyến ống kia xuất nước sạch (sau xử lý) trở lại Malaysia (12% lượng nước nhập).
Ba tuyến ống nước cặp theo cây cầu duy nhất nối hai quốc gia.
(Nhìn từ bờ Singapore sang Malaysia)
Cận cảnh 03 tuyến ống nước cặp bên hông cầu Causeway- Ảnh: Thùy Trang.
(Từ giữa sông vào bờ cây xanh bên phải là đất nước Singapore)

Hiện nay, Singapore phải nhập 40% nước từ bang Johor-Malaysia. Các thỏa thuận về nhập khẩu nước gia hạn, điều chỉnh nhiều lần và sẽ hết hạn vào năm 2060. Theo thỏa thuận 1990, Singapore đã phải trả 129 triệu USD để xây dựng con đập trên sông Johor và trạm bơm nuớc cùng tiền thuê đất 7.301 USD/ha-năm (khỏang 21.000 ha) cho Malaysia.
 Dù chỉ có 5 triệu dân nhưng Singapore đã lập cơ quan quốc gia về nước (PUB) để nghiên cứu đáp ứng nhu cầu nước của riêng mình từ năm 2061. Muốn không phụ thuộc Malaysia, Singapore phải tăng cường ba phương pháp để khai thác nước: xử lý nước thải, khử nước mặn và tối đa hóa thu nước mưa. PUB đã xây dựng một nhà máy khử muối với giá 200 triệu USD, có thể xử lý 135 triệu lít nước biển/ngày. Một nhà máy sắp tới sẽ xử lý hơn 300 triệu lít vào năm 2013. Hướng tới tăng khả năng khử muối đến một tỷ lít vào năm 2060.
 Khi con người bị thiếu hoặc mất đi những thứ thông thường hàng ngày thì mới biết giá trị quý giá. Ngưng thở vài phút hoặc thiếu dưỡng khí là hết sống, nhưng mấy ai quý trọng của Trời cho này. Chúng ta cứ rung đùi với nguồn nước con sông Đồng Nai lớn thứ 3 ở Việt Nam rồi có ngày phải nhập khẩu nước sinh hoạt.
Xin nói chuyện nước cho T.P Hồ Chí Minh. Cách đây hơn 10 năm tại Tân Quy, Q.7, tôi đã phải chầu chực suốt đêm, đi thuê xe ba gác, trên có thùng phuy 200 lít tới khu vực có thể bơm hút từ nguồn nước máy (nước thủy cục) do không thể tự chảy, mua 200 lít nuớc chở về tấp vào lề đường, sau đó dùng bơm đẩy lên bồn chứa trong nhà. Bao nhiêu người triền miên nỗi lo về nước sinh hoạt nhiều năm như tôi. Bạn bè phía Nhà Bè, Phú Xuân còn khổ tệ hơn nhiều.
Hiện nay, Thành phố có các nguồn cung cấp nước sau:
- Nhà máy nước Thủ Đức  là nguồn cung cấp nước sạch chính cho thành phố với công suất là 750.000 m3/ngày đêm. Nước thô cung cấp cho nhà máy được lấy từ sông Đồng Nai qua trạm bơm Hóa An. Đường ống chuyển tải nước thô về thành phố có đường kính 1.800mm, dài 10,8 km.
- Nhà máy nước BOT Bình An: công suất 100.000 m3/ngày-đêm, bắt đầu cấp nước từ tháng 8/1999. Nhà máy lấy nước thô từ sông Đồng Nai qua trạm bơm công suất 105.000 m3/ngày đêm. Nhà máy xử lý đặt tại đồi Bình An, huyện Thuận An-Tỉnh Bình Dương. Đường ống nước thô dài 3,2 km, đường kính 1.200 mm bằng thép dẫn nước thô đến nhà máy xử lý. Đường ống nước sạch dài 6 km, đường kính 1.000 mm bằng thép dẫn nước từ nhà máy xử lý đến bể chứa tại nhà máy nước Thủ Đức.
-Ngoài ra, có nhà máy nước Tân Hiệp: công suất 300.000 m3/ng-đ, bắt đầu cấp nước từ 2004. Nhà máy nước ngầm Hóc Môn: công suất 50.000 m3/ngày đêm, bắt đầu cấp nước vào tháng 8/1995, cung cấp nước cho các quận Tân Bình, quận 6, quận 11, được nối với mạng lưới đường ống hiện có thành một hệ thống liên hoàn hỗ trợ cho nhau. Trạm cấp nước Bình Trị Đông: công suất 12.000 m3/ngđ, bắt đầu cung cấp nước từ tháng 2/1999.
- Hệ thống giếng ngầm: ngoài nhà máy nước Thủ Đức, Bình An và Hóc Môn, hệ thống cấp nước thành phố còn được bổ sung nguồn nước từ hệ thống gồm 39 giếng do Công ty Cấp nước quản. Trong đó có 11 giếng được xây dựng sau năm 1975, 28 giếng cũ đã được sửa chữa phục hồi hiện đang khai thác. Nước giếng bơm lên một số phải xử lý sắt mới hòa vào lưới phân phối để cung cấp. Tổng công suất phát nước của hệ thống giếng này khoảng 40.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra còn một số lượng lớn giếng ngầm của chương trình nước sạch nông thôn do UNICEF tài trợ hiện do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý và khoảng 100.000 giếng do các đơn vị sản xuất - dịch vụ và hộ dân tự  khoan đang được sử dụng.

Như vậy, có thể nói gần như tòan bộ cư dân T.P Hồ Chí Minh ăn nước sông Đồng Nai. Vì thế xin đừng nghĩ chuyện sông Đồng Nai là của ai xa lắc, mắc mớ chi mình, hỡi bà con Thành phố.

Vị trí lưu vực sông Đồng nai và vùng phụ cận ven biển

Xin hãy xem để biết lưu vực sông Đồng Nai (LVSĐN) vị trí đặc biệt quan trọng đối với miền Đông Nam bộ vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. LVSĐN đã, đang sẽ đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, công nghiệp nông nghiệp. Kinh tế phát triển sẽ kéo theo gia tăng nhu cầu sử dụng nước, gây ô nhiễm, suy thoái cạn kiệt nguồn nước; làm nảy sinh  các  tranh  chấp  nguồn  nước. LVSĐN hiện đang đối mặt với các vấn đề của nguồn nước như suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, tranh chấp giữa các ngành sử dụng nước…
Mặc dù LVSĐN có địa hình dốc nhưng vẫn có vùng hạ lưu khá bằng phẳng với diện tích rộng khoảng trên 10.000 km2 (chiếm khoảng 1/4 diện tích toàn vùng). Tuy nhiên, do nằm ở hạ lưu chịu tác động trực tiếp của thủy triều biển Đông nên việc mặn xâm nhập sâu hơn trong những điều kiện nguồn nước thượng lưu không đủ cung cấp đã, đang sẽ tác động không nhỏ đến các hoạt động cấp nước trong vùng. Do đặc điểm địa hình, sông Đồng nai cũng chịu tác động mạnh mẽ của xâm nhập mặn. Ảnh hưởng của mặn đã lên tới Bến Gỗ. Với xu hướng nước biển dâng ngày càng nhanh, chẳng bao lâu nữa, về mùa khô khi các thủy điện trên sông Đồng nai đều tích nước, gặp dịp triều cường thì xâm nhập mặn sẽ tới trạm bơm nước thô Hóa An. Khi đó dời trạm bơm lên Trị An hay qua Singapore nhập máy lọc nước muối nhỉ!

Sơ đồ vị trí Trạm bơm Hóa An; Nhà máy nước Thủ Đức và Bến Gỗ

Do phá rừng ồ ạt, xây dựng thủy điện tràn lan, các khu công nghiệp đua nhau mọc lên nhưng xử lý nước thải bị xem nhẹ nên ảnh hưởng xấu rất lớn. Các diễn biến gần đây ở vùng hạ du LVSĐN cho thấy tình hình ngập do thủy triều ngày càng phức tạp, mực nước trên các sông hạ du ngày càng tăng cao gây ngập trên diện rộng. Do đó cần phải có nhạc trưởng trong Quy hoạch, Quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước của lưu vực cần phải được xem sở để xây dựng các quy hoạch chuyên ngành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế hội. Hiện nay, Quy hoạch điện vẫn chưa kết hợp quy hoạch các ngành khác: quy hoạch rừng; khai thác than; khí đốt; giao thông… và thời gian có 05 năm nên rất bất cập. Các dự án điện chưa xây dựng xong đã phải thay đổi, điều chỉnh gây bao hệ lụy.

Bạn đã gắn bó với rừng và đồng bào quanh Vườn Quốc gia Cát Tiên hơn 12 năm. Dù phải thôi việc thì vẫn tự hào và bảo vệ nó bạn nhé.
 Do quy mô về diện tích, tính nổi trội về các giá trị đa dạng sinh học, tính đa văn hóa của cư dân bản địa và lịch sử của vùng đất này, vừa qua Đại hội đồng các Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới thuộc tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai cùng Vườn Quốc gia Cát Tiên là vùng lõi của Khu DTSQ Đồng Nai và gia nhập vào mạng lưới các Khu DTSQ thế giới. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định xếp hạng VQG Cát Tiên là di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, được công nhận các danh hiệu đã khó, để khu bảo tồn này phát triển bền vững là một việc làm khó hơn mà tỉnh Đồng Nai đang quyết tâm thực hiện.
Cũng mừng là Chính quyền, Đảng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đều quyết liệt phản đối hai Dự án thủy điện trên dòng chính sông Đồng Nai và xâm hại Vuờn Quốc gia Cát Tiên. Theo đề án xây dựng Khu bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2011-2020, tỉnh này đã quyết định đầu tư trên 1.000 tỷ đồng cho việc xây dựng và phát triển khu bảo tồn.
Tỉnh Đồng Nai cũng vừa ban hành kế hoạch hành động về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015, phải thực hiện tốt việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên cạn. Các trường hợp xâm hại tài nguyên rừng như chặt gỗ; săn bắt, đánh bẫy động vật hoang dã; thu hái dược liệu không phép; xâm lấn đất rừng để sản xuất nông nghiệp và chăn thả gia súc sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Về bảo tồn và phát triển vùng đất ngập nước, sẽ tăng cường các hình thức giám sát và bảo vệ hệ sinh thái thủy vực quan trọng mang tính đa dạng sinh học sông Đồng Nai, sông Thị Vải và vùng nước nội địa Trị An.

Như bạn đã biết, trong Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, nhận định: “Sự ra đời và lớn mạnh nhanh chóng của những “đại gia” tư nhân lớn, nhỏ ở Việt Nam, những “đại gia” này phất lên nhanh chóng không do có tiến bộ khoa học - công nghệ, không do tăng năng suất lao động hay đóng góp vào bảo vệ môi trường, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội mà chủ yếu do khai thác tài nguyên đất đai, khai thác gỗ, mỏ, biển...”.
Trong khi đó, theo dự báo của Bộ NN-PTNT nhu cầu gỗ trong nước hằng năm tăng từ 6%-11%, nhu cầu tiêu dùng gỗ của Việt Nam đến 2020 khoảng 18 triệu m3. TS Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends của Mỹ tại Việt Nam, nhận định: Đây là nguyên nhân sâu xa của vấn nạn khai thác gỗ trộm và tàn phá rừng hiện nay.
Sắp tới có thể Chính phủ sẽ đóng cửa rừng trên tòan quốc. Bạn sẽ hiểu vì sao chủ đầu tư 2 cái Dự án thủy điện vốn là một Tập đoàn tư nhân, từ tay trắng phất lên nhờ gỗ xứ Gia Lai, hiện đang suy sụp vì đầu tư theo phong trào và chơi ngông (nuôi 2 đội bóng chuyền), cứ cố đeo bám để triển khai mở đường vượt sông Đồng Nai chọc vào rừng của Vườn Quốc gia Cát Tiên bằng được. Nói chuyện đạo đức trong kinh doanh với mấy đại gia kiểu này e thành dở người.

Hy vọng, dịp này, bạn sẽ nối thêm vòng tay với Thế giới để bảo vệ môi trường tươi đẹp cho Việt Nam và cũng là của chung nhân lọai.
Hẹn đón bạn về trong niềm vui lan tỏa yêu thương.
Thùy Trang

Tuesday, November 27, 2012

MỘT SỐ VẤN ĐỀ THẮC MẮC VỀ ĐTM DỰ ÁN THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 6&6A


MỘT SỐ VẤN ĐỀ THẮC MẮC
VỀ ĐTM DỰ ÁN THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 6 VÀ ĐỒNG NAI 6A

Kính gửi: - Hội đồng thẩm định ĐTM dự án thủy điện ĐồngNai 6 và Đồng Nai  6A - Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
                - Đồng Kính gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND và Đài Phát Thanh Truyền hình tỉnh Đồng Nai (ĐNRTV)

Sáng nay 26/11/2012, mở đầu bản tin FM của ĐNRTV đã lưu ý việc quyết tâm triển khai Dự án của Chủ đầu tư Đức Long Gia Lai trong khi các vấn đề tác động xấu tới môi trường vùng hạ lưu sông Đồng Nai trong ĐTM dự án thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A vẫn không đề cập.
Được biết ngày 28/11/2012, Hội đồng thẩm định ĐTM dự án thủy điện ĐN6 & ĐN 6A -Bộ Tài nguyên và Môi trường (Quyết định số:1344, ngày 21/8/2012) sẽ thẩm định ĐTM hai Dự án nói trên của Công ty CP tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Gần đây, Nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên đã điểm một số mốc thời gian và sự kiện để thấy đường đi của một dự án, sau tách thành hai dự án nhưng thực chất tuy hai mà một (Xin xem bài Đường đi của một dự án).
Ngay từ ban đầu, Chủ đầu tư đã lách luật để Dự án không phải trình Quốc hội và tất cả hệ lụy rắc rối phát sinh đều do sự không đàng hòang, minh bạch này.
Tiếp theo, chúng tôi tập hợp một số thắc mắc của cộng đồng về 02 ĐTM do Viện Môi trường và Tài nguyên-ĐHQG TP HCM lập thuê (lần thứ 2) cho Chủ đầu tư.
Hy vọng các thành viên Hội đồng thẩm định (cấp Quốc gia) gồm các nhà khoa học, quản lý có tâm và tầm xem xét khoa học, khách quan, trung thực… để trình Thủ tướng, Quốc hội xem xét và quyết định. Mục tiêu phát triển của Dự án thủy điện là cung cấp điện giá rẻ, nhưng phải an toàn và bền vững về mặt xã hội và môi trường, nếu không thì phải ngưng triển khai và đưa ra khỏi quy hoạch như Thủ tướng chính phủ đã trả lời trước Quốc hội vừa qua.
Căn cứ Nghị định 29/2011/NĐ-CP ngày 18/04/2011của Chính phủ quy định đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cam kết bảo vệ môi trường; Thông tư 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 quy định chi tiết một số điều của Nghị định 29/2011/NĐ-CP và một số Văn bản khác, chúng tôi có các thắc mắc như sau:
1,  Tại Nghị định 29/2011/NĐ-CP “Điều 13. Thời điểm lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường
1. Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được tiến hành đồng thời với quá trình lập dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi)."
Hỏi: Các ĐTM này lập cuối năm 2011, nếu căn cứ vào hồ sơ “Thuyết minh dự án đầu tư - Thiết kế cơ sở” do Tư vấn PECC1 lập từ tháng 12/2007 thì có phù hợp không? Sự sai khác số liệu giữa TKCS, DA đầu tư và ĐTM được hiểu và xử lý như thế nào?
2, Trong cả 2 ĐTM, phần Các căn cứ pháp luật đều không viện dẫn Nghị quyết số 49/2010/NQ-QH12 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, có hiệu lực từ 01/08/2010, trong khi chỉ viện dẫn Nghị quyết số 66/2006/NQ-QH11 đã hết hiệu lực. Từ đó, trong cả 2 ĐTM, đơn vị Tư vấn đều xác định rằng, trích trang 1:
Dự án thủy điện Đồng Nai 6 là dự án mới, thuộc công trình cấp II, dự án nhóm A, do đơn vị tư nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư phê duyệt dự án đầu tư và quyết định đầu tư trên cơ sở kết quả thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở của Bộ Công Thương."
Hỏi: Việc xác định sai thẩm quyền phê duyệt việc đầu tư dự án như vậy thì ĐTM có đủ điều kiện pháp lý trình duyệt và đưa ra thẩm định hay không?
3,  Tại Nghị định 29/2011/NĐ-CP Điều 14. Tham vấn ý kiến trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
b) Đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức chịu tác động trực tiếp của dự án."
Hỏi: Việc tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh phía hại lưu sông Đồng Nai chịu tác động trực tiếp đến môi trường, trong đó có cả các khu bảo tồn đã được Quốc tế công nhận, Vườn Quốc gia Cát Tiên… nhưng không hề được Chủ đầu tư và Đơn vị lập ĐTM tham vấn. Vậy Hội đồng Thẩm định ĐTM xem xét vấn đề này như thế nào?
Xin trích Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011:
“Điều 12. Tham vấn ý kiến trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
4. Trong quá trình tham vấn, chủ dự án có trách nhiệm bảo đảm văn bản xin ý kiến tham vấn kèm theo tài liệu tóm tắt về các hạng mục đầu tư chính, các vấn đề môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường của dự án được gửi đến các cơ quan, tổ chức được tham vấn."
Xin trích phần cuối Công văn số: 5890/UBND-CNN, ngày 29/6/2011 do bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký- gửi Bộ Công Thương, v/v ảnh hưởng tác động của Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A trên địa bàn tỉnh Đồng Nai:
"…
Ngoài các tác động chung, Đồng Nai là tỉnh nằm phía hạ lưu Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nên chịu ảnh hưởng tác động trực tiếp và gián tiếp của Dự án. Các ảnh hưởng chủ yếu ở khu vực huyện Tân Phú và Định Quán trước hồ thủy điện Trị An (khu vực này có lòng sông hẹp, nhiều ghềnh thác) sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân cũng như một số công trình công cộng dọc 2 bên bờ sông một khi có điều tiết lũ của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ngoài ra, Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cũng sẽ có tác động không nhỏ đến việc vận hành của Nhà máy thủy điện Trị An và hồ thủy điện.
       Trong quá trình xem xét, khảo sát, nghiên cứu, thẩm định dự án cho đến khi dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện sông Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai hoàn toàn không được lấy ý kiến đánh giá các ảnh hưởng, tác động trong việc xây dựng Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, không có hồ sơ cụ thể về thông số kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường cũng như các ảnh hưởng tác động đến tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, qua các đánh giá sơ bộ nêu trên UBND tỉnh Đồng Nai có một số kiến nghị như sau:
             - Mặc dù Dự án thủy điện Đồng Nai và Đồng Nai 6A không nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhưng khi triển khai thực hiện sẽ ảnh hưởng tác động trực tiếp đến môi trường – xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Vườn Quốc gia Cát Tiên – Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận, ảnh hưởng đến việc thiết lập hồ sơ công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Do đó, kiến nghị Bộ Công Thương yêu cầu Chủ đầu tư Dự án thủy điện Đồng Nai và Đồng Nai 6A thực hiện đánh giá, phân tích kỹ ảnh hưởng, tác động môi trường- xã hội của Dự án khi triển khai thực hiện, đồng thời cho tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, nhân dân các địa phương liên quan có thể bị ảnh hưởng tác động bởi Dự án thông qua hội thảo, lấy ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi quyết định đầu tư.
             - Dự án thủy điện Đồng Nai và Đồng Nai 6A đã được bổ sung vào Quy hoạch thủy điện sông Đồng Nai tại Quyết định số 5117/QĐ-BCT ngày 14/10/2009 của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, theo Điều 7 Luật đa dạng sinh học và Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội về dự án công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất vườn quốc gia từ 50ha trở lên phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định đầu tư Dự án thủy điện Đồng Nai và Đồng Nai 6A./."
Nhận xét: Khi triển khai 2 Dự án này đã cố ý lách luật và phớt lờ Quốc hội ngay từ đầu thì việc bỏ qua các tỉnh, thành phố vùng hạ lưu bị ảnh hưởng trực tiếp là dễ hiểu. Ngay cả khi Tỉnh đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học rất công phu với kết quả nêu ra 3 vấn đề tích cực + 6 vấn đề tiêu cực (Báo cáo số 356/BC-STNMT, ngày 08/11/2011 của Sở TN& MT Đồng Nai) nhưng vẫn bị Cục thẩm định ĐTM - Bộ Tài nguyên & Môi trường coi không có giá trị thực tiễn và khoa học. Đã thế còn chỉ đạo các tỉnh phải tuân thủ theo 2 cái ĐTM của chủ đầu tư. Xin trích bài của PV Thao Lan trên trang Web của Bộ TN& MT ngày 02/10/2012:
Hội đồng chưa nhận được ý kiến phản hồi nào mang tính thực tiễn, khoa học.
Góp phần làm rõ vấn đề này, Báo Tài nguyên & Môi trường tập hợp các ý kiến cho rằng cần “cứu Cát Tiên khỏi thủy điện”, trao đổi với Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường), cung cấp các thông tin nhiều chiều tới bạn đọc.
(Hỏi- Thao Lan): Về ý kiến phản đối  xây dựng 2 dự án của UBND tỉnh Đồng Nai dựa trên kết quả hội thảo khoa học về tác động môi trường của 2 dự án đối với vùng hạ lưu trên địa bàn tỉnh (3 tác động tích cực, 6 tác động tiêu cực), Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho rằng:
 Việc này như đã nói ở phần trên, các tỉnh hạ lưu căn cứ vào các đánh giá tác động của 2 dự án, đề xuất phòng ngừa, giảm thiểu có liên quan đến các tác động của 2 dự án đối với địa phương mình để đưa ra các ý kiến trong phạm vi chức năng, quyền hạn do địa phương mình quản lý, không nên có các ý kiến đối với các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền và trách nhiệm của UBND các tỉnh khác."

Hỏi: Liệu các kết quả “nghiên cứu", giải pháp giảm thiểu tác động xấu tới môi trường được đưa ra trong 2 cái ĐTM của 2 dự án nói trên có thể làm căn cứ, cơ sở cho các Tỉnh, T.P hạ lưu theo đó mà xây dựng các chương trình về môi trường và không được quyền có ý kiến?! Vậy căn cứ khoa học và pháp lý nào để đưa ra quan điểm trên của Cục TĐ & Đánh giá tác động môi trường???
4, Tại Nghị định 29/2011/NĐ-CP Điều 16. Điều kiện của tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
1. Chủ dự án, tổ chức dịch vụ tư vấn phải có đủ các điều kiện sau đây mới được lập báo cáo đánh giá tác động môi trường:
b) Có cán bộ chuyên ngành liên quan đến dự án với trình độ đại học trở lên;
2. Tổ chức cung ứng dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chịu trách nhiệm trước chủ dự án và trước pháp luật về các thông tin, số liệu của mình trong báo cáo đánh giá tác động môi trường."
Hỏi: Cơ quan tư vấn lập thuê báo cáo ĐTM là Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG TPHCM, có lẽ do thiếu một số cán bộ chuyên ngành có liên quan, dẫn đến trong ĐTM có nhiều sai sót cơ bản, một số giải pháp đưa ra được xem là không tưởng, ngớ ngẩn…Vậy tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nói trên có đủ điều kiện về nhân sự không? Chất lượng của 2 ĐTM nói trên được xem xét như thế nào? Có đủ cơ sở khoa học và mức độ tin cậy đến đâu?
Xin trích trong 2 ĐTM nói trên (trang 11+12)
“Bảng 2: Danh sách các thành viên tham gia lập báo cáo ĐTM.
TT
Họ và tên
Học hàm học vị / Chức vụ
Chuyên ngành
Nơi công tác
I
Chủ dự án



1
Nguyễn Đình Trạc
Tng Giám đốc

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai
2
Phạm Anh Hùng
Giám đốc dự án

nt
3
Nguyễn Trung Phong
Giám đốc Công ty Điện năng

nt
4
Trần Bá Hiệp
Cố vấn Thủy điện

nt
II
Đơn vị tư vấn



1
Nguyễn Văn Phước
PGS.TS
Công nghệ hóa môi trường
Viện Môi trường và Tài nguyên
2
Nguyễn Hoàng Anh
Tiến sĩ
Sinh thái
nt
3
Đào Thanh Sơn
Tiến sĩ
Sinh học
nt
4
Nguyễn Hồng Quân
Tiến sĩ
Thủy văn
nt
5
Nguyễn Thanh Hùng
Nghiên cứu sinh
Quản lý môi trường
nt
6
Nguyễn Hoàng Lan Thanh
Thạc sĩ
CN Môi trường
nt
7
Phạm Thị Minh Thương
Cử nhân
Địa lý
nt
8
Nguyễn Thị Thái Hòa
Thạc sĩ
SD & BV TN MT
nt
9
Trần Văn Thanh
Thạc sĩ
Quản lý Môi trường
nt
10
Hồ Thị Ngọc Hà
Thạc sĩ
nt
nt
11
Đỗ Quốc Vương
Kỹ sư
nt
nt
12
Nguyễn Thị Phương Thảo
Kỹ sư
nt
nt
13
Viên Ngọc Nam
Tiến sĩ
Lâm nghiệp
ĐH Nông Lâm
14
Viên Ngọc Tuấn Anh
Cử nhân
nt
nt
15
Ngô Văn Trí
Thạc sĩ
Sinh học (Thú + Bò sát + Lưỡng cư)
Viện Sinh học Nhiệt đới
16
Nguyễn Trần Vỹ
Thạc sĩ
Sinh học (Chim)
nt
17
Nguyễn Xuân Đồng
Thạc sĩ
Sinh học (Cá + Tôm)
nt
18
Đặng Văn Sơn
Thạc sĩ
Sinh học (Thực vật bậc cao)
nt
19
Vũ Văn Nghị
Tiến sĩ
Thủy văn
ĐH Khoa học Tự nhiên
----------hết trích.
Nhận xét: Như vậy các thành viên lập ĐTM không ai có chuyên môn về Trắc địa; Địa chất công trình; Địa vật lý; Xây dựng; Xe máy động lực; Khai thác mỏ; Tuyển khóang (chế biến đá xây dựng); Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp…Do đó các vấn đề liên quan trong ĐTM đã bị sai căn bản, làm mờ hoặc bỏ qua.
5,  Tại Nghị định 29/2011/NĐ-CP Điều 17. Nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường
1. Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm:
b) Liệt kê, mô tả chi tiết các hoạt động, hạng mục công trình của dự án có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường kèm theo quy mô về không gian, thời gian, khối lượng thi công, công nghệ vận hành của từng hạng mục công trình và của cả dự án;
e) Danh mục công trình, chương trình quản lý và giám sát các vấn đề môi trường trong quá trình triển khai thực hiện dự án;"
Trích:                                             “PHỤ LỤC II
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN PHẢI LẬP BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ)
TT
Dự án
Quy mô
46
Dự án trồng rừng và khai thác rừng
Trồng rừng diện tích từ 1.000 ha trở lên; khai thác rừng diện tích từ 200 ha trở lên đối với rừng trồng, 50 ha trở lên đối với rừng tự nhiên sản xuất và 10 ha trở lên đối với rừng tự nhiên phòng hộ
48
Dự án khai thác vật liệu san lấp mặt bằng
Công suất khai thác từ 100.000 m3 vật liệu nguyên khai/năm trở lên
51
Dự án thăm dò đất hiếm, thăm dò khoáng sản có tính phóng xạ; dự án khai thác, chế biến khoáng sản rắn có sử dụng các chất độc hại, hóa chất hoặc vật liệu nổ công nghiệp; dự án chế biến, tinh chế kim loại màu, kim loại phóng xạ, đất hiếm
Tất cả
----------hết trích.
Hỏi: 1- Các hoạt động khai thác rừng; khai thác vật liệu san lấp (VLSL); khai thác đá có sử dụng VLNCN đều phải lập ĐTM riêng rẽ, kèm theo “Phương án cải tạo phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ". Ở đây khai thác hàng trăm ha rừng khu bảo tồn và rừng phòng hộ xung yếu; khai thác hàng triệu mét khối đất, đá XD (một Dự án thủy điện có 4 mỏ đất + 01 mỏ đá, khai thác 1m3 đá cần khỏang 0,4kg thuốc nổ) thì phải tách riêng hay lồng ghép chung trong 01 ĐTM?
Hỏi: 2- Các tuyến đường vào công trình (20-30 km); mỏ đất; mỏ đá có sử dụng hàng trăm tấn thuốc nổ (ngòai gần 1.000 tấn thuốc nổ phục vụ thi công)… nhưng trong 2 ĐTM không mô tả chi tiết các hoạt động, kèm theo quy mô về không gian, thời gian, khối lượng thi công, công nghệ vận hành của từng hạng mục công trình…, được xem xét như thế nào theo Điều 17 nói trên?
Hỏi: 3- Trong cả 2 ĐTM đều đưa ra giải pháp giảm ảnh hưởng xấu do nổ mìn phá đá bằng cách sử dụng máy phá đá bằng xung điện thủy EG, vậy các thông số công nghệ, tính năng, quy trình vận hành và hiệu quả máy này như thế nào?
6, Được biết trong Hệ VN 2000, kinh tuyến trục của tỉnh Bình Phước là 1060 15’; tỉnh Lâm Đồng là 1070 45’ và của tỉnh Đắc Nông là 1080 30’. Khi sử dụng GPS cầm tay hoặc các phần mềm xử lý bản vẽ, bản đồ địa hình, địa chính… trước hết đều phải xác định đúng kinh tuyến trục.
Do 2 dự án chiếm đất thuộc phạm vi của 3 tỉnh nên càng phải thận trọng. Thế nhưng trong cả 2 ĐTM có rất nhiều bảng tọa độ chỉ vị trí diện tích đất, rừng, điểm lấy mẫu, điểm quan trắc… nhưng hòan tòan đều không hề có kinh tuyến trục, múi chiếu kèm theo. Chưa kể các giá trị kinh độ, vĩ độ (x; y) lẫn lộn lung tung giữa các bảng tọa độ.
Hỏi: 1 - Việc xác định vị trí mô tả trong ĐTM ra ngòai thực địa căn cứ thông số tọa độ nói trên thì lấy theo cách nào cho chính xác? Khi có tranh chấp về ranh giới đất, rừng thì việc xử lý căn cứ vào đâu?
Hỏi: 2 - Khi vị trí mô tả trong ĐTM đã không chính xác, lẫn lộn lung tung thì các hoạt động gắn theo vị trí đó có ý nghĩa thực tiễn nữa hay không?
Xin trích tham khảo phần tọa độ trình bày trong ĐTM Mỏ đá xây dựng Ấp Miễu -Đồng Nai  của CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG 610 lập tháng 11/2008 (hiện đang lưu tại Cục thẩm định ĐTM của Bộ TN&MT).
Mỏ này khai thác âm (sâu dưới mặt đất) tới 60-70 mét cùng Cụm mỏ Tân Đông Hiệp - Bình Dương (sâu hơn 100 mét) nhưng lại được Viện MT & TN-ĐHQG lấy các thông số môi trường tham chiếu nghiên cứu lập ĐTM thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A.

Trích trang 14-15:
“Diện tích mỏ: bao gồm [20]
+ Diện tích khai trường là 26,2ha nằm trong ranh giới được xác định bởi các điểm góc theo hệ VN-2000, múi 30 Đồng Nai và UTM theo Bảng 1.1.
+ Diện tích mặt bằng sân công nghiệp 13,3ha bao gồm văn phòng mỏ, khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên, các công trình phụ trợ, khu chế biến đá...
Bảng 1.1: Tọa độ các điểm góc mỏ đá xây dựng Ấp Miễu
Điểm góc
Tọa độ VN -2000 múi 30
Tọa độ UTM
Diện tích (ha)
X (m)
Y (m)
X (m)
Y(m)
1
12 04 940
4 09 502
12 04 690
7 10 691
26,2
2
12 04 936
4 09 529
12 04 687
7 10 718
3
12 04 590
4 09 572
12 04 340
7 10 764
4
12 04 520
4 09 388
12 04 269
7 10 582
5
12 04 007
4 09 182
12 03 754
7 10 379
6
12 03 991
4 08 920
12 03 736
7 10 117
7
12 04 074
4 08 879
12 03 818
7 10 075
8
12 04 540
4 09 108
12 04 286
7 10 301
------hết trích.
7, Đánh giá ảnh hưởng do nổ mìn trong cả 2 ĐTM đều sai căn bản.
Xin trích 02 hình 1-1, trang 18 và hình 3-7, trang 179 dưới đây.
 Ai cũng có thể nhận thấy:
- Hai hình này chỉ là từ cùng 1 bản vẽ.
- Hình 3-7 vẽ Bảng chú thích đè lên một góc Bảng Ghi chú và Thước tỷ lệ.
- Cắt mấy khuyên  tròn đồng tâm xanh, đỏ, tím vàng dán đại vào và nói đó là “Phạm vi lan truyền tiếng ồn do nổ mìn”với các thông số dB chính xác tới 1% !??
- Các tác giả không phân biệt được “tâm nổ” và điểm đo tiếng ồn nên chú thích không ai hiểu nổi.
Nhận xét: Mỏ đá được chọn để so sánh đối chứng tính toán là khu vực cụm mỏ Tân Cang ở Đồng Nai và Tân Đông Hiệp ở Dĩ An, Bình Dương, là những mỏ khai thác đá xuống sâu hàng trăm mét so với mặt đất, hòan tòan khác nhau về các điều kiện địa hình hiện trạng, thông số kỹ thuật, quy mô… so với nổ mìn thủy điện tại dòng chính sông Đồng Nai giữa vùng rừng núi. Sự lan truyền của tiếng hú hay tiếng tù và giữa rừng núi khác hẳn nơi đồng bằng, đô thị…
Trích ĐTM thủy điện Đồng Nai 6, trang 284:
“Trong công tác nổ mìn, phương pháp nổ mìn vi sai qua hàng, số hàng mìn tùy theo hộ chiếu nổ, mạng nổ hình vuông. Đây là phương pháp tối ưu, đảm bảo an toàn trong thi công và giảm các tác động xấu đến môi trường như: giảm chấn động, đá văng đồng thời mang lại hiệu quả cao."
----hết trích.
Hỏi: 1 - Việc lấy 2 mỏ đá nói trên làm đối chứng nghiên cứu ĐTM có khiên cưỡng và đủ cơ sở tin cậy hay không?
Hỏi: 2 - Phương pháp nổ mìn vi sai qua hàng có phải là phương pháp tối ưu ở Việt Nam, và các công trình thủy điện nói riêng hay không? Những vấn đề gì ảnh hưởng đến chấn động, đá văng khi nổ mìn?
BanVeTongThe2
Hình 11: Sơ đồ tổng mặt bằng xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 (trang 18)

Hình 37: Phạm vi lan truyền tiếng ồn do nổ mìn (trang 179)

 8. Theo ĐTM do Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG TP HCM lập (lần thứ hai ) thì tổng lượng gỗ, củi tận thu của 2 DA thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A là: 31.399,05 m3 (củi chiếm 10%) và 771.829,5 cây (!) lồ ô.
Hỏi:1- Khối lượng lâm sản khi thi công 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A tại 2 ĐTM nói trên có đúng hay không? Độ chính xác tới 0,5 cây lồ ô là sao?
Điều đó có mâu thuẫn với việc nói rừng khu vực thủy điện không còn gỗ…?
Hỏi:2- Căn cứ và tính tóan như thế nào mà ông Bùi Pháp trả lời báo chí giá trị lâm sản tận thu từ 02 Dự án chỉ khỏang 6 tỷ VNĐ và giá thị trường chỉ 4,5 tỷ đồng?
Xin trích trong 02 ĐTM nói trên để tham khảo:
A, Trích trang 139- ĐTM Đồng Nai 6
Nguồn phát sinh bụi, khí thải
Từ phương tiện vận chuyển gỗ tận thu
Với diện tích cấp đất cho công trình là 197,63 ha (cấp đất vĩnh viễn và cấp đất tạm thời), trữ lượng gỗ khai thác trên diện tích này bao gồm các loại rừng trung bình, rừng giàu hỗn giao lồ ô, rừng trung bình hỗn giao lồ ô, rừng nghèo hỗn giao lồ ô, lồ ô hỗn giao rừng nghèo, rừng lồ ô với trữ lượng gỗ 17.342,41m3lồ ô là 314.555,5 cây (tương đương 8.520,72 m3), trong đó lượng gỗ ngọn cành cây ước tính khoảng 1.734,241 m3 (10% tổng trữ lượng gỗ). Ước tính trung bình mỗi xe vận chuyển 10m3/xe. Giai đoạn chuẩn bị diễn ra trong vòng 3 năm, tuy nhiên thời gian khai hoang diện tích rừng sẽ được thực hiện trong vòng 1 năm và  lượng gỗ, củi sẽ được vận chuyển tập trung trong vòng 3 tháng (giả sử 1 tháng có 28 ngày làm việc). Số lượng chuyến xe tham gia vận chuyễn gỗ, củi thể hiện trong bảng sau:
Bảng 32: Số lượng xe dùng để vận chuyển gỗ
Hạng mục
Gỗ, củi
Lồ ô
Lượng gỗ, củi cần vận chuyển (m3)
19.076,651

Lượng lồ ô cần vận chuyển (cây)

314.555,5
Số chuyến xe vận chuyển (chuyến)
1.908
852
Số chuyến xe vận chuyển (chuyến/ngày)
23
11
Các loại xe có tải trọng từ 3,5 đến 16 tấn, hoạt động liên tục 10h. Hiện nay, chưa có số liệu chuẩn hoá về nguồn thải do các loại xe gây ra, do đó có thể sử dụng phương pháp đánh giá nhanh của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số tài liệu khác có liên quan (*).
B, Trích trang 176-ĐTM Đồng Nai 6A

v Khí thải từ quá trình vận chuyển gỗ tận thu
Với tổng sản lượng gỗ khai thác tận dụng trên diện tích khai hoang 174,6 ha bao gồm rừng lá rộng giàu trữ lượng; rừng lá rộng trữ lượng trung bình; rừng gỗ hỗn giao lồ ô, rừng non phục hồi, rừng gỗ nghèo; rừng giàu hỗn giao lồ ô; rừng trung bình hỗn giao tre nứa và rừng lồ ô. Dự kiến tổng sản lượng gỗ 11.202,18 m3; tổng sản lượng lồ ô 457.274 cây, lượng gỗ ngọn cành ước tính khoảng 1.120,22 m3 (10% tổng trữ lượng gỗ). Trung bình mỗi xe vận chuyển 10 m3/xe. Giai đoạn chuẩn bị diễn ra trong vòng 3 năm, tuy nhiên thời gian khai hoang diện tích rừng sẽ được thực hiện trong vòng 1 năm và  lượng gỗ, củi sẽ được vận chuyển tập trung trong vòng 3 tháng. Số lượng chuyến xe tham gia vận chuyễn gỗ, củi thể hiện trong Bảng 3‑1.
Bảng 31 Số lượng xe dùng để vận chuyển gỗ
Hạng mục
Gỗ, củi
Lồ ô
Lượng gỗ, củi cần vận chuyển (m3)
12.322,4
Lượng lồ ô cần vận chuyển (cây)
457.274
Số chuyến xe vận chuyển (chuyến)
1.322
657
Số chuyến xe vận chuyển (chuyến/ngày)
16
9
Các loại xe có tải trọng từ 3,5 đến 16 tấn, hoạt động liên tục 10h. Hiện nay, chưa có số liệu chuẩn hoá về nguồn thải do các loại xe gây ra, do đó có thể sử dụng phương pháp đánh giá nhanh của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số tài liệu khác có liên quan (*).
----hết trích.

Kính thưa Quý vị, trên đây là một số thắc mắc của chúng tôi về 02 ĐTM sẽ được thẩm định vào ngày 28/11/2012. Chúng tôi chỉ tập hợp ý chính các thắc mắc và một số câu hỏi mong muốn được giải đáp công khai minh bạch.
Một lần nữa, cầu mong và kính chúc Hội đồng Thẩm định ĐTM đủ tâm và tầm thẩm định khách quan 02 Báo cáo ĐTM thông thường, không có gì là phức tạp cao siêu nói trên.
Trân trọng!

Thay mặt những người yêu quý và bảo vệ Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Thạc sĩ Nguyễn Hùynh Thuật
Tân Phú - Đồng Nai

Ghi chú: - Phần chữ màu xanh dương là trích trong các tài liệu, Văn bản.
   - Phần chữ màu đỏ là Câu hỏi cho HĐ và nhận xét đoạn được trích bên trên.
   - Phần chữ nét đậm hoặc nền vàng để nhấn mạnh.