Saturday, November 17, 2012

UNESCO đã nhầm? - NLĐO


UNESCO đã nhầm?

Thứ Sáu, 16/11/2012 22:55

Một “phát hiện” gần đây của Tập đoàn Đức Long Gia Lai khiến dư luận không khỏi sửng sốt: 137 ha trong vùng lõi VQG Cát Tiên chỉ có rừng sản xuất, rừng nghèo với tre nứa, lồ ô, không còn gỗ quý… Vì thế có thể “cắt” đi để làm 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A!

Không sửng sốt sao được khi VQG Cát Tiên đã được Ủy ban UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới vào năm 2001. Điều đó có nghĩa hơn 71.000 ha diện tích VQG Cát Tiên phải có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao, có đại diện đa dạng các hệ sinh thái của những khu vực địa lý sinh vật chính, diện tích đủ lớn để thực hiện 3 chức năng của khu dự trữ sinh quyển: vùng lõi, vùng đệm, vùng chuyển tiếp… để đáp ứng các tiêu chí khắt khe mà UNESCO đã đưa ra.
 
Ai cũng biết VQG Cát Tiên là cánh rừng nhiệt đới ẩm cuối cùng của miền Nam Việt Nam, hội tụ phong phú các kiểu rừng trong khu vực. Năm kiểu rừng cơ bản để làm nên giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao của VQG Cát Tiên là: rừng lá rộng thường xanh; rừng lá rộng thường xanh nửa rụng lá; rừng hỗn giao gỗ, tre nứa; rừng tre nứa thuần loại và thảm thực vật ngập nước.
 
Không chỉ có giá trị bảo tồn, các hệ sinh thái tự nhiên rừng đầu nguồn ở đây cực kỳ quan trọng với chức năng điều nước lưu vực sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và khống chế ngập lụt vào mùa mưa cho cả vùng rộng lớn miền Đông Nam Bộ… Do vậy, đến năm 2012, UNESCO lại tiếp tục công nhận KDTSQ Đồng Nai là KDTSQ thế giới, VQG Cát Tiên trở thành vùng lõi của KDTSQ Đồng Nai với chức năng bảo tồn lâu dài đa dạng loài, cảnh quan, hệ sinh thái.
Lẽ nào UNESCO đã công nhận nhầm?
Ban Quản lý VQG Cát Tiên và nhiều đoàn chuyên gia khảo sát độc lập trước và sau Tập đoàn Đức Long Gia Lai đều khẳng định khu vực dự kiến thực hiện 2 dự án thủy điện vẫn còn rất nhiều cây gỗ quý và thảm thực vật ven sông.
 
Ngoài ra, Thông tư 34 do Bộ NN-PTNT ban hành năm 2009 quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng, khái niệm rừng giàu, rừng nghèo được tạm tính theo trữ lượng dành cho cả loại rừng gỗ và rừng tre nứa, lồ ô, không có quy định nào xếp lồ ô, tre nứa vào dạng rừng nghèo. Không hiểu Tập đoàn Đức Long Gia Lai căn cứ vào tiêu chí nào để cho rằng 137 ha vùng lõi VQG Cát Tiên là rừng nghèo. Hay đây là tiêu chí riêng của các doanh nghiệp gỗ: Ít gỗ quý là rừng nghèo?
Nhiên Di

1 comment:

  1. Nguyen Huynh Thuat (Nguyễn Huỳnh Thuật)November 18, 2012 at 1:46 AM

    Mức độ đa dạng sinh học hiện nay của Việt Nam nói chung và rừng Cát Tiên nói riêng theo các chuyên gia mà tôi cùng làm việc như IUCN, UNESCO, CIFOR- Trung tâm Nghiên cứu Lâm Nghiệp Thế giới, họ đánh giá Cát Tiên là một trong những nơi có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, là nơi duy nhất ở VN có thể đảm bảo chắc chắn sẽ nhìn thấy thú (Nai, chồn, rắn, trăng, culi, chồn,...) vào ban đêm và vượn, chà vá vào sáng sớm trong hoang dã; đặc biệt Việt Nam là một nước trong khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ đa dạng sinh học rất cao. Cụ thể có một số loài đặc hữu đang ở tình trạng nguy cấp tuyệt chủng toàn cầu chỉ có xuất hiện ở Cát Tiên. Ví dụ như loài chà vá chân nâu,chà vá chân trắng, bò tót, bò xám, voi Châu Á, hổ, tê giác Việt Nam, gà so cổ hung, cá rồng, cá sấu xiêm,... Thực vật có bảy lá một hoa, trà hoa vàng,... Những loài đó chỉ có duy nhất ở tại khu vực của Vườn Quốc gia Cát Tiên mà không nơi nào có. Chính vì điều đó mà mà họ đánh giá Việt Nam là một trong 10 điểm nóng đa dạng sinh học. Vườn quốc gia Cát Tiên là một trong 200 lá phổi, vùng sinh thái (eco-region), khu dự trữ sinh quyển quan trọng của thế giới.
    Chính sự đa dạng sinh học của Cát Tiên đã thu hút nhiều đơn vị nghiên cứu của các nước khác đến hợp tác trong lĩnh vực môi trường và cụ thể họ có phối hợp với lãnh đạo VQG-Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên, có những nghiên cứu ví dụ như Dự án mà tôi có thời gian làm tư vấn cho CIFOR là phối hợp các chuyên gia Đại học Darwin bên Úc, cùng với Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Thế giới có dự án gọi là ‘Trade-offs between conservation and development (http://www.cifor.org/publications/pdf_files/livebrief/livbrief0901e.pdf)’- nghĩa là chúng ta tính mô hình từ việc đưa những dữ liệu ban đầu vào để đưa ra những mô hình phát triển bền vững lâu dài và chẳng hạn việc làm thủy điện có lợi hay không, vì sao không nên làm thủy điện, và làm thủy điện có lợi kinh tế trước mắt nhưng về lâu dài mất mát đa dạng sinh học, hại về môi trường. Mô hình cho thấy biểu đồ đi xuống; tức trước mắt thấy lợi ích kinh tế nhưng về lâu dài thì những mất mát khác đi kèm theo rất lớn, đô thị và phát triển sẽ đi xuống. Các chuyên gia khuyến cáo chúng ta không nên làm thủy điện, chúng ta không nên phát triển những cơ sở hạ tầng bên trong vùng lõi của rừng quốc gia Cát Tiên hay trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Như vậy chúng tôi có những mô hình tính toán cụ thể.

    ReplyDelete