Saturday, November 24, 2012

Nếu cứ quyết xây thủy điện Đồng Nai 6-6A, rồi sẽ phải trả giá! - NLĐO


Nếu cứ quyết xây thủy điện Đồng Nai 6-6A, rồi sẽ phải trả giá!

Thứ Sáu, 23/11/2012 23:15

TS Lê Minh Đức, Trưởng Phòng Môi trường và Phát triển bền vững Viện Chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) khẳng định ngay cả khi Chính phủ quyết định xây 2 thủy điện này, ông cũng phản đối

* Phóng viên: Thưa ông, việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Là chuyên gia về môi trường, từng tham gia vào các đề án xây dựng thủy điện quan trọng trong cả nước, ông ủng hộ hay không?
- TS Lê Minh Đức:
Tôi ủng hộ quan điểm của UBND tỉnh Đồng Nai là không nên xây, không nên phát triển thủy điện ở đó vì đây là khu vực rừng quốc gia. Tôi muốn nhấn mạnh rằng có thể rừng ở đây không nhiều bằng chỗ khác nhưng là rừng quốc gia, xây dựng thủy điện có thể ảnh hưởng đến môi trường. Nếu xét về lợi ích kinh tế, có thể đặt vấn đề sau này sẽ phát triển du lịch ở Vườn Quốc gia Cát Tiên thì thu nhập còn lớn hơn thủy điện.
Khi xây dựng một nhà máy thủy điện, người ta phải cân nhắc nhiều lợi ích chứ không phải chỉ kinh tế. Vấn đề cần hết sức cân nhắc là chặn dòng làm thủy điện có thể ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái vùng hạ lưu của các đập. Hiện nay, nhiều ảnh hưởng đã nhận thấy rõ là hệ nước ngầm tụt giảm do chặn dòng và có những ảnh hưởng khác chưa đánh giá được, khoa học cũng chưa nghiên cứu nhưng chắc chắn rằng sẽ phải trả giá vì như thế là can thiệp quá thô bạo vào hệ sinh thái, đặc biệt là hệ thống lưu vực sông. Đến nay, con người chưa đánh giá hết được các hiểm họa môi trường của thủy điện nhưng đã có những bằng chứng về mối liên hệ giữa việc chặn dòng làm thủy điện với hệ sinh thái vùng hạ du.
* Ông có cho rằng mấu chốt gây tranh cãi là do một bên quá đề cao lợi ích kinh tế của dự án trong khi bên kia coi trọng vấn đề môi trường hơn?
- Trên thế giới, người ta đánh giá việc lựa chọn này bằng giá trị đạo đức, không ai đi so sánh giá trị kinh tế cả. Ví dụ tại bang Queensland của Úc, trước đây có một dự án khai thác bauxite. Để khai thác mỏ này phải phá nguyên một cánh rừng nguyên sinh nên thống đốc bang không đồng ý.  Người ta hỏi ông thống đốc rằng giữ rừng thì được bao nhiêu tiền trong khi phát triển nhà máy khai thác bauxite nghiễm nhiên thu được 1,5 tỉ USD? Ở đây biết so sánh thế nào? Đó là giá trị đạo đức, người ra quyết định đầu tư khi nhìn thấy sự trường tồn lớn hơn tiền thì không chấp nhận dự án đó. Khó nhất là định lượng các giá trị sinh thái mất đi, làm sao định lượng được, thế giới cũng không có công cụ để định lượng điều này mà nó phụ thuộc vào đạo đức của người ra quyết định chứ không phụ thuộc vào lợi ích kinh tế. Với thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, có thể một nhóm người, nhóm cộng đồng nào đó được lợi nhưng ngành công nghiệp Việt Nam không vì thế mà lớn mạnh hơn. Cá nhân tôi không thấy thiệt hại nhiều nếu bỏ 2 thủy điện đó.
Các chuyên gia khảo sát thực địa tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: VRN
* Nếu vẫn quyết định triển khai thì hậu quả  thế nào?
- Tôi xin khẳng định rằng có rất nhiều việc Chính phủ đã quyết rồi nhưng lựa chọn cuối cùng vẫn phải nghiêng về lợi ích liên quan đến môi trường. Nếu xây thêm 2 đập theo dự án thủy điện 6 và 6A trên dòng sông vốn đã có nhiều đập thủy điện này thì chắc chắn vùng hạ lưu sẽ bị ảnh hưởng. 
* Theo ông, Chính phủ đã có đủ sự tham mưu, tư vấn tốt nhất trước khi quyết định hay chưa?
- Chính phủ nghe hết rồi, vấn đề là quyết định thế nào thôi. Chúng ta đang phát triển quá nhiều thủy điện. Năm ngoái, Bộ Công Thương đã phải rà soát, cắt giảm vài chục dự án thủy điện nhỏ. Liệu thủy điện có xanh, sạch như chúng ta nghĩ không? Tôi thấy nó đang gây nhiều hậu quả cho hệ sinh thái nhưng khó đo lường được. Các luận chứng kinh tế chỉ đánh giá sản lượng điện, giá trị kinh tế mang lại nhưng không tính đến mất mát hệ sinh thái phải trả. Cho nên, ngay cả khi Chính phủ quyết định xây 2 thủy điện này, tôi vẫn phản đối.
Ông Nguyễn Vũ Trung ra khỏi hội đồng thẩm định
Ngày 23-11, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Vũ Trung, Phó trưởng Phòng Đánh giá môi trường tổng hợp, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường), nói ông không còn là thành viên hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Việc ra khỏi hội đồng thẩm định là để “tránh áp lực”.
Liên quan đến 2 dự án thủy điện này, trước đó, ngày 8-11, ông Trung có nói báo chí, nhà khoa học phải khách quan, trung thực, thể hiện danh dự, lòng tự trọng và tính chịu trách nhiệm của mình; không thể à ơi theo tâm lý bầy đàn; cần nhìn về tương lai của đất nước, của con cháu mà sống có trách nhiệm; những phát ngôn trước công luận phải gắn với tự trọng, danh dự, phẩm giá của mình...
T.Dũng
TÔ HÀ thực hiện

9 comments:

  1. Hy vọng!
    Mr. Nguyễn Vũ Trung chẳng qua là không hên thôi! Ổng là Thư ký hội đồng ( nắm toàn bộ nội dung, đầu mối...)lại đeo số 13 ( mười ba) trong HĐ thẩm định nên nói năng hăng hái, dạy dỗ báo chí và bà con rất bài bản. Có thể Bộ TN-MT thấy ông này diễn dở quá, xấu mặt ban đại diện nên cho ở vòng ngoài, bớt tăm tiếng! Vấn đề quan trọng nhất là nếu vẫn thẩm định 2 cái ĐTM cắt dán " chưa sạch nước cản" thì tầm và tâm như thế nào đây? Hãy công khai cho quốc dân đồng bào ( nhất là mấy tỉnh hạ lưu sông Đồng Nai ) được biết để yên tâm mà sống.
    Hoan hô Tiến sĩ Lê Minh Đức! Khoa học chân chính thì : dù có phải lên dàn thiêu vẫn không thể nói Trái đất đứng yên! Chứ dăm ba cái phong bì đã khiến nhiều kẻ mang danh Tiến sĩ mờ mắt, quay ra mắng dân thiếu hiểu biết thì thật là... hết biết!

    ReplyDelete
  2. Nguyễn Huỳnh ThuậtNovember 24, 2012 at 9:33 PM

    Dear all supporters of Cattien,

    Nhóm Yêu quý Bảo vê Cát Tiên (SCT) và Thuật tin rằng kiến nghị 4.500 chữ ký ủng hộ dừng hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tại http://www.change.org/petitions/vietnam-government-and-congress-saving-cat-tien-national-park-by-stopping-2-hydropowers-dong-nai-6-6a đã-đang được chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ. Thuật đã chuyển cho quý vị trong hội đồng và chính quyền tỉnh Đồng Nai. Và nhóm kính mong anh Chánh (giám đốc sở TNMT tỉnh Đồng Nai, thành viên hội đồng ngày 28.11) cùng hội đồng giúp làm rõ ảnh hưởng của vấn đề di cư và sinh sản, thay đổi sinh thái-môi trường sống của những loài cá quý hiếm từ sông Đồng Nai vào Bàu Sấu vào mùa mưa lũ và từ Bàu Sấu ra ngoài sông Đồng Nai và vượt không gian của đập thủy điện định chắn nhất là hai nhóm cá đen (ưa tối, sống ở Bàu) và nhóm cá trắng (ưa sáng, sống ở Sông ĐN). Đây cũng là quan ngại của chuyên gia thẩm định hồ sơ di sản thiên nhiên Cát Tiên mà các báo đã có đưa tin (liệu một mắt xích trong chuỗi thức ăn liên hệ in-out của Bàu Sấu và Sông Đồng Nai bị đứt/bị mất thì điều gì, thảm họa gì sẽ xảy ra: các loài bị ảnh hưởng đi kèm gồm động vật phêu sinh, thảm thực vật liên hệ thức ăn, các loài thú cũng như các loài động vật nhất là các loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng có liên hệ trong chuỗi này,...).

    Hơn nữa cơ dân bản địa vùng hạ lưu đã than khốn khổ vì thủy điện Đa Nhim,.... gây hạn và lụt thất thường chưa từng có,... sức tải của hệ sinh thái và sức chịu đựng có giới hạn của nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương cùng nhiều loài quý hiếm-đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu: Tê giác, Bò Tót, Gà So Cổ hung, Chà Vá Chân Nâu, Vượn má vàng, Bảy lá Một Hoa, Trà Hoa Vàng, Cá Rồng,... sẽ ra sao, ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý, tinh thần và sức sinh sản, sức sống như thế nào cũng cần được hội đồng đề nghị Chủ đầu tư ĐLGL và đơn vị tư vấn DTMs làm rõ, ký cam kết trách nhiệm trước khi thẩm định và thông qua hay không.

    Tin tưởng rằng sẽ không hơn quá bán của hội đồng thẩm định ngày 28 ủng hộ Thủy điện.

    Tin rằng Rừng-Ramsar-Di sản-Lá phổi-Ngôi nhà xanh Cát Tiên sẽ được bảo vệ nguyên vẹn.

    Yes we can change. Together we are one. Let us go as river. Together we can change the world. Do it now DIN.

    Kính tặng cả nhà bài thơ ngắn Th sáng tác hôm nay (Thứ sáu ngày 24.11.2012) và đang nhờ nhạc sĩ phổ nhạc:

    "Sự sống tiếp nối chỉ thế thôi
    Chồi non chớm nở lá vàng rơi
    Không nhân thì làm gì có quả
    Không Rác làm sao có được Hoa
    Có Âm ắt phải có Dương thôi
    Sống Chết là luật tự nhiên
    Ác Thiện như hai mặt đồng tiền
    Như tối nhường sáng có mặt ngay

    Mỗi ngày một mới một hoàn hảo
    Mỗi giây mỗi khác mỗi đổi thay
    An nhiên tự tại ta vui sống
    Được mất bại thành chẳng động tâm
    Cát Tiên phức hợp sẽ được cứu
    Di sản ngàn đời giữ mai sau
    Tất cả đi về đâu cuối ngõ
    Tất cả nằm trong một nghĩa KHÔNG

    Đã quyết từ nay được tự do
    Can đảm tranh đấu giữ màu xanh
    Nay xa buồn lắm Cát Tiên ơi!
    Xa mặt nhưng lòng đâu nào cách
    Thảnh thơi thanh thản là đích đến
    Tươi mát tình thương ta dâng đời
    Nhật chiếu cảnh Tiên liền hiện rõ
    Vầng trăng sáng tỏ giữa trời Minh"
    Kính,
    T/M nhóm SCT
    Nguyễn Huỳnh Thuật

    ReplyDelete
  3. phet - ý kiến trên NLĐONovember 24, 2012 at 10:17 PM

    24/11/2012 07:23
    Thuỷ điện thì không phải nơi nào cũng có thể xây dựng được, mà phải dựa vào địa hình. Tuy nhiên rừng thì không phải chỗ nào cũng có, mà nhất là Vườn QG. Giữa hai cái này nếu tính toán cơ hội tồn tại thì rừng bất lợi hơn nhiều vì rừng chỉ có mất đi chứ không có phát triển thêm. Để chứng minh cho điều này thì hãy xem xét tỷ lệ che phủ. Tuy hiện nay Bộ NN và PTNT công bố tỷ lệ che phủ toàn quốc là 39,7% (Quyết định số 2089 /QĐ-BNN-TCLN ngày 30 / 8 /2012 của Bộ NN và PTNT), nhưng: 1. Đây là tỷ lệ căn cứ vào diện tích các loại rừng (tự nhiên + rừng trồng); 2. trong số diện tích rừng TN này (trên 10 triệu ha) thì bao gồm các loại có độ tàn che từ 10% cho đến rừng giàu độ tàn che 100%; 3; Trong thực tế loại rừng giàu, tốt có độ tàn che từ 50% trở lên còn rất ít; 4. Nếu nói chất lượng môi trường đã được cải thiện thông qua tỷ lệ che phủ rừng tăng (39,7%) thì tại sao lũ quét liên tục xảy ra và trong khi đó phá rừng vẫn liên tục xảy ra (phá rừng luôn ở những khu vực rừng tốt và thường là các VQG). Tại sao lại có con số cao như vậy ? Là do: thay đổi tiêu chí xác định rừng, bao gồm nhiều loại trước kia không xem là rừng thì nay được xem là rừng dẫn đến tỉ lệ che phủ tăng vọt. Đây là con số ảo. Nhiều người vẫn nghĩ tỷ lệ che phủ rừng của VN tăng cao trong những năm gần đây. Một cách đơn giản để kiểm tra là sử dụng Google Earth, chỗ nào có màu xanh đậm là rừng còn tốt ! và nó không nhiều đâu. Còn cách khác nhưng cần viết nhiều hơn, mà ở đây thế là đủ. VQG Cát Tiên khoảng những năm 1980 còn rất đẹp theo đúng nghĩa VQG, bây giờ cũng đẹp, nhưng theo nghĩa 1 khu du lịch ! Mở rộng ra thì thấy VQGYok Đôn, vài năm nữa sẽ không còn gì để nói nữa, rồi tiếp theo là Bi Đúp.
    http://nld.com.vn/20121123110234731p0c1002/neu-cu-quyet-xay-thuy-dien-dong-nai-66a-roi-se-phai-tra-gia.htm

    ReplyDelete
  4. NVM- ý kiến trên NLĐONovember 24, 2012 at 10:21 PM

    24/11/2012 08:36
    Kẻ sĩ thì "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất", nhưng kẻ sĩ ngày nay vì cơm áo mà làm chuyện bất nhân, đến nỗi giữa hội trường vỗ ngực đứng về cái sai, mạ lỵ bao người. Hôm qua đọc bài báo của Lê Văn Nuôi kể chuyện Đ/c Vỏ Văn Kiệt lúc làm PTT phụ trách kế hoạch, lúc sang Đông Âu xin viện trợ, người ta từ chối, khi về Đ/c cảm thấy nhục (Chính Đ/c sau này kể lại) đã chuyển đổi việc làm kế hoạch để tự cường. Đó là chí khí của kẻ sĩ. Chẳng lẽ cái chí khí ấy của cha ông không còn trong "lớp trí thức quan quyền". Nhiều nhà khoa học và cả nhân dân tâm huyết can ngăn, nhưng cái lớp quan quyền kia vẫn cầm gươm chém vào tương lai của đất nước. Thử hỏi thủy điện ĐN có làm cho VN hết thiếu điện và thiếu điện hiện nay có nguy kịch đến nổi phải chặt chém tương lai. Theo tôi là không. Đó là hiện tượng vơ vét tài nguyên của hạng sâu mọt gặp thời.
    http://nld.com.vn/20121123110234731p0c1002/neu-cu-quyet-xay-thuy-dien-dong-nai-66a-roi-se-phai-tra-gia.htm

    ReplyDelete
  5. Bảy xe ôm - ý kiến trên NLĐONovember 24, 2012 at 10:24 PM

    24/11/2012 11:11
    Hay hỏi ông Pháp công tác đảm bảo An Toàn Giao Thông và VỆ SINH MÔI TRƯỜNG trên tuyến đường QL14 mà tập đoàn ông ta đang là chủ đầu tư xem ông ta trả lời thế nào. Trước mặt bàng dân thiên hạ đang bỏ bê như vậy thử hỏi cái thủy điện nằm ở vùng sâu vùng xa. Họ sẽ hành xử thế nào ! P/s: Quý báo nên thị sát và có bài báo về QL14 của đức long, để minh họa cho cái môi trường của thủy điện.
    http://nld.com.vn/20121123110234731p0c1002/neu-cu-quyet-xay-thuy-dien-dong-nai-66a-roi-se-phai-tra-gia.htm

    ReplyDelete
  6. Thanh Minh - ý kiến trên NLĐONovember 24, 2012 at 10:25 PM

    24/11/2012 11:12
    Bài phỏng vấn TS Nguyễn Minh Đức đã phân tích rõ được mất xét trên khía cạnh kinh tế và môi trường. Tôi xin phép bổ sung ý kiến là bất cứ chủ trương chính sách nào cũng phải dựa trên lòng dân là chính. Trừ trường hợp chính sách đưa ra để bảo vệ chính người dân (như nón bảo hiểm), nếu cái nào dân không đồng tình thì hãy ngưng ngay, đừng cố đấm ăn xôi nữa. @ Nguyễn Vũ Trung: Có phải các nhóm lợi ích muốn xây thủy điện áp lực với ông vì phát biểu của ông càng làm họ bị ghét nhiều hơn?

    ReplyDelete
  7. NGUYEN XUAN DUNG - ý kiến trên NLĐONovember 24, 2012 at 10:26 PM

    24/11/2012 12:46
    Là người đã từng sống ở Berlin Tôi thấy giữa trung tâm Thành phố là khu rừng Tiêgarten rất xanh tươi. Để bảo tồn khu rừng - người Đức đã xây hàng loạt đường hầm đường bộ đường sắt xuyên dưới lòng đất. Xung quanh thành phố Berlin cũng có rất nhiều khu rừng tương tự . Vì vậy thành phố Berlin luôn thu hút rất nhiều khách du lịch khắp Thế giới. Ngày xưa Bác Hồ luôn phát động phong trào Tết trồng cây . Vì vậy chúng ta cần phải hành động để thế hệ sau không phải trả giá.

    ReplyDelete
  8. Hoàng Trường Việt - ý kiến trên NLĐONovember 24, 2012 at 10:28 PM

    24/11/2012 15:11
    Rất trân trọng ý kiến của TS Lê Minh Đức, 'Trên thế giới, người ta đánh giá việc lựa chọn này bằng giá trị đạo đức, không ai đi so sánh giá trị kinh tế cả'. Thực sự là lợi và hại về thủy điện 'nhóm chủ trương' họ biết sao không, đừng nói họ không biết, tui dám chắc như thế!, ở đây 'cốt lỏi' vấn đề thiết nghĩ có lẽ các bác cũng đã rõ cả rồi, ngay cả đám trẻ phổ thông hỏi tụi nó xem, nó nói cho nghe 'ước mơ' của tụi nó, nghe mà 'nhột nhạt' đến đau lòng. Trước đây có nhà kinh tế nổi tiếng thế giới đến VN đã khuyên VN đừng nên phát triển theo kiểu 'hot' bất chấp tất cả mà hậu quả sau này còn tồi tệ hơn gấp nhiều lần chỉ số phát triển. Bây giờ có ai nghe...ai nói không hay chỉ là 'hét cho dân tôi hoảng' như 'công bộc' Vũ Trung kia?. Bác Hồ đã từng dạy: 'Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh'.

    ReplyDelete
  9. Tâm Huyền
    Ta đã làm gì cho quê ta?
    Một dấu hỏi vồng lên nghe lòng quặn thắt!
    Như lưng còng của Mẹ
    Như hình hài trẻ thơ thiếu cơm thiếu áo
    Mà dài đêm dằn vặt
    Đọng một dấu chấm than
    Chấm lửng lưng Người...
    Ôi quê hương!
    Một quê đói nghèo xơ xác
    Ôm lũy tre làng, gậm đá rã mồ hôi
    Một bát canh rau nóng hổi
    Ta quên sao dáng Mẹ ta cười
    Bóng cha già đứng lặng giữa cươi*
    Dẫy* rơm rạ tóc khô,
    Với chiếc xảy* nhọn hoắt tay liền tay không nghỉ
    Phơi trần lưng cày luống cày lúa mới
    Bàn chân lùi giữa trời trưa nắng xóa
    Nuôi đàn con lớn dậy bao ngày.


    Ta đã làm gì cho quê Ta?
    Đã vá lành chưa vết thương hằn trên lưng Mẹ?
    Ôi! Một dấu hỏi ngàn đêm
    Mà sao không trả nổi
    Thao thức...chừ thao thức...
    Cứ xoáy mãi tim người
    Gan héo, ruột lồi và mắt rớt con ngươi.
    Nghe vẳng đâu đây
    Tiếng cuốc đêm thâu
    Tiếng ve sầu gọi hè không mỏi
    Cơn gió rì rào
    Vọng tiếng hò ai nhặt khoan vời vợi.
    Ta chẳng đứng bên ni
    Em chẳng qua bên nớ
    Mà sao lòng nghe chừng nức nở
    Võng đưa êm ả giọng ơi à...
    Gối tay Mẹ nút hoài bầu sữa cạn.
    Bao năm rồi cách xa ly tán
    Ta phải về tắm lại bến sông xưa
    Làng cũ mến thương
    Cao vút rặng dừa
    Bưởi bòng mãi đu đưa trong gió lộng
    Quê hương nay thuyền trôi lướt sóng
    Bão tố qua rồi, trời ngớt cơn mưa
    Ta phải về dựng lại mái tranh xưa
    Để thờ Tiên linh liệt tổ
    Để vơi dần nỗi nhớ niềm thương
    Và sẽ hát cùng em
    "Bài ca dao gởi Mẹ"
    Giữa đình- chùa- miếu- vũ linh thiêng.
    Ta phải về dìu em đến trường
    Học lại bài ngày xưa ông cha dạy:
    "Biết yêu thương và sống đời chân thực
    Biết làm người dù khổ cực, gian lao
    Biết lấy oán làm ân
    Biết ơn cha nghĩa mẹ
    Biết nghĩa thắm đồng bào"
    Và muôn điều đạo lý thanh cao
    Còn vương mãi trong rừng ca dao thuở nọ
    Cho mắt em thơ sáng tỏ
    Cho trí vượt trời cao
    Để tự hào mang giòng giống Việt
    Đừng bịt mắt, che tai, giả đò câm điếc
    Chạy theo danh lợi bạc tiền
    Giành nhau hốt những đồ rác rưởi
    Của thiên hạ dư thừa
    Mang nhãn hiệu văn minh - mục rữa
    Để Mẹ thương yêu ngậm ngùi lệ ứa
    Mà lãng quên kho báu ngàn đời
    Của Tổ Tiên chắt chiu dành dụm.
    Ta sẽ về ươm lại tình quê
    Cho đất nở hoa tươi
    Cho vườn xưa đơm quả ngọt
    Cho em thơ chiều lên nghe chim chiền chiện hót
    Thả cánh diều lơ lửng cuối sườn đê
    Lắng tiếng chuông rơi, lá rụng sau hè

    Cát Tiên ơi, di sản ngàn đời, là phổi xanh nhân loại
    Ôi! đẹp vô cùng một bức tranh, ngôi nhà xanh
    Một bức tranh mộc mạc, không màu
    Sao mà yêu đến thế!
    Hãy vẽ tiếp dùm ta em nhé!
    Bởi tay gầy thấm mỏi
    Bởi bút nhạt ngòi trơ

    Đây là đâu? Em?
    Em có thực... hay mơ?
    *những từ địa phương

    ReplyDelete