I. Các tác động tiêu cực về môi trường:
1. Ảnh hưởng
nội vùng (VQG):
a. Sẽ thêm nạn phá rừng và săn bắt thú quý hiếm.
Hiện nay, ngay cả khi chưa có hai thủy điện Đồng
Nai 6 và 6, Vườn quốc gia đã phải đối mặt với việc kiểm soát rừng rất khó khăn.
Nếu hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được xây, hai bờ sông Đồng Nai nối kết sẽ
tạo điều kiện rất thuận lợi cho kẻ xấu vào săn bắt thú rừng và khai thác gỗ VQG
Cát Tiên một cách dễ dàng. Đồng thời, sự có mặt của rất đông công nhân xây dựng dự án ( cao điểm sẽ tới hàng ngàn
người thuộc rất nhiều đơn vị B; B'…) trong thời gian dài (4 năm) chắc chắn sẽ
xâm phạm nghiêm trọng đến tài nguyên rừng của VQG Cát Tiên. Đặc biệt, việc xâm
hại vào những khu vực khác của VQG sẽ là rất khó ngăn chặn do có đường giao
thông được mở mới. Hai tuyến đường thi công cho hai thủy điện ĐN 6 và 6A từ
QL 14 đi xuyên qua vùng đệm đến vùng lõi của VQG Cát Tiên sẽ như hai nhát dao
đâm thẳng vào trái tim khu bảo tồn, rất thuận lợi cho lâm tặc phá rừng của Vườn
quốc gia. Trong suốt thời gian thi công dài 4 năm, các khu rừng gần nhà máy sẽ
bị tàn phá. Đến khi hồ thủy điện tích nước thì kẻ xấu phá rừng càng dễ dàng
hơn. Lâm tặc chỉ cần cưa, đẩy xuống hồ, nhẹ nhàng kéo qua bờ bên kia là có sẵn
đường vận chuyển gỗ. Ai có thể cam kết giữ được rừng vùng lõi của VQG khi
giao thông thủy bộ quá thuận lợi?
b. Ảnh
hưởng tới đa sạng sinh học của VQG Cát Tiên:
Rừng bị xâm phạm không phải là rừng nghèo:
Các nhà khoa học đã khảo sát nghiêm túc khu vực
dự kiến làm thủy điện và thấy nhiều loài cây quý có tên trong Sách đỏ của Tổ
chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) như cẩm lai, trắc, mun, kơ-nia… Ngoài
ra, các nhà khoa học cũng phát hiện khá nhiều loài thực vật quý hiếm trong lĩnh
vực dược học như: ba gạc, sâm cau, một số loại cây họ gừng… và một số loài thực
vật khác chưa được định tên. Ngoài ra, rừng nơi đây cũng là tập hợp năm kiểu
rừng đặc trưng để tạo nên giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao của VQG Cát
Tiên: rừng lá rộng thường xanh; rừng lá rộng thường xanh nửa rụng lá; rừng hỗn
giao gỗ, tre nứa; rừng tre nứa thuần loại và thảm thực vật ngập nước.
Về động vật, các nhà khoa học cũng xác định được
rằng khu vực quy hoạch hai dự án là nơi sinh sống của nhiều loài thú quý hiếm
như chà vá chân đen, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, cu li nhỏ… Hơn nữa, trong khu
vực này còn có 98 loài chim thuộc 25 họ, 13 bộ, trong số đó có năm loài có tên
trong Sách đỏ như gà so cổ hung, gà lôi hông tía, gà tiền mặt đỏ, hồng… Trong chuyến
khảo sát gần đây còn ghi nhận có một bầy chà vá chân đen khoảng 10 con sống tại
khu vực đường vào thôn Bù Sa, xã Đồng Nai Thượng. Khu vực này cũng rất thích
hợp cho vượn đen má vàng - một loài linh trưởng cực kỳ quý hiếm sinh sống.
Thú quý hiếm sẽ mất “nhà”
Trong quá trình mở đường, chặt cây, phá núi, phải
nổ mìn (ước tính khoảng 850 tấn thuốc nổ trong vòng 3 năm, tức mỗi ngày rừng
trong khu vực thi công và lân cận sẽ chịu ảnh hưởng của 0,8-0,9 tấn thuốc nổ)
sẽ gây ra ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi độc là sản phẩm khí nổ, chấn động, đá
văng…ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh cảnh sống của các loài chim, thú, đặc biệt
ba loài linh trưởng quý hiếm: chà vá chân đen, vượn đen má vàng và cu li nhỏ.
Chà vá chân đen - là loài có nguy cơ tuyệt chủng
ở mức nguy cấp - có nguy cơ bị tiêu diệt rất cao, bởi vùng sống của chúng nằm
trên đường chuyên chở máy móc, nguyên vật liệu phục vụ cho hai dự án. Đây là
loài rất nhút nhát, khi thấy người chỉ ngồi im một chỗ, lấy lá che mặt, che
thân. Hiện tại, có ít nhất bốn bầy vượn đen má vàng sinh sống dọc sông Đồng
Nai, sát khu vực dự kiến xây thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Chúng lại có tập tính
bảo thủ về lãnh thổ rất cao, nghĩa là nếu vùng sống của bầy bị thu hẹp hay chia
cắt, chúng vẫn tiếp tục ở đó bất chấp nguy hiểm, thay vì di chuyển đi nơi khác.
Thảm thực vật sẽ biến mất:
Nếu thủy điện được xây dựng, thảm thực vật rừng
tự nhiên hàng trăm năm cũng sẽ mất đi, khu vực hồ sẽ bị thay đổi bằng một thảm
thực vật khác, chủ yếu là cỏ và cây bụi. Sự thay đổi của 137 ha vùng lõi chắc
chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn vùng VQG, đặc biệt là Bàu Sầu, một điểm nóng về đa
dạng sinh học trong khu vực Đông Nam Á.
Bàu Sấu sẽ bị hủy diệt:
Bàu Sấu, nằm ở vị trí trung tâm vườn quốc gia Cát
Tiên, là một trong hai khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar) của
Việt Nam, Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam nằm trên núi nhưng vẫn ngập nước, sự
độc đáo ấy được tạo ra từ nước sông Đồng Nai. Với diện tích rộng tối đa 2.668ha
vào mùa mưa và bị thu hẹp còn khoảng 151ha vào mùa khô, Bàu Sấu có vai trò rất
quan trọng cho việc bảo tồn dạng sinh học của vườn quốc gia Cát Tiên. Thảm thực
vật ở đây rất đặc trưng của đồng cỏ, hệ thực vật nổi và rừng đầm lầy, là sinh
cảnh tuyệt vời đối với các loài động thực vật thủy sinh, cá nước ngọt, cá sấu,
các loài chim nước, các loài thú lớn quần cư ở ven bàu vào mùa khô. Đặc biệt
nơi đây có một quần thể cá sấu xiêm đang sinh sôi phát triển.
Chế độ thủy văn tự nhiên hằng năm ở Bàu Sấu với
một mùa ngập và một mùa cạn đã tạo ra sự đa dạng về các loài sinh vật qua mối
quan hệ của chuỗi thức ăn. Mùa ngập, cá từ sông Đồng Nai vào Bàu Sấu sinh
trưởng và sinh sản. Mùa khô lại theo dòng nước ra sông. Bàu Sấu được ví như
Biển Hồ của Campuchia, là vùng sinh cảnh quan trọng bảo tồn và cung cấp nguồn
giống cá ngước ngọt cho toàn hệ thống sông Đồng Nai.
Vào mùa mưa, Bàu Sấu nhận nguồn nước chủ yếu từ
sông Đồng Nai chảy ngược dòng thông qua suối Đắk Lua - là cầu nối giữa sông
Đồng Nai với các suối, các bàu ở trong VQG, làm cho vùng lưu vực này trở thành
hệ sinh thái Đất Ngập Nước mở, cung cấp một số lượng lớn phù sa và sinh vật
thủy sinh vào sâu trong nội địa các bàu, cung cấp dinh dưỡng cho hệ sinh thái
này.
Vào mùa khô, nước rút ra sông Đồng Nai qua con
suối Đắk Lua hình thành ở các vùng bán ngập là các sinh cảnh đồng cỏ hấp dẫn
các loài thú móng guốc.
Nước từ thượng nguồn sông Đồng Nai chảy về thông
qua suối Đăk Lua sẽ không đủ để “nuôi” Bàu Sấu:
Hiện nay, thượng nguồn sông Đồng Nai, phía trên
Bàu Sấu và suối Đắk Lua đã có các thủy điện Đồng Nai 2, 3 và 4 đang hoạt động.
Trước khi có các thủy điện này, lượng nước về Bàu Sấu thông qua suối Đăk Lua
vào mùa mưa có biên độ 4-5 m, hiện nay chỉ còn 1-2 m. Những năm gần đây vào mùa
khô, diện tích mặt nước của Bàu Sấu ngày càng bị thu hẹp lại so với trước. Năm
2011, chỉ mới đầu tháng 12 mà diện tích mặt nước chỉ còn khoảng 150ha.
Hai thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A nằm phía thượng nguồn
và rất gần suối Đắc Lua, chắc chắn sẽ làm giảm mực nước sông Đồng Nai vào mùa
mưa. Vì vậy, do đó lượng nước chảy ngược về Bàu Sấu thông qua suối Đăk Lua cũng
sẽ bị giảm mạnh. Vào mùa khô, do mực nước hạ lưu xuống thấp vì các thủy điện
tích nước, sông Đồng Nai sẽ thu hút một số lượng nước lớn hơn từ Bàu Sấu - vốn
đã không tích đủ nước vào mùa mưa - thông qua suối Đăk Lua. Chắc chắn khó
tránh khỏi tình trạng Bàu Sấu ngày càng bị cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn
đến hủy diệt khu đất ngập nước quí hiếm này.
2. Ảnh
hưởng ngoại vùng:
Làm cạn kiệt dòng
chảy hạ lưu sông Đồng Nai.
Theo như tính toán của đơn vị tư vấn trong báo
cáo ĐTM,ảnh hưởng tới lưu lượng dòng chảy trung bình/năm có thể không nhiều,
nhưng sự chênh lệch mực nước sông giữa ngày và đêm sẽ trở nên rất lớn so với
điều kiện tự nhiên khi không có thủy điện, do ảnh hưởng của việc quá cạn - ở mực nước
chết (khi thủy điện tích nước) và bị phơi nắng vào ban ngày
trong khi đó thì lại quá ngập (khi thủy điện xả nước) vào ban đêm. Điều
này sẽ gây áp lực rất lớn lên sự tồn tại của sinh vật vùng hạ lưu, nhất là
trong một môi trường nắng nóng vùng nhiệt đới như ở Việt Nam.
Thêm vào đó, do đặc điểm dòng sông hạ lưu có
nhiều rãnh, hẻm sâu và dòng sông chảy chủ yếu theo các rãnh này. Sự chênh lệch
quá lớn giữa mực nước lớn nhất và nhỏ nhất trong ngày sẽ làm tăng yếu tố bất
lợi của sông, ví dụ các cửa lấy nước phục vụ dân sinh sẽ có thể bị bồi lắng
không lấy đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất trong những thời điểm nhất
Thúc đẩy nhiễm mặn ở vùng hạ lưu:
Khi mực nước sông nhỏ nhất trong ngày trở
nên quá thấp, trên sông ở hạ lưu đặc biệt khu vực Sài Gòn và Đồng Nai trở ra biển
sẽ có khả năng xâm thực rất mạnh của thủy triều. Chính vì thế mấy năm gần đây
các nhà khoa học môi trường đã đo được độ mặn ngay tại khu vực nhà máy nước
(Phước An) của Tp.HCM.
Nói tóm lại không thể dùng cách tích trung bình
để làm mờ những ảnh hưởng tiêu cực của thủy điện lên chế độ thủy văn hạ lưu.
Người ta cũng có thể đặt dấu hỏi, tình trạng triều cường xâm thực ngày càng
mạnh ở TP Hồ Chí Minh và vùng phụ cận có liên quan tới chuỗi thủy điện dày đặt
đang hiện diện trên sông Đồng Nai?
II Về hiệu quả phát điện của hai dự
án:
Sản lượng điện
đạt được có thể chưa được như chủ đầu
tư tuyên bố:
Hiện nay, các nhà máy thủy điện Đa Nhim, Đại
Ninh, Đồng Nai 2, 3, 4, 5 ở trên và Trị An ở cuối nguồn đã tận dụng 90%
tiềm năng thủy điện của sông Đồng Nai. Thêm vào đó, hiện tại xét về tổng thể
thì các thủy điện bậc thang hiện nay trên sông Đồng Nai đang vấp phải một
nghịch lý về hiệu quả phát điện. Vào mùa khô khi nhu cầu sử dụng điện nhiều thì
các thủy điện trong bậc thang không đáp ứng được vì thiếu nguồn nước, đến mùa
mưa nhu cầu dùng điện ít thì thủy điện lại dư nước phát điện và phải xả lũ bị
động, bất thường.
Kết quả đợt khảo sát về tác động môi trường của
các nhà máy thủy điện trên sông Đồng Nai cuối năm 2010 cho thấy, hàng loạt nhà
máy thủy điện phải ngưng hoạt động vì thiếu nước. Nằm gần cuối sông Đồng Nai,
không tích đủ nước để vận hành, thủy điện Trị An đã phải hoạt động cầm chừng,
nhưng ngược lên thượng nguồn, thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 cũng gặp không
ít khó khăn trong việc tích nước phát điện. Nghịch lý này sở dĩ tồn tại là vì,
ngoài nguyên nhân là thiếu mưa, diện tích rừng tự nhiên suy giảm mạnh còn do
vấn đề đã được khoa học đã chứng minh: rằng trên cùng một dòng sông mà xây dựng
càng nhiều nhà máy thủy điện thì thời gian phát điện của mỗi nhà máy sẽ càng ít
đi. Đó cũng là một sự thật đã diễn ra trước mắt, trên những nhà máy thủy điện
mà con sông Đồng Nai đang oằn mình nặng gánh. Xem ra sự “góp mặt” của hai thủy
điện Đồng Nai 6 và 6A vào hệ thống thủy điện bậc thang chỉ làm nghịch lý này
càng trầm trọng, khó chữa hơn.
Như vậy, trên thực tế, có lý do chính đáng để
xem lại con số gần 1 tỷ kWh mà chủ đầu tư tuyên bố 2 dự án ĐN6 và 6A sẽ đóng
góp vào mạng lưới điện quốc gia mỗi năm.
III. Tiềm năng của VQG trong
việc tranh thủ tài chính của Biến đổi khí hậu
Các nước phát triển đang rất chú trọng đầu từ
vào chương trình giảm phát thải khí nhà kính từ rừng REDD ( Reducing Emissions from
Deforestation and Forest degradation) và chi trả cho dịch vụ môi trường PES (Payments
for Environmental Services).
Bốn nước Đan Mạch, Nhật, Na Uy và Tây Ban Nha
đã đóng góp 118.9 triệu USD cho chương trình UN-REDD+ ở các nước đang phát
triển.
Thông qua chương trình này, Việt Nam được tài
trợ 4.4 triệu đô trong giai đoạn 2009-2011 và thí điểm đầu tiên ở khu vực lưu
vực sông Đồng Nai thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ba xã được chọn làm
thí điểm là Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng để
tăng cường thể chế hỗ trợ cho việc bảo vệ đa dạng sinh học phức hợp Cát Tiên[1].
Mô hình thí điểm này đang hứa hẹn nhân rộng ở nhiều địa phương trong cả
nước. Úc cũng dành 273 triệu AUD thông qua chương trình sáng kiến carbon từ
rừng (Forest Carbon Initiative) để hỗ trợ các nước đang phát triển bảo vệ rừng.
Cũng trong giai đoạn 2010-2012, khối các nước phát triển cam kết chi 30 tỷ USD hỗ
trợ các nước đang phát triển phát triển xanh và số tiền này sẽ là 100 tỷ USD cho
đến năm 2020. Điều này cho thấy nguồn hỗ trợ dành cho REDD+ và PES sẽ rất dồi
dào trong tương lai, đây chính là cơ hội của Cát Tiên trong việc tranh thủ tài
chính của Biến Đổi Khí Hậu thông qua chương trình PES hoặc REDD+.
Với tốc độ phát thải vẫn tăng nhanh chóng ở các
nước đang phát triển[2], hội nghị Copenhagen năm 2009 đã thống nhất
các nước đang phát triển sẽ cùng với các nước phát triển cắt giảm khí thải để
giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 20C. Điều này một lần nữa được
thống nhất trong Hội nghị ở Durban, Nam Phi năm 2011. Khi các nước đang
phát triển cam kết giảm phát thải, Việt Nam không là ngoại lệ trong nỗ lực cắt
giảm phát thải này trong tương lai. Trong tám chính sách phát triển xanh Việt
Nam có khả năng xem xét để áp dụng, thì chính sách PES, điển hình là REDD+
không những giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm thải trong tương lai mà còn đưa lại
nguồn thu nhập cho người dân và chính phủ thông qua bảo vệ chính tài nguyên của
đất nước mình để phát triển bền vững.
Tác động của thủy điện đối với môi trường, di
dân, ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa rất lớn; nên hiện nay chỉ những thủy điện có
công suất dưới 30MW mới được xem xét cấp tín chỉ carbon theo CDM.
Phân tích trên có thể cho thấy rằng Cát Tiên có
tiềm năng rất lớn trong việc tranh thủ tài chính từ BĐKH ngay cả hiện tại và
trong tương lai. Do vậy nên phân tích chi phí và cơ hội, được và mất kỹ càng
của việc xây dựng hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trước khi Chính phủ, Quốc hội có
quyết định nên xây dựng hay dừng lại.
SAVINGCTNP
Trích báo Tienphong:
ReplyDelete"DA thủy điện Đồng Nai 6&6A không thể là công trình Quốc phòng"
Chờ sự công tâm. Chiều mai (28-11), các thành viên hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A sẽ chính thức nhóm họp.
"Thành viên hội đồng thẩm định lần này, mặc dù không được Bộ TN&MT chia sẻ danh sách, song qua một thành viên giấu tên, được biết đã có ít nhiều thay đổi so với dự kiến ban đầu.
Hai trong số 13 thành viên hội đồng cũ đã được thay bằng hai thành viên khác. Trong hai thành viên được thay ra, có một người từng phê phán các nhà khoa học trên báo chí thời gian gần đây.
Đó là ông Nguyễn Vũ Trung, Phó phòng Đánh giá Môi trường Tổng hợp, Cục Thẩm định Đánh giá Tác động Môi trường. Thay vào vị trí của ông là Trưởng phòng đánh giá môi trường tổng hợp: TS Hoàng Hải.
Bên cạnh 13 thành viên cũ, hội đồng lần này có bổ sung thêm năm thành viên gồm GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (nguyên Viện trưởng Viện tài nguyên sinh vật, Chủ tịch hội động vật Việt Nam), TS. Đào Trọng Tứ (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), TS Nguyễn Huy Dũng (Phó Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng), TS Lê Đức Chương (Vụ trưởng vụ KH, CN & MT (Bộ VH-TT & DL) và KS. Lê Viết Hưng (Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai).
Như thế, nhìn vào danh sách 18 thành viên hội đồng mới, có thể thấy rõ hội đồng thẩm định lần này có đầy đủ các ban bệ, bộ ngành, địa phương, nhà khoa học liên quan.
Tuy thế, nhìn vào danh sách này, không ít nhà khoa học vẫn tỏ ra băn khoăn, hoài nghi với năng lực chuyên sâu của một số thành viên hội đồng.
Ví dụ như trường hợp của TS. Lê Đức Chương (Vụ trưởng vụ Khoa học, Công nghệ và MT thuộc Bộ VH-TT&DL), khi được Tiền Phong đề nghị trả lời những vấn đề liên quan đến dự án Thủy điện Đồng Nai 6&6A, ông cho hay: “Chúng tôi chưa đi khảo sát thực tế nên chưa thể trả lời được”. Nhiều người còn tỏ ra băn khoăn: Sự xuất hiện của nhiều thành viên địa phương liệu có đủ sức cầm cân nảy mực cho một dự án gây nhiều tranh cãi thế này?
Trong khi đó, nhiều nhà khoa học lẽ ra nên có mặt trong hội đồng thì lại không thấy có tên trong danh sách như trường hợp của TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ).
Ông là người đã theo vấn đề thủy điện Đồng Nai 6&6A ngay từ những ngày đầu với nhiều chuyến khảo sát, đánh giá.
Dù thế, so với danh sách hội đồng thẩm định cũ, cũng dễ nhận thấy một điều, sự thay đổi và điều chỉnh thành viên hội đồng lần này đã phù hợp hơn với mong muốn của các nhà khoa học, đặc biệt khi hội đồng có thêm tiếng nói của các nhà khoa học thuộc các tổ chức phi chính phủ.
Một nhà khoa học giấu tên cho biết: Giờ đây, khi danh sách các thành viên hội đồng đã được chốt lại, nhiều nhà khoa học lúc này trông đợi sự công tâm của những người cầm cân nảy mực. Hội đồng thẩm định sẽ góp tiếng nói gần như quyết định đến việc có phê duyệt hay không dự án thủy điện này, vì thế, cần có tiếng nói công tâm, chính xác."
Tin nhắn của một tín hữu support Nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên và mong muốn cứu Cát Tiên thoát khỏi thuỷ điện
ReplyDelete"Nếu chúng ta bị lòng tham lôi cuốn, bị các tập đoàn kinh tế làm lũng đoạn chính trị,... tiếp tục suy nghĩ, làm và sống như cách sống hiện nay thì sự tiêu diệt, tận diệt không còn xa nữa. Điều khó khăn nhất cho công cuộc chống lại cái ác của chúng ta là có những chiếc hạm to có thể
phá rách lưới pháp luật. Ta phải chấp nhận sự thật ấy, như là chấp nhận cái chết của chính chúng ta. Chấp nhận được rồi ta sẽ không còn bị đối kháng, phẫn nộ, phủ nhận và tuyệt vọng nữa. Ta sẽ có bình an.
Còn nếu không thì ta sẽ bị tâm bệnh mà chết trước khi nhìn thấy sự thay đổi hay sự tận diệt. Nguyện cầu cho quần chúng thức tỉnh, [hiểu thấu] đến tình trạng, sự thật hiện nay, có sự quyết tâm thay đổi lớn trong tư tưởng - quan niệm sống hạnh phúc từ chính ta và sự đồng lòng lớn lao trong xã hội, tạo áp lực lên một số vị lãnh đạo cấp cao có quyền sinh sát – ra quyết định bị TIỀN che mắt, có sự chuyển biến trong tâm thức cộng đồng thì mới mong có được sự thay đổi mang tích kỳ tích và để lại dấu ấn lịch sử. Hy vọng vẫn đang còn".
http://boxitvn.blogspot.com/2012/11/thu-ung-ho-kien-nghi-cua-nhom-yeu-quy.html
Con đường của một Dự án (Kỳ 2) http://www.boxitvn.net/bai/42868