Nhà đầu tư thiếu... bình tĩnh
TT - Nhiều người đã nhận định như thế về ông Bùi Pháp -
chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai - khi ông phát biểu tại cuộc
họp báo về thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ngày 8-11.
Nơi dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 với những cây cổ thụ 2-3 người ôm - Ảnh: Đức Tuyên
|
Các báo ra ngày 9-11 đã đăng tải những ý kiến xung
quanh cuộc họp báo của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Nhìn
lại toàn bộ diễn biến tại buổi họp báo của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức
Long Gia Lai cho thấy đại diện của công ty này đã thiếu bình tĩnh khi
ông Bùi Pháp - chủ tịch HĐQT tập đoàn - cho rằng: “Tôi tin Đoàn đại biểu
Quốc hội Đồng Nai chưa có đủ thông tin. Một số bộ phận, một số lợi ích
riêng kết cấu với một số nhà báo, tờ báo đưa thông tin không chính xác.
Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Thông tin - truyền thông vào cuộc cứu doanh
nghiệp”.
“Đó là cách nói của nhà đầu tư...”
Liệu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có thiếu thông tin không
khi dự án đã được họ mổ xẻ nhiều lần bằng những hội thảo, hội nghị tổ
chức tại vườn quốc gia Cát Tiên, Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai?
Sau mỗi cuộc hội thảo, đa số nhà quản lý, nhà khoa học đều yêu cầu phải
thận trọng khi triển khai hai dự án này. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri,
người dân Đồng Nai cũng kêu nhiều về dự án và yêu cầu các đại biểu phải
lên tiếng để bảo vệ rừng, bảo vệ vùng hạ lưu sông Đồng Nai.
Sau khi đọc thông tin phản ứng của ông Bùi Pháp trên
báo chí, một người công tác trong lĩnh vực môi trường của Đồng Nai phải
thốt lên: “Đó là cách nói của nhà đầu tư. Cứ thấy chi phí bồi thường cho
dự án 230-320 đồng/m2 đất rừng, không bằng cốc trà đá là biết rồi”.
Đoàn khảo sát của các cán bộ thuộc Viện Sinh học nhiệt đới đi khảo sát (tháng 7-2011) nơi dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6. Bên kia sông là rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ 2-3 người ôm - Ảnh: Đức Tuyên |
Cần nói năng có trách nhiệm
Liên quan đến những tranh luận về dự án thủy điện Đồng
Nai 6 và 6A, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-11, ông Huỳnh Ngọc Đáng - phó
trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương - đề
nghị ông Bùi Pháp cần nói năng có trách nhiệm hơn. “Bộ phận” nào, nhóm
“lợi ích riêng” nào đã “kết cấu với một số nhà báo, tờ báo đưa thông tin
không chính xác” như ông đã phát biểu?
“Tôi thấy tất cả các tiếng nói phản đối thủy điện Đồng
Nai 6 và 6A là rất trung thực nhằm bảo vệ diện tích rừng các khu dự trữ
sinh quyển, vườn quốc gia Cát Tiên và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Nai
cũng như tránh cho hàng triệu cư dân vùng hạ lưu nhiều tai họa do tác
động tiêu cực từ hai công trình” - ông Đáng nhấn mạnh. Quan điểm của ông
Đáng là cái gì luật pháp đã quy định thì mọi cấp, mọi công trình đều
phải chấp hành. Theo nghị quyết 49 của Quốc hội, hai dự án thủy điện này
cần được trình ra Quốc hội xem xét. “Vậy Chính phủ nên tiến hành việc
đó, không nên để dây dưa, sinh nhiều tiêu cực trong dư luận. Nếu Quốc
hội xem xét thấy cần đình chỉ thì phải đình chỉ, dù đó là dự án công
trình của tư nhân hay là Nhà nước, dù đã chuẩn bị sáu năm hay 10 năm, 15
năm vẫn phải đình chỉ...” - ông Đáng nói.
Đại biểu Quốc hội Trương Văn Vở - phó trưởng Đoàn đại
biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - cho biết ông đã gửi chất vấn đến Bộ trưởng
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị cho biết
giải pháp cụ thể và trách nhiệm của bộ trưởng trước một số vấn đề có
liên quan đến bảo vệ rừng. Tại chất vấn của mình, đại biểu Vở nêu việc
chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện và tình trạng chặt
phá rừng chưa được xử lý có kết quả. Ông Vở dẫn số liệu từ năm 2006-2012
có trên 7.400ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được sử dụng để làm thủy
điện. Đó là chưa kể có gần 1.000ha rừng bị chặt phá trong chín tháng đầu
năm 2012. Đại biểu Vở còn đề nghị bộ trưởng trả lời cơ sở pháp lý của
dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có ảnh hưởng gần 140ha rừng vườn quốc
gia Cát Tiên.
Bảo vệ vật báu
Theo ông Lê Cường - thư ký tòa soạn báo Người Lao Động,
quan điểm của báo là đứng trên cái chung, xuyên suốt nhất của báo Người
Lao Động là bảo vệ môi trường, bảo vệ báu vật vườn quốc gia Cát Tiên mà
thiên nhiên đã ban tặng cho VN.
Báo Người Lao Động đã thu thập đầy đủ ý kiến các địa
phương, các nhà khoa học, đoàn khảo sát, kể cả chuyến khảo sát hồi tháng
9-2012 của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế để trình Unesco công
nhận vườn quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên của thế giới. Các
chuyên gia của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đặt ra nhiều vấn đề
ảnh hưởng của hai dự án thủy điện này. Mạng lưới sông ngòi VN cũng có
nhiều cuộc hội thảo, văn bản gửi hội đồng thẩm định bày tỏ chính kiến về
nguy cơ đe dọa của hai dự án thủy điện đối với vườn quốc gia Cát Tiên.
Đặc biệt, UBND tỉnh Đồng Nai cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề
nghị cho dừng hai dự án thủy điện này cũng bởi sự lo ngại trên.
“Tóm lại, các phương tiện truyền thông, các nhà khoa
học cũng muốn giữ gìn cho được báu vật Cát Tiên chứ không phải vì lợi
ích nhóm hoặc cá nhân nào như nhà đầu tư phát biểu trong một cuộc họp
báo trước bàn dân thiên hạ” - ông Lê Cường khẳng định.
QUỐC THANH - HÀ MI - H.ĐIỆP
No comments:
Post a Comment