Saturday, August 31, 2013

Chủ đầu tư THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 6, 6 xin rút lại ĐTM??? Tại sao??? Why so???

THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 6, 6A: Chủ đầu tư xin rút lại ĐTM


Thứ Sáu, 30/08/2013 23:52

TS Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, thành viện Hội đồng Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A - cho rằng dù chủ dự án có chỉnh sửa bao nhiêu lần đi nữa thì vẫn không đạt chất lượng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Ðộng chiều 30-8, ông Mai Thanh Dung - Cục trưởng Cục Thẩm định và Ðánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) - cho biết Công ty CP Tập đoàn Ðức Long Gia Lai vừa có công văn xin rút lại hồ sơ thẩm định đánh giá tác động môi trường (ÐTM) 2 dự án thủy điện Ðồng Nai 6, 6A để xem xét bổ sung.

Vườn Quốc gia Cát Tiên, nơi đang dự định xây 2 thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A Ảnh: THU SƯƠNG
Không hiệu quả thì nên loại bỏ
Theo ông Dung, sau khi nhận văn bản, Bộ TN-MT đã dừng công tác thẩm định và trả hồ sơ ÐTM 2 dự án này. Hiện nay chưa thể khẳng định chủ đầu tư có rút khỏi 2 dự án này không. "Việc rút lại hồ sơ là quyền của chủ dự án, Bộ TN-MT chỉ có nhiệm vụ kiểm định ÐTM. Còn có rút khỏi dự án hay không thì chủ dự án không phải thông qua Bộ TN-MT mà đề xuất để Chính phủ quyết định" - ông Dung nói.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cũng cho rằng 2 dự án thủy điện trên phá tới trên 300 ha rừng nên phải trình Thủ tướng, sau đó đưa ra Quốc hội xem xét và biểu quyết. "Bất kỳ bộ, ngành nào cũng không có quyền hạn trong việc này" - ông Ngãi nhận định.
Theo ông Ngãi, trước đây đã rộ lên phong trào làm thủy điện nhưng mục đích thực sự là để phá rừng. Sau đó, các chủ đầu tư sẽ rao bán các dự án này, đơn cử như Hoàng Anh Gia Lai đã công bố bán được 6 dự án. Ðiều này đã tạo ra một cuộc tháo chạy của chủ đầu tư đối với một loạt các dự án thủy điện. "Ðến năm 2017, thủy điện gần như hết tiềm năng, không được làm tiếp nữa. Mới đây đã loại bỏ đến 338 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Với các dự án còn lại, nếu không hiệu quả mà còn xâm hại đến rừng quốc gia thì cũng nên loại bỏ luôn, không cho làm nữa" - ông Ngãi đề nghị.
"Cá biệt"
TS Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, thành viện Hội đồng Thẩm định ÐTM dự án thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A - cho biết đã được mời dự khá nhiều hội đồng thẩm định ÐTM nhưng trường hợp sửa tới, sửa lui nhiều lần thì ông chưa gặp bao giờ. "Tôi đã đọc cả ba lần ÐTM của hai dự án thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A. Về cơ bản, ÐTM lần 3 không khác lần 2, có chăng chỉ là dùng nhiều tiểu xảo như: giảm số lượng thuốc nổ hay làm mờ các hạng mục để giảm bớt tác động tiêu cực. Tuy nhiên, bản chất của các tác động này là không thể bù đắp nên dù chủ dự án có chỉnh sửa bao nhiêu lần đi nữa thì vẫn không tìm ra giải pháp. Do đó, ÐTM không đạt chất lượng".
Theo PGS-TS Lê Trình, Chủ tịch Hội Ðánh giá tác động môi trường Việt Nam, việc ÐTM chưa làm rõ nhiều vấn đề, có thể là do đơn vị thực hiện thiếu thông tin, kinh phí thấp... bởi bản chất ÐTM là đoán trước những điều chưa xảy ra. Quy định hiện nay cũng không giới hạn số lần chủ dự án chỉnh sửa ÐTM.
Tuy nhiên, ông Trình khẳng định cho dù ÐTM được thông qua thì ông vẫn phản đối việc thực hiện 2 dự án thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A. Thứ nhất, về pháp lý, 2 dự án được xây dựng trong Vườn Quốc gia Cát Tiên - nơi đang làm nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học - là vi phạm Luật Ða dạng sinh học. Thứ hai, những tác động kèm theo không bao giờ được lượng giá hết. Ví dụ, thủy điện Trị An cam kết chỉ mất 200 ha rừng nhưng thực tế con số lên đến hàng ngàn.
Sự yếu kém của đơn vị thực hiện
TS Nguyễn Khắc Kinh, Phó Chủ tịch Hội Ðánh giá tác động môi trường Việt Nam, cho biết Thông tư 26 của Bộ TN-MT chỉ quy định cơ quan nhà nước được yêu cầu đơn vị báo cáo ÐTM chỉnh sửa một lần nhưng không quy định các doanh nghiệp được chỉnh sửa bao nhiêu lần. "Cần khống chế số lần chỉnh sửa để đơn vị thực hiện ÐTM tập trung, nghiêm túc hơn, tránh làm mất thời gian của cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Ở khía cạnh nào đó, việc chỉnh sửa ÐTM nhiều lần cũng phản ánh sự yếu kém của đơn vị thực hiện" - ông Kinh nói.
Phương Nhung - Thu Sương
http://nld.com.vn/20130830115216207p0c1002/thuy-dien-dong-nai-6-6a-chu-dau-tu-xin-rut-lai-dtm.htm

Tham khảo:
http://www.baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/thuy-dien-dong-nai-6-6a-chu-dau-tu-xin-rut-dtm-2353736/ (trích:
Ths. Nguyễn Huỳnh Thuật, nguyên cán bộ lâm nghiệp Vườn Quốc gia Cát Tiên đã chỉ ra những điểm không phù hợp trong báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lần thứ 3 (tháng 6 năm 2013, đang trình thẩm định) của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai.
 
Bản báo cáo mới này của chủ đầu tư Đức Long gia Lai được đánh giá là sơ sài, số liệu thiếu  thuyết phục. 
 
Theo Ths. Thuật, khi triển khai, 2 Dự án này chủ đầu tư đã cố ý lách luật và phớt lờ Quốc hội ngay từ đầu thì việc bỏ qua các tỉnh, thành phố vùng hạ lưu bị ảnh hưởng trực tiếp là dễ hiểu.)

Friday, August 30, 2013

Loạt bài: Lại gian dối ở 2 thủy điện Đồng Nai 6, 6A trên báo NLĐ! Cùng SCT chung tay đưa vấn đề sai trái ra ánh sáng và cứu Cát Tiên! (kỳ 4)

LẠI GIAN DỐI Ở HAI THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 6, 6A (*)

Hứa hão

Thứ Sáu, 30/08/2013 23:07

Khâu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đã gian dối từ lần này đến lần khác thì làm sao có thể tin chủ đầu tư giữ đúng lời hứa khi dự án được thông qua!

Công ty CP Tập đoàn Ðức Long Gia Lai cho rằng hai dự án thủy điện Ðồng Nai 6, 6A đi vào hoạt động sẽ thay đổi cơ cấu kinh tế các xã trong vùng dự án theo hướng tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế hạ tầng, nâng cao dân trí, một phần sản lượng điện tạo ra sẽ cung cấp bảo đảm nhu cầu sử dụng của người dân bản địa, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp: lắp ráp - sửa chữa cơ khí, điện tử…

Sinh kế của các hộ dân này sẽ bị ảnh hưởng khi thực hiện hai dự án thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A.
(Ảnh do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cung cấp)
Hại không bù được, lợi đâu ra?
Ngoài ra, theo chủ đầu tư, hồ chứa với dung tích và diện tích mặt nước lớn sẽ tạo điều kiện cho ngành thủy sản, làm tăng sản lượng khai thác, góp phần cải thiện chất lượng dinh dưỡng cho người dân. Hai dự án thủy điện này cũng sẽ tăng ngân sách cho địa phương từ nguồn thuế, tăng vốn đầu tư cho các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại không nói rõ bao nhiêu người và đối tượng nào sẽ được phép vào nuôi trồng thủy sản sau khi có hồ chứa. Hay đây là những lời hứa suông như bao nhiêu chủ đầu tư công trình thủy điện khác (thủy điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam sau một thời gian đàm phán giữa địa phương và chủ đầu tư về sự bất công trong cơ chế hưởng lợi thì chỉ có vài ba hộ được phép vào nuôi cá).
Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đã nghiên cứu về vấn đề suy giảm nguồn cá trên sông Ðồng Nai khi có hai đập thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A. Kết quả cho thấy hai dự án đi vào hoạt động sẽ khiến sản lượng đánh bắt các loài cá di cư sinh sản có giá trị cao, kích thước lớn ở khu vực từ chân đập thủy điện Ðồng Nai 6 đến hồ Trị An giảm mạnh. Chỉ tính riêng về nguồn lợi thủy sản khu vực này, mỗi ngày thiệt hại khoảng 2 triệu đồng. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ÐTM) đã không chi tiết hóa được các khả năng tác động này cũng như dự báo cụ thể các thay đổi về sản lượng loài cá và nghề cá ở các khu vực khác nhau trên sông Ðồng Nai, từ ấp Bù Lạch, xã Ðồng Nai, huyện Bù Ðăng, tỉnh Bình Phước đến hồ Trị An. Ðời sống của nhóm người sống dựa vào tài nguyên trong khu vực dự án và hạ du cũng không được xem xét về mức độ ảnh hưởng trong ÐTM. Chính vì vậy, chủ đầu tư đã không đưa ra được các phương án chuyển đổi nghề nghiệp cụ thể cho người dân bị ảnh hưởng kinh tế, hiệu quả dự án như là những câu nói sáo rỗng.
Nghèo khó vì... thủy điện
Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đã khảo sát 41 hộ dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện Ðắc Mi 4, được tái định cư (TÐC) tại xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Khoảng 94% dân số là dân tộc Mơ Nong, 100% hộ dân thuộc diện hộ nghèo với mức thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng. Chủ tịch xã Phước Hòa cho biết người dân bị thu hồi đất và đưa đến một nơi ở mới rất khó khăn: mỗi hộ được nhận một diện tích vỏn vẹn với 400 m2 đất ở và vườn. Nhà TÐC có giá 70 triệu đồng nhưng xây không có cốt thép, nóng về mùa hè, ẩm về mùa mưa nên hầu như không sử dụng được. Người dân phải dắt díu nhau về lại nơi canh tác trước kia sinh sống tạm bợ.
Tương tự, 48 hộ dân ở thôn Bồ Hòn bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Bình Ðiền (Thừa Thiên - Huế) sau 6 năm TÐC, số hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới 66%, hơn nửa số hộ thiếu ăn 2-3 tháng mỗi năm. Diện tích đất sản xuất của người dân sau TÐC giảm 97,6% so với nơi ở cũ, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp giảm đến 87,6% % so với trước đây... Thiếu đất, thiếu việc làm, thiếu lương thực, sức khỏe giảm sút, khó tiếp cận cơ sở hạ tầng và dịch vụ công… là những khó khăn chính tại các khu TÐC của các dự án thủy điện.
Cơ sở hạ tầng thường được chủ đầu tư dùng làm đòn bẩy kêu gọi sự ủng hộ và cho phép họ xây dựng thủy điện. Tuy nhiên, người dân cho rằng họ rất ít được sử dụng các "tiện nghi" này. Ví dụ, nhiều bể nước ở các khu TÐC làm chưa xong thì đã hỏng, nhiễm phèn. Ðiều này khiến người dân ngại dùng nước từ bể vì họ đã quen với sự thoải mái khi dùng nước từ khe suối thiên nhiên vừa sạch và vừa mát trước đây. Ðiện
và đường dây tải điện cũng được
kết nối nhưng nhiều nhà không dám sử dụng vì thu nhập của họ quá thấp đến nỗi họ không thể có khả năng trả tiền điện hằng tháng…
Có thể khẳng định chưa chủ đầu tư dự án thủy điện nào làm đúng như những "bức tranh đẹp" họ đã vẽ ra để được cơ quan chức năng cấp phép. Ngược lại, môi trường xã hội bị xáo trộn, môi trường tự nhiên bị tàn phá, chỉ có người dân lãnh đủ!
Thiếu biện pháp ngăn ngừa sự cố
Hàng loạt sự cố và tai nạn có thể xảy ra trong quá trình thực hiện và vận hành hai dự án thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A chủ đầu tư cũng nhận thấy. Các sự cố này không những gây thiệt hại tài sản cho chủ đầu tư mà còn gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của nhiều người dân sống trong khu vực như vỡ đê quai thượng hạ lưu, sự cố cháy nổ trong thi công và cháy rừng, sự cố vỡ đập Ðồng Nai 6A sẽ làm ngập trên 7.000 ha ở hạ du ở cả 3 tỉnh… Thế nhưng, biện pháp ngăn ngừa, ứng phó một cách khả thi thì hoàn toàn không có.
TS Ðào Trọng Tứ - Ths Lâm Thị Thu Sửu (Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam)
http://nld.com.vn/2013083011030179p0c1002/hua-hao.htm

TÍNH TOÁN PHÊ DUYỆT CẨN THẬN LẮM RỒI SAO PHẢI CHẠY THÁO???

Cập nhật lúc 06:06, 27/08/2013

Sau HAGL, Tập đoàn Trung Nam cũng tháo chạy khỏi thuỷ điện


(Doanh nghiệp) - Vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả không cao đã khiến Tập đoàn Trung Nam phải tìm kiếm đối tác để nhượng lại cổ phần đối với các dự án thủy điện Đồng Nai 2, Krong Nô 2 và Krong Nô 3.
Ngày 26/8, ông Đặng Công Chuẩn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết, hiện nay nhà đầu tư bắt đầu rụt rè với các dự án thủy điện bởi vốn bỏ ra làm thủy điện là rất lớn nhưng hiệu quả không cao như trước đây.
Theo ông Chuẩn, Tập đoàn Trung Nam đang xúc tiến nhượng bớt phần vốn trong dự án thủy điện Đồng Nai 2. Đây là dự án Trung Nam nắm 90% tổng vốn đầu tư lên đến gần 3.000 tỉ đồng. Dự kiến thủy điện Đồng Nai 2 sẽ phát điện vào cuối năm 2013.
 
Hiện trạng sinh thái, môi trường tại dự án thủy điện Đồng Nai 2
Hiện trạng sinh thái, môi trường tại dự án thủy điện Đồng Nai 2
Trong khi đó, Trung Nam cũng đang tìm kiếm đối tác nhượng lại một phần vốn trong hai dự án thủy điện Krong Nô 2 và Krong Nô 3 mà tập đoàn này đang triển khai.
Đây là hai dự án mà Trung Nam đã khởi công cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn chưa thể phát điện đúng tiến độ vào cuối năm 2012 do gặp khó khăn trong huy động vốn.
Theo phân tích của ông Chuẩn, một dự án thủy điện vốn khoảng 1.000 tỉ đồng đòi hỏi vốn tự có của doanh nghiệp ít nhất là 30%, còn lại vay đến 70%.
 
Bình quân một dự án thủy điện ít nhất phải 10 -14 năm mới hoàn vốn, trong khi hiệu suất lợi nhuận mang lại không đủ bù lãi vay ngân hàng, chưa kể tính rủi ro của dự án thủy điện rất dài.
 
Trước đó, vào giữa tháng 7/2013, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng công bố bán 6 dự án thủy điện vì cho rằng đầu tư thủy điện hiện không còn mang lại tỉ suất lợi nhuận cao như các ngành khác như trồng cao su, bất động sản...
 
Cụ thể, 6 dự án thuỷ điện tại Việt Nam mà HAGL bán là Daksrong 2, Daksrong 2A, Daksrong 3A, Daksrong 3B, Bá Thước 1, Bá Thước 2. Tổng công suất của các nhà máy này vào khoảng 211,7 MW, tuy nhiên, mới chỉ có 4 nhà máy đang phát điện với tổng công suất 141,5 MW. Hai dự án Bá Thước 1 và Daksrong 3A và cả dự án Nam Kong 2 đang trong quá trình xây dựng.
 
Trong quý 4/2012, HAGL cũng đã bán bớt hơn 5% cổ phần của công ty Thủy điện HAGL.
 
HAGL dự kiến sử dụng tiền từ bán các dự án thủy điện nói trên để đầu tư cho các dự án tại Myanmar và trả nợ ngân hàng.
 
Nhân danh thuỷ điện để phá rừng
 
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, thành viên Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam
 
Nhiều dự án thủy điện không lớn, nếu không muốn nói là nhỏ, lợi về kinh tế không nhiều, môi trường lại bị xâm hại, nhưng tại sao chủ đầu tư vẫn quyết làm và các cơ quan quản lý vẫn tạo điều kiện? Vậy thì chắc chắn phải có người được lợi.
 
GS.TS. Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng
 
Việc sử dụng các dự án thủy điện, trồng cây công nghiệp để được khai thác gỗ hợp pháp thì không ai tự nhận mình làm vậy, nếu có đi nữa thì cũng chối ngay, họ sẽ có đủ mọi lý do để phủ nhận điều đấy.
 
Còn con số thống kê công bố về diện tích rừng chuyển đổi sang làm thủy điện là những số thống kê được trong thiết kế, hồ sơ dự án, còn phần rừng mất đi sau đó thì không ai thống kê được.
 
Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
 
Với mục đích thủy điện, giờ cần có sự cân nhắc, vì nó chiếm quá nhiều diện tích đất, trong đó có đất sản xuất và sinh sống của người dân, gây những bất cập, khó khăn trong tái định cư, ổn định cuộc sống người dân.
 
Đáng lẽ làm thủy điện phải trồng lại rừng, nhưng hầu hết không làm, với nhiều lý do như không có đất để trồng, nhưng không ít Giám đốc Sở Nông nghiệp nói thẳng là sẵn sàng tạo điều kiện, cái chính là chủ đầu tư có trách nhiệm, có nhiệt tình hay không.
 
Thuỵ Miên (Tổng hợp)
Nguồn: http://www.baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/sau-hagl-tap-doan-trung-nam-cung-thao-chay-khoi-thuy-dien-2353361/

LẠI CƠ CHẾ???

Cập nhật lúc 08:01, 27/08/2013
Ông Nguyễn Đình Hương:

Quy trách nhiệm Bộ trưởng: Khó thoát khỏi vòng kim cô


(Chính trị Việt Nam) - "Cơ chế quản lý của chúng ta hiện nay nó giống như một chiếc vòng kim cô. Chính phủ quy trách nhiệm Bộ trưởng trong khi đó Đảng ủy lại quyết định số phận Bộ trưởng. Ra quy định mà vẫn cơ chế đó thì không thực hiện được" -  Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức TW nói.
 
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức TW
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức TW
 
PV: - Thưa ông, ông hiểu thế nào về việc cần phải đưa quy định cụ thể việc quy trách nhiệm của Bộ trưởng trước Thủ tướng, Chính phủ vào nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cá nhân ông, ông có ủng hộ quan điểm này không. Vì sao, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Đình Hương: Theo tôi, chủ trương quy trách nhiệm cho Bộ trưởng trước Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội là vấn đề cấp bách cần phải đặt ra. 
 
Nhưng ở Việt Nam cơ chế trách nhiệm cá nhân chưa được quy định rõ ràng, trong khi đó cơ chế phê bình, tự phê bình thì không còn phù hợp nữa. Có thưởng thì họ nhận về mình, khi xảy ra sự cố thì đổ lỗi cho tập thế, cho cơ chế. Điều này cản trở văn hóa từ chức, muốn thực hiện văn hóa từ chức trước hết chế độ trách nhiệm cá nhân phải rõ, có công được thưởng, có lỗi phải phạt.
 
Tôi công tác đã 55 năm, nhưng tôi mới chỉ chứng kiến có 5 trường hợp bị mất chức. Trường hợp thứ nhất là khi đó Bác Hồ cách chức ông Trần Đăng Khoa - Bộ trưởng Bộ Thủy Lợi. 
 
Thứ hai là vụ việc xây dựng Thủy Cung Thăng Long, Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc cũng đã bị mất chức. 
 
Sau này, có tiếp vụ việc liên quan đến Lã Thị Kim Oanh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ đã phải xin từ chức.
 
Ông Vũ Ngọc Hải, Bộ trưởng Bộ Điện lực, cũng bị mất chức và chịu án tù 3 năm liên quan đến vụ việc đường dây điện 500Kv.
 
Gần đây nhất là ông Đào Đình Bình - Bộ trưởng Bộ GTVT, bị mất chức vì để xảy ra vụ lật tàu gây chết người ở Lăng Cô. 
 
PV: - Vậy, theo ông để quy được trách nhiệm cho cá nhân Bộ trưởng chúng ta phải làm gì, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Đình Hương: - Để quy được trách nhiệm cho cá nhân Bộ trưởng phải thực hiện được 3 vấn đề:
 
Thứ nhất: Phải đổi, minh bạch hệ thống. Nếu không tách bạch mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, Bộ trưởng với tập thể thì quy trách nhiệm thế nào?
 
Ví dụ, vụ việc nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Bệnh viện Hoài Đức phải chịu trách nhiệm thì rõ rồi, nhưng Sở Y tế Hà Nội, thành phố Hà Nội có phải chịu trách nhiệm không, trách nhiệm thế nào, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm đến đâu?
 
Nghĩa là phải phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm rõ ràng. 
 
Thứ hai, đã quy trách nhiệm đến cấp Bộ trưởng thì cũng phải quy trách nhiệm cả với cấp Phó Thủ tướng phụ trách . Ví dụ, vụ nứt đập thủy điện Sông Tranh 2. Bộ trưởng Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm những gì, trách nhiệm đến đâu. Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm đến đâu? Nếu vỡ đập, nước cuốn gây chết cả triệu người thì sao? 
 
Tuy nhiên, quy được trách nhiệm đến cấp này thì cơ quan nào giám sát ? Nghĩa là cơ chế này vẫn còn bỏ ngỏ. 
 
Thứ ba, phải làm rõ trách nhiệm giữa các mối quan hệ, cấp trên với cấp dưới, chủ trương với thực hiện. 
 
Không đổi mới khó thoát khỏi vòng kim cô
 
PV: - Trong điều kiện hiện nay, việc quy trách nhiệm sẽ gặp phải khó khăn, thuận lợi gì, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Đình Hương: - Quy định là đúng, chủ trương là đúng nhưng thực hiện được thì phải có một quy chế kèm theo. Phạm vi quy chế đó phải giải quyết được các mối quan hệ trên dưới. Quy chế đó phải là do Quốc hội, thường vụ Quốc hội ban hành thì mới có thể thực hiện được.
 
Tuy nhiên, cơ chế quản lý của chúng ta hiện nay nó giống như một chiếc vòng kim cô khép kín. Chính phủ quy trách nhiệm Bộ trưởng trong khi đó Đảng ủy lại quyết định số phận Bộ trưởng. Ra quy định mà vẫn cơ chế đó thì không thực hiện được đâu. 
 
PV: - Vậy, theo ông đi cùng với việc quy trách nhiệm là hình thức xử lý hay khen thưởng phải được hiểu và quy định như thế nào? Có nên đề ra mục tiêu và thực hiện chiến lược hành động cho cá nhân mỗi Bộ trưởng dưới sự giám sát của người dân không, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Đình Hương: Hãy nhìn từ thế giới. Quốc hội có quyền bổ nhiệm, bãi nhiệm, cách chức Thủ tướng. Thủ tướng có quyền cách chức, bổ nhiệm, bãi nhiệm Bộ trưởng.
 
Chỉ cần Bộ trưởng không làm được việc, không được dân tin tưởng, tín nhiệm, Thủ tướng có quyền cách chức ngay không phải bàn nhiều. Vì nếu không làm việc đó, thì chính Thủ tướng phải mất chức. Nghĩa là cơ chế trách nhiệm của họ là rất lớn.
 
Còn hỏi có nên đặt ra cho họ mục tiêu và chiến lược hay không thì hãy hỏi Chính phủ quy trách nhiệm nhưng có trao quyền cho các Bộ trưởng không đã. Thủ tướng có quyền cách chức Bộ trưởng không, Bộ trưởng có quyền cách chức thuộc cấp không?
 
Quy trách nhiệm nhưng lại không giao quyền thì có đưa ra quy định cũng chỉ là tượng trưng, không thực hiện được. Bởi trách nhiệm và quyền hạn luôn đi đôi với nhau. 
 
Khi văn hóa từ chức chưa được hình thành, Hiến pháp mà sửa đổi nhưng không thể tạo được sự chuyển biến mạnh thì khó thay đổi được ý thức hệ. 
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
Nguyễn Vũ

NÀO AI MUỐN PHẢI LÀM CHIẾN SĨ VÀ CHIẾN ĐẤU !

30/08/2013

Những người chiến sĩ trong thời bình

Khánh Trâm
Ngày 18 tháng 3 năm 1979 khi nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố trước thế giới rút quân khỏi biên giới phía Bắc nước ta, kết thúc 30 ngày đêm của thứ chiến tranh lấy thịt đè người, lớn bắt nạt bé (mà ông Đặng Tiểu Bình ngang nhiên tuyên bố là “dạy cho Việt Nam một bài học”), và những trận đánh cảm tử mà nổi bật là trận chiến Lão Sơn-Hà Giang (1984) hay trận chiến Gạc Ma ngoài biển Đông (1988), kể từ đó tiếng súng chiến tranh không còn vang lên trên lãnh thổ nước ta và từ đây Việt Nam mới thực sự bình yên (nói một cách tương đối) để bắt tay xây dựng đất nước. Tính ra suốt từ những năm 60 của thế kỷ XIX cho đến những năm 80 của thế kỷ thế kỷ XX, thời gian chỉ hơn một thế kỷ thế mà cái mảnh đất bé nhỏ hình chữ S này liên miên ngập tràn trong các cuộc chiến rất tang thương để rồi hơn 5 triệu người thiệt mạng (bằng dân số Phần Lan hiện nay). Trong thời chiến, vũ khí của những người lính và nhân dân là súng đạn, là lòng can đảm, là mưu trí, là tình yêu tổ quốc quê hương.

Hôm nay, chúng ta được hưởng những năm tháng không tiếng súng đã ba thập kỷ, một khoảng thời gian mà nước Nhật sau đại chiến thế giới thứ 2 tan hoang là thế, vậy mà họ đã vực dậy kiến thiết xây dựng lại đất nước của thần mặt trời trở thành cường quốc số 1 ở Châu Á, và cùng với Nhật các nước khác như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan... cũng kịp vươn lên trở thành những nền kinh tế lớn của khu vực. So sánh như vậy để thấy Việt Nam mình hiện đang ở đâu. Nếu bỏ qua cái tính tự ty để mà nhìn thẳng vào sự thật thì chúng ta hiện đang tụt hậu rất xa so với các nước láng giềng về mọi mặt. Có lẽ bài vè trong dân gian “Việt Nam bây giờ mọi thứ đều nhất thế giới” đã nói lên tất cả: “Vợ rẻ nhất thế giới/ sữa đắt nhất thế giới/ xăng cao nhất thế giới/ xe hơi đắt nhất thế giới/ thuốc tây đắt nhất thế giới/ uống rượu nhiều nhất thế giới/ đánh bạc, số đề nhiều nhất thế giới/ trẻ em thất học, bỏ học nhiều nhất thế giới/ tai nạn giao thông nhiều nhất thế giới/ tham nhũng nhiều nhất thế giới/ dân lại nghèo nhất thế giới / bởi vô cảm và dối trá nhiều nhất thế giới (!)”. Hàng ngày chúng ta đọc báo, nghe đài, xem tivi… và nếu chịu khó xâu chuỗi những nội dung truyền tải trên các phương tiện truyền thông ấy sẽ thấy cái bức tranh tổng kết của dân gian qua bài vè kia là khá chính xác. Có thể nói chưa thời nào người phụ nữ Việt Nam lại chịu cái cảnh nhục nhã đứng xếp hàng cho người ngoại quốc chọn vợ, người công nhân bị các ông chủ ngoại quốc đánh đập, số khác phải ra nước ngoài làm thuê bị nhốt trong những xưởng may hay công trường xây dựng và phải làm việc đến kiệt sức, người dân nghèo ở các miền quê bản thân còn không đủ ăn mà phải cõng trên lưng nhiều thứ “đóng góp” bắt buộc, trẻ em miền núi thiếu đạm phải ăn thịt chuột, miền đồng bằng phải ăn khoai lang thay cơm, trẻ sơ sinh thì chết oan vì bác sỹ thiếu y đức… trong khi đó quan chức thì đánh cờ bạc tỷ, cảnh sát giao thông thì “làm luật” trắng trợn, hiệu trưởng thì môi giới bán dâm học trò, Việt Nam được thế giới cho đứng vào danh sách đầu bảng về các quốc gia tham nhũng nhất thế giới (ông chủ tịch nước thẳng thắn công nhận là “một bầy sâu”), đất nước đứng trên bờ vực thẳm về mọi mặt, thế nhưng những người thoát được cái “sợ” để cất tiếng nói thì đang phải chịu án hình sự vì “Việt nam không có tù nhân lương tâm”… Ôi, nếu còn kể tiếp thì người có trái tim sắt đá cũng cảm thấy choáng váng!
Đứng trước thực tại rất đau lòng này, những người công dân còn chút lương tri không thể không ngậm ngùi. Nhiều người vẫn cất tiếng nói. Vâng, thời bình cũng rất cần những “chiến sỹ” để “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” để “sánh vai với các cường quốc năm châu”… Thứ vũ khí của người chiến sỹ thời bình là gì? Đó là cây bút, là trí tuệ, là lương tri, là lòng can đảm, và tất cả cũng chỉ vì tình yêu tổ quốc quê hương.
Tôi ngồi lặng lẽ ngắm nhìn những người chiến sỹ trên các “mặt trận”: từ văn hóa, giáo dục, môi trường, đấu tranh dân chủ đến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong số họ có đầy đủ nam, phụ, lão, ấu. Nhiều người còn khá trẻ nhưng cũng có nhiều người “mái đầu sương điểm” hay “phơ phơ đầu bạc”. Nhiều người hữu danh, nhiều người vô danh. Họ là những chiến sỹ thầm lặng nhưng trên đôi vai của họ cũng nén đầy trách nhiệm, hệt như những người ở hậu phương trong chiến tranh khi xưa cùng có chung mục đích “tất cả cho tiền tuyến”.
Về văn hóa giáo dục: Trong vài năm trở lại đây, đứng trước hiện trạng giáo dục ngày càng xuống cấp, giáo trình giáo khoa nặng về hình thức, quá tải về nội dung và những người chịu trách nhiệm trong ngành giáo dục vẫn duy trì việc “đem con em nhân dân ra làm thí nghiệm” hết năm này đến năm khác, thập kỷ này đến thập kỷ khác, một nhóm chuyên gia và giáo viên có kinh nghiệm và tâm huyết với giáo dục đứng đầu là nhà giáo Phạm Toàn đảm nhiệm chức năng trưởng nhóm, đã thành lập nhóm viết sách giáo khoa mang tên Cánh Buồm. Nhóm ra đời từ năm 2009 với mục tiêu làm ra một bộ sách giáo khoa (bắt đầu từ bậc tiểu học) nhằm “ hiện đại hóa nền giáo dục Việt nam” và “ đảm bảo hạnh phúc đi học cho trẻ em ”. Cho đến nay nhóm đã đưa ra xã hội, đã “trình làng” những sản phẩm cụ thể, đó là các bộ sách: Văn (lớp 1,2,3,4,5); Tiếng Việt (lớp 1,2,3,4,5); Lối sống (1,2,3); Tiếng Anh (lớp 1,2,3); Khoa học-Công nghệ (lớp 1,2)… và đã tổ chức được nhiều hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia giáo dục và cha mẹ học sinh: “ Hiểu trẻ em-Dạy trẻ em” (2009); “ Chào lớp Một ” (2010); “ Tự học- Tự giáo dục ” (2011); “ Một cánh buồm-Một nhà trường hiện đại ” (2012); “ Nhìn bằng con mắt trẻ thơ ” (2013). Tiếp nối là các hoạt động khác. Tháng 7/2013 Cánh Buồm đã cho ra mắt “Ngày sư phạm Cánh Buồm ” là buổi sinh hoạt thường kỳ một tháng một lần, nơi trao đổi và chia sẻ những vấn đề liên quan đến tâm lý trẻ em, cách trẻ em học thế nào, chơi ra sao hay thảo luận về phương pháp dạy… Đối tượng tham dự gồm có giáo viên các trường tiểu học, phụ huynh học sinh, sinh viên các trường sư phạm, các nhà nghiên cứu giáo dục, những người quan tâm đến lĩnh vực này. Ngoài ra còn có những lớp dạy học theo chương trình của nhóm biên soạn... Trẻ em đến với với học đầy hứng thú, say mê vì ở đó các em được đối thoại, được “học mà chơi-chơi mà học” chứ không bị nhồi nhét kiến thức một chiều. Nhìn vào những nỗ lực không ngừng nghỉ này, chắc chắn một ngày không xa, phương pháp và giáo trình của Cánh Buồm sẽ dần dần làm lu mờ, thậm chí góp phần đẩy lùi “ Bốn căn trọng bệnh của giáo dục Việt Nam: bệnh thành tích, bệnh cào bằng, bệnh gian dối, bệnh suy dinh dưỡng”.
Chúng ta gọi họ là những CHIẾN SỸ bởi lẽ những con người này làm việc thiện nguyện, không có lương, không có thù lao, không cơ sở vật chất… vậy mà suốt 4 năm qua vì thế hệ trẻ, họ đã làm được nhiều việc mà những người được giao trọng trách, được hưởng lương bổng, được nhận nhiều ưu đãi của xã hội cũng không làm được.
Về môi trường: Giở những trang báo giấy, báo điện tử đưa những tin tức về môi trường ta có nhận xét ngay: Việt Nam cũng là quốc gia “đi tiên phong” trong vấn đề hủy hoại sinh thái và tàn phá môi trường . Sau chiến tranh, tốc độ khai thác rừng còn gấp nhiều lần số diện tích rừng bị tàn phá do chất làm rụng lá. Chẳng thế mà câu hát “gỗ miền núi về xuôi xây đời mới/ thắm tình giữa miền xuôi và miền ngược ” (bài “Hà Giang quê tôi”) nay được dân gian chế lời mới: “gỗ miền núi từ nay không còn nữa/ hết tình giữa miền xuôi và miền ngược”. Ai nghe cũng cười nhưng cái cười thật chua xót ! Chính vì thế, nhiều người đã lên tiếng bảo vệ môi trường. Không chỉ là gỗ, là rừng mà việc tận dụng khai thác khoảng sản hiện nay cũng đang là nguyên nhân tàn phá, hủy diệt môi trường (thậm chí có nơi còn thậm nguy đến an ninh quốc gia). Có thể kể ra đây 2 thí dụ tiêu biều: Dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên (đang tiến hành mà kết quả thua lỗ nặng) và dự án xây dựng thủy điện 6, 6A đang trong quá trình thẩm định, nếu được phê duyệt sẽ tàn phá phần lớn diện tích cánh rừng Nam Cát Tiên và khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Ví dụ thứ nhất: Dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên, ngay từ năm 2009 là năm bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy Nhân Cơ đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong giới tri thức và nhân dân vì nó “vi phạm luật di sản văn hóa và luật bảo vệ môi trường”. (Đơn kiện thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng của luật sư Cù Huy Hà Vũ). Ngay từ đầu ai cũng thấy dự án có nguy cơ thua lỗ về mặt kinh tế và tàn phá môi trường, là quả “bom hẹn giờ” treo trên đầu người dân ở hạ nguồn và làm ô nhiễm sông Đồng Nai… Hậu quả của nó thật là kinh khủng. Biết bao nhiêu bài viết khoa học, đầy trách nhiệm của các nhà khoa học có chuyên môn trong và ngoài nước, kể cả thư ngỏ của danh tướng Võ Nguyên Giáp nhưng vẫn không ngăn cản được bởi vì đó là “chủ trương lớn của Đảng và chính phủ, là quyết tâm của Bộ chính trị ”. Đứng trước thảm họa nhìn thấy sờ sờ này, nhóm Bauxite Việt Nam do ba người khởi xướng: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và GS Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng đã đứng ra lập nên trang mạng phản biện của giới tri thức do GS Nguyễn Huệ Chi điều hành bắt chấp nguy hiểm bản thân và nhiều lần bị chính quyền gây khó dễ. Ngày 12/4/2009 nhóm đã thảo ra “Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác bauxite ở Việt Nam” gửi đến Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng chính phủ đề nghị cho dừng dự án và đã nhận được gần 2800 chữ ký ủng hộ của rất nhiều nhân sỹ tri thức và nhân dân trong và ngoài nước.
Nhóm Bauxite và những người phản đối dự án khai thác bauxite Tây Nguyên ( ký tên hoặc ủng hộ kiến nghị) là những người CHIẾN SỸ.
Ví dụ thứ hai: Năm 2012 truyền thông đưa tin Thạc sỹ Nguyễn Huỳnh Thuật gửi tâm thư lên chủ tịch nước để thỉnh cầu việc cần thiết ngăn chặn ngay dự án thủy điện 6, 6A cắt ngang rừng Nam Cát Tiên, mất đi diện tích 137 hecta rừng trong vùng lõi, ảnh hưởng đến Bầu Sấu (khu ngập nước Ramsar, khu dự trữ sinh quyển thế giới). Là cán bộ công tác ở Vườn Quốc gia Cát Tiên, chuyên gia về đa dạng sinh học, là người có chuyên môn, nhận thức được việc đe dọa làm mất mát không chỉ tài nguyên rừng mà còn xâm phạm nhiều di chỉ văn hóa của tộc người Mạ (di chỉ Óc Eo), Thạc sỹ Thuật đã cùng nhóm bạn lập ra trang thông tin điện tử http://savingcattiennationalpark.blogspot.com. Nhóm lấy tên “ Yêu quý bảo vệ Rừng Cát Tiên” (SCT)  để đưa tin và kêu gọi người dân đồng hành phản đối 2 dự án thủy điện trên bởi “Vườn Quốc gia Cát Tiên là tài sản quốc gia, là tài sản chung, nếu ai cũng bỏ mặc thì tài nguyên Việt Nam sẽ nhanh chóng mất sạch, mà cuối cùng, chỉ có người dân gánh chịu hậu quả”. Lời kêu gọi đã thu hút được 4700 chữ ký ủng hộ. Là người gửi tâm thư, cùng bạn bè tập hợp các nguồn ý kiến, theo đuổi đến cùng công việc gìn giữ môi trường này, thạc sỹ Thuật chấp nhận hy sinh cá nhân (anh không còn công tác ở Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên nữa).
Nhóm “ Yêu quý bảo vệ Rừng Cát Tiên” là những CHIẾN SỸ. Việc làm của các bạn là góp thêm viên gạch để xây dựng xã hội dân sự mà ở đó người dân được cất tiếng nói, được đóng góp xây dựng và gìn giữ môi trường sống.
Về đấu tranh dân chủ, xây dựng xã hội dân sự và bảo vệ tổ quốc: Những năm gần đây chúng ta được chứng kiến nhiều nhóm thiện nguyện, nhiều cá nhân đóng góp các hoạt động rất hữu ích cho xã hội. Đó là chương trình “ Sách hóa nông thôn ” của sáng lập viên (và trực tiếp điều hành) Nguyễn Quang Thạch. Đây là “thư viện của người dân” với các mô hình: tủ sách dòng họ, tủ sách phụ huynh, tủ sách giáo xứ. Bắt đầu từ năm 2007, cho đến nay anh Thạch đã vận động được các cá nhân, tổ chức chung tay đóng góp (dưới nhiều hình thức) và đã xây dựng được hơn 160 tủ sách ở 21 tỉnh trên cả nước. Người sáng lập viên này đã chấp nhận hy sinh cá nhân, nghỉ việc lương cao để dành toàn bộ thời gian, công sức vào công việc thiện nguyện này. Anh và những người chung tay đóng góp mang sách, mang tri thức về tận vùng quê để khai sáng văn hóa cho nhân dân và học trò xứng đáng là những người CHIẾN SỸ.
So với các khu vực khác, khu vực miền núi ở nước ta còn rất nghèo. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, bằng nguồn kinh phí quyên góp từ nhân dân hay các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước… Các nhóm “No-U”, “Cơm có Thịt”, “Vì ta cần nhau” …đã lên tận vùng biên xa xôi như Háng Đồng (Sơn La), Suối Giàng (Yên Bái), và các trường ở Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang… để hỗ trợ trẻ em vùng cao như xây trường, ủng hộ dụng cụ học tập, áo rét, chăn ấm, sửa chữa trường, lớp học…
Tất cả những con người có tấm lòng cao cả này là những CHIẾN SỸ.
Những năm đầu thế kỷ XXI này, xã hội Việt Nam xuống cấp về mọi mặt và chưa lúc nào đất nước trong thời kỳ “nước sôi lửa bỏng” như ngày hôm nay. Có lẽ một bức tranh xã hội, một dòng lịch sử khái quát nhất về chính quyền và đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng đã được nhà văn Phạm Đình Trọng, người chiến sỹ từ khói lửa chiến tranh năm xưa - người chiến sỹ cầm bút hôm nay khắc họa là tiêu biểu hơn cả. Chúng ta đọc để nghiền ngẫm, để chiêm nghiệm “đúng, sai”, để trả lời cho rất nhiều câu hỏi “VÌ SAO” tồn tại suốt hơn nửa thập kỷ qua, để…
Sau đây là những con chữ rất nóng của ông, cũng hiện ra các cặp phạm trù “được-mất”, “tốt-xấu”, “lưu manh-lương thiện”,“nguyên nhân-kết quả”,… để ông lý giải việc xuống cấp về mọi mặt của xã hội Việt Nam hôm nay là từ những “sai lầm lên tiếp trong quá khứ, tham nhũng không có điểm dừng trong hiện tại của đảng đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thảm họa này đến thảm họa khác:
Thảm họa cải cách ruộng đất đánh sập từ gốc rễ đạo lí Việt Nam, đánh tan tác văn hóa làng xã tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Thảm họa Nhân Văn Giai Phẩm, thảm họa ngụy tạo ra vụ Xét lại chống đảng đã giam cầm, đầy ải, giết dần giết mòn những tài năng, tinh hoa nhất của dân tộc Việt Nam.
Thảm họa cải tạo tư sản ở miền Bắc sau năm 1954, cải tạo tư sản ở miền Nam sau năm 1975 tước đoạt quyền làm chủ của những chủ tư sản biết tổ chức sản xuất kinh doanh tạo ra việc làm cho người lao động, tạo ra của cải cho xã hội.
Thảm họa tập trung cải tạo thực chất là tù đày lực lương ưu tú nhất của xã hội miền Nam cũng là tài sản con người của dân tộc Việt Nam, đẩy một nửa dân tộc Việt Nam ra khỏi vòng tay Mẹ hiền Tổ Quốc Việt Nam. Từ đó dẫn đến thảm họa thuyền nhân vùi xác hơn nửa triệu người dân Việt Nam dưới đáy biển.
Thảm họa mất đất mất biển. Những mảnh đất mang hồn thiêng tổ tiên người Việt Nam, thấm đẫm máu nhiều thế hệ người Việt Nam, những tên đất chói lọi trong lịch sử Việt Nam đã bị Nhà nước Cộng sản Việt Nam cắt sang đất Tàu Cộng!
Thảm họa khai thác bô xít Tây Nguyên tàn phá môi trường, tàn phá văn hóa Tây Nguyên, làm chảy máu lâu dài nền kinh tế đất nước. Dự án khai thác bô xít Tây Nguyên liên tục ngốn nguồn vốn lớn hàng chục ngàn tỉ, hàng trăm ngàn tỉ đồng của nền kinh tế đất nước nhưng không làm ra một đồng tiền lãi, không bao giờ có lãi ở thời hiện tại!
Thảm họa Vinashin, Vinalines làm thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn ngân sách Nhà nước, tạo ra đổ vỡ dây chuyền làm cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, đẩy nền kinh tế đất nước vào khủng hoảng kéo dài, không thể cất mình lên nổi.
Thảm họa tụt lại sau thế giới, lạc lõng với thế giới. Năm 1975 Thái Lan phải ngước nhìn lên sự phát triển của kinh tế, xã hội miền Nam Việt Nam thì nay Thái Lan phải ngoái lại phía sau nhìn sự ì ạch của kinh tế xã hội Việt Nam vì Thái Lan đã vượt xa Việt Nam vài chục năm rồi và càng ngày Thái Lan càng bỏ xa Việt Nam.
Thảm họa trách nhiệm. Ở các nước dân chủ, bằng lá phiếu và bằng tự do ngôn luận, tự do báo chí, người dân thực sự có vai trò quyết định đến việc chấp chính của đảng cầm quyền và người cầm quyền. Chỉ một đổ vỡ nhỏ trong đời sống xã hội hoặc đời sống kinh tế đất nước, người cầm quyền phải đứng ra nhận trách nhiệm bằng việc từ chức, đảng cầm quyền cũng mất quyền lãnh đạo. Ở ta những thảm họa lớn gây chết chóc hàng trăm ngàn người dân như thảm họa cải cách ruộng đất, giết chết cả nền văn học nghệ thuật như thảm họa Nhân Văn Giai Phẩm, làm đình đốn cả nền kinh tế như thảm họa Vinashin nhưng những người cầm quyền không ai chịu trách nhiệm, không ai rời vị trí quyền lực, cùng lắm là luân chuyển từ vị trí này sang vị trí khác như sau thảm họa cải cách ruộng đất. Đảng độc quyền thì cứ bình thản cầm quyền. Người yếu kém và có tội cứ thản nhiên nắm quyền. Thảm họa cứ tiếp diễn và lan rộng ra cả xã hội. Xã hội Việt Nam hôm nay thực sự là thảm họa đối với dân tộc Việt Nam văn hiến”.
Chúng ta, mỗi người sau khi “ngắm nhìn” cái bức tranh trên đây, phỏng có nghĩ gì???
Trước chúng ta đã có nhiều người lên tiếng và bị vùi dập, bị gây khó dễ trong cuộc sống, thậm chí bị trừng trị, mặc dù họ là những đảng viên quyền chức của chính phủ như Kim Ngọc, Nguyễn Hộ, Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang, Hoàng Minh Chính, Trần Xuân Bách… hay những tri thức, những văn nghệ sỹ: Phan Đình Diệu, Lữ Phương, Dương Thu Hương, Bùi Minh Quốc, Hà Sỹ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh… Tất cả họ là lớp CHIẾN SỸ đầu tiên đi tiên phong trên mặt trận đấu tranh dân chủ cho đất nước.
Tiếp nối truyền thống ấy là hàng trăm, hàng nghìn những tên tuổi khác, đó là những con người của “Kiến nghị về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên” (2010), “Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ” (2011), “Kiến nghị về việc bảo vệ và phát triển đất nước” (2011),” “Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam về hiểm họa ngoại bang và sức mạnh dân tộc” (của 36 nhân sỹ trí thức Việt Kiều, 2011), “Thư gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang –về công dân Bùi Thị Minh Hằng” (2011), “Tuyên bố về vụ cưỡng chế giải tỏa đất đai Văn Giang bằng vũ lực” (2012), “Thư khẩn gửi chủ tịch nước về vụ bắt Phương Uyên” (2012), “Lời kêu gọi thực thi quyền con người theo hiến pháp và pháp luật tại Việt Nam” (2012), “Kiến nghị 72” (kiến nghị về sửa đổi hiến pháp, 2013), “Thư khẩn gửi chủ tịch nước và chính phủ Việt Nam về việc giải quyết tuyệt thực của blogger Điếu Cày” ( 2013), “Tuyên bố công dân tự do” (2013), “Tuyên bố 258” (2013) , “Tuyên bố nghị định 72” (2013)…
Các bản Kiến nghị, Tuyên bố, Thư ngỏ, Lời kêu gọi… đã đại diện tiếng nói trung thực, can đảm của giới trí thức và nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh vào nhu cầu đổi mới hệ thống chính trị, đòi tôn trọng các quyền tự do dân chủ của nhân dân, yêu cầu chính quyền thượng tôn pháp luật, bãi bỏ điều 4 Hiến pháp, bãi bỏ các điều 88, 79, 258 Bộ luật hình sự, thực thi quyền con người theo các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tôn trọng hình thức đấu tranh ôn hòa của các tổ chức quần chúng nhân dân trước thế lực bành trướng Trung Cộng, bảo vệ ngư dân, bảo vệ tổ quốc. Tất cả những con ngưới ấy họ là những CHIẾN SỸ.
Những người CHIẾN SỸ hôm nay không chỉ thể hiện trách nhiệm bằng lời nói, bằng bài viết, bằng chữ ký… mà còn bằng hành động. Đó là hàng chục cuộc xuống đường ôn hòa thể hiện tình yêu tổ quốc, đó là những con người đấu tranh đòi giới chủ phải tôn trọng người lao động, đó là những tri thức dấn thân. Thế nhưng nhiều người trong số họ hiện đang bị cầm tù. Thân thể các CHIẾN SỸ ở trong lao, nhưng tên tuổi họ rực sáng. Đó là : Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày- Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân, Tạ Phong Tần, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Đinh Nguyên Kha, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đinh Nhật Uy,Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào… chưa kể những chiến sỹ đã chấp hành xong án phạt nay lại tiếp tục con đường tranh đấu: Phạm Hồng Sơn, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Thăng Long, Lê Công Định…và gần đây nhất là người chiến sỹ trẻ Nguyễn Phương Uyên của phiên tòa xử phúc thẩm 16/8/2013 tại Long An. Người “chiến sỹ” Phương Uyên đứng trước tòa thân cô, thế cô, không có người thân, không có luật sư, chỉ có đầy “quần chúng tự phát”, an ninh mật vụ vây trong, vây ngoài tòa án, vậy mà em dõng dạc từng lời, đầy bản lĩnh: “ Tôi không cần giảm án, tôi chỉ cần tòa xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống ĐCS không phải là chống phá đất nước, dân tộc. Các ông đừng có đánh đồng ”.
Tôi chỉ mong dân tộc ta có thêm nhiều CHIẾN SỸ trong thời bình như hình ảnh người con gái tuổi 20 này. Những người CHIẾN SỸ biết mình muốn gì và dân tộc mình cần gì… Tôi nhớ có câu nói khá nổi tiếng: “Thành công là một cuộc hành trình chứ không phải chỉ là đích đến”. Hành động thường quan trọng hơn kết quả là vậy (bởi nếu không có hành động thì làm sao có kết quả?). Tác giả của câu nói trên còn khuyên: “ Enjoy the journey! ” Hành trình dân chủ tuy nhiều chông gai, hiểm nguy (và đầy vật cản trên con đường ấy), nhưng tôi vẫn tin những “chiến sỹ” đã lựa chọn con đường này họ có cách vui hưởng hành trình của mình, bởi họ có niềm tin: “Nước nhà được độc lập mà người dân không được hưởng tự do thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì”, chỉ có con đường dân chủ hóa đất nước mới mong có được Tự Do cho nhân dân.
Sài Gòn 8/2013
K.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Thủy điện đã bị lạm dụng cho toan tính đen tối

Thủy điện len lỏi vào cả vùng đất nhạy cảm 30/08/2013, 09:35:39 AM (GMT+7)

(Vfej.vn)-Các chuyên gia cho rằng hiện nay thủy điện đã len lỏi và phát triển mạnh ở cả những vùng đất nhạy cảm gây ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và sinh kế của cộng đồng sống trong vùng.

Trong hơn hai thập kỷ qua, đặc biệt từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay do kinh tế phát triển, dân số gia tăng nhanh chóng, nhu cầu năng lượng cho công nghiệp, dân sinh và ngành kinh tế khác tăng mạng mẽ, nguồn lợi về thủy điện bắt đầu được khai thác với tốc độ có thể nói là ồ ạt - bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – cơ quan điều phối Liên minh Năng lượng, phát biểu tại tọa đàm “Thủy điện dưới góc nhìn phát triển bền vững” ngày 30/8 ở tỉnh Vĩnh Phúc.
 

 
Ông Lê Quang Huy, Ủy ban Khoa học Công nghệ&Môi trường của Quốc hội: Dường như cái tâm của chủ đầu tư đặt vào hạng mục di dân thực sự có vấn đề. Có hiện tượng mua gom đất đai, nhà cửa của các hộ dân bị ảnh hưởng, trục lợi

“Thủy điện không chỉ được phát triển trên các sông lớn, các vúng núi hẻo lánh mà đã len lỏi và phát triển mạnh ở cả những vùng đất nhạy cảm như vườn quốc gia, khu bảo tồn, khu du lịch thiên nhiên nổi tiếng như Sa Pa, Hoàng Liên Sơn ở tỉnh Lào Cai”, bà Khanh khẳng định.
 
Theo các chuyên gia về năng lượng, không thể phủ nhận rằng thủy điện góp phần quan trọng bảo đảm một phần cơn khát năng lượng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Nhưng sự phát triển thiếu kiểm soát, quy hoạch và quy trình xây dựng không được tuân thủ nghiêm ngặt và vì chạy theo lợi ích trước mắt, thủy điện đã gây ra nhiều tác động lớn đến môi trường, sinh thái các lưu vực sông và tác động đến sinh kế cộng đồng chịu tác động và cả những rủi ro, thách thức đối với sự an toàn của cộng đồng khu vực hạ lưu. Thời gian gần đây dư luận đã chứng kiến nhiều tác động do thủy điện gây ra cho môi trường và cộng đồng xã hội.
 
Do các dự án thủy điện không chỉ thiếu hiệu quả, mà còn tác động xấu đến môi trường và xã hội, tỉnh Lâm Đồng đã loại bỏ khỏi quy hoạch 28 dự án, đồng thời kiến nghị Bộ Công thương loại bỏ thêm 23 dự án khác thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ. Đắk Lắk loại bỏ khỏi quy hoạch 20 thủy điện vừa và nhỏ. Gia Lai chấm dứt hoạt động của 8 dự án, đồng thời loại bỏ 11 dự án khác khỏi quy hoạch. Kon Tum loại bỏ nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ.

Chính vì vậy mới đây, sau khi rà soát quy hoạch và tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, Bộ Công Thương đã đề xuất loại bỏ 338 dự án và không đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng thủy điện. Các dự án, vị trí tiềm năng thủy điện bị loại bỏ đều thuộc đối tượng hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, nhà đầu tư trả lại do không khả thi hoặc không có ai quan tâm...

TS Phạm Hữu Khánh, Vườn Quốc gia Cát Tiên, kiến nghị xem lại tính pháp lý của các dự án thủy điện, đặc biệt trường hợp Đồng Nai 6 và 6A. Tổng công suất theo báo cáo của hai dự án này là 241MW (giả thiết là công trình vận hành hoàn hảo như báo cáo) nếu so với nhu cầu điện thì chỉ chiếm 0,321% tới năm 2020 (75.000MW) và chỉ chiếm 0,061% tổng công suất quy hoạch tới năm 2030 (146,800MW). Như vậy phần đóng góp điện năng của hai dự án này không đáng kể và hoàn toàn có thể thay thế bởi các dự án năng lượng bền vững khác trong khi phần tác hại về môi trường, xã hội và sinh thái là quá lớn.
 
Theo ông Lê Quang Huy, Ủy ban Khoa học Công nghệ&Môi trường của Quốc hội, hiện trên cả nước còn 899 dự án thủy điện với tổng công suất 24.880 MW, trong đó 260 dự án đã vận hành khai thác, 211 dự án đang thi công xây dựng, 266 dự án đang nghiên cứu, và 162 dự án chưa có chủ trương đầu tư. Không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư. Khoảng 40% dự án thủy điện phải loại bỏ hoặc không được quan tâm.
 
“Đề nghị loại bỏ các dự án thủy điện ảnh hưởng đến các khu rừng đặc dụng và ưu tiên cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học”, theo ông Khánh, “Đồng thời tìm các nguồn năng lượng khác thay thế, đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học.”
 
TS Lê Đức Ngân, Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Tỉnh Nam Định, cho biết thủy điện hiện chiếm khoảng 50% trong tổng công suất lắp máy của hệ thống điện Việt Nam (2012) vì vậy việc tiếp tục phát triển thủy điện là cần thiết.  Tuy nhiên cần phải tính toán để hạn chế mặt trái của thủy điện. Phải coi phát triển năng lượng gió, mặt trời, biogas trước mắt và trong tương lai là con đường duy nhất. Để phát triển năng lượng tái tạo và cụ thể để đạt các mục tiêu sản lượng điện gió năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030 không thể thiếu những biện pháp đòn bảy, trước hết là các chính sách đầu tư và khuyến khích của nhà nước.
 
Theo TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Điều hành Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước&Thích nghi Biến đổi Khí hậu – thành viên Liên minh Năng lượng, những thách thức và rủi ro phát triển thủy điện trong điều kiện biến đổi khí hậu cần được nhìn nhận và tiến hành sớm những nghiên cứu toàn diện để đánh giá những thách thức và rủi ro của đập thủy điện để đưa ra được chiến lược đúng cho phát triển thủy điện – nguồn tài nguyên thiên nhiên liên quan mật thiệt với cuộc sống của con người và của đất nước.
 
Bà Khanh cho rằng việc nhìn nhận đa chiều về những tác động tích cực – tiêu cực của các công trình thủy điện là yêu cầu cấp thiết, giúp cho việc xem xét những bất cập trong việc bảo vệ môi trường và bảo đảm sinh kế cho người dân chịu ảnh hưởng đồng thời định hướng phát triển thủy điện Việt Nam phục vụ phát triển bền vững và vì con người.

Hiện cả nước có khoảng 6.600 hồ chứa các loại, bao gồm 64 hồ chứa trên 1 triệu m3 có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, có tới 317 hồ bị hư hỏng, trong đó có 120 hồ trọng điểm cần quan tâm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ 2013. Trước những thách thức về sử dụng và quản lý nguồn nước, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn đang phối hợp với các ngành xây dựng dự thảo Luật Thủy lợi; chỉ đạo xây dựng quy hoạch thủy lợi gắn với việc chống lũ, đề án nâng cao năng lực tưới cho các hệ thống thủy lợi, nâng cao năng lực quản lý của các công ty thủy lợi.

Minh Phúc

HẴY DŨNG CẢM CÔNG TÂM VÀ MINH BẠCH

DỰ ÁN THỦY ĐIỆN ĐN 6 & 6A: HÃY HẠ MÀN!
Được biết Hội đồng thẩm định ĐTM -Bộ TN & MT sắp thẩm định hai Báo cáo ĐTM dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6-Công suất lắp máy 135MW và thủy điện Đồng Nai 6A-công suất lắp máy 106MW (gọi tắt ĐN 6&6A). Hai báo cáo này đều do Viện môi trường và tài nguyên - Đại học Quốc gia T.P Hồ Chí Minh gọi tắt: Viện) lập thuê cho Công ty CP tập đoàn Đức Long Gia Lai ( gọi tắt: DLG).
Hiện SCT đã nhận được nhiều ý kiến tập trung phản biện hai Báo cáo ĐTM ( do Viện vừa chỉnh sửa bổ sung xong T.6-2013) của các nhà khoa học và người dân có tinh thần quan tâm bảo vệ gìn giữ môi trường nói chung và rừng Vườn quốc gia Cát Tiên nói riêng.
Với ý thức thượng tôn Pháp luật, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước về toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, đấu tranh chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội, SCT tiếp tục tập hợp ý kiến cộng đồng với tinh thần xây dựng và mục tiêu hài hòa lợi ích các bên liên quan, tránh các xung đột, căng thẳng đổ vỡ không đáng có.
Các ý kiến phản biện sẽ được xếp theo từng chủ đề và đơn giản hóa các kiến thức chuyên môn sâu cho tiện theo dõi và ai cũng có thể hiểu được.
Trước hết, SCT xin điểm hai tuyến vấn đề chính:
1, Cơ sở pháp lý của Dự án:
1.1. Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003, Về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, và Thông tư của Bộ Tư pháp số: 01/2004/TT-BTP ngày 16/06/2004, Về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, văn bản hợp pháp cần các điều kiện:
- Được ban hành đúng căn cứ pháp lý.
- Được ban hành đúng thẩm quyền
- Nội dung của văn bản phù hợp với quy định của pháp luật.
- Văn bản được ban hành đúng thể thức và kỹ thuật trình bày.
-…
Chỉ với bốn điều kiện trên thì Quyết định của Bộ Công thương số: 5117/QĐ-BCT, ngày 14/10/2009 do thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào ký, Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy họach bậc thang thủy điện sông Đồng Nai: " Điều chỉnh DATĐ ĐN 6 -180MW thành các DA là TĐ ĐN 6-135MW và TĐĐN 6A -106MW, là văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Quyết định này dường như đã hợp thức cho DLG một việc đã rồi, gây bao hệ lụy kéo dài chưa có hồi kết. Xin đừng bao biện, tiếp tục lấy sai lầm để sửa sai lầm nữa.
2.2. Tiếp theo là một số Văn bản của Bộ Nông nghiệp & PTNT liên quan đến hai dự án thủy điện ĐN 6&6A cũng có dấu hiệu bất thường.
2.3. Điều trớ trêu là hai BC ĐTM lần này ( T.6-2013) dù đã cập nhật các VBPL mới tới tháng 5/2013 nhưng vẫn không đếm xỉa đến Nghị quyết số 49/2010/NQ-QH12 có nội dung, tiêu chí quyết định việc đầu tư cả hai dự án, mà vẫn chỉ viện dẫn Nghị quyết số 66/2006/NQ-QH11, đã thế lại vẫn ghi sai năm là 66/2007 y như trong 2 lần trước.
2, Về nội dung kỹ thuật của hai Báo cáo ĐTM xuất bản tháng 6-2013.
Nhìn chung, hai BC ĐTM xuất bản T6-2013 có hình thức đẹp, biên tập công phu, mục lục rõ ràng; các bản vẽ và VB liên quan được photo đính kèm theo quy định, riêng phần lời đánh số tới xxvii+272 trang và xxxii+300 trang ( ĐN 6A).
Dường như BC ĐTM thủy điện ĐN 6A được làm trước, sau đó chỉnh sửa thành BC DA ĐN 6. Mặc dù các tác giả rất kỳ công thay đổi tiêu tít, số hiệu bảng biểu, hình ảnh… song nhân viên Photocopy Shop vẫn có thể chỉ ra vô số các lỗi copy-paste và little trick (tiểu xảo). Hàng loạt các số liệu chính của dự án đã giảm rất nhiều và tiền hậu bất nhất dù cùng lập từ một phiên bản hồ sơ TKCS; DAĐT…
Các tác giả đã loại bỏ các hạng mục chính của dự án do các hạng mục này chiếm nhiều diện tích đất, rừng; nguy cơ tác động xấu tới môi trường rất lớn: tuyến đường dây tải điện 220kV dài 9,5km nối giữa ĐN 6&6A; các mỏ đất, mỏ đá; bãi thải… Điều này hoàn toàn trái với Nghị định 29/2011/NĐ-CP ngày 18/04/2011 của Chính phủ quy định đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường; Thông tư 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 quy định chi tiết một số điều của Nghị định 29/2011/NĐ-CP và một số Văn bản khác.
Hàng loạt các kiến thức khoa học, kỹ thuật cơ bản như: đơn vị và thứ nguyên; trắc địa phổ thông; âm học; thuốc nổ công nghiệp; khoan-nổ mìn; khai thác mỏ…đều rất ấu trĩ, cắt dán từ nhiểu nguồn tài liệu không chuẩn và bản thân các tác giả chắc cũng không thể hiểu thay số tính toán kiểu nào để cho ra kết quả cuối.
Ai cũng có thể thấy rõ BC ĐTM ĐN 6 đã copy từ BC ĐTM ĐN 6A, chỉ Find " ĐN 6A" sau đó Replace with " ĐN 6". Ai có thể tin được các số liệu ở đây?
 Thực sự buồn vì các tác giả lập hai Báo cáo này vì quá lệ thuộc yêu cầu của chủ bỏ tiền thuê mà đã không tôn trọng khoa học, không tôn trọng nghề thầy giáo và học sinh của mình, quá coi thường các thành viên Hội đồng thẩm định và dư luận.
SCT tán thành việc báo chí và dư luận đã nói nên loại bỏ hẳn hai dự án này, không cần thẩm định thêm làm gì nữa.
Theo Báo cáo tài chính của DLG, từ 01/01/2013 đến 30/6/2013, chi phí xây dựng dở dang cho DA thủy điện ĐN6 tăng 678.523.926, VNĐ nâng tổng chi phí lên: 10.571.495.070, VND ( hơn mười tỷ rưỡi). Trong 6 tháng đầu năm 2013, có lẽ chỉ sửa chữa hai BC ĐTM kiểu cắt-dán; quà Tết; tháp tùng các đoàn kiểm tra thực địa…mà tốn hơn 678 triệu trong khi tình hình tài chính khó khăn, phải bán đổ tháo nhiều thứ thì biết quyết tâm theo đuổi hai dự án này mức nào.
Cũng có thể DLG và Viện tư vấn sẽ lại được rút BC ĐTM về sửa chữa lần thứ 4; 5 và khi đó chắc Hội đồng thẩm định sẽ thông qua với một số lưu ý nào đó chăng?!?
 Xin không dự đoán các kịch bản tiếp theo vì vẫn hy vọng sự quang minh chính đại của từng thành viên ngồi Hội đồng thẩm định BC ĐTM của Bộ TN&MT.
Chúng tôi mong rằng các bên, các cá nhân có liên quan sớm nhận ra cái sai, cái bất cập, tự giác xử mình trước và tự rút lui nếu có thể. Khi đó sẽ đỡ tốn kém họp hành, đỡ xung đột và gây thêm dư luận không tốt. Hãy học theo Cục CSGT đường bộ-đường sắt, khi TS Lê Hồng Sơn (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) đã gửi giấy mời Cục này họp với Bộ GTVT, với Văn phòng Chính phủ, nhưng chiều 23-8 Cục CSGT đường bộ-đường sắt đã hủy nội dung sai trái của Công văn 1042 thì họp làm gì nữa.
SCT sẽ tiếp tục công bố các phản biện cụ thể, chi tiết để các quý vị có liên quan tham khảo, góp phần đi đến quyết định, giải pháp phù hợp nhất.

Hãy dừng các dự án thủy điện gây hại cho dân lành!

Tháo chạy khỏi các dự án thủy điện


Thứ Năm, 29/08/2013 22:06

Vốn đầu tư lớn, hiệu quả không cao, đồng thời đã đạt được mục đích chính sau khi... khai thác lâm sản, hàng loạt doanh nghiệp rút khỏi các dự án thủy điện

Sau một thời gian ồ ạt nhảy vào đầu tư dự án thủy điện, một số doanh nghiệp bắt đầu rao bán. Thế nhưng, theo các chuyên gia kinh tế, nếu chỉ vì mục đích khai thác lợi ích kinh tế từ dự án thủy điện thì sẽ khó có nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền mua lại trong giai đoạn này.
Đại gia rút lui trước
Giữa tháng 7-2013, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) công bố bán xong 6 dự án thủy điện là Daksrong 2, Daksrong 2A, Daksrong 3A, Daksrong 3B, Bá Thước 1, Bá Thước 2 (có 4 dự án đã vận hành và 2 dự án đang xây dựng) với lý do đầu tư thủy điện không còn mang lại tỉ suất lợi nhuận cao, số tiền lãi thu được từ việc bán 6 dự án thủy điện này dùng để cơ cấu lại nguồn vốn của tập đoàn và tiếp tục đầu tư vào các dự án thủy điện tại Lào vì giá bán điện tại Lào cao hơn (giá bán điện tại Lào là 1.278 đồng/KWh, tại Việt Nam là 800 đồng/KWh).
Trong đó, tổng công suất các nhà máy khoảng 211,7 MW, gồm 4 nhà máy đang phát điện tổng công suất 141,5 MW, 2 dự án Bá Thước 1 và Daksrong 3A đang trong quá trình xây dựng. Theo thông tin từ phía HAGL, việc bán các dự án này giúp HAGL giảm nợ vay 1.876 tỉ đồng và thu về khoản doanh thu tài chính 2.099 tỉ đồng. Trước đó, quý IV/2012, HAGL cũng bán bớt hơn 5% cổ phần của Công ty Thủy điện HAGL.
Phong trào làm thủy điện đã gây ra những hậu quả nặng nề.
Trong ảnh: Đập Nhà máy Thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vỡ toang hồi tháng 6-2013,
xóa sổ nhiều diện tích cây trồng của người dân. Ảnh: CAO NGUYÊN
Tập đoàn Nam Trung cũng đang xúc tiến nhượng bớt phần vốn trong dự án thủy điện Đồng Nai 2 (Nam Trung nắm 90% tổng vốn đầu tư, tương đương gần 3.000 tỉ đồng) dự kiến sẽ phát điện vào cuối năm nay. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đang tìm đối tác nhượng lại một phần vốn trong 2 dự án thủy điện Krong Nô 2 và Krong Nô 3 (đã khởi công cách đây vài năm, dự kiến cuối năm 2012 phát điện nhưng do thiếu vốn nên vẫn chưa hoàn tất).
Giới chuyên gia cho rằng việc 2 tập đoàn HAGL và Nam Trung thông báo thoái lui khỏi dự án thủy điện là những dấu hiệu ban đầu khơi mào cho cuộc tháo chạy khỏi các dự án thủy điện sắp diễn ra.
Không chạy mới lạ!
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các chủ đầu tư tháo chạy khỏi các dự án thủy điện là việc hiển nhiên nhưng nhiều khả năng là... bán không ai mua. Tại các hội thảo về thủy điện, nhiều chủ đầu tư dự án thủy điện đã gặp ông than thở vì thua lỗ. “Nghiêm túc mà nói, tư nhân đầu tư khai thác thủy điện không thể có lời bởi những dự án lớn, có hiệu quả thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã làm hết rồi. Đa số các chủ đầu tư sau một thời gian ồ ạt nhảy vào lĩnh vực này theo phong trào đã ngấm đòn: Đầu tư tiền tỉ vào dự án nhưng nguồn thu vào còm cõi, không đủ để trả lãi vay ngân hàng chứ nói gì đến khả năng thu hồi vốn. Đó là chưa kể tình trạng dự án đã hoàn thành, phát điện nhưng EVN không mua hoặc mua với giá rẻ” - ông Phạm Viết Ngãi nói.
Ngoài lý do thua lỗ, các doanh nghiệp cũng đang rốt ráo rút lui trước thời hạn năm 2017 bởi theo quy hoạch phát triển bền vững ngành năng lượng và điện, đến năm 2017 sẽ kết thúc tất cả các dự án thủy điện. Khi đó, chỉ còn các dự án điện lớn, hiệu quả mới được triển khai xây dựng, các dự án thủy điện nhỏ và vừa vốn không chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng sản lượng điện phát sẽ bị loại bỏ.
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, theo các chuyên gia năng lượng và kinh tế, trên thực tế, các dự án thủy điện nhỏ đã được cấp phép đầu tư tràn lan không mang mục đích sản xuất điện. Thời gian qua, số lượng thủy điện nhỏ được quy hoạch rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế không cao; phần lớn các thủy điện này có công suất dưới 10 MW nhưng diện tích chiếm đất rừng lớn (trên 14 ha/MW điện).
Có thể nói, mục đích chính của nhiều chủ đầu tư là thông qua dự án thủy điện để khai thác lâm sản, khi đã khai thác hết gỗ thì không cần tiếp tục dự án thủy điện nữa. Bộ Công Thương cũng đã thừa nhận có nhiều dự án thủy điện chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết tiến độ đã đề ra, gây nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội; chậm trồng rừng bù lại diện tích do xây dựng thủy điện, việc quản lý chất lượng các dự án thủy điện vừa và nhỏ bị buông lỏng.
Cả nước còn 899 dự án
Mới đây, sau khi rà soát quy hoạch và tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, Bộ Công Thương đã đề xuất loại bỏ 338 dự án và không đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng thủy điện. Các dự án, vị trí tiềm năng thủy điện bị loại bỏ đều thuộc đối tượng hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, nhà đầu tư trả lại do không khả thi hoặc không có ai quan tâm...
Hiện trên cả nước còn 899 dự án thủy điện với tổng công suất 24.880 MW, trong đó có 260 dự án đã vận hành khai thác, 211 dự án đang thi công xây dựng, 266 dự án đang nghiên cứu đầu tư để xem xét cho phép khởi công trong thời gian tới, 162 dự án chưa có chủ trương đầu tư.
ĐÔNG NGHI
http://nld.com.vn/20130829095220379p0c1014/thao-chay-khoi-cac-du-an-thuy-dien.htm

Tham khảo: http://www.vfej.vn/vn/4086n/thuy-dien-len-loi-vao-ca-vung-dat-nhay-cam.html 

Thursday, August 29, 2013

Loạt bài: Lại gian dối ở 2 thủy điện Đồng Nai 6, 6A trên báo NLĐ! Cùng SCT chung tay đưa vấn đề sai trái ra ánh sáng và cứu Cát Tiên! (kỳ 3)

LẠI GIAN DỐI Ở HAI THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 6, 6A (*)

Chối bỏ tính pháp lý

Thứ Năm, 29/08/2013 23:22

Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A bị ràng buộc bởi rất nhiều văn bản pháp lý. Bằng các thủ thuật, nhà đầu tư cố tình luồn lách để dự án dễ được thông qua

Một trong những văn bản pháp lý điều chỉnh 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A được chủ đầu tư (Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai) viện dẫn qua 3 lần thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là Nghị quyết 66/2007/NQ-QH11 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có Nghị quyết 66/2006/NQ-QH11 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Né quy định của Quốc hội
Dự án thủy điện Đồng Nai 6 xuất hiện đầu tiên trong phê duyệt quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai của Chính phủ năm 2002. Khi đó, diện tích chiếm đất Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên của dự án là 732 ha nên thuộc danh mục các dự án phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo Nghị quyết 66/2006. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến 2025 (quy hoạch điện VI), trong quy hoạch này hoàn toàn không có thủy điện Đồng Nai 6.
 
Cũng trong năm 2007, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai thuê Công ty Tư vấn - Xây dựng điện 1 lập phương án chia tách thủy điện Đồng Nai 6 để giảm diện tích chiếm rừng và trình Bộ Công Thương phương án điều chỉnh thành 2 dự án. Năm 2008, Quốc hội thông qua Luật Đa dạng sinh học. Luật có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2009. Tháng 9-2009, Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ hiệu chỉnh, bổ sung thêm 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vào Quy hoạch điện VI. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ 1 văn bản vi phạm Luật Đa dạng sinh học khi cho phép đầu tư vào khu bảo tồn đa dạng sinh học VQG Cát Tiên.
Bên cạnh đó, năm 2010, Quốc hội thông qua Nghị quyết 49/2010/NQ-QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, khẳng định Nghị quyết 66/2006/NQ-QH11 đã hết hiệu lực. Các dự án chuyển đổi mục đích rừng đặc dụng trên 50 ha thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 49. Các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và cả Chính phủ đều khẳng định 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A phải tuân theo Nghị quyết 49, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Thế nhưng, bỏ qua ý kiến các ban ngành, trong tất cả các lần thực hiện ĐTM, chủ đầu tư chỉ viện dẫn Nghị quyết 66 đã hết hiệu lực, phớt lờ Nghị quyết 49.
Phải tuân thủ quy định pháp luật
Sau khi xảy ra tranh cãi xung quanh việc triển khai xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, mới đây, lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã có văn bản trả lời về tính pháp lý của 2 dự án thủy điện này. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết tại điểm b, khoản 2 Nghị quyết 49 quy định: “Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất VQG, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực địa khoa học từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên phải xin chủ trương đầu tư của Quốc hội. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định: “Do vậy, các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thuộc diện phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư”.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, cơ sở pháp lý của 2 dự án thủy điện này còn liên quan đến pháp luật về bảo vệ môi trường. Cụ thể, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 quy định các dự án chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư, xây dựng, khai thác sau khi ĐTM đã được phê duyệt. Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định: Quyết định phê duyệt ĐTM là căn cứ để quyết định đầu tư dự án. Tại khoản 2, điều 7 Luật Đa dạng sinh học còn quy định những hành vi bị nghiêm cấm là: Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn. Theo hồ sơ dự án thì các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có một phần diện tích nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên. “Do vậy, việc xây dựng các công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A phải tuân thủ các quy định trên” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định.
Kỳ tới: Hứa hão
Dự án ưu việt?
Chủ đầu tư cho rằng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có nhiều ưu thế so với các dự án thủy điện khác. Diện tích mất đất cho 1 MW ít hơn 5 lần so với dự án thông thường (không rõ chủ đầu tư căn cứ vào đâu?), không di dân, tái định cư… Tuy nhiên, ưu thế này có được là do đầu tư trong các khu rừng đặc dụng được bảo tồn nghiêm ngặt, đặc biệt là khu rừng mưa nhiệt đới cuối cùng còn sót lại của miền Nam Việt Nam là VQG Cát Tiên.
Cũng theo chủ đầu tư, dự án thủy điện Đồng Nai 6 có công suất lắp máy 135 MW, vòng đời hoạt động của nhà máy khoảng 40 năm, nộp ngân sách 180 tỉ đồng/năm, tương đương 1,3 tỉ đồng/MW. Dự án thủy điện Đồng Nai 6A có công suất lắp máy 106 MW, nộp ngân sách khoảng 142 tỉ đồng/năm, tương đương 1,3 tỉ đồng/MW. Theo báo cáo mới đây của Quốc hội, tổng công suất lắp của tất cả các thủy điện Việt Nam khoảng 13.694 MW, nộp ngân sách 6.500 tỉ đồng thông qua thuế GTGT, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng... tương đương 0,4 tỉ đồng/MW.
Điểm lại các dự án thủy điện đã và đang thực hiện của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đều có công suất lắp máy nhỏ hơn 10 MW (hầu hết là 2-3 MW). Mới đây, dự án thủy điện Đăk SePay (tỉnh Gia Lai), công suất lắp máy 3 MW của doanh nghiệp này bị UBND tỉnh Gia Lai thu hồi do thiếu vốn, chậm đầu tư. Liệu chủ đầu tư có quá khoa trương về số tiền đóng ngân sách không khi nó gấp 3-4 lần số tiền đóng ngân sách của tất cả các đơn vị “lão luyện” như EVN hay một số tập đoàn lớn khác?
M.Khanh
THU SƯƠNG - THẾ DŨNG