Friday, August 16, 2013

Văn bản trái luật-Hậu quả khôn lường: đã thành chuyện thường?

Ban hành văn bản pháp luật sai: Chưa thấy xử lý ai?

Mặc dù hàng loạt các văn bản pháp luật của nhiều bộ ngành, địa phương mới ban hành đã bị "thổi còi" vì vi phạm, nhưng từ rất lâu rồi, chưa thấy cán bộ lãnh đạo, người ký văn bản pháp luật sai nào bị xử lý...

Trong khi đó, một số quy định của luật đã có những chế tài cụ thể xử lý việc làm sai này, thậm chí còn quy định có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì sao lại như vậy?!
Lỗi tại máy in?!
Chắc nhiều người hẳn còn chưa quên câu chuyện "máy móc" ban hành văn bản "sai" cho bộ Xây dựng sau khi bộ này đồng loạt gửi công văn cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lưu ý các địa phương "không xây dựng các công trình nhại kiến trúc cổ điển kiểu Pháp - châu Âu", đặc biệt là các công trình sử dụng vốn ngân sách. Chắc sẽ không có chuyện do máy móc in nhầm văn bản này nếu như nó không bị báo chí xới lên trong suốt thời gian qua. Để "chữa cháy", trong một văn bản tiếp sau của mình, gửi các tỉnh, thành phố và các cơ quan báo chí, bộ Xây dựng cho biết, muốn bỏ nội dung này vì in ấn có "sai sót". Tuy nhiên, lý do vì sao máy in của bộ Xây dựng lại có thể in sai nghiêm trọng một nội dung cụ thể đến vậy thì chưa được xác minh làm rõ, chỉ biết sau sự cố, bộ Xây dựng vội lờ đi như chưa hề có chuyện xảy ra.
Cách đây không lâu, bộ GD&ĐT cũng được nhớ tới với quy định: Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi cho nơi tiếp nhận theo quy định, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý, không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Nơi tiếp nhận là Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TW hoặc Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, thành phố và Ban thanh tra giáo dục các cấp... Đây được xem là vi phạm quyền tố cáo của công dân. Ngay sau đó, bộ GD&ĐT đã phải sửa chữa nội dung này.
Trước đó, nhiều bộ ngành cũng được nhắc tới với những quy định "trên trời" như quy định việc thịt sống chỉ được bán trong 8 giờ, nếu bảo quản lạnh được bán trong 72 giờ kể từ khi giết mổ... do bộ NN&PTNT ban hành năm 2012. Sau khi bị dư luận phản ứng, bộ NN&PTNT đã phải dừng thi hành Thông tư. Tiếp đó là quy định: Tang lễ cán bộ, công chức, viên chức chỉ có 7 vòng hoa; không cho thiết kế ô kính trên nắp quan tài, không rắc và đốt vàng mã... được thể hiện trong Nghị định 105/2012 của Chính phủ về tổ chức tang lễ cán bộ, công chức, viên chức. Đầu năm 2013, cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, bộ Tư pháp đã có văn bản "tuýt còi" những quy định trên, do thiếu tính khả thi, không phù hợp phong tục tập quán.

Xử lý ai, ai xử lý?
Trao đổi với PV về việc này, TS. Lê Hồng Sơn - cục trưởng cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, bộ Tư pháp cho rằng: Có thể nhận thấy, trình độ của các cán bộ tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của một số cơ quan còn hạn chế, thậm chí có những đề xuất, ban hành rất ấu trĩ, quan liêu, phi thực tiễn như nhiều người đã thấy. Đành rằng, để nắm bắt được thực tiễn đưa vào luật không phải là dễ dàng, nhưng không vì thế mà những người đề xuất, tham mưu, trình, ký VBQPPL ở “trên mây, trên gió”, chả biết đâu là nhu cầu thực sự để trình, ban hành các VBQPPL cho chuẩn. Một vấn đề nữa dẫn đến xảy ra tình trạng này là cơ chế khen thưởng, xử lý ở lĩnh vực này cũng không rõ ràng. Người làm tốt thì không được khen thưởng kịp thời, người làm chưa tốt thì cũng chẳng sao cả, thậm chí làm sai cũng chẳng bị kỷ luật gì.
Trả lời cho câu hỏi của PV về việc xử lý người ban hành các VBQPPL trái luật này ra sao, TS. Sơn cho hay: Vì văn bản là Thông tư liên tịch của các Bộ hoặc của HĐND, UBND các cấp, nên bộ Tư pháp chưa có thẩm quyền để kiểm soát những văn bản này trong quá trình soạn thảo trước khi ban hành, do vậy, không đặt ra vấn đề trách nhiệm. Trong khi đó, luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã không xác lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân khi cơ quan Nhà nước ban hành VBQPPL sai, trái. Vì thế theo TS. Sơn: "Vấn đề này cũng cần phải nghiên cứu để bảo đảm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền".
Trong khi đó, trong phiên họp báo của Văn phòng Chính phủ thường kỳ tháng 7/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Tình trạng một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có một số điều không khả thi, không phù hợp với thực tiễn liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Vì vậy, Chính phủ đã giao bộ Tư pháp và các bộ, ngành xem xét thí điểm để có cơ chế kiểm soát văn bản hành chính, mà từ trước đến nay giao toàn quyền cho Bộ trưởng các Bộ chuyên ngành. Bộ Tư pháp thí điểm đưa ra cơ chế thẩm định các văn bản là thẩm định Thông tư của các Bộ trước khi ban hành để tránh tình trạng bất cập, không khả thi như thời gian qua.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự!
Trao đổi với PV, luật sư Lâm Văn Quang, đoàn Luật sư Hà Nội nhận định: Luật có quy định, nếu người nào ban hành VBQPPL sai, thì tùy mức độ có thể kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp họ cố tình ban hành VBQPPL sai trái như vậy. Trong khi đó, theo Điều 87, luật Ban hành VBQPPL: Văn bản quy phạm pháp luật phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra theo quy định của pháp luật. Việc giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành nhằm phát hiện những nội dung sai trái hoặc không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xác định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản sai trái.
Cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua văn bản, tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật của văn bản phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức. Trường hợp cán bộ, công chức có vi phạm trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị đề nghị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghị định cũng nêu rõ cán bộ, công chức nếu không tổ chức kiểm tra, xử lý các văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý; không báo cáo khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật... sẽ bị xác định là vi phạm pháp luật.
"Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một trường hợp nào được xử nghiêm như quy định", luật sư Quang nói.                             
Theo báo cáo của bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2013, bộ Tư pháp đã kiểm tra 251.002 văn bản, phát hiện 3.960 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp, trong đó có 528 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung và thẩm quyền.
Sửa sai mà... vẫn sai
Không kém cạnh, mới đây bộ GD&ĐT cũng "tung ra" hàng loạt văn bản gây chấn động dư luận cả nước. Điển hình phải kể đến việc ban hành Thông tư 24 của Bộ này với quy định đặc biệt là cộng điểm cho mẹ Việt Nam anh hùng đi thi đại học. Đúng 12 ngày sau khi bị dư luận công kích, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận ban hành Thông tư bãi bỏ đối tượng ưu tiên này. Theo đó, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 sẽ không thuộc diện đối tượng ưu tiên được cộng 2 điểm khi dự thi đại học nữa. Nhưng theo đại diện bộ Tư pháp, việc sửa sai này của bộ GD&ĐT vẫn sai.
Người đứng đầu phải bị xem xét trách nhiệm
Đáng nói, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2010/NĐ-CP về việc kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó nêu rõ, quy trình xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân của người, cơ quan đã ban hành văn bản trái pháp luật được phân định như sau. Cơ quan ban hành văn bản có nội dung trái, pháp luật phải tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể và báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định. Người đứng đầu cơ quan trong việc ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật cũng phải bị xem xét trách nhiệm.   
Vương Trần 
Nguồn:
http://www.nguoiduatin.vn/nguoi-ban-hanh-van-ban-phap-luat-saise-bi-truy-cuutrach-nhiem-hinh-su-a95436.html

No comments:

Post a Comment