Friday, August 30, 2013

Thủy điện đã bị lạm dụng cho toan tính đen tối

Thủy điện len lỏi vào cả vùng đất nhạy cảm 30/08/2013, 09:35:39 AM (GMT+7)

(Vfej.vn)-Các chuyên gia cho rằng hiện nay thủy điện đã len lỏi và phát triển mạnh ở cả những vùng đất nhạy cảm gây ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và sinh kế của cộng đồng sống trong vùng.

Trong hơn hai thập kỷ qua, đặc biệt từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay do kinh tế phát triển, dân số gia tăng nhanh chóng, nhu cầu năng lượng cho công nghiệp, dân sinh và ngành kinh tế khác tăng mạng mẽ, nguồn lợi về thủy điện bắt đầu được khai thác với tốc độ có thể nói là ồ ạt - bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – cơ quan điều phối Liên minh Năng lượng, phát biểu tại tọa đàm “Thủy điện dưới góc nhìn phát triển bền vững” ngày 30/8 ở tỉnh Vĩnh Phúc.
 

 
Ông Lê Quang Huy, Ủy ban Khoa học Công nghệ&Môi trường của Quốc hội: Dường như cái tâm của chủ đầu tư đặt vào hạng mục di dân thực sự có vấn đề. Có hiện tượng mua gom đất đai, nhà cửa của các hộ dân bị ảnh hưởng, trục lợi

“Thủy điện không chỉ được phát triển trên các sông lớn, các vúng núi hẻo lánh mà đã len lỏi và phát triển mạnh ở cả những vùng đất nhạy cảm như vườn quốc gia, khu bảo tồn, khu du lịch thiên nhiên nổi tiếng như Sa Pa, Hoàng Liên Sơn ở tỉnh Lào Cai”, bà Khanh khẳng định.
 
Theo các chuyên gia về năng lượng, không thể phủ nhận rằng thủy điện góp phần quan trọng bảo đảm một phần cơn khát năng lượng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Nhưng sự phát triển thiếu kiểm soát, quy hoạch và quy trình xây dựng không được tuân thủ nghiêm ngặt và vì chạy theo lợi ích trước mắt, thủy điện đã gây ra nhiều tác động lớn đến môi trường, sinh thái các lưu vực sông và tác động đến sinh kế cộng đồng chịu tác động và cả những rủi ro, thách thức đối với sự an toàn của cộng đồng khu vực hạ lưu. Thời gian gần đây dư luận đã chứng kiến nhiều tác động do thủy điện gây ra cho môi trường và cộng đồng xã hội.
 
Do các dự án thủy điện không chỉ thiếu hiệu quả, mà còn tác động xấu đến môi trường và xã hội, tỉnh Lâm Đồng đã loại bỏ khỏi quy hoạch 28 dự án, đồng thời kiến nghị Bộ Công thương loại bỏ thêm 23 dự án khác thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ. Đắk Lắk loại bỏ khỏi quy hoạch 20 thủy điện vừa và nhỏ. Gia Lai chấm dứt hoạt động của 8 dự án, đồng thời loại bỏ 11 dự án khác khỏi quy hoạch. Kon Tum loại bỏ nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ.

Chính vì vậy mới đây, sau khi rà soát quy hoạch và tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, Bộ Công Thương đã đề xuất loại bỏ 338 dự án và không đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng thủy điện. Các dự án, vị trí tiềm năng thủy điện bị loại bỏ đều thuộc đối tượng hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, nhà đầu tư trả lại do không khả thi hoặc không có ai quan tâm...

TS Phạm Hữu Khánh, Vườn Quốc gia Cát Tiên, kiến nghị xem lại tính pháp lý của các dự án thủy điện, đặc biệt trường hợp Đồng Nai 6 và 6A. Tổng công suất theo báo cáo của hai dự án này là 241MW (giả thiết là công trình vận hành hoàn hảo như báo cáo) nếu so với nhu cầu điện thì chỉ chiếm 0,321% tới năm 2020 (75.000MW) và chỉ chiếm 0,061% tổng công suất quy hoạch tới năm 2030 (146,800MW). Như vậy phần đóng góp điện năng của hai dự án này không đáng kể và hoàn toàn có thể thay thế bởi các dự án năng lượng bền vững khác trong khi phần tác hại về môi trường, xã hội và sinh thái là quá lớn.
 
Theo ông Lê Quang Huy, Ủy ban Khoa học Công nghệ&Môi trường của Quốc hội, hiện trên cả nước còn 899 dự án thủy điện với tổng công suất 24.880 MW, trong đó 260 dự án đã vận hành khai thác, 211 dự án đang thi công xây dựng, 266 dự án đang nghiên cứu, và 162 dự án chưa có chủ trương đầu tư. Không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư. Khoảng 40% dự án thủy điện phải loại bỏ hoặc không được quan tâm.
 
“Đề nghị loại bỏ các dự án thủy điện ảnh hưởng đến các khu rừng đặc dụng và ưu tiên cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học”, theo ông Khánh, “Đồng thời tìm các nguồn năng lượng khác thay thế, đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học.”
 
TS Lê Đức Ngân, Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Tỉnh Nam Định, cho biết thủy điện hiện chiếm khoảng 50% trong tổng công suất lắp máy của hệ thống điện Việt Nam (2012) vì vậy việc tiếp tục phát triển thủy điện là cần thiết.  Tuy nhiên cần phải tính toán để hạn chế mặt trái của thủy điện. Phải coi phát triển năng lượng gió, mặt trời, biogas trước mắt và trong tương lai là con đường duy nhất. Để phát triển năng lượng tái tạo và cụ thể để đạt các mục tiêu sản lượng điện gió năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030 không thể thiếu những biện pháp đòn bảy, trước hết là các chính sách đầu tư và khuyến khích của nhà nước.
 
Theo TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Điều hành Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước&Thích nghi Biến đổi Khí hậu – thành viên Liên minh Năng lượng, những thách thức và rủi ro phát triển thủy điện trong điều kiện biến đổi khí hậu cần được nhìn nhận và tiến hành sớm những nghiên cứu toàn diện để đánh giá những thách thức và rủi ro của đập thủy điện để đưa ra được chiến lược đúng cho phát triển thủy điện – nguồn tài nguyên thiên nhiên liên quan mật thiệt với cuộc sống của con người và của đất nước.
 
Bà Khanh cho rằng việc nhìn nhận đa chiều về những tác động tích cực – tiêu cực của các công trình thủy điện là yêu cầu cấp thiết, giúp cho việc xem xét những bất cập trong việc bảo vệ môi trường và bảo đảm sinh kế cho người dân chịu ảnh hưởng đồng thời định hướng phát triển thủy điện Việt Nam phục vụ phát triển bền vững và vì con người.

Hiện cả nước có khoảng 6.600 hồ chứa các loại, bao gồm 64 hồ chứa trên 1 triệu m3 có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, có tới 317 hồ bị hư hỏng, trong đó có 120 hồ trọng điểm cần quan tâm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ 2013. Trước những thách thức về sử dụng và quản lý nguồn nước, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn đang phối hợp với các ngành xây dựng dự thảo Luật Thủy lợi; chỉ đạo xây dựng quy hoạch thủy lợi gắn với việc chống lũ, đề án nâng cao năng lực tưới cho các hệ thống thủy lợi, nâng cao năng lực quản lý của các công ty thủy lợi.

Minh Phúc

No comments:

Post a Comment