Sunday, August 4, 2013

ƯỚC GÌ CÁC CHÍNH PHỦ NGHĨ ĐẾN THƯỜNG DÂN

Phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong: ĐBSCL “đói” nước làm lúa 

Thứ bảy, 03/08/2013, 07:38 (GMT+7)

Tại diễn đàn nhân dân “Dòng sông Mê Kông trong tương lai - Mối quan tâm của người dân về phát triển thủy điện”, tổ chức tại An Giang vừa qua, các nhà chuyên môn cảnh báo nếu phát triển thủy điện trên dòng Mekong, nguy cơ không đủ nước sản xuất lúa tại ĐBSCL rất lớn.
        Nông dân lên tiếng
Hội Nông dân tỉnh Stung Treng (miền Bắc Campuchia) cho biết: “Các bạn biết đấy, nông dân tỉnh Stung Treng chúng tôi sống nhờ vào đánh bắt cá tự nhiên, trồng lúa và rừng. Nếu các đập thủy điện trên dòng chính được xây dựng, tôi lo lắng cho nguy cơ “chết” của Biển Hồ Campchia”.
Cùng quan điểm, bà Omboun Thipsuna (Hội đồng nhân dân 7 tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan) nói rằng: “Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học, chính quyền thu thập thêm những thông tin về các tác động của thủy điện ở cả 6 nước. Thực tế tại Thái Lan, đập thủy điện trên sông Pak Mun (dòng nhánh sông Mekong) đã gây nhiều vấn đề về môi trường, kinh tế, xã hội… ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân”.
Sản xuất lúa ở ĐBSCL bị đe dọa bởi các đập thủy điện…
Nhiều nông dân tại ĐBSCL (nơi được cảnh báo bị ảnh hưởng nặng nề nhất) tỏ ra lo lắng cho sản xuất nông nghiệp và đời sống bị đảo lộn. Ông Hoàng Kim, nông dân tỉnh Đồng Tháp, trăn trở nếu như trên dòng chính sông Mekong có hệ thống đập thủy điện thì khi họ trữ nước và xả nước sẽ khiến vùng cuối nguồn là ĐBSCL hứng trọn mọi thiệt hại.
Trong khi đó, bà Huỳnh Kim Duyên đến từ tỉnh Cà Mau nói: “Tại Cà Mau mấy năm qua tình trạng xói lở bờ biển, bải bồi (nhất là mũi Cà Mau), xâm nhập mặn… diễn ra nghiêm trọng; nước ngầm sụt giảm mạnh”. Bà Duyên dẫn chứng trường hợp con đập chắn ngang con kênh xáng Quản Lộ Phụng Hiệp đã làm cho nguồn cá tự nhiên gần như kiệt quệ, nguồn nước bị ô nhiễm, xâm nhập mặn ăn sâu vào đất liền gần như quanh năm. “Nếu ngăn dòng chảy trên dòng chính sông Mekong thì ở dưới Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề lắm” - bà Duyên lo lắng.

Nhiều nông dân của các quốc gia kêu gọi sự liên kết để có tiếng nói chung và cùng hành động để bảo vệ sông Mekong, như bảo vệ nguồn sống của chính mình.
        Không còn nước làm lúa
Đây thực sự là mối lo lớn cho ĐBSCL nơi được xem là vựa lúa, trái cây, vựa thủy sản của Việt Nam. Nhiều nông dân ở An Giang, Đồng Tháp cho rằng, thiếu nước là nỗi ám ảnh đối với canh tác lúa. Trong sản xuất lúa, nếu thiếu 1 lần bơm nước là có vấn đề về năng suất, chất lượng. Nông dân mong muốn các nhà khoa học nghiên cứu giải pháp đảm bảo nguồn nước trong trường hợp có các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ, lo ngại: “Thực tế, việc sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo ở ĐBSCL và Campuchia đều lệ thuộc vào nguồn nước sông Mekong. Năm 1988 Việt Nam đang đói, không đủ gạo ăn. Nhưng nhờ các chính sách thay đổi, năm 1989 chúng ta có dư gạo để xuất khẩu được 1,3 triệu tấn. Đến năm 2012 thì chúng ta đã vươn lên xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo. Rõ ràng, Việt Nam trở thành mô hình về sản xuất lương thực mà nhiều quốc gia học hỏi. Tuy nhiên, tình trạng xây các đập thủy điện trên dòng chính như hiện nay thì khó có ai dám chắc Việt Nam duy trì được thành tích này trong 5 - 10 năm tới. Để làm được 1kg gạo, chúng ta xài gần 4.500 lít nước (4,5m3). ĐBSCL mỗi năm làm ra 24 triệu tấn lúa thì cần một lượng nước khổng lồ. Việc xuất hơn 7 triệu tấn gạo thì đồng nghĩa cần lượng nước bao nhiêu. Mực nước ngày càng hạ, không ai chắc chúng ta còn đủ nước để làm lúa và không thể dự báo được sản lượng xuất khẩu gạo trong tương lai”.

Tiến sĩ Dương Văn Ni ví con sông Mekong như hình ảnh một “thân cây lộn ngược”. “Hiện chúng ta đã và đang cắt từng phần của rễ cây, nhánh cây, chặt vào thân chính. Thân cây cũng sẽ bị chặt làm nhiều khúc nếu như các thủy điện trên dòng chính cùng xây dựng” - tiến sĩ Dương Văn Ni lo ngại.

BÌNH ĐẠI

No comments:

Post a Comment