Thursday, August 22, 2013

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang chết một cách từ từ!

Đồng bằng sông Cửu Long: Những cánh đồng đang nằm chờ chết

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

Những cánh đồng lúa trĩu bông này đang nằm chờ chết, vì giá lúa thấp hơn giá thành
Làm lúa không đủ ăn, nông dân sẽ bỏ ruộng hoang
Nhìn những đồng lúa xanh mơn mởn lúc lúa còn con gái và vàng tươi trĩu bông lúc lúa trổ, nông dân chúng tôi cảm thấy lòng buồn vô hạn, vì biết rằng những cánh đồng này – cũng như tất cả nông dân –  đang nằm chờ chết.
Nông dân đã tăng năng suất đạt trần: Vụ đông xuân lúa tươi từ 7-8 tấn, vụ hè thu hè thu từ 5-6 tấn, thế nhưng, lợi nhuận từ làm lúa lại không đủ sống.
Khi lợi nhuận từ làm lúa không đủ sống thì nông dân còn thiết tha gì đến việc làm lúa,  nông dân phải tìm kiếm nghề khác để mưu sinh, lúc đó, những cánh đồng này rồi sẽ bị bỏ hoang.
Vụ đông xuân 2012- 2013 giá lúa OM 4900 bằng với lúa ngang IR 50404 là 4.500 đồng/ kg, thấp hơn vụ đông xuân năm 2011-2012 đến 700 đồng/ kg.
Để cho số liệu về giá thành có tính chính thống, tôi không lấy giá thành của cá nhân tôi, nhưng xin lấy số liệu giá thành của Bộ Tài chính. Theo tính toán của Bộ Tài chính thì giá thành vụ đông xuân 2012-2013 là 3.800 đồng/ kg, như vậy, nông dân chúng tôi chỉ thu được lợi nhuận có 700 đồng/ kg.
Theo báo đài thì năng suất bình quân vụ đông xuân 2012-2013 ở ĐBSCL là 68 tạ/héc ta (cá nhân tôi làm được 70 tạ, con số chênh lệch không đáng kể) vậy, vụ đông xuân, mỗi héc ta lúa nông dân lời chỉ 4.760.000 đồng.
Vụ hè thu năm 2013 tôi làm giống lúa OM 6976 bán được với giá 4.250 đồng/ kg, do năng suất lúa vụ hè thu thấp nên giá thành lên rất cao, theo Bộ Tài chính, giá thành bình quân ở tỉnh Đồng Tháp là 4.619 đồng/ kg, mức giá thành bình quân của cả Đồng Bằng Sông Cữu Long là 4.142 đồng, như vậy, vụ hè thu này tôi làm lúa từ hòa vốn đến lỗ chứ chẳng lời được đồng nào cả.
Vậy cả năm 2013 này nông dân chúng tôi chỉ lời có 4.700.000 đồng/ ha.
Theo qui định của Nhà nước mỗi hộ 4 người nông dân ở ĐBSCL được cấp 3 ha ruộng như vậy, mỗi hộ thu nhập năm 2013 chỉ có 14.100.000 đồng, mỗi người thu nhập năm 2013 là 3.525.000 đồng. Vậy thu nhập bình quân mỗi nông dân một tháng chỉ được: 293.750 đồng!
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, theo đó, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống.
Như vậy, trong năm 2013 này, tất cả nông dân có diện tích 4 ha trở xuống điều là hộ nghèo căn cứ vào quyết định chuẩn hộ nghèo của Chính phủ.
Không ai chịu trách nhiệm về giá bán gạo xuất khẩu và giá lúa thấp
Năm 2013 này, nông dân bán lúa đông xuân lời chỉ có 700 đồng/ kg, vụ hè thu từ hòa đến lỗ vốn là do VFA bán gạo xuất khẩu giá quá thấp, nên ép giá mua lúa của nông dân quá thấp, thế nhưng, không có bất cứ một ai chịu trách nhiệm về việc bán gạo xuất khẩu giá thấp và giá lúa quá thấp cả.
Kỳ lạ nhất là Chính phủ và VFA không có một cuộc họp nào để tìm cách nâng cao giá bán gạo xuất khẩu, mà chỉ có những cuộc họp để mua lúa tạm trữ.
Năm 2013 nông dân lỗ vốn phải vay để ăn, vậy năm 2014 VFA bán gạo xuất khẩu giá nào? Có cách nào để nâng giá bán gạo xuất khẩu hay không? Đây là câu hỏi quan trọng nhất trong việc mua bán lúa gạo cần phải trả lời, nhưng Chính phủ và VFA chẳng hề quan tâm.
Ông Trương Thanh Phong Chủ tịch VFA dọa nông dân: Muốn bán lúa hòa vốn  hay muốn để lúa lại cho vịt ăn?
Ông Trương Thanh Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam kiêm Chủ tịch VFA, người nhờ mua bán lúa gạo của nông dân nên lãnh lương gần 1 tỷ bạc mỗi năm, năm nay bán gạo xuất khẩu thấp hơn Ấn Độ đến 70 đô la Mỹ, dù gạo Ấn Độ kém chất lượng hơn gạo Việt Nam, vẫn hiên ngang tuyên bố xanh dờn: “Đừng nói lời lãi lúc này. Hãy trả lời câu hỏi là muốn bán hay để lại cho vịt ăn”.
Ông Phong và VFA đổ thừa rằng bán gạo xuất khẩu giá thấp là do cạnh tranh với Ấn Độ và không có khách hàng nên bán gạo không được, vậy là xong trách nhiệm của ông Phong và VFA, còn thực chất như thế nào thì không thấy ai tìm hiểu cả.
Thực ra, Ấn Độ là nước chú tâm vào an ninh lương thực quốc gia, Ấn Độ chỉ xuất khẩu gạo khi đã chắc đủ ăn cho dân họ, cạnh tranh với Ấn Độ cùng lắm là bán bằng giá với gạo Ấn Độ cùng loại, do gạo Ấn Độ chất lượng thấp hơn gạo Việt Nam, cạnh tranh kiểu gì mà bán gạo cùng loại thấp hơn Ấn Độ đến 70 đô la Mỹ/ tấn?
Thái Lan và Việt Nam chiếm trên 50% lượng lúa gạo bán trên thị trường thế giới, tại sao Việt Nam không bán gạo xuất khẩu với giá tiệm cận với giá gạo Thái Lan mà lại bán phá giá gạo thấp hơn Thái Lan đến 170 đô la Mỹ/ tấn? Tại sao không để Ấn Độ bán hết gạo giá thấp rồi Việt Nam bán gạo giá cao theo giá Thái Lan?
Chính phủ hài lòng với chính sách tạm trữ lúa gạo
VFA bán gạo xuất khẩu thấp hơn gạo Ấn độ 70 đô la Mỹ/ tấn và thấp hơn gạo Thái Lan đến 170 đô la Mỹ/ tấn, được Chính phủ xem như chuyện đương nhiên, chẳng cần phải tìm hiểu nghiên cứu gì cả.
Nhiều năm nay, VFA bán phá giá gạo xuất khẩu của nông dân, với giá thấp nhất thế giới, khiến cho giá lúa rớt thảm hại, thế nhưng, Chính phủ vẫn không có biện pháp nào để nâng giá bán gạo xuất khẩu để từ đó nâng giá lúa cho nông dân.
Nghị Định Số: 109/2010/NĐ-CP “ về kinh doanh xuất khẩu gạo” không hề qui định giá sàn bán gạo xuất khẩu cho VFA.
Khi không có qui định giá sàn thì VFA được phép bán gạo với thấp tùy ý, và VFA đã lợi dụng việc này để bán phá giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ nhiều năm nay với giá thấp nhất thế giới.
Không quan tâm đến giá bán gạo xuất khẩu, Chính phủ chỉ có chính sách mua lúa gạo tạm trữ với tuyên bố là để giữ giá lúa cho nông dân.
Tôi đã nhiều lần phê phán chính sách mua lúa gạo tạm trữ, gần đây nhất là bài: “Chính sách mua tạm trữ lúa, gạo đang làm nghèo nông dân” đăng trên Bauxite Việt Nam.
Năm 2013 này, để mua lúa tạm trữ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký Quyết định số 31/ QĐ-TTg ngày 07/02/2013 “ Về mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông xuân 2012-2013”.
Điều 3 của Quyết định này cho phép: “Các thương nhân thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh”.
VFA độc quyền lúa gạo của nông dân, nên cơ chế thị trường chính là cơ chế độc quyền của VFA. Vì thế theo Quyết định số 31 này, VFA được phép mua lúa của nông dân với giá bao nhiêu cũng được miễn VFA có lời.
Chính là dựa vào Quyết định số 31 này mà ông Trương Thanh Phong mới dám thản nhiên tuyên bố: “Đừng nói lời lãi lúc này. Hãy trả lời câu hỏi là muốn bán hay để lại cho vịt ăn”.
Chính là dựa vào Quyết định số 31 này mà VFA mua lúa của nông dân với giá bằng và thấp hơn giá thành.
Người nông dân này đang phá sản trên cánh đồng lúa năng suất đột trần
Năm 2013 này, nông dân đang bị bần cùng vì giá lúa quá thấp, giá lúa quá thấp vì VFA đang bán phá giá gạo của nông dân ra thị trường thế giới, thế nhưng, Chính phủ chẳng quan tâm gì đến việc nâng cao giá bán gạo xuất khẩu mà chỉ loanh quanh với việc mua lúa tạm trữ, mà lại mua tạm trữ theo giá thị trường tức là giá do VFA ấn định nên càng mua tạm trữ thì nông dân càng bị bần cùng.
Chính sách mua lúa gạo tạm trữ hiện hành chẳng hề quan tâm đến giá bán gạo xuất khẩu và giá thu mua lúa, nên nó chẳng có một tí giá trị nào đối với thu nhập của nông dân, cho nên việc hoàn thiện chính sách này chẳng có lợi gì cho nông dân cả, vì vậy, doanh nghiệp tạm trữ hay nông dân tạm trữ cũng thế mà thôi.
Câu hỏi quan trọng nhất là: Năm 2014 gạo xuất khẩu của Việt Nam được bán với giá nào? Năm 2014 lúa của nông dân được VFA mua với giá nào?
Câu hỏi này đã không được bất cứ một ai trong Chính phủ và VFA  trả lời.
Có nghĩa là, năm 2014 gạo Việt Nam vẫn tiếp tục bán với giá thấp nhất thế giới, và lúa của nông dân cũng sẽ bị mua tạm trữ với giá bằng giá thành.
Khi Chính phủ không quan tâm đến giá bán gạo xuất khẩu, khi VFA bán gạo 5% tấm với giá từ 370 -390 đô la Mỹ/ tấn, tức cũng là khi những cánh đồng lúa trĩu bông của Đồng bằng Sông Cửu Long đang nằm chờ chết.
H.K.

No comments:

Post a Comment