Tuesday, August 20, 2013

Thủy điện 6-6A & xâm nhập mặn - kịch bản nào cho vùng hạ lưu sông Đồng Nai-HCM?

Góc nhìn kinh tế

Thủy điện & nước biển dâng - kịch bản nào cho đồng bằng sông Cửu Long?
Đối mặt với việc các nước thượng nguồn sông Mê Công đua nhau làm thủy điện, các tổ chức và các nhà khoa học - môi trường thế giới, trong đó có Việt Nam đã liên tục có ý kiến cảnh báo về tác động của những con đập đến vùng hạ lưu, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Điều đáng nói hơn là những hậu quả tiêu cực ấy đang diễn ra đồng thời với tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng mà họ dự báo Việt Nam sẽ là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Một vùng đất trẻ của Tổ quốc đang sung sức thanh niên với những cống hiến của cải, sản vật nông - thủy - hải sản vô cùng phong phú và đạt giá trị lớn nhưng lại đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm do “Biến đổi khí hậu - nước biển dâng” như cảnh báo. Tại các diễn đàn Liên hợp quốc, các nước lớn tranh cãi liên miên mà chưa thống nhất được mức cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính là do quyền lợi của họ. Trong khi hiện tượng tan băng, nước biển dâng thấy rõ, thì Việt Nam ta cũng chưa có phương án - kịch bản nào cho ĐBSCL được chọn.
Khí thải công nghiệp cùng với tàn phá rừng để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm thủy điện, phát triển dân cư, đô thị... là thủ phạm của biến đổi khí hậu, làm tan băng và làm xáo trộn mọi quy luật cân bằng sinh thái. ĐBSCL là nạn nhân trực tiếp của hệ quả đó. Trước mắt và chủ yếu là hệ quả của các đập thủy điện trên thượng nguồn (đã, đang và sẽ hoàn thành) sẽ làm mất dần 160 triệu tấn phù sa đổ về hàng năm. Nước ngọt sẽ cạn kiệt, xâm nhập mặn sẽ vào sâu tận biên giới giáp Cam-pu-chia... không còn là viễn cảnh mà đã trở thành cận cảnh. Chỉ dăm bảy mươi năm hoặc một thế kỷ nữa thôi, nước biển sẽ dâng cao từ 50 cm đến một mét. Tại Hội thảo 20 năm phát triển Tứ giác Long Xuyên (tổ chức tại An Giang ngày 22-11-2012), GS, TS Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước, nguyên Đại biểu Quốc hội) và TS Lê Xuân Thuyên (Trung tâm Nghiên cứu nước và biến đổi khí hậu Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã cung cấp nhiều thông tin trực quan, bổ ích.
ĐBSCL có lịch sử kiến tạo lục địa rất phức tạp, với quá trình nhiều ngàn năm “biển tiến”, “biển lùi” và nay là “biển tiến”. Cho đến hơn 300 năm trước vẫn còn là cánh đồng ngập lụt hoang hóa, trước khi người Việt có mặt. Cơ đồ như thế đang đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm thì nguồn của cải như vừa nêu trên sẽ không còn, hàng chục triệu con người sẽ đi đâu về đâu? Các công trình thủy lợi để phát triển nông nghiệp, thủy điện và tất nhiên là có nạn khai thác rừng bừa bãi từ thượng nguồn ở Trung Quốc, Lào, Thái-lan, Cam-pu-chia và cả Việt Nam đã dẫn đến những hệ quả đáng buồn ấy. Riêng Việt Nam còn có trên cả ngàn dự án thủy điện, thậm chí có những dự án “ăn dạ” như Sông Tranh II, giằng dai mãi như Đồng Nai 6 và 6A, v.v.
Nếu nói phát triển là giai đoạn thì các nước đã và đang trỗi dậy hiện đang vào thời kỳ phát triển hoang dã, vô tội vạ như các nước tư bản ở thế kỷ 18. Cứ vì tăng trưởng (GDP), chạy đua làm cường quốc mà hối hả khai thác tài nguyên, ăn cướp và phung phí tài nguyên... như gậm nhấm vào chính da thịt mình. Con người được thiên nhiên - tạo hóa ban tặng cho mọi điều ưu việt, so trong vạn vật. Nhưng chính con người trở lại phá nát cái nôi của mình thì việc bị trừng phạt là tất nhiên, như cha mẹ buộc phải nghiêm trị đứa con ngỗ nghịch, bất hiếu. Nhưng trước khi thủ phạm bị “hành quyết” thì những người lương thiện chúng ta phải tự tìm ra con đường sống cho mình trước “ngày tận thế”. Không van xin, nhờ vả ai được và càng không thể dùng sức mạnh khuất phục, gây “chiến tranh nguồn nước”. Vậy ĐBSCL phải làm gì đây? Câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng không tuyệt vọng.
Trong khi vận động cộng đồng quốc tế và các quốc gia trách nhiệm để bảo vệ nguồn nước sông Mê Công, từ phác thảo, gợi ý của các nhà khoa học, chúng ta phải có cách tận dụng lượng phù sa ít ỏi còn sót lại sau các đập nước thượng nguồn cho đổ vào đồng ruộng để duy trì độ phì và làm hạn chế độ lún dẽ mặt bằng canh tác. Để làm được điều này, phải hình thành các hồ chứa nước ngọt cực lớn và những công trình chuyển dòng phù sa mùa lũ và cả chuyển phù sa sau lắng đọng bằng cơ giới, thậm chí phải hút cát bồi lấp các cửa sông để độn dưới nền, nâng cao mặt ruộng. Những đê bao ngăn mặn bảo vệ đất lúa và các đô thị, khu dân cư phải được tính toán thông minh, xây dựng hợp với tự nhiên đang biến đổi. Phải bảo vệ cho được hơn một triệu/1,7 triệu héc-ta đất lúa và sản xuất ra một sản lượng lúa như hiện nay bằng giống có năng suất cao hơn để bù đắp phần diện tích bị ngập (mà theo Bộ Tài nguyên - Môi trường dự báo sẽ mất 39% diện tích vào cuối thế kỷ). Đồng thời, chúng ta phải tạo điều kiện chuyển nghề và chuyển cư hàng triệu lao động ra ngoài vùng, lai tạo giống cây con, nhất là giống lúa, tôm, cá... thích nghi với môi trường mặn và tiếp cận mặn (lợ) để nuôi trồng trong vùng không có đê bao mà hiện nay các cơ sở, cơ quan khoa học đang tiến hành có kết quả, triển vọng. Nghiên cứu sản xuất vật liệu xây dựng, kiến trúc nhà ở và phương tiện đi lại cho phù hợp... Những gợi ý này là nhằm bổ sung Phương án II mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn trình Chính phủ.
Và nếu phương án được duyệt thì rồi ai làm? Tiền đâu để thực hiện? Câu hỏi này dành cho nhà chức trách, nhưng thiết nghĩ đã có lời đáp từ thực tiễn.
Thực tiễn lâu nay, đội hình quản lý hành chính nhà nước ở ta là đội hình dàn hàng ngang. Nó chỉ phù hợp với chiến tranh du kích và kinh tế tự túc. Từ khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nó càng bộc lộ nhược điểm chết người, không thể dùng phê và tự phê mà khắc phục được, nhất là khi gặp suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay. Nhân tái cấu trúc nền kinh tế mà Đảng và Nhà nước chủ trương, phải chăng nên bắt đầu từ tái cấu trúc hệ thống - bộ máy hành chính - Nhà nước. Nhân tài khoa học nước ta ngày nay không thiếu người tầm cỡ để làm những việc nói trên, kể cả trong công tác quản lý kinh tế và quản lý xã hội. Còn tiền thì thiết nghĩ thuận lợi hơn tái cấu trúc thiết chế. Thành công của Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và Thoát lũ ra biển Tây từ hơn 20 năm trước cho ta kinh nghiệm về lãnh đạo và chỉ huy phục vụ cho tái cấu trúc. Vả lại, môi trường thông tin, khoa học và cả nguồn vốn của quốc tế hiện nay có quá nhiều thuận lợi so với mấy thập niên trước mà ta cũng đã và đang khai thác.
Phải ưu tiên tập trung cho ĐBSCL trước. Cả nước chung tay mới cứu được ĐBSCL. Dàn trải, chần chờ hay vội vàng với phương châm sản xuất thủ công, quảng canh “sai đâu sửa đó” trong thời đại này đều dẫn đến thất bại.
* Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích 40.548,2 km2 (bằng 12,25% diện tích lãnh thổ), có cao trình mặt đất trung bình +1m so mặt nước biển, với dân số 17,330 triệu (bằng 19,72 % cả nước). Diện tích đất trồng lúa 1,7 triệu héc-ta, bằng 41,26 % và sản lượng năm 2011 đạt trên 23,1683 triệu tấn bằng 54,78 % cả nước. Hằng năm, xuất khẩu gạo và cá tra thu về trên dưới năm tỷ USD cho đất nước. ĐBSCL cũng đứng đầu cả nước về cây ăn quả, lúa gạo và sản lượng cá nước ngọt.
Long Xuyên, ngày cuối năm 2012
NGUYỄN MINH NHỊ
http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_ndct/_mobile_gocnhinkinhte/item/19769702.html
Tham khảo:
http://www.vfej.vn/vn/3965n/day-manh-phan-bien-xa-hoi-ve-moi-truong.html

No comments:

Post a Comment