Saturday, August 3, 2013

KHI CÁC CHÍNH PHỦ VÔ CẢM VỚI CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ

Diễn đàn nhân dân "Dòng sông Mekong trong tương lai: Mối quan tâm của người dân về phát triển thủy điện"


Diễn đàn nhân dân Dòng sông Mekong trong tương lai: Mối quan tâm của người dân về phát triển thủy điện đã chính thức diễn ra vào ngày 1/8/2013, tại trường Đại học An Giang – thành phố Long Xuyên do VRN đồng tổ chức cùng Viện sinh thái học miền Nam, trường Đại học An Giang và tổ chức Save the Mekong. Hoạt động này được tài trợ bởi các tổ chức Oxfam Australia, Mạng lưới sông ngòi Quốc tế, ICCO và FACT. Với sự tham dự của gần 130 đại diện đến từ các quốc gia có mối quan tâm đến lưu vực sông Mekong như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản và đại diện của các cơ quan báo chí trong nước như Việt Nam news, Dân trí, Người lao động, thiên nhiên và con người…

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Lâm Đình Uy
Ngoài những đại diện là các nhà khoa học, các nhà tư vấn, các thành viên VRN, đại diện của Ủy ban sông Mekong Việt Nam, các sở ban ngành, đại diện của UBND tỉnh An Giang, Hậu Giang, Liên minh bảo tồn sông Mekong, Vườn quốc gia Cát Tiên, Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp… Ban tổ chức chúng tôi đã hân hạnh tiếp đón những người dân địa phương đến từ Thái lan, Campuchia, Lào và Việt Nam – là những người hiện đang sinh sống tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính Mekong.
Với mục đích mang lại tiếng nói có ý nghĩa về mối quan tâm của người dân và tổ chức Xã hội trong khu vực sông Mekong trước sự tác động và các vấn đề tiềm năng gây ra bởi các đập thủy điện hiện có, để chia sẻ với các công chúng Việt Nam và nâng cao nhận thức về tác động tiềm năng của các dự án thủy điện. Ngoài ra, diễn đàn công chúng lần này cũng nhằm tăng cường sự hiểu biết về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ cơ chế khu vực được sử dụng để giải quyết vấn đề của các đập trên dòng chính sông Mekong,  bằng cách giải quyết các vấn đề liên quan đến các đập thủy điện và các cơ chế ra quyết định khu vực có liên quan đến đập thủy điện.

Ts. Vũ ngọc Long chia sẻ những nét chính về vị trí địa lý trên dòng Mekong. Ảnh: Lâm Đình Uy
Mở đầu diễn đàn là sự chia sẻ của Ts. Vũ Ngọc Long về những nét chính vị trí địa lý của dòng Mekong, những tác động tích cực về kinh tế, văn hóa và xã hội mà nó mang lại cho người dân các quốc gia nằm trên lưu vực từ bao đời nay, cũng như việc cung cấp sinh kế cho hàng triệu người dân sống dọc sông. Không chỉ mang lại lợi ích cho con người, sông Mekong cũng là môi trường sinh sống cho hàng ngàn loài động thực vật. Đó là vựa cá lớn của thế giới, với sản lượng 4 triệu tấn/năm.  Những lợi ích to lớn của sông Mekong là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hiện nay ngày càng nhiều dự án thủy điện đã và đang được tiếp tục xây dưng trên dòng Mekong đã trở thành vấn đê thời sự nóng hổi trên toàn lưu vực và thế giới.
Để nhấn mạnh những tác động tiêu cực từ các dự án thủy điện trên dòng Mekong, Ts. Dương Văn Ni đến từ trường Đại học Cần Thơ đã có bài chia sẻ “Cá và gạo: Đời sống cư dân ở đông bằng sông Mekong và những tác động dự kiến của các đập trên dòng Mekong”. Bài chia sẻ đã gây ấn tượng mạnh với các đại diện khi trình bày được mối liên hệ giữa sản xuất lúa gạo xuất khẩu và nguồn nước, TS Dương Văn Ni đã đưa ra mô hình cây ngược và vị trí các con đập được ví như là những nhát chặt đứt các nhánh - nguồn nước -  của các quốc gia. Nguồn nước đang thay đổi từ số lượng nhiều đến ít, chất lượng từ tốt đến xấu, dòng chảy, thời gian không thể dự đoán được. Việc xây dựng các con đập hiện đang đe dọa đến nhu cầu nguồn nước để cung cấp cho việc xuất khẩu gạo. Đặc biệt, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn nước sông Mekong để sản xuất lúa gạo, nếu các dự án thủy điện được xây dựng nó hoàn toàn chặt đứt dòng chảy và việc tiếp tục xuất khẩu lúa gạo là không thể trong tương lai.

Mô hình cây ngược của Ts. Dương Văn Ni. Ảnh: Lâm Đình Uy
Ngoài ra, những chia sẻ từ người dân địa phương đến từ Campuchia, Thái Lan và Việt Namvề những thay đổi mà người dân địa phương đã và đang phải đối mặt, như mất nguồn sinh kế dọc sông, thiếu thực phẩm, bệnh tật từ việc ô nhiễm nguồn nước do thủy điện ngăn dòng chảy tự nhiên của sông. Và không thiếu những thất vọng về những lời hứa của chính phủ các nước trước khi đập thủy điện được xây dựng và đến hôm nay chính phủ vẫn chưa bao giờ thực hiện, những đợi chờ không có câu trả lời. Những mong đợi mà họ kêu gọi là sự giúp đỡ từ tất cả các cá nhân, tổ chức để thay đổi tình hình hiện tại của họ.

Đại diện người dân địa phương chịu tác động của thủy điện trên dòng Mekong đến từ Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Ảnh: Lâm Đình Uy.
Để hiểu rõ hơn về những quy định liên quan đến sông Mekong, Ts Đào Trọng Tứ đã có bài trình bày trước diễn đàn về Hiệp định Mekong 1995. Như một lời nhắc nhở về những nguyên tắc, những thỏa thuận về việc sử dụng bền vững nguồn nước trong khu vực sông Mekong đã được 4 quốc gia Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia ký kết năm 1995. Tiếp tục nhấn mạnh vai trò của sông Mekong - là nguồn sống của 60 triệu dân trong lưu vực, là một trong những dòng sông có độ đa dạng sinh học lớn nhất trên thế giới, là nguồn nước chính cung cấp cho sản xuất lương thực và 2 trong số 6 quốc gia nằm trong lưu vực sông có sản lượng xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới là Viêt và Thái lan. Ts Đào Trọng Tứ cũng nêu bật những thách thức và cơ hội hiện nay trên dòng chính Mekong về nguồn nước, năng lượng và lương thực.
“Không có cá thì chim ăn cái gì, chúng tôi thực sự cần cá cho chim” – Nguyễn Văn Hùng, giám đốc vườn Quốc gia Tràm chim tâm sự trong diễn đàn.
Những chia sẻ về dự án xây dựng đập Xayaburi được tình bày bởi ông Trịnh Lê Nguyên đến từ Panature và dự án thủy điện Lower Sesan 2 được trình bày bởi ông Meach Mean đến từ Mạng lưới bảo vệ sông 3S, Campuchia cũng đã được chia sẻ tại diễn đàn. Chia sẻ này nhằm để thảo luận về các thách thức của đập Xayaburi cũng như một số đập khác trên dòng chính và hướng đến các khuyến nghị trong tương lai.

Kết thúc diễn đàn là những thông điệp mà VRN muốn gửi tới đại diện các nước, một trong những thông điệp đưa ra là lời kêu gọi các quốc gia trong lưu vực sông Mekong cùng nhau tham vấn về việc dừng hoặc trì hoãn các đập trên dòng chính Mekong đến khi các nghên cứu đánh giá hoàn thiện, trong đó tham vấn các cộng đồng địa phương là rất quan trọng - trên cơ sở sử dụng công bằng tài nguyên Mekong.

Phim tài liệu về tác động của thủy điện đến sông Mun, là lưu vực sông lớn nhất ở Thái Lan: những lời hứa chưa bao giờ được thực hiện, không sinh kế từ khi đập được xây dựng, không trồng trọt, không đánh bắt và những mất mát của người dân….mời xem đoạn phim ngắn ở link đính kèm sau: http://www.youtube.com/watch?v=m7GELHH_uAM

Chi Thơi VRN

No comments:

Post a Comment