Saturday, August 24, 2013

Chúng ta là môi trường, môi trường là chính ta. Chúng ta đang tự tử một cách từ từ khi hủy hoại môi trường sống.

Ít quan tâm đến tác động môi trường lâu dài24/08/2013, 08:37:04 AM (GMT+7)

(Vfej.vn)-Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thường tập trung vào tác động có hại, trực tiếp, trước mắt tới môi trường tự nhiên mà ít quan tâm đến tác động gián tiếp, lâu dài đến xã hội.

Trong lúc dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi thì vấn đề ĐTM lại được các nhà khoa học, nhà chuyên môn có dịp mổ xẻ và không ít người cho rằng các phương pháp thực hiện ĐTM cũng chưa được đầy đủ; nhiều nghiên cứu, thực hiện vẫn chưa theo chuẩn mực nhất định, bị tách biệt khỏi quá trình quy hoạch, xây dựng dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường ở những nơi thực hiện dự án.
ĐTM được chú ý “nhờ” động đất
Ông Hùng nêu một ví dụ điển hình dự án thủy điện Hòa Bình, lớn nhất Việt Nam, được xây dựng trong 10 năm nhưng suốt cả quá trình xây dựng, vận hành không có nghiên cứu hay đánh giá nào về tác động môi trường, cũng như chưa tuân thủ theo yêu cầu pháp lý nào liên quan. Tới năm 1989, dự án nghiên cứu môi trường thủy điện Hòa Bình mới “tình cờ” được chú ý tới nhờ có sự phát hiện trạng thái động đất kích thích ở các địa phương ven hồ chứa nước của nhóm điều tra kinh tế xã hội của Viện Kinh tế Việt Nam (Trung tâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
“Chỉ khi báo cáo ĐTM thủy điện Hòa Bình do một đơn vị của Bộ Lao động Thương binh&Xã hội, một cơ quan không chuyên nghiệp về môi trường tiến hành, do vậy báo cáo ĐTM của thủy điện Hòa Bình đã được xem như một hình mẫu điển hình để các nhà khoa học, quy hoạch phát triển coi việc nghiên cứu, thực hiện ĐTM là quan trọng, cần thiết”, ông Hùng thừa nhận.
Cũng từ “hình mẫu thủy điện Hòa Bình” mà từ năm 1993, yêu cầu ĐTM đã được luật hóa và quy định bởi Luật Bảo vệ Môi trường. Sau hàng chục năm 1993 – 2005, từ “bỡ ngỡ”, “chập chững” thực hiện báo cáo ĐTM đến nay Việt Nam đã từng bước cải thiện các quy định của công việc này, phát triển năng lực đội ngũ thực hiện ĐTM.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém về chất lượng, thiếu tuân thủ quy trình nhất quán, như pháp luật đã quy định và thực tiễn đòi hỏi.
Bà Nguyễn Hoàng Phượng, Trung tâm Con người&Thiên nhiên, cho rằng hiện nay chất lượng báo cáo ĐTM thường tập trung vào tác động có hại, trực tiếp, trước mắt tới môi trường tự nhiên mà ít quan tâm đến tác động gián tiếp, lâu dài đến xã hội.
“Có thể thấy rằng, đánh giá tác động môi trường đã và đang bị hành xử như là một thủ tục thuần túy, chỉ nhằm hợp thức hóa quá trình thẩm định và phê duyệt các dự án hoạt động đầu tư”, ông Hùng thẳng thắn, “Bản thân quy định luật pháp hiện hành về đánh giá tác động môi trường cũng chưa chặt chẽ.”
Ba nhóm phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
Các dự án phát triển kinh tế xã hội thường đem lại lợi ích về kinh tế-xã hội cho nhân dân trên địa bàn dự án đồng thời có thể gây ra những tác động tiêu cực về tài nguyên và môi trường - ông Nguyễn Đức Tùng, Phó Viện trưởng Viện Môi trường&Phát triển Bền vững, nói tại hội thảo góp ý sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường 2005 ngày 16/8 ở tỉnh Ninh Bình.
“Để phát huy các tác động tích cực của dự án, phòng ngừa và khắc phục các tác động tiêu cực về tài nguyên môi trường, dự án phải có báo cáo ĐTM do chủ dự án soạn thảo và trình các cơ quan quản lý liên quan của nhà nước thẩm định”, theo ông Tùng.
Tuy nhiên, theo TS Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định&Đánh giá Tác động Môi trường, không ít trường hợp chủ dự án đã giao khoán, phó mặc cho tư vấn môi trường thực hiện ĐTM trong khi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung báo cáo ĐTM là thuộc chủ dự án dẫn đến kết quả thực hiện ĐTM không sát với kịch bản đầu tư của dự án.
Trên thế giới, ĐTM thường được bắt đầu ngay từ khi có ý tưởng dự án và được thực hiện qua hai bước: ĐTM ban đầu (để phục vụ việc lựa chọn địa điểm dự án là chính) và sau đó (trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án) là ĐTM chi tiết nhưng Luật Bảo vệ Môi trường 2005 chỉ quy định chung về việc thực hiện ĐTM dẫn đến làm giảm ý nghĩa và hiệu quả của công tác ĐTM.
Để làm rõ những quy định chung chung này, PGS.TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường, cho biết Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi quy định có ba nhóm dự án cần phải lập báo cáo ĐTM gồm dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử-văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh được xếp hạng; dự án tác động xấu đến môi trường và xã hội.
Với các dự án phải lập báo cáo đầu tư, dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi quy định có hai bước ĐTM sơ bộ và ĐTM chi tiết.
Theo ông Tuyến, với quy định mới, các chủ dự án và cơ quan phê duyệt dự án sẽ tránh được sự lãng phí thời gian và sức lực khi lập ĐTM chi tiết, hạn chế tối đa việc đã lập dự án cụ thể và lập báo cáo ĐTM chi tiết những dự án không được thực hiện, nhất là với các dự án mà việc lựa chọn địa điểm có thể không phù hợp.
Góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, bà Phượng khuyến nghị cần tăng cường vai trò của cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc quyết định địa điểm thực hiện cũng như giám sát dự án; thiết lập cơ chế tham vấn và đối thoại giữa cộng đồng, cơ quan quản lý và người dân trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và vận hành dự án; bổ sung việc đánh giá tác động xã hội thực hiện dự án bên cạnh đánh giá tác động môi trường để tính toán mức độ thiệt hại gián tiếp như suy giảm môi trường, số người bị ảnh hưởng; giảm sinh kế của người dân trong trường hợp thực hiện dự án để tính toán hiệu quả kinh tế trước khi đầu tư.
Minh Phúc
http://www.vfej.vn/vn/4054n/it-quan-tam-den-tac-dong-moi-truong-lau-dai.html 
Tham khảo:
http://baomoitruong.com/tin-tuc/view/141-truyen-thong-moi-truong/189-sao-khong-dua-bao-ve-moi-truong-vao-chuong-trinh-giang-day-tai-truong-hocst.html

No comments:

Post a Comment