Friday, August 30, 2013

TÍNH TOÁN PHÊ DUYỆT CẨN THẬN LẮM RỒI SAO PHẢI CHẠY THÁO???

Cập nhật lúc 06:06, 27/08/2013

Sau HAGL, Tập đoàn Trung Nam cũng tháo chạy khỏi thuỷ điện


(Doanh nghiệp) - Vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả không cao đã khiến Tập đoàn Trung Nam phải tìm kiếm đối tác để nhượng lại cổ phần đối với các dự án thủy điện Đồng Nai 2, Krong Nô 2 và Krong Nô 3.
Ngày 26/8, ông Đặng Công Chuẩn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết, hiện nay nhà đầu tư bắt đầu rụt rè với các dự án thủy điện bởi vốn bỏ ra làm thủy điện là rất lớn nhưng hiệu quả không cao như trước đây.
Theo ông Chuẩn, Tập đoàn Trung Nam đang xúc tiến nhượng bớt phần vốn trong dự án thủy điện Đồng Nai 2. Đây là dự án Trung Nam nắm 90% tổng vốn đầu tư lên đến gần 3.000 tỉ đồng. Dự kiến thủy điện Đồng Nai 2 sẽ phát điện vào cuối năm 2013.
 
Hiện trạng sinh thái, môi trường tại dự án thủy điện Đồng Nai 2
Hiện trạng sinh thái, môi trường tại dự án thủy điện Đồng Nai 2
Trong khi đó, Trung Nam cũng đang tìm kiếm đối tác nhượng lại một phần vốn trong hai dự án thủy điện Krong Nô 2 và Krong Nô 3 mà tập đoàn này đang triển khai.
Đây là hai dự án mà Trung Nam đã khởi công cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn chưa thể phát điện đúng tiến độ vào cuối năm 2012 do gặp khó khăn trong huy động vốn.
Theo phân tích của ông Chuẩn, một dự án thủy điện vốn khoảng 1.000 tỉ đồng đòi hỏi vốn tự có của doanh nghiệp ít nhất là 30%, còn lại vay đến 70%.
 
Bình quân một dự án thủy điện ít nhất phải 10 -14 năm mới hoàn vốn, trong khi hiệu suất lợi nhuận mang lại không đủ bù lãi vay ngân hàng, chưa kể tính rủi ro của dự án thủy điện rất dài.
 
Trước đó, vào giữa tháng 7/2013, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng công bố bán 6 dự án thủy điện vì cho rằng đầu tư thủy điện hiện không còn mang lại tỉ suất lợi nhuận cao như các ngành khác như trồng cao su, bất động sản...
 
Cụ thể, 6 dự án thuỷ điện tại Việt Nam mà HAGL bán là Daksrong 2, Daksrong 2A, Daksrong 3A, Daksrong 3B, Bá Thước 1, Bá Thước 2. Tổng công suất của các nhà máy này vào khoảng 211,7 MW, tuy nhiên, mới chỉ có 4 nhà máy đang phát điện với tổng công suất 141,5 MW. Hai dự án Bá Thước 1 và Daksrong 3A và cả dự án Nam Kong 2 đang trong quá trình xây dựng.
 
Trong quý 4/2012, HAGL cũng đã bán bớt hơn 5% cổ phần của công ty Thủy điện HAGL.
 
HAGL dự kiến sử dụng tiền từ bán các dự án thủy điện nói trên để đầu tư cho các dự án tại Myanmar và trả nợ ngân hàng.
 
Nhân danh thuỷ điện để phá rừng
 
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, thành viên Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam
 
Nhiều dự án thủy điện không lớn, nếu không muốn nói là nhỏ, lợi về kinh tế không nhiều, môi trường lại bị xâm hại, nhưng tại sao chủ đầu tư vẫn quyết làm và các cơ quan quản lý vẫn tạo điều kiện? Vậy thì chắc chắn phải có người được lợi.
 
GS.TS. Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng
 
Việc sử dụng các dự án thủy điện, trồng cây công nghiệp để được khai thác gỗ hợp pháp thì không ai tự nhận mình làm vậy, nếu có đi nữa thì cũng chối ngay, họ sẽ có đủ mọi lý do để phủ nhận điều đấy.
 
Còn con số thống kê công bố về diện tích rừng chuyển đổi sang làm thủy điện là những số thống kê được trong thiết kế, hồ sơ dự án, còn phần rừng mất đi sau đó thì không ai thống kê được.
 
Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
 
Với mục đích thủy điện, giờ cần có sự cân nhắc, vì nó chiếm quá nhiều diện tích đất, trong đó có đất sản xuất và sinh sống của người dân, gây những bất cập, khó khăn trong tái định cư, ổn định cuộc sống người dân.
 
Đáng lẽ làm thủy điện phải trồng lại rừng, nhưng hầu hết không làm, với nhiều lý do như không có đất để trồng, nhưng không ít Giám đốc Sở Nông nghiệp nói thẳng là sẵn sàng tạo điều kiện, cái chính là chủ đầu tư có trách nhiệm, có nhiệt tình hay không.
 
Thuỵ Miên (Tổng hợp)
Nguồn: http://www.baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/sau-hagl-tap-doan-trung-nam-cung-thao-chay-khoi-thuy-dien-2353361/

No comments:

Post a Comment