Wednesday, August 21, 2013

Bao giờ môi trường được bảo vệ!?

Bao giờ tiền phí dịch vụ môi trường rừng về chủ rừng21/08/2013, 07:33:25 AM (GMT+7)

Hiện nay dư luận Nghệ An cũng như nhiều địa phương trên cả nước, đang lo lắng không biết đến bao giờ thì khoàn tiền phí dịch vụ môi trường rừng, được chuyển về tận các chủ rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Các ngành chức năng thì đang đủng đỉnh thực hiện còn UBND tỉnh Nghệ An lại có văn bản cho phép để lại nguồn kinh phí ủy thác dịch vụ môi trường rừng(DVMTR) của nhà máy thủy điện Bản Vẽ (truy thu năm 2011), số tiền 22.642.568.800 đồng, để bổ sung vào vốn hoạt động của Quỹ bảo vệ phát triển rừng…?
Thu khó, chi chưa nổi

Ngày 1/3/2012, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng(BV&PTR) theo quyết định 69/2011/QĐ-UBND ngày 16/12/2011của UBND tỉnh Nghệ An, Quỹ BV&PTR là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu công lập, trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT, chịu sự kiểm tra, giám sát về tài chính của Sở Tài chính. Biên chế của quỹ có 8 cán bộ công nhân viên. Hội đồng quản lý quỹ do ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm chủ tịch; ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT làm phó chủ tịch. Việc thành lập Quỹ nhằm thu các khoản đóng góp bắt buộc đối với việc khai thác, kinh doanh và các nguồn thu khác từ rừng như: kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, thủy điện, các doanh nghiệp sản xuất nước uống. Đến thời điểm này, Nghệ An đã thu được gần 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, không hiểu số tiền đó giờ ở đâu, có được sử dụng vào những việc gì và sử dụng như thế nào?. 
 
Đến nay đã có 7 đơn vị thủy điện đi vào hoạt động và đã ký hợp đồng ủy thác phí DVMTR gồm Bản Vẽ, Hủa Na, Bản Cốc, Bản Cánh, Sao Va, Nậm Mô và Cửa Đạt (Trung ương ký), nhưng mới chỉ có một số đơn vị thủy điện nộp tiền sử dụng DVMTR với số tiền gần 60 tỷ đồng. Năm 2013, có 4 đơn vị thủy điện gửi đăng ký kê khai nộp tiền sử dụng DVMTR gần 30 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy điện trên địa bàn đưa ra nhiều lý do khác nhau như thiếu kinh phí, tiền điện bị nợ…Để tránh thực hiện nghĩa vụ nộp phí DVMTR. Còn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cung cấp nước sạch, kinh doanh du lịch… thì không hiểu vì sao chưa thu nổi.
 
 

Rừng ở huyện Thanh Chương  - ảnh tư liệu
 
 
Nguồn thu này sẽ được chi trả cho các chủ rừng có cung ứng DVMTR và bổ sung kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Tổ chức thẩm định, xét chọn các chương trình, dự án... Tuy nhiên, các cơ quan chức năng thiếu các giải pháp để bảo đảm thu. 

Ông nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Quỹ BV&PTR Nghệ An, cho biết: “Công ty thủy điện Bản Vẽ thì chấp hành nghiêm túc, còn các công ty khác thì biện nhiều lí do và không chịu nộp. Tới đây chúng tôi sẽ rà soát các đơn vị làm nước và sử dụng nước ngầm để thu. Theo Nghị định 99 thì nộp chậm sẽ bị phạt lãi suất nhưng chúng tôi đang chờ văn bản hướng dẫn của tỉnh. Còn chi thì phải rà soát, thiết kế, thẩm định chắc chắn không nhầm lẫn, thiếu sót khi đó mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới chi được”. 
Chi có đúng mục đích?
 
Theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, thì Các tổ chức, cá nhân có cung ứng DVMTR được nhận tiền chi trả DVMTR. Theo quy định tại Điều 8 Nghị định này. Các đối tượng được chi trả tiền DVMTR là các chủ rừng của các khu rừng có cung ứng DVMTR, gồm; Các chủ rừng là tổ chức được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và các chủ rừng là tổ chức tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được giao; Các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao rừng để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được Nhà nước giao; Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có Hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài với các chủ rừng là tổ chức nhà nước (gọi chung là hộ nhận khoán). 

Tuy nhiên sau khi thu được hơn 40 tỷ đồng từ tiền DVMTR năm 2012 và truy thu của năm 2011 từ thủy điện Bản Vẽ, là số tiền để chuyển cho các tổ chức và cá nhân có cung ứng DVMTR, nhưng quỹ BV&PTR lại cho hai ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương và Kỳ Sơn ứng với số tiền gần 1 tỷ đồng. Số tiền còn lại được Quỹ này gửi vào ngân hàng và gửi tới 4 ngân hàng. Không hiểu vì lí do gì? Ông Cường, khẳng định: “Tất cả những việc mà quỹ làm đều thông qua cấp có thẩm quyền. Hiện nay, đã thu được hơn 50 tỷ. Nhưng không chi được vì chưa có phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Còn năm 2012 thì thu được hơn 40 tỷ, gửi ngân hàng tiền lãi được hơn 500 triệu??? Năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn”(?).
 
 

Hình ảnh một vụ phá rừng ở huyện Quỳ Châu - ảnh tư liệu
 
 
Tuy nhiên theo phóng viên được biết, hiện tại quỹ đã thu được gần 60 tỷ đồng theo Nghị định 99/2010/NĐ – CP và Nghị định 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 (thu theo Nghị định 05 đến nay được hơn 1 tỷ đồng). Còn tiền lãi suất gửi ngân hàng thì nhiều hơn rất nhiều so với con số mà ông Cường cung cấp. Hơn thế nữa, ngày 10/06/2013, UBND tỉnh Nghệ An, có văn bản số 3842/UBND-NN. Do ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký “…Cho phép để lại nguồn kinh phí ủy thác dịch vụ môi trường rừng(DVMTR) của nhà máy thủy điện Bản Vẽ (truy thu năm 2011), số tiền 22.642.568.800 đồng, để bổ sung vào vốn hoạt động của Quỹ BVPTR…Tính đến hết quý I/2013, nguồn kinh phí này thu được (Thu theo Nghị định 05/2008/NĐ-CP-PV) 356.800.050 đồng. Cho phép Sở Nông nghiệp và PTNT lồng ghép các dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012-2020…”
 
 Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó giám đốc sở Nông nghiêp và PTNT, Phó chủ tịch hội đồng quản lý quỹ BV&PTR Nghệ An, cho biết: “Việc thu từ các đơn vị thủy điện dưới 30 MW thì đang chờ sự thống nhất giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chứ không phải không thu được. Còn cho phép để lại phí DVMTR của nhà máy thủy điện Bản Vẽ (truy thu năm 2011) là để tiến hành kiểm tra, rà soát? Cho ứng là làm theo đúng thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 99/2010/NĐ-CP”.
 
 Nếu khoản tiền 22.642.568.800 đồng, là để thực hiện rà soát và thiết kế thì tại sao trong văn bản cho phép để lại, lại để bổ sung vào vốn hoạt động của quỹ và cũng không nhắc gì đến việc rà soát và thiết kế? Trong khi đó, ngay khi thành lập quỹ BV&PTR Nghệ An, đã được ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng và được trích 10% trong tổng số 100% phí DVMTR cho công tác quản lí và trích 5% trong tổng số 100% phí DVMTR để dự phòng. Câu hỏi đặt ra là số tiền này chi cho hoạt động gì? Và, liệu như thế đã đúng luật?
 Đ. Tiệp – Tr. Lân (tainguyenmoitruong.com.vn)

No comments:

Post a Comment