Tuesday, March 15, 2016

Chung tay cứu lấy sông Đồng Nai và di sản Cát Tiên!

Xới tung dòng sông!
15/03/2016 22:03

Trên sông Đồng Nai diễn ra rầm rộ hoạt động nạo vét phía hạ nguồn; còn ở thượng lưu, các công ty khai thác cát đang khoét sâu vào những ngõ ngách

Theo các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, trên sông Đồng Nai ở vùng trung tâm hiện không còn hoạt động nạo vét hay khai thác cát nào được cấp phép. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, các hoạt động dạng này đang hoành hành ở hạ nguồn và thượng lưu.
Đe dọa VQG Cát Tiên
Mới đây, chúng tôi nhận được thông tin một đơn vị khai thác cát đã cho các tàu hoạt động vào ban đêm trên sông Đạ Quay, vùng hợp lưu với sông Đồng Nai, đoạn qua huyện Tân Phú; đồng thời triển khai các bước thi công. Khu vực khai thác cát nằm bên Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, vốn có ranh giới là bờ sông Đồng Nai.
Nạo vét, khai thác cát rầm rộ trên sông Thị Vải
Nạo vét, khai thác cát rầm rộ trên sông Thị Vải
Các tàu thuyền của đơn vị khai thác cát bắt đầu hoạt động từ khu vực bến phà này và khu vực khai thác cát cách đó không xa nên đã vấp phải sự phản đối của người dân. Thời điểm này, nhiều người đã tập hợp tại đây và phản đối đơn vị khai thác cát vì cho rằng gây sạt lở bờ sông, tác động đến đất đai và hoa màu. Sau đó, đơn vị khai thác cát đã tạm dừng các hoạt động để xin ý kiến của tỉnh.
Theo hồ sơ chúng tôi thu thập được, 2 đơn vị được cấp phép khai thác cát trên sông Đồng Nai phía thượng nguồn, khu vực quanh VQG Cát Tiên là HTX Công nghiệp Phú Xuân và DNTN Hiệp Thành. HTX Công nghiệp Phú Xuân được tỉnh Đồng Nai cấp phép khai thác ở địa bàn xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú và là đơn vị bị người dân tập trung phản đối. Còn DNTN Hiệp Thành khai thác ở địa bàn tỉnh Lâm Đồng, vùng giáp ranh, do tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép có sự đồng ý từ phía tỉnh Đồng Nai. DNTN Hiệp Thành đã tiến hành khai thác cát từ lâu nay, còn HTX Công nghiệp Phú Xuân mới bắt đầu vào cuộc.
“Cát dưới xuôi đã cạn kiệt rồi hay sao mà giờ đây họ xâm nhập cả thượng nguồn! Mới chỉ “cát tặc” hoành hành, cùng với thời tiết thất thường gây lụt lội mà đất đai, hoa màu của chúng tôi trôi gần hết; giờ thêm khai thác cát vô tội vạ như thế này thì dòng sông cũng tan nát. Chim thú từ VQG Cát Tiên chịu tiếng ồn inh ỏi rồi cũng không biết sẽ ra sao…” - ông Nguyễn Hoàng Toán, ngụ xã Nam Cát Tiên, lo lắng.
Tan nát vùng hạ lưu
Trong khi đó, phía hạ lưu, trên các sông Thị Vải, Lòng Tàu, Đồng Kho (các nhánh sông Đồng Nai, thuộc huyện Long Thành và Nhơn Trạch), ngoài việc khai thác cát ồ ạt, “sa tặc” cũng mặc sức lộng hành. Hiện tại, ở khu vực này, ngoài dự án nạo vét lớn do Bộ Giao thông Vận tải cấp phép, còn có các đơn vị khai thác cát khác được UBND tỉnh Đồng Nai cho phép như DNTN Nhân Thiện Hòa, Phúc Hưng Thịnh. Nếu như các công trường nạo hút cát ở nhánh sông nhỏ khiến người dân phải kêu cứu thì những “đại công trường” ở các vùng xa xôi trên sông Thị Vải cũng khiến dư luận nghi ngại vì không thể kiểm soát được.
Không chỉ trên các con sông, những dòng suối trong những ngõ ngách cũng bị xới tung. Những “tập đoàn sa tặc” đi đến đâu là sông suối tan nát đến đó. Suối Máu (chảy qua các xã Bàu Cạn, Suối Trầu, Phước Bình thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) là một điển hình. Có mặt tại vùng đất này, chúng tôi chứng kiến môi trường nham nhở, dòng suối đã gần như chết, ruộng rẫy, hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Còn các công trường khai thác cát lậu thì diễn ra ào ạt, ngang nhiên mà không bị cơ quan chức năng xử lý triệt để.
Người dân địa phương cho biết khoảng chục năm trước, con suối này đầy ắp cát, người xung quanh chỉ thỉnh thoảng lấy một ít về xây nhà. Thế nhưng sau đó, một phụ nữ đưa người từ TP HCM đến “xưng hùng xưng bá” và độc quyền khai thác cát. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, có đến 7 đầu nậu đang xâu xé, tranh giành nhau khai thác cát ở khu vực này. Khi chúng tôi thâm nhập, một số xe tải nhỏ đang chở cát được múc lên từ trong đêm đưa đi nơi khác. Một thanh niên lao ra dò xét, hăm dọa rồi bỏ đi.
“Cả vùng này tan nát hết. Đầu nậu khai thác cát từ ban đêm, vận chuyển vào ban ngày nhưng cơ quan chức năng không xử lý” - một người dân chỉ đường cho chúng tôi vào “công trường sa tặc” nói.
“Trong tầm kiểm soát”
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc VQG Cát Tiên, cho rằng việc cấp phép khai thác cát ngay sát vườn là khó chấp nhận. “Máy móc ầm ào khai thác cát trực tiếp làm sạt lở đất vườn. Ngoài ra, tiếng động còn ảnh hưởng trầm trọng đến các loài chim, thú. Chúng tôi đã có ý kiến phản đối nhưng họ vẫn thực hiện” - ông Diện bức xúc.
Ở huyện Định Quán, “cát tặc” cũng hoành hành nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho rằng mọi thứ vẫn đang “trong tầm kiểm soát”.

Bài và ảnh: Xuân Hoàng
Nguồn: Báo NLĐ.