XẺ VƯỜN QUỐC GIA CHƯ YANG SIN LÀM THỦY ĐIỆN
Thách thức dư luận
Thứ Sáu, 23/08/2013 23:26
Đó là vùng lõi của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, nơi có nhiều loài động - thực vật quý hiếm sinh sống nhưng cơ quan chức năng vẫn đồng ý cho doanh nghiệp tàn phá để làm thủy điện
Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin (tỉnh Ðắk Lắk) có tổng diện tích gần 60.000 ha được mệnh danh là "kho báu" của Tây Nguyên do còn giữ được vẻ nguyên sơ với hàng trăm loài động - thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Mới đây, các nhà khoa học Nga còn phát hiện 9 loài mới, trong đó có 1 loài đã được lấy tên là "ếch cây Chư Yang Sin".
Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Ea K’tuor tập trung nhiều loài động - thực vật quý hiếm
Mất đủ thứ
Ngày 23-8, phóng viên Báo Người Lao Ðộng tiếp tục được lãnh đạo VQG Chư Yang Sin dẫn vào khu vực xây dựng Nhà máy Thủy điện Ea K’tuor ở các tiểu khu 1196, 1200 và 1214 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của vườn. Ðây là khu vực được đánh giá đẹp nhất vườn vì không chỉ có những thác nước nguyên sơ mà còn tập trung nhiều loài động - thực vật quý hiếm. Tại khu vực dự kiến đặt đập thủy điện, cây cối chằng chịt, gần như chưa bị con người tác động. Những cây hương, bách xanh, du xam, đình tùng có đường kính từ 1-2 m là môi trường sống của các loài thú quý hiếm.
Chỉ tay vào cây bách xanh 2 người ôm mới xuể, ông Lộc Xuân Nghĩa, Phó Giám đốc VQG Chư Yang Sin, nói: "Ðể được 1 cây bách xanh như thế này, thiên nhiên đã nuôi dưỡng hàng ngàn năm, vậy mà họ muốn phá 6 ha rừng. Có lẽ họ chỉ nghĩ rằng nguồn nước ổn định quanh năm thì việc làm thủy điện sẽ rất hiệu quả mà không biết được những tác động ghê gớm đối với thiên nhiên".
Theo thiết kế, Nhà máy Thủy điện Ea K’tuor đặt tại lưu vực suối Ea K’tuor - được tạo bởi dạng địa hình núi thấp đến các dãy núi cao, trong đó có đỉnh Chư Yang Sin cao 2.442 m. Vì vậy, các kiểu rừng đặc trưng và tính đa dạng sinh học về loài của VQG Chư Yang Sin đều phân bố trong lưu vực suối Ea K’tuor. Trong đó có những loài thực vật đặc hữu như pơ-mu, kim dao, hồng tùng, thông 5 lá, thông 2 lá dẹp, lan kim tuyến, lan hài… hay các loài động vật quý hiếm như báo lửa, bò tót, mi Núi Bà, thằn lằn Cyrtodactylus ziegleri, mang lớn, vượn má hung…
Ông Tống Ngọc Chung, Giám đốc VQG Chư Yang Sin, cho rằng thủy điện sẽ không chỉ làm mất hơn 6 ha rừng ngàn tuổi mà còn tác động rất lớn về đa dạng sinh học, làm thay đổi môi trường sống của các loài đặc hữu có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Việc dẫn nước bằng ống áp lực sẽ làm hơn 3 km suối khô cạn và các loài cây ưa nước 2 bên suối, bò sát, cá... sẽ chết. Thủy điện cũng làm cho dòng chảy ở thượng nguồn chậm lại, các loài cá đặc hữu sống trên suối Ea K’tuor có nhu cầu ôxy cao sẽ chết do không thích nghi được môi trường nước tĩnh, ít ôxy. Ngoài ra, khi xây dựng, tiếng ồn của máy móc sẽ làm cho các loài thú quý hiếm bỏ đi nơi khác. Sau khi nhà máy xây dựng xong, sẽ tạo điều kiện cho lâm tặc xâm nhập vườn khai thác gỗ và săn bắn thú…
"Ðể báo chí viết thoải mái rồi chúng tôi làm"
Trả lời về việc mấy ngày qua, báo chí và dư luận không đồng tình khi cơ quan chức năng đồng ý "xẻ thịt" VQG Chư Yang Sin để làm thủy điện, phía chủ đầu tư có tiếp tục theo đuổi dự án này hay không, ông Hoàng Ðình Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nguyên (chủ đầu tư) - cho biết là doanh nghiệp làm kinh tế, khi thấy dự án nào hiệu quả thì đầu tư, dự án thủy điện Ea K’tuor cũng vậy. Hiện nay, doanh nghiệp đã có nhiều nhà máy thủy điện nên thêm hay bớt 1 cái cũng không ảnh hưởng gì đến kinh tế. Tuy nhiên, đối với dự án này, tỉnh Ðắk Lắk trải thảm đỏ mời nên doanh nghiệp sẽ tham gia. "Cứ để báo chí viết thoải mái rồi chúng tôi làm" - ông Tuấn có vẻ thách thức.
Ông Tuấn cho biết năm 2005, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã cho phép nghiên cứu đầu tư thủy điện Ea K’tuor với công suất 7,5 MW, theo đề nghị của UBND tỉnh Ðắk Lắk. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp của ông tiến hành các thủ tục pháp lý để xây dựng thì gặp phải sự phản đối của chủ rừng do diện tích rừng phải mất là 70 ha. Ðến năm 2013, cơ quan chức năng tỉnh Ðắk Lắk đã phê duyệt đề nghị của công ty là điều chỉnh dự án xuống còn 5 MW và chỉ còn mất 6 ha rừng. "Chúng tôi đã có đầy đủ các văn bản đồng ý của cơ quan chức năng cho xây dựng thủy điện Ea K’tuor. Sau khi tiến hành đánh giá tác động môi trường và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng" - ông Tuấn quả quyết.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chưa được thông báo
Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cho biết cơ quan này đã đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh Tây Nguyên tạm dừng cấp phép xây dựng mới các dự án thủy điện. Nguyên nhân là bởi trong thời gian qua, việc triển khai xây dựng các thủy điện đã tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống của người dân. Riêng thủy điện Ea K’tuor, cơ quan này chưa nhận được thông báo. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vừa có văn bản đề nghị các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục rà soát, loại bỏ những dự án thủy điện kém hiệu quả nhưng gây nhiều tác động tiêu cực.
Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, cho biết đối với các dự án thủy điện nhỏ, Ban Thường vụ Huyện ủy không khuyến khích làm. Riêng dự án thủy điện Ea K’tuor, nếu được xây dựng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và khu di tích lịch sử cấp quốc gia là hang đá Ðắk Tur.
|
Bài và ảnh: CAO NGUYÊN
http://nld.com.vn/20130823112654766p0c1002/thach-thuc-du-luan.htm
Tham khảo:
http://www.thiennhien.net/2013/08/23/lam-thuy-dien-trong-vqg-chu-rung-chong-choi-trong-don-doc/
Tham khảo:
http://www.thiennhien.net/2013/08/23/lam-thuy-dien-trong-vqg-chu-rung-chong-choi-trong-don-doc/
No comments:
Post a Comment