Kính gửi PV Bích Ngọc, Ban Biên Tập Báo Đất
Việt và quý độc giả!
Trước thềm của cuộc họp thẩm định Đánh giá Tác động Môi trường
(ĐTM/EIA) hai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6&6A sắp tới và nhân đọc bài PV Bích Ngọc Phỏng vấn GS Nguyễn Ngọc Lung, chúng tôi gửi đến quí vị bức tâm thư này.
Đây là tiếng nói từ tận đáy trái tim của mỗi người trong chúng tôi, nhóm Yêu
Quí và Bảo Vệ Cát Tiên (SCT), những người làm việc hoàn toàn vô vụ lợi, không
hám danh, không vì tiền, chỉ vì lợi ích của toàn thể dân tộc, thiên nhiên và
đất nước Việt Nam mến yêu và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong việc
thực hiện các cam kết và công ước quốc tế đã ký, tham gia.
Thưa quí vị, như đã nói, đây là một tâm thư, là tiếng nói của
trái tim, của tình yêu, của lương tâm. Vì vậy, trong tâm thư này, quí vị sẽ
không tìm thấy những “bằng chứng”, “cơ sở khoa học” để phản bác việc xây dựng
hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trong vườn Cát Tiên, mặc dù nhiều chuyên gia
hàng đầu về môi trường của Việt Nam đã đưa ra nhiều lý luận có cơ sở khoa học
cho thấy những tác hại khôn lường của hai thủy điện 6 và 6A đối với vườn Cát
Tiên nói riêng và vùng hạ lưu sông Đồng Nai nói chung nếu chúng được xây
dựng. Nhưng, chúng tôi sẽ gửi riêng cho quý vị Bản ý kiến
nhận xét và phản biện có lý luận, có cơ sở khoa học và số liệu chắc chắn vào
thời điểm thích hợp.
Kính thưa quí vị, chúng ta, những người Việt Nam may mắn sinh ra
và lớn lên trên một đất nước được đất trời ưu đãi, ban cho cả một dãy Trường
Sơn hùng vĩ từ Bắc đến Nam, những dòng sông Mê Kông, sông Đồng Nai, sông Hồng,
sông Lam, sông Mã… giàu đẹp nên thơ cùng một bờ biển Đông xinh đẹp dài cả ngàn
cây số. Thiên nhiên tươi đẹp của đất nước đã đi vào sử sách thơ ca của đất
nước, đã thấm sâu vào tấm lòng của mỗi người, đã dạy dỗ và hun đúc những con
người Việt Nam đã thành những người có nội tâm, có tình cảm sâu sắc với thiên
nhiên, đất nước cũng như có lương tâm với đồng loại.
Hơn bao giờ hết, người Việt Nam cần phải trở lại cuội nguồn, tìm
về thiên nhiên tươi đẹp để bình tâm, an ủi và chiêm nghiệm. Người Việt Nam cần
thiên nhiên để xây dựng lại mình. Nhưng vì thiên nhiên, cảnh quan văn hóa, di
tích văn hóa khắp nơi trên đất nước đã trót bị hủy hoại nhiều, do vậy ngay
từ bây giờ những người yêu thiên nhiên, yêu các giá trị văn hóa tâm linh
như Nhóm chúng tôi phải cố gắng hết mình để gìn giữ những gì của cha ông còn
sót lại.
Việc chuẩn bị xây dựng thêm hai Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ngay
trong vùng lõi của khu bảo tồn rừng đặc dụng-đặc biệt Cát Tiên chẳng những sẽ
ảnh hưởng nghiêm trọng đến Vườn Quốc gia Cát Tiên, tai hại vô cùng cho tương
lai văn hóa du lịch cũng như cuộc sống tâm linh của người Việt, mà còn ảnh
hưởng rất lớn đến cuộc sống kinh tế của người dân ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai
trong đó chắc chắn sẽ có con cháu chúng tôi cũng như của quí vị. Chín nhóm tác
động tai hại không lường đã được Nguyễn Huỳnh Thuật, người sáng lập nhóm “Yêu quý Bảo vệ Cát
Tiên” (SCT) gửi đến Thủ tướng năm 2011.
Thưa quí vị, rừng Cát Tiên khu rừng rộng lớn nhất còn sót lại ở
miền Đông Nam Bộ. “Khó lắm, nỗ lực lắm chúng ta mới bảo vệ được nó và được
thế giới công nhận, tặng cho nhiều danh hiệu cao quý (Dự trữ sinh quyển,
Ramsar, Không gian Văn hóa Cồng chiêng)”, xin trích lời của Nguyễn Huỳnh
Thuật, người có hai bằng thạc sỹ chuyên môn về Lâm nghiệp, môi trường, phát
triển cộng đồng và đã có hơn 12 năm làm việc tại Vườn QG Cát Tiên, trong tâm thư gửi cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày
31/08/2012 xin giúp bảo vệ Vườn. Khu vực rừng dự kiến xây thủy điện là một phần của “cơ
thể” Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khu dự
trữ sinh quyển thế giới, là di sản ngàn đời của cha ông để lại, là ngôi nhà của
dân cư bản địa người Mạ nơi đây, là ngôi nhà của Tê giác và biết bao loài quý
hiếm đã-đang-sẽ dần được khám phá đang có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu, là niềm
vinh dự của đất nước, là nơi chúng ta tìm về cội nguồn dân tộc, tìm về cái đẹp
của tâm hồn, tìm về lương tâm và tình yêu đồng loại, là nơi con cháu chúng ta
có thể tìm đến ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp hay học hỏi về gìn giữ thiên
nhiên, bảo vệ môi trường, là nơi chúng có thể tìm sự bình an, niềm an ủi mỗi
khi muốn xa lánh những đau khổ bon chen của chốn phồn hoa thành thị. Lẽ nào chúng
ta chẳng những không ra sức bảo vệ Vườn mà còn vì lợi ích trước mắt để đi tàn
phá nó không một chút thương tiếc?
Dòng sông Đồng Nai, như quí vị đã biết, là huyết mạch của các
tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, và thành phố Hồ Chí
Minh. Đã hàng ngàn năm nay, nó đã đem lại nguồn sống, cảnh quan cũng như nếp
sống văn hóa phong phú cho các tỉnh thành nói trên. Từ mấy năm qua, nó đã bị
tác hại quá nhiều từ các công trình thủy điện. Xin dẫn lời TS. Vũ Ngọc Long,
Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam (SIE): "Với mật độ thủy điện
dày đặc hiện nay (14 thủy điện), sông Đồng Nai đã bị chia cắt thành những cái
ao khổng lồ. Nay nếu “gánh” thêm 2 thủy điện 6 và 6A làm thay đổi cơ cấu dòng
chảy, tăng khả năng đe dọa lũ vào mùa mưa, làm thiếu nước sinh hoạt mùa khô”.
Thưa quí vị, dù cho ai trong chúng ta, bằng cấp, học vị đầy ắp
trong tay, nhưng có lẽ tất cả đều đã đi lên từ những gia đình nông dân hiền hòa
chân lấm tay bùn. Vì vậy, xin tất cả hãy bình tâm lắng nghe những tiếng kêu
thống thiết của và hàng vạn người dân ở huyện Tân Phú đặc biệt là ba xã Nam Cát
Tiên, Núi Tượng và Tà Lài, những người sẽ bị cướp trắng nguồn mưu sinh, phải ly
tán khỏi quê cha đất tổ, phải tái nghèo vì nguồn nước nuôi sống con cái gia
đình của họ sẽ bị chặn lại để tạo ra nguồn điện. Vâng, có người sẽ bảo: “Vì lợi
ích của quốc gia, một thiểu số sẽ phải hy sinh”. Nhưng thưa quí vị, đó là nói
về người khác, chứ bảo chính mình hy sinh không phải là một việc dễ dàng. Quý
vị hãy nhớ về quá khứ, bản thân mình, cha mẹ ông bà mình đã phải bám vào đất
vào nước, nuôi quí vị ăn học kiếm từng con chữ để có được bằng cấp học vị như
ngày hôm nay. Những người nông dân hiền lành ở huyện Tân Phú cũng như cha mẹ ta
ngày xưa, chỉ muốn yên ổn làm ăn, nuôi con cái học hành để có cuộc sống ấm no
hơn. Bảo họ “hy sinh” tất cả chỉ vì chỉ vì “quyết tâm” của một nhóm người quả
là không công bằng. Nhất là khi sự hy sinh của họ chưa chắc là vì lợi ích chung
cho đất nước mà chỉ là vì cho một nhóm người nào đó.
Thưa quý vị, những ngày của sự phát triển ăn xổi ở thì, hủy hoại
thiên nhiên để phục vụ lợi ích trước mắt thực sự đã lùi xa trong dĩ vãng. Là
những người trí thức thường xuyên nắm rõ tình hình thời sự trong nước và quốc
tế, quí vị chắc hiểu rõ hơn ai hết những mặt trái của sự phát triển kiểu chụp
giật trong những thập niên qua. Từ những tiếng khóc xé lòng của những gia đình
nạn nhân của trận lũ tàn khốc ở Xóm Trường, Phú Yên năm 2009 cho đến những nỗi
lo sợ ngày đêm của người dân ở khu vực thủy điện Sông Tranh hay miền Tây Bắc
hiện nay, nhân dân Việt Nam đã học quá nhiều bài học đau xót từ người đến của
do kiểu phát triển thủy điện tràn lan mà ra. Bài học “nhãn tiền” đã rõ, không
lẽ chúng ta lại tiếp tục phạm sai lầm để con cháu cả ngàn đời sau vẫn còn oán
trách?
Có người còn cho rằng, ngăn chặn xây dựng Thủy điện Đồng Nai 6
và 6A là “kìm hãm phát triển”. Thưa quý vị, hãy xem lại kiểu “phát triển” của
những năm qua. Hiệu quả kinh tế xã hội như thế nào? Dù cho ai có biện minh thế
nào đi nữa, ngay trước mắt những người dân tội nghiệp họ chỉ thấy rằng: càng
xây thủy điện, môi trường sông nước, canh tác nông nghiệp ở vùng hạ lưu càng bị
hủy hoại trong lúc điện vẫn tăng giá đều đều, đời sống dân tình vẫn ngày càng
khó khăn. Lẽ nào quý vị lại để nghịch lý này tiếp tục hiện diện trên đất nước
Việt Nam thân yêu của chúng ta?
Vả lại, vấn đề năng lượng hiện tại có bức xúc đến nỗi phải tàn
phá cả một vùng lõi của khu vườn Quốc Gia quý hiếm và một dòng sông đã và đang
nuôi sống hàng triệu người dân và hàng tỷ sinh vật, nhất là trong bối cảnh hiện
nay trong lúc chúng ta đang xây dựng chiến lược điện hạt nhân và năng lượng tái
tạo khác thủy điện để giải quyết vấn đề năng lượng của những thập niên tới? Con
số 251MW có được từ hai Thủy điện ĐN6 và ĐN6A là lớn, nhưng rõ ràng không là
bao nhiêu so với qui hoạch điện quốc gia, và đâu phải là quan trọng đến mức
chúng ta phải “đánh đổi bằng mọi giá” để có được nó?
Thưa quý vị, có rất nhiều cách khác để phát triển kinh tế xã
hội, không nhất thiết cứ phải đào phải “phá” phải “xây” mới gọi là phát
triển. Sao không nghĩ đến những nguồn thu bền vững lâu dài của tổng dịch
vụ hệ sinh thái mà phức hợp rừng-di sản-sinh quyển Cát Tiên và con sông Đồng
Nai đem lại cho người dân, đất nước và thế giới. Nguồn thu từ chi trả dịch vụ
môi trường (PES), từ bán không khí trong lành nhờ rừng thải khí O2, từ những dự
án hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di
tích văn hóa, di tích khảo cổ,… Hiện nay, vườn Cát Tiên đang là một nguồn thu
lợi lớn cho ngành du lịch Việt Nam. Lượng khách du lịch đến Vườn QG mỗi năm đều
tăng 30-40%, đó là chưa nói những món “lợi” về giáo dục, văn hóa tâm linh mà
không thể đong đếm được bằng tiền. Còn sông Đồng Nai đang là nguồn nước nuôi
dưỡng nền nông ngư nghiệp của vùng hạ lưu. Ai dám chắc là hai Thủy điện ĐN6
& 6A sẽ không làm cạn nước vào mùa khô và gây lũ vào mùa mưa giống như
những công trình thủy điện khác ở miền Trung, đem lại biết bao khổ nạn cho cuộc
sống của dân ở vùng hạ lưu?
Nếu công bằng đánh đổi mà nói thì liệu thay
chủ đầu tư hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (ĐLGL) có đủ khả năng tài chính
và có còn có lãi để chi trả tổng dịch vụ hệ sinh thái (giá trị gỗ,
giá trị thực vậtlàm thuốc, giá trị thực vật tâm linh, giá trị lâm sàn ngoài gỗ,
giá trị du lịch sinh thái-du lịch thiên nhiên và du lịch văn hóa bản địa có đời
sống gắn với rừng, giá trị lưu giữ các bon và
tinh lọc không khí, giá trị bảo vệ và tinh lọc nguồn nước ,
giá trị phòng hộ nguồn nước, giá trị chống xóimòn và rửa trôi đất,
giá trị phi sử dụng, giá trị vô hình, giá trị tinh thần,
PFES, PES, REDD+, giá trị hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học nhằm phát hiện
và bảo tồn loài nguy cấp mới, ..) do phức hợp rừng Cát Tiên cung cấp không? Tất cả những giá trị
do phức hợp rừng Cát Tiên mang lại trong tổng dịch vụ hệ sinh thái rừng-đa dạng
sinh học-đa dạng văn hóa chưa được chủ đầu tư đề cập, tính đến ngoại trừ giá
trị gỗ được tính thiên vị cho chủ đầu tư để được đền bù với giá rẻ mạt (xem như
cho không).
Việt Nam thân yêu của chúng ta được tạo hóa ban tặng cho nhiều
nguồn tài nguyên và thiên nhiên kỳ diệu. Trí tuệ con người của ta chỉ là hữu
hạn trong cái vô hạn của thiên nhiên và vũ trụ. Tuy vậy nếu ta khéo biết tuân
theo luật tự nhiên, tuân theo đạo trời (đạo lớn) thì ta sẽ có cách khai thác
thế mạnh của những danh thắng thiên nhiên cũng như tài nguyên, cảnh quan (thiên
nhiên và văn hóa), di tích văn hóa và di sản. Duy chỉ riêng ngành du lịch
(ngành công nghiệp không khói), chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) của
chúng đã có thể phát triển mạnh hơn và đem lại nguồn thu to lớn cho ngân sách
quốc gia song hành cũng như cơ hội hợp tác sâu rộng với thế giới trong những dự
án bảo vệ môi trường, bảo vệ các cảnh quan thiên nhiên và văn hóa, góp phần
tăng cường uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Than ôi! Những năm qua chúng ta đã làm điều ngược lại! Thủy điện
đã và đang giết chết ngành du lịch ở nhiều nơi trên đất nước xinh đẹp của chúng
ta. Thác Pongour, một thời đã từng là ngọn thác hùng vĩ lớn nhất Đông Nam Á,
mỗi ngày từng có cả ngàn khách thăm quan, giờ chỉ còn trơ vách núi khô cằn
chẳng ai tới thăm cũng bởi do thủy điện Đại Ninh. Thác DrayNur ở Buôn Mê Thuột
bây giờ cũng không còn ai thăm quan vì đã cạn khô cũng do thủy điện. Còn nhiều,
nhiều ví dụ khác nữa kể sao cho hết. Chúng ta không được phép lặp lại những sai
lầm này khi cho phép 2 Thủy điện ĐN6 & 6A được xây dựng ngay trong vườn Cát
Tiên. Bài học nhãn tiền của thủy Điện Sông Tranh 2, thủy điện Sông Ba,… đã-đang
còn vang vọng. Bài học của việc rút lại giấy phép đầu tư và dừng dự án cho
những nơi thiên nhiên vốn linh thiêng nhạy cảm như Tam Đảo 2, Công Viên Thống
Nhất vẫn còn đó.
Cát Tiên, nơi Cát Tường và Tiên Cảnh chứa đựng bao điều kỳ bí,
bí ẩn mà không một nơi đâu có được. Không có một nơi nào trên thế giới mà lại
có được nhiều danh hiệu cao quý được quốc tế quan tâm và công nhận như Cát
Tiên: Khu Dữ Trữ Sinh Quyển, Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng, Khu Ramsar (khu
đất ngập nước có tầm quan trọng Thế giới), và cũng xin lưu ý rằng Đoàn Thẩm
định Quốc tế IUCN đã đến làm việc cũng như có những chuyến đi thực tế nhằm đánh
giá cho việc công nhận Cát Tiên là Di sản Thiên nhiên Thế giới, kết quả là đề
nghị UNSESCO khước từ công nhận danh hiệu cao quý này vì phức hợp Cát Tiên chưa
có một kế hoạch quản lý có hệ thống, đồng bộ và thực thi cụ thể là việc quy
hoạch hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vào khu lõi của Cát Tiên sẽ như vết dầu
loang lan rộng và đe dọa cho toàn vùng một cách không thể kiểm soát hay bảo vệ.
Kính thưa quý vị,
Ông bà, tổ tiên ta đã dạy và lưu truyền cho
con cháu rằng: Đất có thổ công, sông có hà bá. Tội ác và mất phúc, mất phước,
thất đức lớn nhất đó là những ai trực tiếp cũng như gián tiếp phá rừng và làm ô
nhiễm sông hồ: “nhất phá sơn lâm nhì đâm hà bá”. Do vậy việc hủy diệt hàng trăm
héc-ta rừng trong vùng lõi khu bảo tồn VQG Cát Tiên là điều cấm kỵ, điều không
nên làm của tập thể những con người trực tiếp hay gián tiếp tham
gia.
“Bức/rút dây động rừng”, đây là điều hết sức
nguy hiểm khi mà những ai đó làm mất đi sự yên bình trong ngôi nhà xanh thiêng
liêng như Cát Tiên. Đây là ngôi nhà Tê giác thân thương, ngôi nhà của hàng ngàn
loài đặc hữu quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng loài và mất mát gen vĩnh cửu. Biết
đâu mai đây ta sẽ nghiên cứu và tìm ra một loại thuốc chữa được những căn bệnh
hiểm nghèo nhất là ung thư, HIV/AIDS. Khu vực dự tính xây thủy điện chính
là ngôi nhà của nhiều loài đặc hữu cho Việt Nam đã phát hiện như Gà so cổ hung,
Tê giác, Bò xám, Cá Rồng,...
Một khám phá thú vị của đoàn giáo sư Nhật Bản
vừa đến Cát Tiên nghiên cứu về cây thuốc dân tộc học, tri thức bản địa trong
việc sử dụng cây thuốc từ rừng của người Mạ bản địa dọc sông Đồng Nai và qua
làm việc cùng Lương y Vũ Văn Hoan (chủ cơ sở thuốc gia truyền Nam Lạng, người
có nhiều lần đi với các đoàn của Viện dược liệu cũng như những đoàn nghiên cứu
trước đây cùng với việc khảo sát, nghiên cứu độc lập cây thuốc từ rừng qua
nhiều năm) cho biết rằng đã phát hiện một số loài đặc hữu chỉ có phân bố ở VQG
Cát Tiên mà nhất là khu vực lõi Cát Lộc (Khu vực Tê giác, Khu vực Dự án thủy
điện đang chờ phê duyệt). Đoàn khẳng định ngoài Trà Hoa Vàng, Bảy Lá Một Hoa
(trị ung thư) và Hùng Lan Việt sẽ còn rất nhiều loài cây thuốc quý hiếm đặc hữu
khu vực này mà chưa nhà khoa học nào khám phá, định danh và công bố. Qua mỗi đợt
nghiên cứu các đoàn nghiên cứu đều phát hiện những khám phá thú vị về loài mới,
loài đặc hữu tại Khu vực dự án và nhiều nhà khoa học hiện đang kiểm chứng các
mẫu đã công bố trên toàn thế giới và sẽ sớm có những công bố về loài mới cho
khoa học phát hiện tại nơi đây.
Hơn nữa, cũng xin trích thư TS. Nguyễn Đức
Huỳnh - nguyên là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển An toàn & Môi
trường Dầu khí thuộc PetroVietnam, hiện đang làm tư vấn cho một công ty nước
ngoài liên quan tới môi trường - gửi cho nhóm Yêu quý_Bảo vệ Rừng Cát Tiên:
"... Những lợi ích kinh tế không thể phủ nhận của 2 công trình
Thủy điện này theo thời gian sẽ được tăng lên theo cấp số cộng, còn những thiệt
hại hiển nhiên về sinh thái, môi trường,... của 2 công trình này theo thời gian
sẽ gia tăng theo cấp số nhân...". Một trong những cách làm hiệu
quả nhất lúc này là chúng ta phải làm "thức tỉnh dư luận" của cộng
đồng thông qua báo chí, phát thanh truyền hình... đối với giá trị tổng thể của
các dịch vụ (trực tiếp và gián tiếp, hữu hình và vô hình) trong tổng thể hệ
sinh thái mang lại và sự bất lợi của 2 công trình Thủy điện này.
Kính mong quý độc giả hãy hiểu và yêu Cát
Tiên, cùng chung tay với những người Yêu qu1 Bảo vệ Cát Tiên đề nghị quý Ngài,
quý vị trong Hội đồng Thẩm định sắp tới hãy hiểu và thương Cát Tiên vì tương
lai con cháu của chúng ta (cũng chính là ta, là sự tiếp nối chính ta), mà có
quyết định sáng suốt chí công vô tư trong công tác thẩm định ĐTM và đánh
giá tổng thể chi phí vòng đời dự án cũng như tổng các dịch vụ của hệ sinh thái
mang lại; hãy chung tay lan tỏa Hiểu Thương để dừng lại dự án thủy điện xâm
hại Mẹ Thiên nhiên Cát Tiên, xâm hại di sản, di tích đặc biệt quốc gia và di
sản thế giới của chúng ta.
Trân trọng kính thư.
Nhóm “Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên” (SCT)
Tham khảo thêm tin và
bài liên quan:
No comments:
Post a Comment