Monday, October 1, 2012

Gửi UBND tỉnh Đồng Nai góp ý cho Báo cáo Đánh giá/Dự báo Tác động Môi trường (ĐTM/EIA) của hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A


Nhóm “Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên” có trang blog tại http://savingcattiennationalpark.blogspot.com xin góp ý cho Báo cáo Đánh giá/Dự báo Tác động Môi trường (ĐTM/EIA) của hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, để UBND tỉnh Đồng Nai tham khảo, tổng hợp gửi Bộ TNMT theo công văn đề nghị số 3177/BTNMT-TCMT ngày 10/9/2012.


  1. Công văn số 228/BNN-TCLN của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần ký ngày 06 tháng 02 năm 2012 phúc đáp Văn bản số 45/TTg-KTN ngày 31/08/2011 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký về việc xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: "xử lý trường hợp diện tích rừng và đất cần cho dự án thủy điện" trình Thủ tướng báo cáo rằng hai thủy điện ĐN 6 + 6A được xây dựng sẽ không ảnh hưởng lớn đến các nội dung và tiêu chí xác lập VQG Cá Tiên cần xem xét lại trên cơ sở khoa học (tham khảo tại: http://cmsdata.iucn.org/downloads/cat_tien.pdf,  công khai lấy ký kiến phản biện của chuyên gia đa lĩnh vực, đa ngành và khách quan theo Luật định và nghị quyết 49 của Quốc Hội về điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích có diện tích từ 50 héc ta để xây dựng công trình trọng điểm quốc gia trong vùng lõi khu bảo tồn của rừng đặc dụng.

  1. Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/09/2012 về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 11 di tích, trong đó có danh lam thắng cảnh VQG Cát Tiên thuộc 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước được công nhận sếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Do vậy Di tích quốc gia đặc biệt VQG Cát Tiên cẩn phải tuân thủ theo điều 13 của Luật Di sản Văn hoá. (Trích Điều 13: Nghiêm cấm các hành vi sau đây: 2. Huỷ hoại hoặc gây nguy cơ huỷ hoại di sản. 3. Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; 5. Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá để thực hiện những hành vi trái pháp luật.)

  1. Phức hệ Bàu Sấu (Bau Sau Wetland Complex) vùng đất ngập nước có tầm quan trọng thế giới, vùng đất ngập nước tái thả phục hồi cá sấu xiêm (Crocodylus siamensis) (có nguy cơ tuyệt chủng vĩnh viễn trong tự nhiên http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Moi-truong/513794/Ca-sau-Xiem-hoang-da-cuoi-cung--o-VN-da-chet.html) về lại tự nhiên thành công nhất Thế giới (tham khảo tại: Vietnam RE-INTRODUCED SIAMESE CROCODILES IN CAT TIEN NATIONAL PARK, VIETNAM, ARE BREEDING! http://www.iucncsg.org/365_docs/attachments/protarea/CSG%20-24bcceb5.pdf), vùng tâm lõi của Di sản Thiên Nhiên Thế giới đang chờ thẩm định sẽ làm mất đi thảm thực vật và hệ sinh thái rừng ngập nước tự nhiên mà tương lai không thể phục hồi lại được. Ngoài ra, khi đó khu vực Bàu Sấu sẽ bị thay đổi bằng một thảm thực vật khác, mà chủ yếu là cỏ và cây bụi, đặc biệt là sẽ tạo điều kiện cho các loài cây ngoại lai như Mai dương xâm chiếm và phát triển, dẫn đến nguy cơ Khu Ramsar Thế giới bị chết theo như cảnh báo của chuyên gia Wuytack, J. hay của TS Phạm Hữu Khánh, người có hơn 30 năm nghiên cứu và làm việc tại VQG Cát Tiên.
Kế hoạch xây dựng hai thuỷ điện này cộng hưởng cùng những đập thuỷ điện khác nhất là 3 đập thủy điện (Đồng Nai 3, 4 và 5) ở thượng nguồn của VQG chắc chắn sẽ làm giảm mực nước của sông Đồng Nai. Mực nước cao là yêu cầu quan trọng để có nước ngược dòng chảy của suối Đăk Lua cấp nước cho các vùng đất ngập nước ở phía bắc phân khu Cát Tiên và Bàu Sấu. Do vậy, việc xây dựng tiếp hai đập này trên sông Đồng Nai sẽ dẫn đến thu hẹp Diện tích của một số vùng đất ngập nước quan trọng đối với các loài chim nước định cư và di cư, các loài cá và các loài thú móng guốc (G. Polet, 2000). Trong khi chúng ta chưa có đánh giá tác động môi trường chiến lược, chưa tập trung nghiên cứu và đưa ra giải pháp đối với các mối đe dọa tiềm tàng mà các đập nước này có thể gây ra khi đã xây dựng đập Thuỷ Điện Đồng Nai 3 và 4 (VQG Cát Tiên, 2003b).  

  1. Việc xây dựng hai công trình thuỷ điện có hai bờ trái của đập, lòng hồ và vùng ảnh hưởng trực tiếp nằm trong khu vùng lõi của Khu dữ trữ sinh quyển Đồng Nai là vi phạm nguyên tắc bảo tồn vùng lõi của MAB Quốc Tế, vi phạm cam kết của Việt Nam với thế giới. Tham khảo thêm tại ftp://ftp.unesco.org/upload/sc/Advisory_Cttee2012/New%20PRs/Vietnam/Dong%20Nai/10-year%20report%20Dong%20Nai%20Bioshere%20reserves.pdf
Chúng ta cần thận trọng tham chiếu đến các Luật: Luật Đa dạng Sinh học, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Di sản, Luật Thủy sản, Luật Môi trường và các Công ước, cam kết quốc tế: công ước quốc tế Về Đa dạng sinh học, Công ước Ramsar, Công ước Di sản Thế giới và tham khảo: 1. Hướng dẫn của UNESCO/IUCN về bảo tồn và quản lý các khu vực tự nhiên linh thiêng (The UNESCO/IUCN Guidelines for the Conservation and Management of Sacred Natural Sites);
2. Công ước Đa dạng Sinh học Akwé: Hướng dẫn Kon về Đánh giá Tác động Văn hóa, Môi trường và Xã hội Liên quan đến Dự án Phát triển Ảnh hưởng Khu vực Thiêng liêng (The CBD Akwé: Kon Voluntary Guidelines for the Conduct of Cultural, Environmental and Social Impact Assessment Regarding Developments Proposed to Take Place on, or which are Likely to Impact on, Sacred Sites and on Lands and Waters Traditionally Occupied or Used by Indigenous and Local Communities);
3. Tuyên bố Yamato cho cách tiếp cận tổng hợp để bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (The Yamato Declaration on Integrated Approaches for Safeguarding Tangible and Intangible Cultural Heritage), ...

  1. Hệ sinh thái tự nhiên, rừng và hệ sinh thái nhân văn ở Cát Tiên rất đặc trưng, chúng quan hệ biện chứng chặc chẽ nhau. Đây có thể coi là mái nhà lý tưởng Đông Nam Bộ nói riêng và Đông Dương nói chung, là lá phổi xanh của thế giới trong hiện tại và tương lai. Ngoài ra, không gian văn hóa của Cát Tiên có nhiều đặc sắc và cuốn hút mà không bất kỳ nơi đâu có được mà di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng được thế giới công nhận chỉ là một trong số đó. Bên cạnh đó còn có nhiều dân tộc và bản sắc văn hóa khác nhau, gắn với truyền thống đấu tranh cách mạng của từ đời bao đời nay. Từ những năm 1940s nhà dân tộc học trẻ Georges Condominas, người Pháp đã đến Tây Nguyên và vùng phía Bắc Cát Tiên để cùng ăn ở với đồng bào và nghiên cứu về văn hóa của người Mnông và một số dân tộc khác ở đây. Công trình nghiên cứu về văn hóa và dân tộc học cùng với những phát hiện độc đáo đã thu hút sự quan tâm của thế giới và hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly (Pháp).
Hơn nữa, chưa tính đến việc sẽ có nhiều nguồn gen quý hiếm, đặc hữu cùng những loài mới cho Việt Nam và khoa học chưa được nghiên cứu-khám phá nơi đây sẽ có nguy cơ mất đi vĩnh viễn thì  tiếng ồn, tiếng rền vang cộng hưởng của những loạt mìn nổ phá đá trong quá trình xây dựng công trình sẽ gây stress, ảnh hưởng-tác động nghiêm trọng đến sức khoẻ, sự yên bình của hàng triệu người vùng hạ lưu (Bài học nhãn tiền ở Sông Ba, Sông Tranh 2,… đã rõ) và gây xáo trộn đời sống bình yên của hệ động và thực vật vùng ảnh hưởng nơi đây nhất là đối với những loài nhạy cảm lớn và có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu như loài Tê giác Việt Nam, Chà vá, Vượn má vàng,…. Và vì VQG Cát Tiên nằm trong Vùng Chim đặc hữu (EBA) vùng đất thấp Nam Việt Nam-VQG Cát Tiên bao gồm hai vùng chim quan trọng là Nam Cát Tiên và Cát Lộc tức vùng dự án thuỷ điện (Tordoff 2002)- và có quần thể của 3 loài trong vùng chim đặc hữu này này là: Gà so cổ hung Arborophila davidi, Gà tiền mặt vàng Polyplectron germaini và Chích chạch má xám Macronous kelleyi (Stattersfield et al. 1998, Polet và Phạm Hữu Khánh 1999a). Cát Tiên cũng là điểm quan trọng đối với việc bảo tồn các loài chim nước. Trong số các loài chim nước bị đe dọa toàn cầu đã ghi nhận ở khu vực là Quắm cánh xanh Pseudibis davisoni, Ngan cánh trắng Cairina scutulata và Già đẫy nhỏ Leptoptilos javanicus (Polet & Pham Huu Khanh 1999a).
 Những tác động tới đất canh tác nông nghiệp, đặc biệt là những cánh đồng lúa quan trọng lại nằm ngay vùng sản xuất nông nghiệp dưới đập (huyện Cát Tiên, huyện Bù Đăng, Tân Phú, Vĩnh Cửu...), tác động đến an sinh sinh kế của những gia đình sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông, và hơn hết cả là những ảnh hưởng về môi trường xã hội đối với cộng đồng dân cư ở lưu vực sông, nhất là đồng bào bản địa (Mnong, Mạ, Stieng,  Chau Ro,...) chưa được tính đến một cách cẩn trọng và khách quan trọng hai báo cáo đánh giá tác động môi trường do Viện Môi trường và Tài nguyên-Đại học Quốc gia Tp.HCM thực hiện. Dự án khi xây dựng xong cũng góp phần thúc đẩy phát triển đời sống kinh tế xã hội  của địa phương qua việc cải thiện hạ tầng cơ sở khu vực, tạo ra việc làm; đóng góp ngân sách cho nhà nước HÀNG NĂM TỪ CÁC KHOẢN THUẾ TÀI NGUYÊN, THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP, PHÍ DỊCH VỤ RỪNG, THUẾ VAT LÀ: 322,70 TỶ (Đồng nai 6 là 180,52 tỷ đồng, Đồng nai 6A là 142,18 tỷ đồng) VÀ TOÀN BỘ CHU KỲ KINH TẾ 40 NĂM LÀ: 12.908 TỶ ĐỒNG ( Đồng Nai 6 là 7,221 tỷ đồng, Đồng Nai 6A là 5,687 tỷ đồng). Tuy nhiên, con số lợi ích đó của hai thuỷ điện này từ việc phá hơn 370 héc ta rừng trong đó có 137 héc ta rừng trong vùng lõi khu bảo tồn cũng chẳng là bao, là quá nhỏ, làm sao có thể bù đắp lại việc giữ rừng để bán không khí, bán carbon cho thế giới, bán nước sạch cho vùng hạ lưu, cho thuê dịch vụ môi trường rừng để làm du lịch nông thôn về với rừng, học cách sống của đồng bào bản địa vùng sâu như bác Nguyễn Đức Phúc (Lâm Đồng) đã làm, lưu truyền-bảo tồn-phát huy các giá trị của hệ tri thức bản địa nhất là về cây thuốc dân tộc học và làm sao so với những mất mát lớn lao về nguồn gen quý gia, tuyệt chủng các loài trên phạm vi toàn cầu, mất mát-xói mòn về hệ tri thức bản địa nhất là hàng ngàn người Mạ khu vực dự án, suy giảm sức khoẻ-tinh thần-niềm tin trong nhân dân,…. Tham khảo http://laodong.com.vn/Phong-su/Toi-den-o-trai-tim-thuy-dien-Viet-Nam/79282.bld và loạt bài liên quan đến chất lượng DTMs của những dự án thuỷ điện khác nhất là Sông Tranh 2 đang nóng. Năm nghìn (5.000) tỷ VNĐ làm công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 sắp vứt qua cửa sổ, vứt xuống sông là vấn đề QH và Thủ tướng cần phải xem xét lại cẩn trọng với hai thuỷ điện 6 và 6A (chiếm hơn 50 héc ta rừng trong vùng lõi khu bảo tồn, di tích quốc gia đặc biệt) có tầm quan trọng quốc gia này.


***Một số kiến nghị nhằm bảo bảo vệ, cứu dòng sông Đồng Nai đang được mệnh danh là “lá phổi”, mạch sống, nguồn sữa chính trực tiếp cho hơn 18 triệu dân của khu vực Đông Nam Bộ này và tiến tới quản lý bền vững Di tích Quốc gia Đặc biệt và Khu Dữ trữ Sinh quyển Đồng Nai.
 Việc ỦY BAN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC HỆ THỐNG SÔNG ĐỒNG NAI (BVMTLVHTSĐN) được thành lập theo QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 157/2008/QĐ-TTg NGÀY 01 THÁNG 12 NĂM 2008 gồm 12 tỉnh, thành thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận và thành phố Hồ Chí Minh) là kịp thời và có ý nghĩa vô cùng lớn lao để bảo bảo vệ, cứu dòng sông Đồng Nai.
Việc ủy ban này theo mô hình chỉ điều hòa phối hợp chứ không quyết định cụ thể, bởi trên địa bàn của tỉnh nào thì chủ tịch UBND tỉnh đó quyết định toàn bộ vấn đề. Tuy nhiên, vấn đề tác động rộng lớn mang tính hệ thống, dây chuyền, cộng hưởng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường nó không phân biệt ranh giới hay tỉnh thành, quốc gia. Do vậy cần thiết phải có mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả hơn nhất là việc thông qua dự án đầu tư cho địa phương nào liên quan đến môi trường thì các tỉnh còn lại đều phải có ý kiến, chẳng hạn sản xuất alumina hay xây dựng công trình thuỷ điện làm ảnh hưởng môi trường cho hạ lưu thì các địa phương cùng phải có ý kiến.
Mô hình quản lý phù hợp phải là mô hình quản lý tập trung, chuyên nghiệp, có quyền hạn đủ để điều phối và ngăn chặn các hành vi làm tổn hại đến lưu vực sông Đồng Nai như rừng không bị khai thác bừa bãi, không bị chặt phá, năng lượng được khai thác hợp lý theo hướng năng lượng bền vững (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học, năng lượng địa nhiệt,…), áp dụng công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường,… thì nguồn nước không bị sụt giảm, giảm thiểu ngập lụt vào mùa mưa hay hạn hán vào mùa khô và có thể giúp ngăn chặn nước mặn tiến sâu vào đất liền.

             Hiện có hơn 60 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, nhiều khu trong số này chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt chuẩn. Kết hợp với các công trình chất thải ra môi trường và đi vào dòng sông của các công trình Bâu xít, của14 thuỷ điện trên dòng sông chính Đồng Nai,… Đây là nguyên nhân chính làm suy thoái-mất mát về đa dạng sinh học, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường nước sông Đồng Nai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và an toàn của hơn 18 triệu dân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khu vực Đông Nam Bộ.

             UBND tỉnh Đồng Nai kính đề nghị Bộ TNMT khẩn trương chủ trì phối hợp với Uỷ ban BVMTLVHTSĐN để mở hội thảo, mời các nhà khoa học, nhà chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực tham gia nhằm sớm hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, kiểm tra chất lượng nguồn nước liên quan đến việc bảo vệ rừng đầu nguồn, tăng cường kiểm tra thanh tra lên danh mục các cơ sở có ô nhiễm, mức độ ô nhiễm, đề rà cách thức xử lý thích hợp. Đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ, bổ sung các hợp phần dự án liên quan đến hệ thống lưu vực này theo "Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 theo QĐ số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03 Tháng 12 năm 2007 ". Trong đó ưu tiên tập trung vào việc: Quy hoạch môi trường tổng thể-hệ thống lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; Đánh giá tác động môi trường chiến lược đối với các quy hoạch tổng thể thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và quy trình vận hành hồ chứa liên hồ của 14 thuỷ điện; Bảo vệ tốt cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái lưu vực hệ thống sông. Khắc phục tình trạng khai thác cát và chống xói lở bờ sông. Bảo vệ và phát triển rừng, tăng độ che phủ rừng trên lưu vực hệ thống sông. Nghiên cứu và đề xuất các biện pháp khả thi nhằm bảo đa dạng sinh học tại vùng hạ lưu hệ thống sông. 

Tham khảo thêm:
Các câu hỏi Cử tri gửi Quốc hội để chất vấn 5 Bộ trưởng liên quan đến Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/2012/09/cac-cau-hoi-cu-tri-gui-quoc-hoi-e-chat.html
Và bài học nào cho việc bảo vệ Cát Tiên, bảo vệ Khu dữ trữ sinh quyển Đồng Nai
Phụ lục file đính kèm là thư ngõ gửi Đơn vị tư vấn lập Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường của hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A.
 

3 comments:

  1. Cướp bóc tinh vi gắn "mác" dự án thủy điện
    (Dân Việt) - Cách làm của nhóm người chỉ nhằm kiếm tiền cũng không khác gì cách đánh bắt của bọn trẻ trâu xưa ngăn dòng bắt cá. Nhưng tàn ác hơn là dưới mục đích phát triển.
    Thuở chăn trâu, thấy ngách suối nào có nhiều cá, bọn trẻ con chúng tôi thường lấy đất chặn lại, rồi lấy rễ cây mật hoặc lá cơi đạp nát rắc xuống để cá say nhao lên thì bắt. Sau đó thì phá đập đi cho nước chảy vào. Những con cá sót lại có dòng nước sạch giải độc, lại hồi tỉnh dần ve vẩy bơi lội như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Đó là lối kiếm sống thời nguyên thủy, không di hại đến môi trường bao nhiêu.
    Thói thường, thấy lợi thì không ai bỏ. Nhưng nó sẽ hạn chế nếu như có luật chặt chẽ và có sự kiểm soát.
    Mới rồi tôi nghe một chuyện mà thấy bàng hoàng: Một bọn muốn phá rừng đầu nguồn lấy gỗ. Nhưng phải hợp pháp hóa thì việc mới trôi. Họ bèn nghĩ kế: Trình chính quyền một dự án thủy điện. Tính độ cao công trình quét mấy ngàn ha rừng đầu nguồn khi nước dâng lên.
    Thiết kế có trong bản đồ quy hoạch được duyệt nên song song với việc gãi đất ngăn đập cho có cớ thì họ bắt đầu cho chặt rừng đầu nguồn “tận thu” gỗ ở diện tích nước dâng. Cây được khai thác hợp pháp. Xong đâu đấy thì việc xây đập chững lại vì dự án thiếu vốn…treo vô thời hạn vì việc kiếm chác đã xong.
    Sự lợi dụng dự án mà địa phương được quyền phê duyệt kia tác hại đến môi trường thế nào thì sau đó đã rõ cả.
    Cách làm của nhóm người chỉ nhằm kiếm tiền cũng không khác gì cách đánh bắt của bọn trẻ trâu xưa ngăn dòng bắt cá. Nhưng tàn ác hơn là dưới mục đích phát triển.
    Ở ta, miền Trung đã từng có con sông có đến 5 dự án đập thủy điện.
    Miền núi phía Bắc có dòng chảy lên đến 17 đập thủy điện. Liệu có bao nhiêu cái thuộc loại dự án nhằm phá rừng lấy gỗ?
    Sẽ còn bao nhiêu dự án các loại khác bị lợi dụng như kiểu làm thủy điện (?) mà chính quyền không biết hay giả vờ không biết, để khi vụ việc xảy ra lại “ rút kinh nghiệm sâu sắc vì trình độ có hạn”.
    Xã hội càng phát triển thì sự cướp bóc càng tinh vi!
    Đỗ Đức
    Bài này đã được đăng lại tại http://www.tinmoitruong.vn/xa-hoi/thu-gui-hoi-dong-tham-dinh-hai-du-an-thuy-dien-dong-nai-6---6a_46_16898_1.html

    ReplyDelete
  2. Trần Lâm Khê

    Kính cám ơn anh Thuật và nhóm "Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên" đã dũng cảm hành động theo đúng tiếng gọi lương tri và tên gọi của nhóm.

    Quý vị muốn hiểu thêm thì lên Tân Nguyên 1 chuyến. Qua Đồng Xoài đoạn QL14 nhầy nhụa mà các bác tài khiếp đảm khi qua đây ( nhất là lúc mưa): Chủ Đầu tư cũng là Đức Long Gia Lai đó, chính tập đoàn này vẽ ra và theo đuổi 2 "Dự ớn" ĐN 6 và 6A quyết liệt. Tôi đã đi dọc QL14, đường Hồ Chí Minh lên A Lưới...rừng đâu còn nữa và xe trên tuyến này đa số là chở gỗ ( hàng đoàn) từ Lào, Campuchia về. Các thủy điện đã giúp việc phá rừng nhanh chóng và tàn khốc, lòng sông hạ lưu cạn kiệt trơ đáy và "vàng tặc" hoành hành. Xả lũ thì cứu thủy điện trước, hạ lưu có sao thì tại trời...; sông Pô kô xói lở gặm 1/4 mặt QL14 ( t9/2011)... Vậy chỉ có VQG cát Tiên là còn quá trời gỗ quý, to, cao... May mà có Sông Đồng nai là ranh giới giữa vùng lõi và vùng đệm khu bảo tồn này ngăn cản "lâm tặc". Mở 2 con đường 20-30 km từ QL14 vào thi công 2 thủy điện sẽ là 2 nhát dao chí mạng chọc thẳng trái tim VQG Cát Tiên. Khi 2 hồ tích nước sẽ là nơi lý tưởng cho "lâm tặc" đua bè tre gỗ từ vùng lõi qua bờ phải sông ĐN dùng đường thủy điện ra QL14...bộn tiền. Máu tham hễ thấy hơi...rừng là mê. Đó là trả lời tại sao??? Chưa kể, việc xài hàng ngàn tấn thuốc nổ XD thủy điện mà không thấy ĐTM xem xét thú hoang dã có khoái như con nít thích pháo lậu TQ không? Nổ mìn giữa lòng sông ĐN còn đầu độc nguồn nước cho toàn bộ hạ lưu...song chắc quên hoặc không biết cắt dán ở mô...Tỉnh ĐN đã cấm sử dụng thuốc AD1 từ lâu vì nó rất độc, dễ hòa tan. Vị trí có thể mần thủy điện còn quá nhiều. Nhà nước đền bù giới thiệu cho tập đoàn này chỗ khác xem sao ( chắc không đâu còn rừng để "tận thu" nên sẽ ...em chả!) Mong HĐTĐ 2 ĐTM này sáng suốt hơn vì đã và đang có nhiều nhà khoa học Quốc tế nghiên cứu, quan tâm VQG CT. Đừng để các nhà khoa học VN bị xấu lây vì những lỗi chuyên môn sơ đẳng! Mong Quốc hội bớt chút thời gian xem xét việc thủy điện xâm hại môi trường nghiêm trọng tới Khu bảo tồn Di tích Quốc gia này và có ý kiến chính thức, tránh thiệt hại thêm cho chủ đầu tư, mất thời gia bay ra, vô, hội, họp tranh cãi...của các Cơ quan quản lý NN từ TW tới địa phương (ít nhất 3 tỉnh xài tiền thuế dân) và mất lòng dân, mất cơ hội làm Hồ sơ Di sản... Mong sự xem xét công tâm, minh bạch và khoa học chân chính!

    ReplyDelete
  3. Dao Cam Xuyen
    Anh Thuật và nhóm "Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên" hay quá a, em và mọi người dân, mọi tầng lớp sinh viên đã-đang-sẽ ủng hộ việc làm của anh và nhóm yêu quý. Buồn thay những ai cứ gán cho thiên nhiên một giá trị kinh tế, cứ tàn phá thiên nhiên đi,rồi sẽ từ từ chứng kiến thiên nhiên đáp trả và những hệ luỵ, hậu quả không lường sẽ đến với chính quý vị và gia đình quý vị...

    ReplyDelete