Monday, October 22, 2012

Hai dự án thủy điện kỳ lạ Đồng Nai 6, 6A, Kỳ 2: Lập luận ngược đời - NLĐ

Kỳ 2:

Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Lập luận ngược đời

Thứ Hai, 22/10/2012 22:04
Kỳ 1:  Nhát dao chọc vào Cát Tiên 

Thay vì chỉ ra các tác động tiêu cực thực sự và đưa ra phương án giải quyết, chủ đầu tư lại “vẽ” hại thành lợi bằng những biện pháp… lạ đời!

Cánh rừng lâu năm đang đứng trước nguy cơ chìm xuống lòng hồ thủy điện,
được đền bù với giá 230 đồng/m2 (ảnh do Ban Quản lý VQG Cát Tiên cung cấp)
Để có cơ sở đánh giá và trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chủ đầu tư là Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Thay vì chỉ ra các tác động tiêu cực thực sự và đưa ra phương án giải quyết, đơn vị thực hiện ĐTM lại “vẽ” hại thành lợi bằng những biện pháp… lạ đời!
Tạo điều kiện cho lâm tặc
Sau khi báo cáo ĐTM do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (thuộc Bộ NN-PTNT) thực hiện bị phát hiện sao chép, cắt dán từ ĐTM của nhiều công trình khác nhau, Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã thuê Viện Môi trường và Tài nguyên (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM) lập báo cáo ĐTM  khác. Tuy nhiên, báo cáo ĐTM thứ hai lại một lần nữa đánh lừa dư luận khi những tác động tiêu cực được đơn vị thực hiện ĐTM cho là… lợi ích! Đơn cử, ĐTM cho rằng 137 ha rừng bị nhấn chìm trong lòng hồ thủy điện là con số nhỏ so với tổng diện tích 71.000 ha Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên nên ảnh hưởng không đáng kể.
Nhưng có lợi là  “khi thủy điện đi vào hoạt động thì mực nước sẽ dâng cao làm ngập khu vực rừng trước đây không ngập, điều này tạo cho cây rừng tiếp xúc với mực nước và mặt nước gần hơn, do đó cây cối trong những vùng lân cận của vùng ngập sẽ có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với trước đây”. Theo Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), đây là  lập luận phản khoa học.  Bởi lẽ, cây rừng đã tồn tại hàng chục năm trong điều kiện khô hạn vào mùa nắng và chỉ nhận nguồn nước trời vào mùa mưa, kết cấu thổ nhưỡng ở khu vực này là cứng chắc nhưng thoáng khí.
Khi chuyển sang điều kiện ngập nước do hồ chứa thì nền đất sẽ chuyển qua trạng thái bão hòa khiến kết cấu của nó chuyển sang mềm nhão, dễ sạt lở và rửa trôi. Đất úng ngập sẽ làm rễ cây rừng bị ngộp vì thiếu thoáng khí, cây rừng dễ bị chết và tình trạng xói mòn chung quanh hồ gia tăng nhanh chóng. Khi đó, diện tích đất rừng bị mất sẽ nhiều hơn theo năm tháng chứ không đơn thuần là phần đất mặt bị ngập nước.
ĐTM cho rằng những con đường vận hành công trình cũng như chính bản thân công trình sẽ tạo thành hệ thống giao thông thuận tiện cho việc tuần tra, quản lý rừng của kiểm lâm. Đây là lập luận khiến Ban Quản lý VQG Cát Tiên rất bức xúc. Bởi sông Đồng Nai như hào nước bao quanh góp phần bảo vệ VQG Cát Tiên trước sự xâm nhập trái phép từ bên ngoài. Nhưng công trình thủy điện như chiếc cầu kết nối 2 bên bờ sông cùng những con đường mở ra trong quá trình vận hành công trình sẽ tạo thành hệ thống giao thông thuận lợi, giúp lâm tặc tiếp cận VQG để săn trộm, cưa gỗ… mà khỏi tốn công vượt sông!
Giải pháp… trên mây!
Trước các tác động đến loài và đa dạng sinh học, báo cáo ĐTM đưa ra phương án: các cá thể quý hiếm trong khu vực dự án bị mất nơi sinh sống tự nhiên thì di dời vào phân khu phục hồi và bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên. Còn những loài thực vật đặc hữu nằm trong khu vực xây dựng dự án mà tại các khu vực khác của VQG không có thì Ban Quản lý VQG  Cát Tiên sẽ thực hiện thu thập cây con và nguồn gien đến phân khu phục hồi sinh thái của VQG để ươm trồng và nhân giống cây trồng. 
“Người có kiến thức về sinh học không ai lập luận như vậy! Bởi loài đặc hữu là loài sinh vật chỉ tồn tại, phát triển trong phạm vi phân bố hẹp và giới hạn trong một vùng lãnh thổ nhất định, không được ghi nhận có ở nơi khác trên thế giới. Di dời đến nơi khác cũng đồng nghĩa với việc hủy diệt chúng. Các sự mất mát này sẽ là vĩnh viễn cho một số loài và làm giảm đi tính đa dạng sinh học” - bà Lâm Thị Thu Sửu, đại diện VRN, khẳng định.
Cũng theo bà Sửu, ĐTM đã đưa ra hàng loạt tác động to lớn do dự án gây ra: suy thoái rừng, tác động lên động vật, nguy cơ xói mòn, hao hụt dinh dưỡng đất, suy giảm các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên thực vật, phát sinh bệnh tật, bệnh lan truyền và tệ nạn xã hội...  “Thật ra, đó là những tổn thất không bù đắp hay sửa chữa được nên chắc chắn không có giải pháp khả thi!”- bà Sửu nhận xét.
Ngoài ra, VRN cũng phát hiện khá nhiều lỗ hổng của báo cáo ĐTM: số liệu thiếu nhất quán và không đáng tin tưởng, các  đánh giá về di tích và khảo cổ học khu vực lòng hồ cũng không được xem xét (khu vực gần dự án là vùng đất của Vương quốc Phù Nam xưa)…
Theo GS-TS Lê Huy Bá, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, điều quan trọng nhất là tính mạng người dân vùng hạ lưu lại không được tính đến trong ĐTM.  Hai dự án thủy điện như 2 trái bom nước khổng lồ treo lơ lửng trên đầu tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM, có thể vỡ bất cứ lúc nào hoặc động đất kích thích có thể xảy ra  khi thủy điện tích nước.
Cả hai sự cố đó đều gây ra thiệt hại nghiêm trọng nhưng trong báo cáo  ĐTM lại không có phương án ứng phó và bồi thường thiệt hại. “Tôi đọc hết 2 ĐTM mà cứ tưởng đang đọc thuyết minh dự án vì báo cáo hơn 300 trang nhưng đến hơn 80% là giới thiệu về dự án, chỉ còn vài chục trang nói về những giải pháp … xưa nay chưa từng thấy. Kết thúc là màn tự khen báo cáo chính xác và xin các cơ quan chức năng thông qua dự án!” - GS-TS Lê Huy Bá nhận xét.
Đất VQG giá 230 đồng/m2
Theo báo cáo ĐTM, bồi thường thiệt hại và kinh phí bảo vệ môi trường cho dự án thủy điện Đồng Nai 6 là 57 tỉ đồng (0,011% tổng mức đầu tư). Trong đó chi phí bồi thường thiệt hại 197 ha rừng (gồm VQG Cát Tiên và rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đồng Nai) là 460 triệu đồng, tương đương 230 đồng/m2. Đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6A, bồi thường thiệt hại và kinh phí bảo vệ môi trường là 57 tỉ đồng (0,015% tổng đầu tư). Trong đó, chi phí bồi thường thiệt hại 175 ha rừng là 560 triệu đồng, tương đương 320 đồng/m2.
THU SƯƠNG


http://nld.com.vn/20121022100420406p0c1002/du-an-thuy-dien-dong-nai-6-6a-lap-luan-nguoc-doi.htm

1 comment:

  1. Nguyen Huynh Thuat (Nguyễn Huỳnh Thuật)October 23, 2012 at 8:25 AM

    Tiêu đề: Tập hợp chữ ký gửi thủ tướng đề nghị ngừng hai dự án thuỷ điện gây hại Cát Tiên.

    Kính thưa quý vị,

    Đến hôm nay, kiến nghị của nhóm "Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên" (Save Cát Tiên) đề nghị thủ tướng ra quyết định dừng lại hai dự án thuỷ điện xâm hại nghiêm trọng đến di sản Cát Tiên, lá phổi xanh của nhân loại đã thu thập được gần 4000 chữ ký ủng hộ và có nhiều comments xác đáng. Báo Tiền Phong http://www.tienphong.vn/xa-hoi/594168/Nen-dung-du-an-thuy-dien-Dong-Nai-6-va-6A-tpp.html, Báo NLĐ, Báo SGTT, Báo SGGP, Báo Pháp Luật Tp.HCM, Báo Đại Đoàn Kết, Bản tin Môi trường, Báo Tài nguyên Môi trường, VTC,VTV,... đã ủng hộ việc làm chính nghĩa của Thuật và nhóm Save Cattien.

    Trích đoạn tóm tắt phản biện của nhóm "Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên" chuẩn bị công bố lên blog của nhóm (http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/) do Thuật làm đại diện cùng với ban cố vấn có các vị niên trưởng như GS.TS Nguyễn Trường Tiến, GS.TS Lê Huy Bá, GS.TS Nguyễn Thế Hùng, PGS.TS Hà Đình Đức , KTS Trần Thanh Vân, TS Phan Hoàng Đồng, TS Nguyễn Đức Huỳnh, v.v.

    "DMT của hai dự án được trình bày rất chi tiết những nội dung không cần thiết, rất khó đọc, có nhiều lỗi nhỏ về đơn vị nhưng có thể đoán ra được. 1. Không nói khi khai quang số lâm sản thu hoạch được sẽ vào tay ai. 2. Chủ đầu tư sẽ được "cho không vĩnh viễn" hàng trăm ha đất họ sử dụng: 170 ha cho DN 6 và 150 ha cho DN6A. 3. Ngân khoản trồng lại rừng và nuôi thú rất thấp tương đương 1 đến 1,5 USD cho mỗi m2 họ sử dụng. 4. Khả năng giúp hạ nguồn chống lũ coi như không; dung tích hồ có trên mưc nước gia cường ngang vài phút lưu lượng lũ cao. 5. Không có bản đồ hồ chứa vùng bị ngập. 6. Không có sơ đồ thiết kế đập. 7. Công suất máy DN 6 chỉ có 106 MW nhưng điện lượng DN 6 lại tính trên 125 MW. Lãi IRR 13% có thể trở thành lỗ 3%. 8. Phương pháp tính toán và mô hình mơ hồ không thể kiểm chứng được. 9. Hai dự án này nằm sát và ngay trên VQG Cát Tiên nhưng BCDMT không có nghiên cứu tác động ngoài vùng khai thác thủy điên. Kết luận: Cát Tiên là vùng môi sinh hiếm quý còn lại cuối cùng của lưu vưc Đồng Nại khai thác thủy điện còn chừa lại không thể nào thay thế. Cát Tiên sẽ bị hy sinh vĩnh viễn; dân cư mất nơi cư ngụ và kế sinh nhại; thú vật mất nơi trú ẩn sinh tồn; ngư sinh bị đe dọa; đền bù không đáng kể. Tất cả là cho các nhà đầu tư lấy thêm 212 MW từ Đồng Nai để bán kiếm lời và có thể lỗ. Phương pháp tính và độ khả thi kinh tế đáng ngờ vực,
    Vui lòng xem http://www.change.org/petitions/vietnam-government-and-congress-saving-cat-tien-national-park-by-stopping-2-hydropowers-dong-nai-6-6a và ủng hộ việc làm, cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ Cát Tiên đang dần đến hồi kết. Đã có gần 4000 chữ ký ủng hộ việc Thủ tướng ra quyết định dừng hai dự án này và rút khỏi quy hoạch vĩnh viễn. Hãy ủng hộ Petition Saving Cat Tiện ."

    Để trả lời việc Thuật và nhóm gửi kiến nghị thu thập chữ ký, một lần nữa xin mượn lời của Martin Luther King:
    “Kẻ hèn nhát hỏi, ‘Có an toàn không?’ Kẻ cơ hội hỏi, ‘Có khôn khéo không?’ Kẻ rởm đời hỏi, ‘Có được tiếng tăm gì không?’ Nhưng, kẻ có lương tâm hỏi, ‘Có là lẽ phải không?’ Và có khi ta phải chọn một vị trí không an toàn, không khôn khéo, không để được tiếng tăm gì cả, nhưng ta phải chọn nó, vì lương tâm ta bảo ta rằng đó là lẽ phải.” N.H.T

    ReplyDelete