Tuesday, October 2, 2012

Hội đồng chưa nhận được ý kiến phản hồi nào mang tính thực tiễn, khoa học???!!!

Kính thưa quý vị,
Chúng tôi vừa thấy có một bài mới tinh của Bộ TNMT, chúng tôi phải vội vã copy lên đây, sau đó sẽ có lời bình. Lý do vội vã: Sợ rằng, bài tóm tắt nói chuyện giữa PV Thao Lan của Báo TNMT và quan chức Bộ TNMT nó hay ho quá, đến nỗi vài ngày sau họ thấy xấu hổ, lại tự lột bài hoặc đục chữ, đục bài đi, thì uổng phí quá! Hic 

 Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường: Thẩm định ĐTM thủy điện 6 &6A Đồng Nai bảo đảm đúng quy định pháp luật 
Thứ ba, ngày 02 tháng 10 năm 2012 cập nhật lúc 04:08

       
Hội đồng chưa nhận được ý kiến phản hồi nào mang tính thực tiễn, khoa học

  Gần đây dư luận lại  quan tâm nhiều đến hai dự án thủy điện 6 & 6 A Đồng Nai. Nguồn gốc vẫn là việc vị trí xây dựng của hai dự án này liên quan đến đất Vườn quốc gia Cát Tiên. Giống như cách đây dăm năm, khi ĐTM lần đầu của chủ dự án Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị đề nghị làm lại, vẫn còn ý kiến cho rằng không nên đánh đổi sự toàn vẹn của Vườn lấy điện, đặc biệt trong bối cảnh Liên minh bảo tồn thiên nhiên vừa tiến hành khảo sát trước khi trình hồ sơ lên UNESCO công nhận Vườn là di sản thiên nhiên thế giới.
Khảo sát ở VQG Cát Tiên
Góp phần làm rõ vấn đề này, Báo Tài nguyên & Môi trường tập hợp các ý kiến cho rằng cần “cứu Cát Tiên khỏi thủy điện”, trao đổi với Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường), cung cấp các thông tin nhiều chiều tới bạn đọc.
Về dư luận cho rằng, Hội đồng thẩm định cần mời tất cả các tỉnh liên quan đến dự án thủy điện 6 &6A cùng tham dự (thay vì lấy ý kiến bằng văn bản), cần có chuyên gia sinh học, sinh thái học hoặc có chuyên môn sâu về đánh giá trữ lượng thủy sản, thậm chí nên có một hội đồng khoa học độc lập để nghiên cứu lại việc đánh giá tác động đến môi trường tự nhiên của dự án một cách đầy đủ, nghiêm túc, khoa học, đưa ra các kết luận xác đáng, giúp nhà nước có quyết định đúng, chuẩn dựa trên lợi ích quốc gia; Cục thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho biết:
Hội đồng thẩm định ĐTM dự án thủy điện 6 & 6A hiện nay do Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định (số 1344, ngày 21/8/2012) dựa trên Nghị định 25/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT và căn cứ Nghị định 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.
 Hội đồng thẩm định gồm 16 người, trong đó có 11 chuyên gia khoa học, do PGS.TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ tịch. Đây là Hội đồng thẩm định độc lập, theo qui định của pháp luật. Theo qui chế, tỷ lệ chuyên gia tại các Hội đồng thẩm định tối tiểu từ 50% trở lên. Đối với 2 dự án này, do tính đặc thù, tỷ lệ các chuyên gia chiếm 80%, trong đó các Ủy viên phản biện là TS Phạm Khang, Tổng thư ký Hội Đánh giá tác động Môi trường Việt Nam, PGS.TS Vũ Văn Tuấn, chuyên gia Thủy văn – Môi trường.
Hội đồng có đại diện được cử từ các Bộ, ngành, địa phương có đất nằm trong dự án như Lâm Đồng, Bình Phước và Đắc Nông. Cũng theo luật qui định, các địa phương hạ lưu chịu ảnh hưởng có thể lấy ý kiến bằng văn bản nếu thấy cần thiết.
Trong quá trình thẩm định, các ủy viên Hội đồng có quyền đánh giá độc lập theo đánh giá riêng dựa trên kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của các chuyên gia, không chịu tác động của bất cứ ai, bất cứ “bên” nào, kể cả Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Trên thực tế đã từng có nhiều trường hợp, toàn bộ thành viên hội đồng thẩm định bỏ phiếu tán thành, chỉ Chủ tịch hội đồng phản đối hoặc ngược lại.
Bản chất của đánh giá tác động môi trường là công khai các nội dung liên quan đến tác động của dự án. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2005, bản báo cáo ĐTM tóm tắt đã được công khai lấy ý kiến tham vấn cộng đồng đối với các địa phương thuộc khu vực dự án và sau khi được phê duyệt, Chủ dự án có trách nhiệm niêm yết công khai kết trên cơ sở chương trình quản lý môi trường đã được đề xuất trong báo cáo ĐTM. Đặc biệt, ngay sau khi tiến hành khảo sát hiện trường, đã công khai báo cáo khảo sát. Cho đến hiện nay  không có ý kiến nào đưa ra trên công luận nằm ngoài ý kiến đã ghi trong biên bản. Riêng đối với ý kiến cho rằng ĐTM cần phải đánh giá tâm linh, chúng tôi thấy rằng trong ĐTM, theo luật định, phần đánh giá tác động xã hội chỉ đề cập tới hiện trạng dân tộc, tập quán, di tích lịch sử, có bao gồm cả văn hóa tâm linh của cộng đồng. Đối với các ý kiến không tán thành, Hội đồng lắng nghe, không né tránh, nhưng hội đồng chưa nhận được những ý kiến nào mang tính thực tiễn và khoa học liên quan đến đánh giá ĐTM của hai dự án.
Đối với ý kiến cần đánh giá lại một cách toàn diện, hài hòa giữa các lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường của dự án, theo Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường:
ĐTM hiện nay của dự án thủy điện 6 & 6A là ĐTM đầu tiên thực hiện 3 chuyên đề về dòng chảy thủy văn, đa dạng sinh học và tác động xã hội. Phải nói rằng, sau khi  tiến hành làm lại ĐTM, chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực trong vấn đề này. Việc tính toán 3 chuyên đề này cho thấy, chủ đầu tư đã có những nỗ lực nhất định trong quá trình thực hiện ĐTM liên quan đến các vấn đề về môi trường, văn hóa, xã hội đã và đang được các nhà khoa học và dư luận quan tâm, lo lắng, thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng và xã hội. Những vấn đề đánh đổi giữa lợi ích kinh tế và tổn thất về môi trường cũng đã được thể hiện tương đối rõ ràng trong báo cáo ĐTM. Trong quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai, việc thay đổi từ một bậc thang thủy điện Đồng Nai 6 với loại hình thủy điện hồ chứa thành thủy điện đập dâng với 2 bậc thang Đồng Nai 6 và 6A đã thể hiện sự giảm thiểu tác động của thủy điện đến môi trường, đa dạng sinh học và các tác động về xã hội, văn hóa, lịch sử…
Tuy nhiên, do tính chất nhạy cảm của 2 dự án này, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện cũng đã mời đơn vị tư vấn độc lập thẩm định và đánh giá lại chuyên đề thủy văn dòng chảy để làm rõ các tác động của 2 dự án đến các tỉnh hạ du và đa dạng sinh học của khu vực Bầu Sấu.
Đối với các ý kiến  thách thức khi triển khai dự án 6 &6A,, bao gồm việc có đặt ĐTM hai dự án này trong mối liên hệ tổng thể với các thủy điện trên sông Đồng Nai, có nên làm ĐMC cho cả hệ thống thủy điện trên lưu vực hoặc thực hiện ĐTM tổng thể cho cả lưu vực; và ảnh hưởng của dự án với việc Vườn quốc gia đang trong quá trình để cử khu di sản thiên nhiên thế giới, di chỉ văn hóa Óc Eo, hệ tri thức bản địa người Mạ dọc sông Đồng Nai,  Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho biết:
Theo quy định, việc đánh giá ĐMC thuộc thẩm quyền của cơ quan lập quy hoạch hệ thống bậc thang thủy điện lưu vực sông Đồng Nai và đánh giá môi trường tổng hợp thuộc phụ thuộc vào các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và là trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường; không thuộc trách nhiệm của chủ dự án.
ĐTM là công cụ khoa học mang tính dự báo, tiên lượng những tác động môi trường về cả mặt tích cực, tiêu cực có thể xảy ra, từ  đó đưa ra những biện pháp nhằm ứng phó, thích nghi, giảm thiểu, loại trừ các tác động tiêu cực.
 Theo báo cáo số 1741/BNN-TCLN ngày 20 tháng 6 năm 2011 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Vườn quốc gia Cát Tiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì 2 dự án sẽ chuyển đổi 137 ha Vườn Quốc gia Cát Tiên, đây chủ yếu là diện tích thuộc vùng đệm (phân khu phục hồi) nhưng lại nằm trong vùng  lõi của Vườn.  Trên thực tế, tại dự án thủy điện Đồng Nai 6 chỉ chiếm 1,9 ha vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên trên tổng thể 73.000 ha của Vườn. Vì thế, những dự báo về tác động môi trường tự nhiên và giải pháp đưa ra phải khách quan, hiện thực và 2 dự án này sẽ  không gây nhiều tác động đến thảm phủ, đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia nếu có những biện pháp giám sát và quản lý nghiêm túc quá trình thi công.
Riêng đối với vấn đề văn hóa bản địa của người Mạ (thuộc văn hóa Sa huỳnh chứ không phải văn hóa Óc eo vốn là nên văn hóa thuộc Đồng bằng sông Cửu Long), ĐTM đề cập tới cho thấy người Mạ có nhiều nhất ở Lâm Đồng (31.869 người, chiếm 77% tổng số người Mạ), thứ 2 là ĐăkNông (6.456 người ); Đồng Nai đứng thứ 3 (2.436 người) và ít nhất là Bình Dương (432 người). Dự án nằm cách xã  Đồng Nai Thượng 5 km, không có các hoạt động mở đường thi công nên tác động của dự án đến văn hóa của dân tộc Mạ là không đáng kể. Mặt khác, xã  Đồng Nai Thượng với khoảng 1.500 nhân khẩu là một bộ phận nhỏ  của cộng đồng người Mạ suốt chiều dọc sông Đồng Nai nhưng hiện đã có sự lai tạp do đồng bào các dân tộc khác (kinh, nùng, tày… di cư từ các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông sang và từ phía bắc vào) ít nhiều cũng đã làm mai một các hệ tri thức bản địa của dân tộc Mạ. Các di chỉ khảo cổ cũng không có tài liệu nào ghi nhận được trong khu vực này.
Về ý kiến phản đối  xây dựng 2 dự án của UBND tỉnh Đồng Nai dựa trên kết quả hội thảo khoa học về tác động môi trường của 2 dự án đối với vùng hạ lưu trên địa bàn tỉnh (3 tác động tích cực, 6 tác động tiêu cực), Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho rằng:
Việc này như đã nói ở phần trên, các tỉnh hạ lưu căn cứ vào các đánh giá tác động của 2 dự án, đề xuất phòng ngừa, giảm thiểu có liên quan đến các tác động của 2 dự án đối với địa phương mình để đưa ra các ý kiến trong phạm vi chức năng, quyền hạn do địa phương mình quản lý, không nên có các ý kiến đối với các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền và trách nhiệm của UBND các tỉnh khác.
Về ý kiến Vườn quốc gia Cát Tiên là 1/9 Vườn quốc gia, Khu bảo tồn trong cả nước có nhiều thủy điện nhất (6/51) và có tới 7.227,5ha rừng đặc dụng bị chặt để xây dựng 29 nhà máy thủy điện với tổng công suất 4.521,2 MW, cho thấy việc lấy đất từ Vườn quốc gia, khu bảo tồn đang là chuyện thường hàng ngày; khiến dư luận quan tâm nhiều về sự bất ổn trong văn bản pháp luật:
Nội dung này cần xem lại các quy hoạch của các Bộ, ngành đã được triển khai thực hiện. Ở đây có sự chồng chéo giữa các quy hoạch của các ngành. Thực chất quy hoạch bậc thang thủy điện lưu vực sông Đồng Nai được lập, phê duyệt trước quy hoạch Vườn Quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Mặt khác, việc quy hoạch Vườn Quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên có nhiều điểm bất hợp lý thiếu tính khả thi như đã nói về vùng đệm nằm trong vùng lõi và các diện tích quy hoạch rừng phòng hộ hiện lại là rừng sản xuất được các doanh nghiệp và cá nhân quản lý rất khó để chuyển đổi như quy hoạch đề ra. Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường cho rằng đây là vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Báo cáo ĐTM của hai dự án thủy điện 6 &6A chỉ là một trong những căn cứ liên quan đến đánh giá các tác động về môi trường – kinh tế - xã hội cũng như xem xét các biện pháp giảm thiểu phòng ngừa các tác động đó được cơ quan thẩm định đánh giá làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền đồng ý về chủ trương đầu tư và cho phép đầu tư 2 dự án nêu trên (thẩm quyền này có thể thuộc quốc hội, Chính phủ phụ thuộc vào các quy định của pháp luật hiện hành).
Thao Lan (*)


4 comments:

  1. Nhóm Save CATTIEN National Park xin nêu ý kiến sơ bộ của 2 người yêu quý Nhóm trước, sau đó sẽ có bài đáp từ đầy đủ sau:

    1. 2012/10/2 tam nguyen

    Bảo hai ông B C Tuyển và N V Trung đi gặp Thủ Tướng N T Dũng, nói với ổng rằng, Việt Nam là dân hạ lưu sông Mê Koong, sao đi can dự vào chuyện của bạn Lào về chuyện xây đập Sayaboury làm gì, vì đập xây trên đất của họ, không dính dáng gì với ta cả(!).
    Đúng là bọn "cố đấm ăn xôi" đã "mua" hết mấy cái mõm rồi.
    À, dù sao cũng có một bài phản biện ý kiến của họ chứ? Không lẽ làm thinh?
    NKT

    ReplyDelete
  2. 2. 2012/10/2 Phan T. Trang

    Vậy là Hội đồng thẩm định xong rùi hỷ!
    Hãy ghi DS và ý kiến các thành viên vào lịch sử, chỉ cần không quá 03 năm triển khai DA là biết liền ( năm đầu tiên chắc chắn phá xong rừng và bọn lâm tặc phải chịu trách nhiệm)...
    Vậy là Hội thảo khoa học ngày 26/10/2011 của Tỉnh Đồng Nai ( 67 đại biểu tham dự, 13 bản Báo cáo tham luận gửi đến Hội thảo và 12 ý kiến phát biểu tại Hội thảo), tập hợp Báo cáo số 356//BC-STNMT ngày 08/11/2011 của Sở TN và MT tỉnh ĐN trở nên vô duyên và bị...mắng: có lẽ phải hiểu ý rằng: dân hạ lưu không dính dáng chuyện bên trên mà còn bày đặt "3 điều 6 chuyện". Trật tự để người khác mần ăn. Các anh tập trung lo môi trường các anh đi! Chấm hết.

    Gay nhỉ, mai mốt cái ĐTM nào của ĐN mà bay ra ngỏai sẽ sao ta??? Đúng là cái bọn trí thức không bằng cục...vàng vàng!

    Vậy quý anh chị em còn gì tâm huyết cứ phải nói cho hết nhẽ. Còn trời biết, đất biết và hy vọng phút 89 (chưa kể bù giờ) he he... :)
    ...

    ReplyDelete
  3. Nguyễn Thúy Hà - CEO Open Minds VNOctober 3, 2012 at 10:31 AM

    Chào Anh Nguyễn Đức Huỳnh,
    Nguyên GĐ Trung tâm NC PT An Toàn & Môi Trường Dầu Khí!

    Bài viết của anh rất thực tiễn, nếu có ai đó biết rõ về các công trình thủy điện hiện nay mà thống kê được số công trình thực sự được phát điện bán cho EVN, thì sẽ thấy ngay sự đóng góp thực sự của các công trình thủy điện cho nền kinh tế quốc dân ra sao, còn bao nhiêu công trình thủy điện đắp chiếu chờ phát điện nếu EVN hết hợp đồng mua điện giá cao của Trung Quốc.

    Vậy có mấy Vườn Quốc Gia cát Tiên mà họ rẻ rúng phá hoại dễ thế, theo tôi UBND Tỉnh Đồng Nai sẽ là nơi chịu trách nhiệm cuối cùng, mọi người nên thuyết phục UBND là tốt nhất, họ hiểu rõ sự trả giá của thủy điện họ sẽ bảo vệ Vườn Cát Tiên, bằng không họ có tội với nhân dân tỉnh Đồng Nai nói riêng và Nhân dân VN nói chung, vì đây là tài sản Quốc gia không phải vườn nhà của họ muốn làm gì thì làm ạ.

    Trân trọng cảm ơn TS. Nguyễn Đức Huỳnh

    Thư này gửi cho toàn bộ Thành viên Hội đồng Thẩm định ĐTM của MONRE

    Nguyễn Thúy Hà

    CEO Open Minds VN

    ReplyDelete
  4. Đúng là câu tục ngữ ông bà đã nghiệm: MIỆNG QUAN TRÔN TRẺ

    Mấy ông kia từ giới KH nhảy lên ghế quan chức, thì quay ra làm lơ giới mà mình xuất thân ngay, mượn ngay cái giọng lợm buồn nôn của tập đoàn những kẻ có quyền ra, để cố bám lấy cái ghế, và hòng leo cao hơn?

    Biết vậy là zậy, mà vưỡn cứ đau...

    ReplyDelete