Đặng Đình Cung : Những công trình thủy lợi có ảnh hưởng không đáng kể tới an toàn và môi trường. Nó có ảnh hưởng tích cực : tích nước cho nông nghiệp, cắt lũ, đường giao thông bằng đường thủy ít ô nhiễm hơn bằng đường bộ, nguồn nước làm nguội những bộ ngưng nhà máy nhiệt điện tránh cho nhà máy làm nóng dòng sông ở hạ lưu,... Nó cũng không vi phạm đáng kể đến đến môi trường : sản xuất điện không có khí hiệu ứng nhà kính, gia tăng thẩm mỹ cho địa điểm xây nhà máy (du lịch, giải trí),...
Trên thế giới, người ta thường xây hồ chứa nước ở những nơi vắng vẻ và khô khan. Nếu xây vững chắc và ở những nơi ít dân thì không có vấn đề an toàn cư dân. Nếu xây ở những nơi khô khan thì không có rừng và đất nông nghiệp mà, ngược lại sẽ kích thích phát triển lâm nghiệp và nông nghiệp.
Đe dọa an toàn và môi trường là do làm bậy : công trình cần đến nhiều diện tích (với cùng một công suất thì cần đến một diện tích rộng cả chục lần so với một nhà máy điện nguyên tử) mà lại chọn nơi có rừng cần bảo hộ, có đất nôngnghiệp, nơi địa chất không ổn định, xây không vững, hồ nước quá nhỏ, không bứt và đốt hết thảo vật trong lòng hồ trước khi tích nước,...
RFI : Riêng trong trường hợp của VN thì hai vấn đề cụ thể là tác động của việc xây đập đối với môi trường và đối với an toàn của người dân thế nào ?
Đặng Đình Cung : Gần đây, các báo lề phải viết nhiều về hai đập Sông Tranh 2 và Dak Rông 3. Tôi chỉ dựa trên những thông tin do các báo đó cung cấp.
Hai công trình này chiếm đoạt đất trồng rừng và đất nông nghiệp, phải di dời nhiều dân để có chỗ xây hồ chứa nước. Tính khả thi kinh tế và kỹ thuật của hai công trình đã không được nghiên cứu kỹ lưỡng. Về kinh tế, những công trình này được xây ở những nơi kinh tế chưa phát triển và xa những nơi tiêu thụ nhiều điện như châu thổ sông Cửu Long và sông Hồng.
Về kỹ thuật thì chọn những địa điểm mà địa chất không an toàn, xây theo phương pháp mới lạ như là bêton dằm hay lạ lùng như là chộn bêton với đất xét, thanh thép không đủ vững,..., không có ống tháo đáy nên không thể trút hết nước để kiểm tra tính vững chắc của đập và, nếu nói dại, khi cần trút hết nước để tránh vỡ đập.
RFI : Đối với những sự thận trọng cần có, hay nói đúng hơn là chuẩn mực an toàn, thì Việt Nam đã đạt được những gì và còn phải làm gì ?
Đặng Đình Cung : Sau nhiều vụ tai tiếng, chính quyền Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc, bảo vệ môi trường tự nhiên. Tôi hy vọng, nhân những tai nạn hai đập Sông Tranh 2 và Dak Rông 3, các vị ý thức được tầm quan trọng của an toàn người dân.
Trên phương diện này con đường có vẻ hãy còn dài. Chủ đầu tư nhì nhằng vẫn chưa di tản người dân sống ở hạ lưu Sông Tranh 2, mặc dù lũ đến làm cho nước trong hồ lên cao vì không có ống tháo đáy,... Các nhà khoa học đến múa may với những bản đồ mà người thường không hiểu được, những phát biểu hàn lâm và mắng dân ngu dốt. Cả tháng sau khi phát hiện nguy cơ tai nạn, vài ngày trước hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới thấy một Phó Thủ tướng đến thăm hỏi dân địa phương.
Khi có vấn đề thì lại giấu nhẹm đi : đập Dak Rông 2 bị vỡ, nhân dân và chính quyền địa phương đều biết vì nước đã phá huỷ hoa mầu của họ, nhưng phải chờ đến mấy ngày chủ đầu tư mới báo cáo. Khi nhận thấy có nước rò rỉ từ đập Sông Tranh 2 thì lấy bao nylông bịt những chỗ có nước chảy, không kiểm tra tính bền vững của đập nhưng vẫn tuyên bố đập vẫn còn an toàn.
Nhận được chỉ thị của chính phủ không cho tích nước trong hồ nhưng vẫn không bơm nước còn lại dưới mức nước chết và không thông lại những kênh nhánh ngăn cản nước lũ chảy vào hồ làm cho mức nước trong hồ lên cao, gia tăng khả năng vỡ đập. Phải chờ đến tai nạn Sông Tranh 2 mới có người nghĩ tới việc viết một dự thảo thông tư quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng và vận hành khai thác các công trình thuỷ điện. Nhưng, nếu rà dự thảo với chức năng tìm kiếm của một hệ xử lý văn bản thì không thấy cụm từ "an toàn" đâu cả : việc này có vẻ không phải là quan tâm của những người đã viết dự thảo.
RFI : Quy trình xử lý vấn đề của các nước khác trên thế giới và Việt Nam có gì giống /hoạc khác nhau?
Đặng Đình Cung : Quy trình quản lý một sự cố ở Việt Nam hoàn toàn khác với các nước khác. Ở nước ta, khi có sự cố thì chính quyền điều một đoàn chuyên gia nghiên cứu để truy trách nhiệm, đề nghị phương án khắc phục bảo toàn công trình và sau đó mới ra quyết định bảo vệ cư dân nếu các nhà khoa học báo cáo rằng có rủi ro. Ở các nước khác, người ta làm ngược lại. Nếu có sự cố, họ di tản người dân ở khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi tai nạn tiềm tàng ngay khi có báo động và chỉ cho phép dân trở lại, sau đó họ khắc phục sự cố, không có rủi ro hay sau khi xử lý sự cố loại bỏ nguồn gốc của rủi ro và khi các chuyên gia chứng minh rằng không còn rủi ro nữa thì họ mới cho dân trở về. Thông thường thì việc di tản đó vô ích, nhưng chính quyền của họ coi việc bảo vê dân là ưu tiên và họ không ngần ngại lãng phí tiền của và thể diện để bảo vệ dân./.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20121022-khong-the-coi-thuong-cac-tieu-chuan-an-toan-khi-xay-dap-thuy-dien
No comments:
Post a Comment