Wednesday, October 31, 2012

Kiến nghị Dừng triển khai và rút khỏi Quy hoạch hai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
- - - - - ]œ- - - - -

 Ngày 30 tháng 10 năm 2012
KIẾN NGHỊ

Về việc: 1. Dừng triển khai hai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, và rút khỏi Quy hoạch
       2. Khẩn trương có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tiến đến quản lý và phát triển bền   vững phức hợp Vườn Quốc gia Cát Tiên

Kính gửi:
- Văn phòng Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
- Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.
- Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội.
- Ban chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia.

Đồng kính gửi:
- Liên Hiệp các Hội Khoa hoc & Kỹ thuật VN
- Các Bộ: NN&PTNT; Công thương; TN&MT; KH Công nghệ;Văn hoá-TT&DL; Ngoại giao và Bộ KH&ĐT.
- Văn phòng Quốc hội và đại biểu Quốc hội 12 tỉnh, thành lưu vực hạ lưu hệ thống Sông Đồng Nai.
- Ông Bùi Cách Tuyến -Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Đánh giá Tác động Môi trường- Bộ TN & MT.  

Để tránh sự xâm hại Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, Di tích Quốc gia đặc biệt, Khu Ramsar, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Đồng Nai, để bảo vệ môi trường của Việt Nam cũng là môi trường chung của nhân lọai, chúng tôi xin kiến nghị với các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng có liên quan xem xét:

- Dừng triển khai hai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6; Đồng Nai 6A và rút khỏi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 ( Quy hoạch điện VII).
- Khẩn trương có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tiến đến quản lý và phát triển bền   vững phức hợp Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Chia sẻ nhu cầu cần có thêm nhiều điện năng cho phát triển và một số ưu điểm của thủy điện, nhưng chúng tôi vô cùng lo lắng về sự tàn phá môi trường sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn nói chung trong đó có VQG Cát Tiên nếu triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A. Hai dự án này còn được dự báo  đe doạ an ninh nước sạch, an toàn của hàng triệu người vùng hạ lưu Sông Đồng Nai, dồn ép nhiều loại quý hiếm và đặc hữu không chỉ trong không gian hai công trình thủy điện nói trên đến bờ tuyệt chủng.

Tính đến 16h30 ngày 30/10/2012, sau chưa đầy một tháng từ khi nhóm chúng tôi công bố kiến nghị Chính phủ dừng hai dự án xâm hại VQG Cát Tiên, đã có  4.250 người ký tên ủng hộ việc dừng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A  tại Link: http://www.change.org/petitions/vietnam-government-and-congress-saving-cat-tien-national-park-by-stopping-2-hydropowers-dong-nai-6-6a .

1, Từ năm 2007, chủ đầu tư đã tiến hành nhiều thủ tục với chi phí không nhỏ để đến bước chờ thẩm định các Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM). Tuy nhiên cả hai dự án này đều:
1.1. Chưa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, theo Nghị quyết Quốc hội số 49/2010/QH12 ngày 19-6-2010
1.2. Vi phạm Luật Đa dạng Sinh học; Luật Bảo vệ Phát triển rừng; Luật Di sản cũng như các Cam kết và Công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia (Công ước Ramsar, Công ước Đa dạng Sinh học, Công ước Bảo vệ Di sản)

2, VQG Cát Tiên đã được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt. Cũng chỉ còn rất ít thời gian (đến 31/12/2012) để hoàn thành hồ sơ cuối cùng đề cử di sản thiên nhiên thế giới. Theo đánh giá qua một tuần thẩm định thực tế tại VQG Cát Tiên từ ngày 18/9/2012, các chuyên gia của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) có phần quan ngại đến hai dự án thủy điện này. Theo kế hoạch, đến ngày 31/01/2013, IUCN sẽ thảo luận về Hồ sơ của VQG Cát Tiên cũng như kết quả chuyến khảo sát, và đến tháng 6/2013 sẽ trình lên UNESCO. Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì 2 Dự án thủy điện xâm phạm vùng lõi VQG thì khả năng Hồ sơ bị lọai là rất cao.

3, Tổng công suất hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A là 135+106 = 241 MW, chỉ chiếm 0,321 % trong tổng công suất các nhà máy điện quy hoạch tới năm  2020 (75.000 MW), và chỉ chiếm 0,061% tổng công suất các nhà máy điện quy hoạch tới năm 2030 (146.800 MW).
Như vậy năng lượng điện do hai dự án này tạo ra rất nhỏ bé và hoàn toàn có thể dễ dàng thay thế bởi các dự án năng lượng bền vững khác theo khuyến cáo của Liên Hợp Quốc.
Đề nghị Ban chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT và các bộ liên quan xem xét trình Thủ tướng Chính phủ rút dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A khỏi Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia (quyết định phê duyệt số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011). 
 Kiến nghị xem xét ưu tiên giới thiệu cho chủ đầu tư các vị trí khác có thể làm thủy điện và đền bù những thiệt hại (nếu có) không do lỗi của chủ đầu tư. Xem xét trách nhiệm, xử lý sai phạm của các đơn vị tư vấn và các cá nhân, cơ quan liên quan dẫn đến rắc rối, lãng phí chung và các hệ lụy về xã hội.

4, Khẩn trương có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp nhằm tiến đến quản lý và phát triển bền vững phức hợp Cát Tiên, một địa danh hiếm có trên thế giới được mang những danh hiệu cao quý như VQG, Di tích Quốc gia Đặc biệt, Khu Ramsar, Khu Dữ trữ Sinh quyển Thế giới, và Di sản Thế giới (đang thẩm định và chờ công nhận vào năm tới 2013),...

Chúng tôi xin đính kèm Kiến nghị Bản đồ Vị trí VQG Cát Tiên; Bản đồ kiểu cảnh quan của Vườn và 03 Sơ đồ vị trí tương đối của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A với các Ranh giới của VQG Cát Tiên. Chúng tôi cũng sẵn sàng giải trình công khai, cụ thể, rõ ràng hơn về các vấn đề đã nêu nếu được yêu cầu.

Trân trọng,

Thay mặt Nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên:

Th.S Nguyễn Huỳnh Thuật


Các cố vấn của Nhóm:

GS.TS Nguyễn Trường Tiến,
GS.TSKH Lê Huy Bá
GS.TS Nguyễn Thế Hùng
PGS.TS Hà Đình Đức
KTS. Trần Thanh Vân 



MỘT SỐ HÌNH ẢNH MINH HỌA:



Bản đồ Kiểu cảnh quan của Vườn:


SƠ ĐỒ KHU VỰC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 6 & ĐỒNG NAI 6A




Hình 1: Sơ đồ vị trí đập thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A
- Chụp từ bản đồ 1:10.000 ( MapInfo) quy hoạch các tuyến
         ( diện tích 01 ô vuông là 1 km2 = 100 héc ta).
- Khỏang cách giữa hai thân đập khỏang 8,1km.




Hình 2: Sơ đồ 02 tuyến đường dự kiến sẽ mở mới để thi công
(Chở được thiết bị siêu trọng) và duy trì phục vụ vận hành 2 NM thủy điện ĐN6

Ghi chú:
- Nét màu đỏ là ranh giữa vùng lõi và vùng đệm của VQG Cát Tiên.
- Nét màu vàng là ranh giới vùng đệm và vùng chuyển tiếp.
- Nét màu đen: Quốc lộ 14 đoạn từ Đồng Xoài lên Gia Nghĩa đang được tập Đoàn Đức Long Gia Lai trúng thầu nâng cấp.
- Nét màu trắng: là 02 tuyến đường mở mới để thi công 02 Dự án Thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A. Dài khoảng 25-30 km. Đường này bảo đảm chở thiết bị siêu trường, siêu trọng (tua-bin phát điện…) và duy trì để vận hành nhà máy.
Ngoài ra còn mạng đường nội bộ rất nhiều xung quanh 2 đập thủy điện phục vụ thi công, chở gỗ, luồng… tận thu, sắt thép, ximăng, cát, đất, đá… (hàng triệu mét khối).
- Khoảng cách từ đập thủy điện ĐN 5 tới TĐ Đồng Nai 6 Khoảng  13,1 km
- Khoảng cách từ ĐN6 tới ĐN 6A khoảng 8,1 km (đường chim bay)




Hình 3: Sơ đồ vị trí VQG Cát Tiên và các Thủy điện trên sông Đồng Nai: Đại Ninh, Đồng Nai 2, ĐN3, ĐN4, Đăk R'Tih trên & dưới, ĐN5, ĐN6, ĐN6A, Trị An

Ghi chú:
- Nét màu đỏ là ranh giữa Vùng Lõi và Vùng Đệm của VQG Cát Tiên.
- Nét màu vàng là ranh giới Vùng đệm và vùng Chuyển tiếp.
- Nét màu đen: Quốc lộ 14 đoạn từ Đồng Xòai lên Gia Nghĩa đang được tập Đoàn Đức Long Gia Lai trúng thầu nâng cấp.
- Nét màu trắng: là 02 tuyến đường dự kiến mở mới để thi công 02 Dự án Thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A. Sẽ là đường ô tô đầu tiên chọc thẳng vào vùng lõi VQG.
- Thủy điện đã họat động: Đại Ninh (N); Đồng Nai 3 (3); Đồng Nai (4); Đăk R'Tih bậc trên (T) + Đăk R'Tih bậc dưới (D) -sông nhánh, và Trị An.
- Thủy điện đang xây dựng: Đồng Nai 2 (2) và Đồng Nai 5 (5).


Tuesday, October 30, 2012

Công văn số 1496/VPCTN-PL của Chủ tịch nước ngày 22 tháng 10 năm 2012

Anh Huỳnh Thuật vừa nhận được văn bản thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước do ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm VP Chủ tịch nước ký gửi cho nhiều nơi trong đó có ông Nguyễn Huỳnh Thuật (để biết) V/v chuyển đơn, thư. Đó là văn bản số 1496/VPCTN-PL ngày 22 tháng 10 năm 2012 gửi UB KHCN&MT của QH, các bộ: NN&PTNT, TN&MT, KN Công nghệ, Công thương về việc:


1.  UB KHCN&MT của QH cùng Bộ NNPTNT chủ trì phối hợp với 3 Bộ liên quan (TN&MT, KN Công nghệ, Công thương), xem xét nội dung thư gửi Chủ tịch nước đề ngày 31/8/2012 của ông Nguyễn Huỳnh Thuật (cán bộ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai). 

2. Bộ NNPTNT chỉ đạo kiểm tra, xem xét và giải quyết theo thẩm quyền, trả lời ông Thuật, Báo NLĐ và báo cáo Chủ tịch nước việc kiểm điểm và đề nghị hình thức kỷ luật đối với ông Nguyễn Huỳnh Thuật có tuân theo các quy định của pháp luật [hay không].




Về 2 dự án thủy điện kỳ lạ: Chính phủ sẽ quyết trong tuần này - NLĐO


Về 2 dự án thủy điện kỳ lạ: Chính phủ sẽ quyết trong tuần này

Thứ Hai, 29/10/2012 23:59

Theo ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bất cứ một dự án nào khi được thẩm định cũng trên cơ sở pháp luật và phải bảo đảm nguyên tắc không ảnh hưởng lớn đến thiên nhiên cũng như đời sống xã hội


Ramsar Bàu Sấu nằm trong Vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ bị tác động lớn bởi hai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ảnh: TĂNG A PẨU
Theo ông Bùi Cách Tuyến, dự kiến trong tuần này, Chính phủ sẽ họp với các bộ - ngành và cơ quan liên quan để “quyết” về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Phải đúng luật
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tuyến cho biết Bộ Công Thương đã gửi ý kiến về Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), trong đó có một số ý kiến là thành viên của Hội đồng Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đề nghị chủ đầu tư chỉnh sửa, bổ sung và hiện chủ đầu tư cũng đang bắt đầu tiến hành chỉnh sửa. Bên cạnh đó, Bộ TN-MT cũng nhận được ý kiến của tỉnh Đồng Nai về 2 dự án này (Báo Người Lao Động ngày 26-10). “Chủ đầu tư đang đề nghị được cung cấp thông tin thêm cho đại biểu Quốc hội và báo giới về 2 dự án và được Bộ TN-MT đồng ý” - ông Tuyến nói.
Tuy nhiên, theo ông Tuyến, trong tuần này, Chính phủ sẽ họp nghe ý kiến các bên về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Quan điểm của Bộ TN-MT là tôn trọng ý kiến các bên liên quan, các nhà khoa học để bảo đảm khách quan.
Trước đó, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai từng khẳng định dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy văn sông Đồng Nai và Vườn Quốc gia Cát Tiên; việc xem xét, công nhận di sản thiên nhiên thế giới của khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai; ngập úng vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô, tác động đến sinh kế của người dân và sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vùng hạ lưu; tác động đến văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư bản địa.
Đặc biệt, không đủ cơ sở pháp lý, thậm chí nếu xét kỹ là vi phạm luật vì dự án Đồng Nai 6 và 6A thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 49 của Quốc hội... Trước nhìn nhận này, ông Bùi Cách Tuyến cho biết bất cứ một dự án nào khi được thẩm định cũng trên cơ sở pháp luật và phải bảo đảm nguyên tắc không ảnh hưởng lớn đến thiên nhiên cũng như đời sống xã hội. “Trong cuộc họp tới đây về vấn đề này, Bộ TN-MT sẽ lắng nghe ý kiến của lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội và các địa phương để đi đến đưa ra quyết định cuối cùng” - ông Tuyến khẳng định.
Kiên quyết dừng nếu ảnh hưởng môi trường
Tại cuộc họp giao ban của Bộ Công Thương ngày 29-10, phóng viên Báo Người Lao Động đã đề nghị bộ này cho biết quan điểm chính thức trước kiến nghị dừng triển khai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A của UBND tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết khi xây dựng, 2 dự án thủy điện trên phải bảo đảm đúng quy hoạch, trước khi triển khai phải có báo cáo đánh giá hiệu quả kinh tế và ĐTM.
Theo ông Thọ, vừa qua, thông tin trên báo chí và dư luận cho thấy có những quan ngại về môi trường khi xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Do đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo chủ đầu tư báo cáo bổ sung về tác động môi trường của 2 nhà máy thủy điện này. Báo cáo bổ sung đã được chủ đầu tư hoàn thiện gửi Bộ TN-MT. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ TN-MT xem xét, có báo cáo thẩm định cuối cùng để đưa ra quyết định có triển khai hay không trong tháng 11. “Quan điểm của Bộ Công Thương là bất kỳ dự án thủy điện nào có ảnh hưởng đến môi trường cũng phải dừng thực hiện” - ông Thọ khẳng định.
Tổng cục Năng lượng cho biết Việt Nam có 2.200 con sông nên việc huy động nguồn lực thủy điện sẽ giúp rất nhiều cho cung cấp năng lượng của đất nước trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu tự nhiên hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt. Bộ Công Thương đã có khảo sát và báo cáo Thủ tướng về việc phát triển thủy điện ảnh hưởng đến dân cư, đất đai như thế nào. Thủ tướng cũng đã có ý kiến giao Bộ Công Thương cùng các Bộ NN-PTNT, TN-MT kiên quyết dừng các dự án thủy điện chiếm nhiều đất, ảnh hưởng lớn đến dân cư.
4.120 chữ ký phản đối
Đến ngày 29-10, tại địa chỉ www.change.org/petitions/vietnam-government-and-congress-saving-cat-tien-national-park-by-stopping-2-hydropowers-dong-nai-6-6a, đã có 4.120 chữ ký phản đối hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Hoạt động này do Nhóm Yêu quý và bảo vệ rừng Cát Tiên (tập hợp nhiều trí thức trong và ngoài nước) khởi xướng. Bên cạnh những người ký tên vì yêu quý và bảo vệ thiên nhiên nói chung, có những người đã đến và tỏ ra khá hiểu biết về Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên.
Một người có địa chỉ Ngoc Chi Luong, Paris - Pháp viết: “Tôi từng viết khóa luận về ảnh hưởng của các công trình thủy điện đến môi trường nên tôi hiểu các tác hại của chúng với môi trường ra sao. Cát Tiên là di sản thiên nhiên cần bảo vệ. Đó là lý do vì sao tôi tham gia ký tên”. Còn người có tên Aladin Thaler, Vienna, Áo, bày tỏ: “Đây là một trong vài khu rừng nhiệt đới còn sót lại của thế giới; là khu rừng nhiệt đới thấp cuối cùng của Việt Nam, nó còn là di sản văn hóa cực kỳ quan trọng, một hệ sinh thái đặc trưng cần được bảo tồn nguyên vẹn”. Tương tự, Hoa Nguyen, Canberra, Úc, khẩn thiết: “VQG và các khu bảo tồn mang nhiều ý nghĩa. Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn chúng cho các thế hệ sau này. Tôi đã khóc khi xem đoạn phim cháy VQG U Minh nên tôi thực sự không muốn thấy điều tồi tệ như thế lại xảy ra với Cát Tiên. Làm ơn hãy cứu Cát Tiên!”
Một người khác có tên Đặng Thế Vinh (ngụ TPHCM) mong muốn “hàng triệu người sống tại các trung tâm kinh tế phía Nam vẫn có một cuộc sống an toàn, không bị đe dọa, lo lắng và áp lực tinh thần như người dân quanh thủy điện Sông Tranh 2. Còn My Bui Diem, Hà Nội, Việt Nam, lo lắng: “VQG Cát Tiên là tài sản vô giá của người Việt Nam. Nó cũng là mái nhà của hàng ngàn loài vật. Đừng có hại nó!”...
T.Sương
TÔ HÀ - THẾ DŨNG


http://nld.com.vn/20121029111524670p0c1002/ve-2-du-an-thuy-dien-ky-la-chinh-phu-se-quyet-trong-tuan-nay.htm

Monday, October 29, 2012

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thành Trí: Dừng ngay việc triển khai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A - SGGP

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thành Trí: Dừng ngay việc triển khai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A
Thứ hai, 29/10/2012, 01:44 (GMT+7)
Những ngày qua dư luận trong cả nước dành sự quan tâm đặc biệt tới Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A thuộc tỉnh Đồng Nai, vì quá trình thực hiện có quá nhiều điều khuất tất, thậm chí là có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật. Trong khi còn quá nhiều ý kiến khác nhau của các nhà khoa học, các nhà quản lý về tính hiệu quả, mức độ ảnh hưởng của dự án tới môi trường sinh thái, một điều ít được cơ quan nào nhắc đến, đó là tính pháp lý để bảo đảm thực hiện dự án hầu như không có. Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Thành Trí (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định:
Ngay từ rất sớm - khi dự án đang còn nằm trên giấy, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi đến nhiều cấp phản đối việc triển khai vì cơ sở pháp lý hoàn toàn không có. Chúng tôi không hiểu phía chủ đầu tư - Tập đoàn Đức Long Gia Lai căn cứ cơ sở pháp lý nào, cơ quan thẩm quyền nào cho phép đã tiến hành khảo sát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, rồi lập dự án trình phê duyệt…
* PV: Vậy dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A muốn được triển khai phải có đủ cơ sở pháp lý nào, thưa ông?
* Ông NGUYỄN THÀNH TRÍ: Trước tiên, đó là vào ngày 26-6-2011, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai với tổng diện tích hơn 900.000ha, bao gồm Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Khu Thủy điện Trị An được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Các vùng chịu tác động của Thủy điện Đồng Nai 6, 6A gồm 137ha đều nằm trong vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và phải chịu sự điều chỉnh của Công ước năm 1972 về Di sản thiên nhiên thế giới. Do vậy, Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A muốn được triển khai phải được UNESCO cho phép.

* Đó là pháp lý của tổ chức quốc tế, còn trong nước, phía chủ đầu tư nói dự án này đã có quy hoạch tổng thể?
* Tính pháp lý trong nước cũng không cho phép triển khai thực hiện dự án này do vào tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Vườn Quốc gia Cát Tiên là Di tích quốc gia đặc biệt. Mọi tác động đối với khu vực này là vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Một vấn đề pháp lý khác cũng cần phải nhắc đến, đó là từ nhiều năm qua thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ba tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng đã lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là Di sản thiên nhiên thế giới. Vừa qua, tổ chức Liên minh bảo vệ di sản thế giới (IUCN) đã về Đồng Nai thẩm định và bước đầu đánh giá rất cao tính nổi bật toàn cầu của giá trị đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Do vậy, việc triển khai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A là đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cản trở việc công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là Di sản thiên nhiên thế giới.
Cảnh quan thiên nhiên của Vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ biến mất khi xây dựng Thủy điện Đồng Nai 6, 6A
* Về những sai phạm của chủ đầu tư đối với dự án này là gì, thưa ông?
* Có rất nhiều sai phạm của chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án mà báo chí và người dân đã phản ánh. Trong đó, các báo cáo đánh giá tác động môi trường của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT) và Viện Môi trường và Tài nguyên (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) được chủ đầu tư thuê thực hiện có quá nhiều sai sót, các cứ liệu đưa ra sai sự thật, không phản ánh đúng tính hiệu quả của dự án. Việc thẩm định dự án là hết sức sơ sài, nhiều nội dung đưa ra trái với những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia, đặc biệt trong khuôn khổ Chương trình “Con người và sinh quyển” (MAB) của UNESCO. Vấn đề này đã được Ủy ban Quốc gia MAB Việt Nam (thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) chính thức có văn bản đề nghị dừng ngay việc triển khai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A.
* Xin ông cho biết quan điểm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về dự án này như thế nào?
* Quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai là kiên quyết phản đối việc triển khai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A vì những tác động tiêu cực của nó quá lớn tới bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị lịch sử, văn hóa và sinh kế của người dân. UBND tỉnh Đồng Nai đã chính thức có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành không quyết định đầu tư Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Thường vụ Tỉnh ủy tới đây cũng sẽ có văn bản gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị dừng ngay việc triển khai thực hiện Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A.
* Xin cám ơn ông
HOÀI NAM (thực hiện)

Sunday, October 28, 2012

"Họ không phải là những người tử tế!" - NLĐO


"Họ không phải là những người tử tế!"

Chủ Nhật, 28/10/2012 07:42

(NLĐO) - Đó là nhận định của bạn đọc Quang Minh đối với những người ủng hộ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. "Chủ đầu tư và những ngụy trí thức, họ núp dưới danh nghĩa phát triển đất nước để làm bình phong cho âm mưu kiếm tiền..."

 
Ramsar Bàu Sấu sẽ bị tác động lớn bởi 2 thủy điện 6 và 6A. Ảnh: TĂNG A PẨU
 
Chủ đầu tư "cố đấm ăn xôi"
 
Hơn 1 năm trước, khi thông tin dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A doTtập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư được Bộ NN-PTNT có văn bản đồng ý và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dư luận đã lên tiếng phản đối vì nó ảnh hưởng đến VQG Cát Tiên, viên ngọc quý của miền Đông Nam Bộ. Dù vậy, chủ đầu tư vẫn kiên trì theo đuổi nó.
 
Cụ thể, sau khi ĐMT của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (thuộc Bộ NN-PTNT) bị lật tẩy sao chép, cắt dán, Tập đoàn Đức Long Gia Lai tiếp tục thuê một đơn vị khác là Viện Môi trường và Tài nguyên (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM) lập cáo cáo.
 
Đã vậy, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia còn tỏ ra "có trách nhiệm" khi cho biết "rất quan tâm, cân nhắc về những ảnh hưởng của dự án đến môi trường chứ không phải chỉ chăm chú đến mục tiêu kinh tế", đồng thời mạnh miệng tuyên bố "báo chí muốn viết gì phải liên hệ với chúng tôi để lấy thông tin, không được sử dụng những thông tin không đúng từ các nguồn khác".
 
Tuyên bố trên khiến bạn đọc nghi ngờ đạo đức, năng lực và sự hiểu biết của chủ đầu tư.
 
Bạn Tư Hên Bình Dương nhận xét: Ông Bùi Pháp nói hay nhỉ! Báo chí mà lấy thông tin từ ông thì sao gọi là "báo chí" được, hình như ông không hiểu về thông tin đại chúng thì phải. Đã là thông tin đại chúng thì phải trung thực và khách quan. Nói như thế để thấy được nhận thức của ông có vấn đề rồi. Vậy liệu ông có đủ trình độ để đánh giá mức độ tàn phá của thủy điện đối với rừng nguyên sinh không hay ông chỉ biết khư khư giữ chặt nồi cơm của mình?
 
Còn bạn Người yêu rừng Cát Tiên thì cho rằng đó là một cách phát biểu vô trách nhiệm và đang rõ ràng là che giấu sự thật!
 
Có lẽ đây là lời tuyên bố của người "thiếu ..." nhất mà nhân dân được nghe. Nó không có giá trị nào với phóng viên, với các tờ báo, với bạn đọc ngoài việc khẳng định ông Pháp đang sợ sự thật", bạn Quang Vinh khẳng định.
 
Và cái sự thật đó, theo bạn Năm Xà Ben thì: Năm tui nghi ngờ mục đích của dự án thủy điện ở vườn Cát Tiên là phá rừng kiếm gỗ mà thôi.
 
Dẫn chứng thêm về tư cách của chủ đầu tư này, bạn Ngô Mạnh Trung Thành đề nghị mọi người hãy nhìn vào Quốc lộ 14, con đường do Tập đoàn Đức Long Gia Lai đang thực hiện thì đủ biết năng lực của họ tới đâu rồi (con đường này đang bị xuống cấp trầm trọng, báo Người Lao Động đã phản ánh qua bài viết Tả tơi quốc lộ).
 
Phản đối việc chủ đầu tư cứ khư khư ý định phá rừng xây thủy điện, bạn Trần Sơn hỏi ông Bùi Pháp:Giả sử nhà ông đang có một vườn hoa rất đẹp, liệu ông có thích xây 1 cái chuồng gà trong vườn hoa đó không? Hơn nữa, VQG Nam Cát Tiên là tài sản của toàn dân, không phải là vườn hoa riêng của nhà ông.
 
 
TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu- ĐH Cần Thơ, chỉ vào vạch đánh dấu của đơn vị
khảo sát dự báo mức nước sẽ dâng khi xây dựng thủy điện 6A tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: XUÂN HOÀNG
 
Nhà khoa học làm "dịch vụ"?
 
Việc chủ đầu tư quan tâm nhiều đến lợi ích kinh tế hơn vấn đề môi sinh là chuyện không quá khó hiểu với dư luận nhưng những nhà khoa học, những người làm việc trong các cơ quan nhà nước, giữ trách nhiệm nghiên cứu về môi trường sinh thái cũng ủng hộ dự án này bằng những lập luận ngược đời, ngô nghê trong các ĐMT khiến bạn đọc thất vọng tràn trề.
 
Cụ thể, theo những nhà khoa học này thì thủy điện 6 và 6A khả thi bởi các lý do: Góp phần phát triển kinh tề xã hội; dự án không ảnh hưởng nhiều đến VQG Cát Tiên (197 ha) vì khu vực này là rừng nghèo, toàn tre nứa; khi xây dựng dự án, một diện tích rừng bị ngập nước sẽ tạo điều kiện cho cây cối phát triển...
 
Mục đích báo cáo này phục vụ lợi ích cho cá nhân, tập thể nào?, bạn đọc Thanh Bình đặt câu hỏi, bởi lẽ, người làm báo cáo chắc chưa học hết lớp 5 vì học sinh cấp 1 cũng sẽ biết cây chết khi ngập úng.
 
Còn bạn LDS cho rằng, có khả năng báo cáo ĐMT nói trên là một dạng nghiên cứu "dịch vụ" mà lương tâm nhà khoa học đã bị xem là một thứ hàng hóa rẻ tiền, trung thực trong khoa học là một thứ xa xỉ. Vì thế, không nên coi những báo cáo trên là một tài liệu đáng tin cậy chứ chưa nói tới việc xem xét đó là cơ sở ra quyết định.
 
Ngán ngẩm hơn, bạn Nguyễn Huy nhận định, những lập luận của Viện Môi trường và Tài nguyên đã chứng minh cho chúng ta thấy đất nước sẽ chẳng còn tài nguyên gì cho thế hệ mai sau. Lập luận phản khoa học như vậy mà dám viết thì hỏi sinh viên được học cái gì trong trường nơi các vị này giảng dạy?
 
Rừng hỗn giao với các cây gỗ lớn và tre nứa tại khu vực dự kiến 
xây dựng thủy điện Đồng Nai 6A
.
Gà so cổ hung - loài quý hiếm thường kiếm ăn và làm tổ trong những cánh rừng tre, lồ ô của khu Cát Lộc, thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên ...
...và chà vá chân đen - loài thú quý đang sinh sống tại khu vực dự kiến xây thủy điện Đồng Nai 6. Ảnh: TS VŨ NGỌC LONG
 
Hãy dừng lại ngay!
 
Trước những biểu hiện trên của chủ đầu tư và các nhà khoa học nói trên, nhiều bạn đọc đưa ra những lập luận xác đáng, thỉnh cầu thống thiết đến Chính phủ rằng hãy cho dừng ngay dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nói riêng và thủy điện nói chung vì tương lai của con em chúng ta.
 
Dù có xây bao nhiêu đập thủy điện thì vẫn là tình trạng thiếu điện, giá điện tăng nhưng chủ đầu tư vẫn phải xây vì cố đấm ăn xôi mới có cơ hội kiếm chác. Đây hoàn toàn không phải là lợi ích kinh tế cho quốc gia chi cả mà là lợi dụng cơ chế để kiếm tiền. (Quintus)
 
Ngành lâm nghiệp Việt Nam nói chung và những CBCC đang làm việc tại VQG Cát Tiên không quên ngày 10-11-2001, ngày mà VQG Cát Tiên được Ủy ban UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới. Tháng 6-2013 Liên minh bảo tồn thế giới IUCN sẽ trình UNESCO xem xét về việc công nhận di sản thiên nhiên thế giới đối với VQG Cát Tiên. Tháng 9-2012 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký văn bản công nhận VQG Cát Tiên là di tích quốc gia đặc biệt. Như vậy, nếu xây 2 thủy điện tại VQG Cát Tiên thì coi như xóa sổ di tích quốc gia đặc biệt và không còn là di sản thiên nhiên thế giới nữa. Thế giới sẽ nghĩ gì về chúng ta? (Dã Quỳ)

Môi trường phải là yếu tố hàng đầu. Phát triển kinh tế nhanh phải đi liền với bền vững, bảo vệ môi trường. Không nên vì lợi ích nhỏ trước mắt mà quên đi đại cục. (Nguyễn Tiến)
 
Tài nguyên, khoáng sản, môi trường là tài sản chung của hơn 80 triệu dân hôm nay và của con cháu mai sau chứ không riêng gì của người dân địa phương. Chúng tôi có quyền được hưởng và yêu cầu bảo vệ môi trường cho con cháu hôm nay và mai sau. Mong các cấp chính quyền hôm nay đừng để lợi ích của một nhóm chủ đầu tư nào đó mà phá hủy cả tương lai của con cháu chúng ta, của đất nước Việt Nam. (Nguyen)
 
 
 
Người trong cuộc

Tôi là kỹ sư thủy lợi tham gia thi công nhiều công trình thủy điện ở miền Trung. Tôi thấy bao giờ chuẩn bị làm chủ đầu tư cũng hứa rất hay như "tích nước chống hạn, cắt lũ cho dân..." nhưng thực tế dân khát nước mùa hạn, ngập lụt mùa mưa... Nếu rừng Cát Tiên không còn nhiều gỗ quí và hổ tôi cam đoan có mời họ cũng không thèm làm đâu! Khi làm xin giấy phép khai thác 20 hecta rừng thì họ sẽ phá lên 200 hecta. Tiền bán gỗ đã quá lời khi chưa xây xong công trình nên anh em làm thủy điện thường nói với nhau "chúng ta là những tên lâm tặc làm giàu cho chủ đầu tư...". Nhìn những cánh rừng hàng trăm năm tuổi bị thủy điện bị tàn phá chỉ vì lợi ích nhóm mà thấy xót xa quá... Rất mong quốc hội không cho làm 6 và 6A vì đây là mảnh rừng cuối cùng ở khu vực này, để con cháu chúng ta không phải gánh chịu đại hồng thủy mà thiên nhiên báo ứng... (Nguyễn Văn Thế)

Trước khi xây thủy điện Đại Ninh, quê tôi có một con sông Phú Hội, một cánh rừng đa dạng phong phú bạt ngàn dọc theo con sông và một con thác cực kỳ đẹp với 7 tầng đá, cao 40 m, rộng hàng trăm mét... Nhưng bây giờ mỗi khi nghĩ tới nó lòng tôi nặng trĩu buồn vô hạn. Ngày khánh thành đập thủy điện đưa vào sử dụng thì cũng là ngày khai tử dòng sông, con thác và niềm tự hào quê hương của tôi. Tôi về quê, không nhận ra con sông nữa, giờ nó chỉ là bãi đất trống để xả nước của thủy điện, cạn trơ đáy, cây cối hai bên bờ xơ xác. Vào thăm thác thì ôi thôi, vẫn còn đó những vách đá sừng sững nhưng thay vì rêu xanh bao phủ nay nó bị bụi phủ, không có nước, cây cối khô héo, trơ trọi, rác rến dày đặc... (Thủy điện Đại Ninh)
 
NLĐO

Friday, October 26, 2012

Quyết liệt phản đối 2 dự án thủy điện kỳ lạ! - NLD


Quyết liệt phản đối 2 dự án thủy điện kỳ lạ!

Báo Người Lao Động Điện tử – Tiếng nói của Liên đoàn Lao động TPHCM, Thứ Năm, 25/10/2012 23:10

Đã có trên 3.770 chữ ký phản đối và UBND tỉnh Đồng Nai cũng vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho dừng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Hàng ngàn người yêu quý và bảo vệ rừng Cát Tiên cũng như lãnh đạo nhiều địa phương đã cùng kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho dừng xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A để giữ gìn “báu vật” Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên.
Đừng để mọi việc trở nên quá muộn
Đến ngày 25-10, đã có hơn 3.770 chữ ký của cộng đồng mạng tại trang http://www.change.org/petitions/vietnam-government-and-congress-saving-cat-tien-national-park-by-stopping-2-hydropowers-dong-nai-6-6a kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét dừng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Hành động này đã được một số website kết nối, hưởng ứng.
Nếu 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khởi công,
những cánh rừng lâu năm sẽ chìm xuống lòng hồ thủy điện. Ảnh: THU SƯƠNG
Hoạt động này do Nhóm Yêu quý và bảo vệ rừng Cát Tiên (tập hợp nhiều trí thức trong và ngoài nước) khởi xướng. Trong thư ngỏ, nhóm này cho rằng đến nay, việc xây dựng quá nhiều thủy điện trên các bậc thang dọc sông Đồng Nai đã phá hủy nhiều khu rừng nguyên sinh, cày xới nhiều mảng xanh, đã làm nhiễm bẩn các con suối, xóa sổ nhiều loài động vật quý hiếm và đang dần giết chết sông Đồng Nai; đã và đang gây bao cơn lũ nghiêm trọng cùng những hạn hán bất thường cho cả thượng và hạ lưu.
“Chúng ta vẫn còn cơ hội để chấm dứt sự xâm hại mới đang đến đối với vùng hoang dã của VQG trước khi mọi việc trở nên quá muộn” - Nhóm Yêu quý và bảo vệ rừng Cát Tiên bày tỏ.
Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giải quyết ngay
Đang tham dự kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội, ông Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho biết đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết quả làm việc về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. “Chúng tôi đã trao đổi bằng văn bản với các Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Lâm Đồng, đi đến thống nhất để đoàn Đồng Nai có văn bản gửi Thủ tướng xem xét, chỉ đạo giải quyết và thông báo kết quả ngay tại kỳ họp thứ tư này để giải tỏa những bức xúc, lo lắng của nhân dân hiện nay” - ông Vở nói.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, mặc dù 2 dự án thủy điện này không nằm trên địa bàn nhưng tỉnh Đồng Nai nằm ở hạ nguồn nên sẽ chịu một số tác động tiêu cực nhất định. Tỉnh Đồng Nai chỉ ra những tác động tiêu cực phát sinh từ 2 dự án: Ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy văn sông Đồng Nai và VQG Cát Tiên, ảnh hưởng đến việc xem xét, công nhận Di sản thiên nhiên thế giới của Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, gây ngập úng vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô, tác động đến sinh kế của người dân và sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vùng hạ lưu, tác động đến văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư bản địa.
“Bên cạnh đó, 2 thủy điện này cũng tác động đến việc Chính phủ vừa công nhận VQG Cát Tiên là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419, ngày 27-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ” - ông Vở nhấn mạnh. Theo  ông Phạm Văn Dung, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai, chính vì những tác động tiêu cực đó, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ ngừng 2 dự án thủy điện này.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cần thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Trường hợp diện tích rừng và đất cần cho dự án có thể chuyển mục đích sử dụng mà ảnh hưởng tới tiêu chí, mục đích và nội dung xác lập VQG Cát Tiên và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên thì dừng xây dựng dự án”, nhất là hiện nay, vấn đề công nhận di sản thiên nhiên thế giới của VQG Cát Tiên đang trong giai đoạn thẩm định.
Các địa phương lo lắng
Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở TN-MT TP đang tiến hành lấy ý kiến các sở, ngành về góp ý báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Các cơ quan chức năng lo ngại tuy 2 dự án không nằm trên địa bàn TP nhưng nằm trên thượng nguồn sông Đồng Nai - dòng sông có vai trò rất quan trọng đối với TPHCM, việc ngăn dòng của 2 dự án khiến thay đổi chế độ dòng chảy cũng như lưu lượng nước về phía hạ lưu nên sẽ ảnh hưởng nhất định đến TP. Trước đó, UBND TPHCM đã từng kiến nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh quy hoạch, hạn chế các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai.
Ông Vũ Công Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: “Cá nhân tôi thống nhất với đề nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, đã báo cáo việc này với ông Huỳnh Đức Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và được sự ủng hộ. Tôi đề nghị Chính phủ nên có quyết định không cho xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vì sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến sinh thái VQG Cát Tiên”. Ông Tiến cũng cho biết đã có ý kiến phản đối này tới Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.
Còn bà Võ Thị Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Dương, cho biết đã gửi Bộ TN-MT bản góp ý cho báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Trong đó, tỉnh Bình Dương đề nghị chủ đầu tư cần đánh giá nguy cơ động đất… do tác động từ 2 dự án kỳ lạ này.
Dũng - Sương - Phú
THẾ DŨNG - THU SƯƠNG

Thursday, October 25, 2012

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A “nóng lên” tại kỳ họp lần 10 BCH Đảng bộ tỉnh Đồng Nai khóa IX

Dong Nai Radio & Television (14:46 | 25-10-2012)

Tiếp tục chương trình Hội nghị lần thứ 10 BCH Đảng bộ tỉnh Đồng Nai - khóa 9, sáng nay 25-10, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: việc triển khai thủy điện ĐN 6 - 6A và những hệ lụy; Việc phát triển mạng lưới trường mầm non trên địa bàn và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; …


Theo lãnh đạo Sở Tài Nguyên – Môi trường, dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không nằm trên địa bàn tỉnh, nhưng do Đồng Nai nằm ở hạ nguồn, nên sẽ chịu tác động tiêu cực từ 2 dự án này.

Để có tiếng nói khách quan xung quanh việc nên hay không nên xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài Nguyên – Môi trường tổ chức hội thảo khoa học với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, có quá trình nghiên cứu thực tế tại vườn quốc gia Cát Tiên và hệ thống sông Đồng Nai.

Qua 13 báo cáo tham luận và 12 ý kiến phát biểu tại hội thảo, nhìn chung, các ý kiến các nhà khoa học cho rằng: dự án thủy điện 6 và 6A tuy có một số yếu tố tích cực, nhưng rất nhỏ bé so với những tác động tiêu cực lớn liên quan đến hệ sinh thái thủy vực sông Đồng Nai và Vườn quốc Gia Cát Tiên, đặc biệt khi Vườn quốc gia Cát tiên vừa được Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt và đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Bên cạnh đó, thủy điện còn có khả năng ảnh hưởng đến chế độ thủy văn và chất lượng nước sông Đồng Nai, gây tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đời sống văn hóa của cư dân vùng hạ lưu…

Với những phân tích đó, tỉnh Đồng Nai chính thức có văn bản kiến nghị Chính Phủ và các Bộ ngành TW cân nhắc kỹ và chỉ triển khai dự án khi đã có những chứng cứ khoa học đủ sức thuyết phục liên quan đến ảnh hưởng và những hệ lụy của 2 dự án này đối với sông Đồng Nai và Vườn quốc gia Cát Tiên.

Sau khi nghe báo cáo của Sở Tài Nguyên - Môi trường và các sở ngành liên quan, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ có ý kiến chính thức kiến nghị TW xung quanh vấn đề này.

Cũng tại Hội nghị sáng nay, lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo đã báo cáo về tình hình phát triển mạng lưới trường mầm non và kế hoạch phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.

Cuối buổi hội nghị, BCH Đảng bộ tỉnh đã thảo luận và biểu quyết thông qua những chỉ tiêu, giải pháp chủ yếu cho phát triển Kinh tế -Xã hội –Quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh trong năm 2013; đồng thời bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy - khóa IX.

(Minh Thanh)


**********************

Đọc thêm bản tin tiếng Anh khác trên vietnamnews.vnagency.com.vn:

                                 Lawmakers call for review of proposed dams

A portion of Cat Tien National Park would likely be flooded by two proposed dams on the Dong Nai River. — File Photo
HCM CITY (VNS) Updated October, 15 2012 09:46:00 — National Assembly deputies from southern Dong Nai Province have called for a renewed Environmental Impact Assessments (EIAs) report prepared for two controversial power plants intended to be built in the southern province.
Historian Duong Trung Quoc said there were many conflicts among scientists, local authorities, investors of the proposed projects and an institute that was hired by the investors to prepare an EIA report.
The reassessment for the proposed projects, called 6 and 6A, should be done by a qualified international agency to be viewed as objective, he said.
The 6 and 6A dams, invested in by the Duc Long Gia Lai Company, are expected to flood 418.5ha of forestland in the Cat Tien National Park and its buffer zone.
Last year, the investor submitted its proposal with the EIAs done by experts from an irrigation institute but these were soon exposed as flawed and containing wrong information.
After strong criticism from scientists, the media and the public, the company hired the Institute of Environment and Natural Resources to prepare a new EIA report, which has been submitted to the Ministry of Natural Resources and Environment for consideration.
However, several officials, scientists and leading public citizens have questioned the information in the new EIA and cast doubts on its objectivity.
Early this month, Viet Nam River Network, a local NGO, sent a petition to the ministry, pointing out essential elements that the new EIA report failed to include or clarify.
It said construction of the dams would violate the nation's Law on Biodiversity and that actual forestland lost in construction would be much higher than estimated in the EIA report.
"Solutions for conserving forest resources and biodiversity mentioned in the EIA report are impractical and there will be no basis for implementation," the petition said.
Another problem was the transmission system that would be built for the projects. The system would run along the national park, further threatening its fragile ecosystem and biodiversity.
Le Viet Hung, director of the Dong Nai Department of Natural Resources and Environment, said he doubted the EIA report's claim that there would be no impact on biodiversity or the water flow of the Dong Nai River in the lower reaches if the dams are built.
He also expressed concern about the fate of rare species in the Cat Tien National Park that were listed in national and global Red Books.
Meanwhile, Nguyen Van Dien, director of the park and a staunch opponent of the projects, noted that the park was being considered for recognition as a world natural heritage by the UNESCO.
Furthermore, the Ramsar Convention for wetlands conservation has recognized the Bau Sau Crocodile Pond that was home to thousands of Indochine crocodiles, he said.
Scientists have estimated that if the projects are approved, the production of each megawatt of electricity would cost 1.34ha of forestland. — VNS

http://vietnamnews.vnagency.com.vn/Environment/231405/lawmakers-call-for-review-of-proposed-dams.html 

Báo cáo đánh giá tác động môi trường: Cần xem lại luật? - Laodong.com.vn


Báo cáo đánh giá tác động môi trường: Cần xem lại luật? Nhà cửa người dân vùng lân cận thuỷ điện Sông Tranh 2 bị rạn nứt sau động đất. Ảnh: Thế Phong

Báo cáo đánh giá tác động môi trường: Cần xem lại luật?

Nguyễn Quang A
Báo Lao Động - Thứ năm 25/10/2012 11:12 Chia sẻ tin này qua email

Có quá nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với chất lượng kém gây tổn thất vô cùng lớn cho thế hệ hiện tại và tương lai. Có lẽ nguyên nhân chính là ở luật đã không đánh giá đúng ảnh hưởng của các động cơ, lợi ích của chủ đầu tư.
Động đất xảy ra liên tiếp quanh thủy điện Sông Tranh 2, nhất là trận có cường độ 4,6 độ Richter tối 22.10.2012, đã gây hoang mang lo sợ cho dân cư và chính quyền địa phương cũng như cho cả nước.

Dư luận ồn ào về chất lượng báo cáo ĐTM của chủ đầu tư (EVN) vì đã “sao chép cẩu thả” nội dung đánh giá động đất kích thích từ các báo cáo học thuật của những người khác. Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phải chịu trách nhiệm khi phê duyệt báo cáo ĐTM này.

Bộ đã phải giải thích. Theo ông Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường: 1) việc báo cáo ĐTM của EVN khẳng định “công trình thủy điện Sông Tranh 2 không gây ra động đất kích thích” là trách nhiệm của EVN (lỗi của chủ đầu tư); 2) quy định của khoản 3 và khoản 4 Điều 20 Luật Bảo vệ Môi trường và văn bản hướng dẫn thi hành luật không có quy định “cụ thể” về báo cáo phải có nội dung đánh giá khả năng xảy ra động đất kích thích. Vì thế việc đánh giá khả năng xảy ra động đất kích thích không phải là nhiệm vụ của báo cáo ĐTM. Bộ không có lỗi và EVN cũng chỉ có sơ sót. Hãy xem nguyên văn khoản 3 của Điều 20 mà ông Cục trưởng viện đến: “Đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện và các thành phần môi trường, yếu tố kinh tế - xã hội chịu tác động của dự án; dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra”. Không thể vin vào cớ không có quy định “cụ thể” để lẩn trách nhiệm!

Rồi dư luận lại hết sức ngạc nhiên về báo cáo ĐTM của dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Báo cáo thứ nhất mà chủ đầu tư, Tập đoàn Đức Long Gia Lai, thuê Viện Quy hoạch thủy lợi thực hiện cũng bị phát hiện là đã “sao chép cẩu thả” từ các tài liệu khác. Chủ đầu tư phải thuê đơn vị thứ hai, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM), làm báo cáo khác. Báo cáo mới này được cho là kỳ lạ vì “những tác động tiêu cực” được coi là nhỏ mất 137 ha rừng so với tổng diện tích 71.000 ha của Vườn Quốc gia Cát Tiên được báo cáo này cho là không đáng kể (trong khi mất từ 50 ha trở lên phải có quyết định của Quốc hội); nước ngập ở Vườn Quốc gia tạo “điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt hơn” cho cây cối. Đúng là ngược đời.

Còn có thể nêu ra bao nhiêu thí dụ nữa về chất lượng của các báo cáo đánh giá tác động môi trường của hàng ngàn hàng vạn dự án khác. Chắc hẳn chất lượng cũng “cao” như của hai thí dụ điển hình trên. Có lý do đơn giản, rất dễ hiểu về hiện tượng này.

Có lẽ đấy chính là (Điều 18) của Luật Bảo vệ Môi trường quy định các dự án phải lập báo cáo ĐTM (đối với các dự án phải lập báo cáo). Các chủ đầu tư có thể tự mình hay thuê tổ chức tư vấn lập làm báo cáo. Điều quan trọng nhất là chủ đầu tư phải bỏ tiền ra làm hay thuê tổ chức khác làm báo cáo ĐTM.

Lợi ích của chủ đầu tư là dự án của mình được chấp thuận, và chủ đầu tư có động lực mạnh mẽ để đánh giá thấp các tác động có hại về môi trường (có thể gọi đấy là khuyến khích ngược).

Chủ đầu tư nào cũng vậy, dẫu là doanh nghiệp nhà nước như EVN hay doanh nghiệp tư nhân như Đức Long Gia Lai trong hai thí dụ trên. Cũng không nên trách họ mà phải đối mặt với thực tế này và đề ra các quy định khiến cho các lợi ích và động lực ấy của chủ đầu tư không thể ảnh hưởng (hay ảnh hưởng ít nhất) đến chất lượng báo cáo ĐTM để cho báo cáo thật sự khách quan và trung thực. Đấy là nhiệm vụ của các nhà lập pháp.

Khi lợi ích và động lực của chủ đầu tư đã thế và họ phải bỏ tiền ra tổ chức làm báo cáo ĐTM, thì hỏi có tư vấn nào lại đi ngược với mong muốn của người bỏ tiền ra thuê mình. Đấy là thực tế, dẫu có hô hào sự khách quan trung thực đến đâu (dẫu có buộc họ phải “chịu trách nhiệm về các số liệu, kết quả nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường”) cũng khó cưỡng lại động lực và lợi ích. Do đó cần đối mặt và giảm bớt ảnh hưởng của nó. Đáng tiếc Luật Môi trường không chú ý đúng đến thực tế này. Tuy có việc thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 22), có sự phản hồi của những người bị ảnh hưởng và có trách nhiệm thực hiện và kiểm tra các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 23), nhưng tách được khuyến khích ngược của chủ đầu tư càng nhiều càng tốt.

Nếu tổ chức làm báo cáo đánh giá tác động môi trường hoàn toàn độc lập (nhất là về tài chính) với chủ đầu tư thì có thể tối thiểu hóa được ảnh hưởng của các khuyến khích ngược đó và nâng cao chất lượng báo cáo.

Có lẽ Luật phải buộc chủ đầu tư bỏ ra một tỷ lệ nào đó (thí dụ 0,1%) của tổng dự toán đầu tư vào một quỹ chung để chi cho việc làm báo cáo ĐTM và quỹ này cùng những người có thể bị tác động (hay các tổ chức đại diện của họ) đấu thầu tư vấn độc lập làm báo cáo ĐTM. Hoặc chí ít để những người bị tác động (hay đại diện của họ) thuê tổ chức tư vấn làm một báo cáo đối chứng và cơ quan thẩm định sẽ xem xét cả hai báo cáo ĐTM. Luật phải cũng có quy định nghiêm cấm “sự tác động” của chủ đầu tư đến cơ quan thẩm định, các thành viên hội đồng thẩm định.

Nhìn nhận từ khía cạnh khuyến khích, lợi ích, từ các động lực như thế có thể giúp cơ quan lập pháp tạo ra (hay sửa đổi) các quy định luật hữu hiệu hơn nhiều.