Sunday, November 11, 2012

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Cuộc chiến của rừng và thủy điện (10/11/2012) - DDK - Kỳ II

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Cuộc chiến của rừng và thủy điện (10/11/2012)
Nguy cơ suy thoái hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học do phát triển thủy điện tràn lan là có thật. Những vấn đề bức xúc với thủy điện lâu nay, một lần nữa lại là quan ngại lớn của đại diện các cơ quan báo chí truyền thông tại cuộc họp báo của Tập đoàn Đức Long Gia Lai về thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.


Thượng nguồn sông Đồng Nai , đoạn dự tính xây thủy điện
Ảnh: NLĐ

"Gót chân Achilles” của thủy điện

Trong hệ thống cung ứng năng lượng, nhất là điện năng, thủy điện khi hoạt động không gây ô nhiễm môi trường nhưng đe dọa gây suy thoái rừng và đa dạng sinh học. Đây được xem là Gót chân Achilles – điểm huyệt yếu của thủy điện. Trước hết là xâm chiếm, phá hoại diện tích rừng tự nhiên rất lớn. Như ở Lâm Đồng chỉ xây dựng 25 công trình thủy điện vừa và nhỏ đã làm mất tới 15.000 ha rừng tự nhiên để làm hồ chứa, kênh dẫn, đường giao thông và lưới truyền tải điện. Còn ở Bình Định, chỉ tính riêng 3 nhà máy thủy điện Trà Xom, Vĩnh Sơn 2 và Vĩnh Sơn 3 đã hủy hoại 1.300ha rừng tự nhiên. 

Việc ăn cả rừng phòng hộ đầu nguồn dù dưới bất kỳ hình thức nào là hành vi tàn hại môi trường và gây hậu quả lớn.  Nếu vì hai dự án mà cắt đi hơn ba trăm hecta rừng có phải việc làm nguy hiểm cho môi trường và đánh đổi quá lớn? Chưa kể Dự án còn ảnh hưởng đến vùng hạ lưu hàng triệu dân… Liệu ĐTM đã đánh giá hết tác động của hai dự án này? 

Theo ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT Đức Long Gia Lai, hai dự án hơn 6 năm chuẩn bị đã được hiệu chỉnh để giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng môi trường và VQG Cát Tiên. Dự án Đồng Nai 6 và 6A đều là kiểu thủy điện đập dâng, hồ chứa rất nhỏ, nhà máy đặt ngay sau đập, sau khi phát điện nước được trả lại ngay dòng sông nên không gây ra đoạn sông chết và hầu như không có ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy hạ lưu. So sánh với các thủy điện khác ở Việt Nam, trung bình tỷ lệ diện tích mặt hồ/MW công suất là 20.66/MW thì tỷ lệ ở hai dự án này chỉ bằng 1/10. Tỷ lệ chiếm đất rừng cũng thấp nhất so với bình quân các dự án thủy điện quy mô tương đương khác trên cả nước. "Điều này giảm thiểu được tối đa ảnh hưởng đến môi trường và đặc biệt là VQG Cát Tiên”. Ông Pháp nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhà máy, đường giao thông, các công trình phụ trợ của hai dự án đều nằm ngoài VQG Cát Tiên. Phạm vi chiếm đất không có dân cư và đất nông nghiệp nên không phải đền bù đất nông nghiệp, (ngoài hỗ trợ đền bù hoa màu 2,9 ha cho người dân xâm canh), cũng không phải di dân tái định cư. 

Còn phương án vận hành hồ chứa khi đưa vào hoạt động cũng là mối lo hiện nay? Nhiều thủy điện trên cùng một lưu vực sông không có phương án vận hành mang tính hệ thống, dẫn đến thay đổi, thậm chí đảo ngược chế độ dòng chảy cả trong mùa cạn và mùa lũ, gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái ở hạ lưu các dòng sông. 

Đơn vị tư vấn thiết kế dự án và đơn vị lập Báo cáo ĐTM của hai dự án này tái khẳng định, ĐTM đã chứng minh 2 dự án không ảnh hưởng đến chế độ thủy văn suối Đăk Lua, Bàu Sấu và hầu như không ảnh hưởng đến chế dộ thủy văn dòng chảy hạ du. Khả năng xây dựng và vận hành an toàn. Trường hợp xấu nhất vỡ cả hai đập sẽ không như thủy điện Sông Tranh 2, do lượng nước sẽ chảy tràn về sông Đồng Nai và dung lượng tích nước không lớn.

"Đồng thuận” thế nào?

Phát triển kinh tế ngành cần đi đôi với bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên, không gây tổn thất cho môi trường và sinh kế của người dân. Chủ đầu tư cam kết thực hiện với kinh phí dự án dự trù cho công tác giảm thiểu tác động, trồng rừng, phục hồi môi trường, hỗ trợ công tác bảo tồn, cộng đồng dân cư và bảo vệ rừng gần 115 tỷ đồng. 

Chủ đầu tư cũng cho biết đã tham vấn cộng đồng với UBND và UBMTTQ 6 xã khu vực dự án. Trực tiếp tổ chức điều tra phỏng vấn lấy ý kiến 137 hộ dân tại 14 thôn. 100% ý kiến đều đồng tỉnh ủng hộ. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã có văn bản gửi Quốc hội và Chính phủ đề nghị tiếp tục triển khai dự án. 

Vậy vì sao lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mới đây vẫn kiên quyết phản đối thủy điện 6, 6A? – Ông Bùi Pháp thừa nhận dù đã đảm bảo các thủ tục pháp lý cần thiết, nhưng vẫn còn những ý kiến khác nhau giữa các nhà khoa học, thông tin nhiều chiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. "Chúng tôi đã đăng ký làm việc với Đồng Nai, mong được sự hỗ trợ, cân nhắc xem ảnh hưởng gì, tác động gì, nhất là ảnh hưởng do tác động môi trường đối với hạ lưu sông Đồng Nai, thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai…”. Vấn đề là ý kiến phản đối do thiếu thông tin đầy đủ.

Bài học minh bạch Dự án

Như đã nói, việc phát triển các dự án, công trình thủy điện thời gian qua ở nước ta đang tiềm ẩn những nguy cơ mang tính không bền vững, nếu như việc quy hoạch, thiết kế và thi công xây dựng, quản lý, khai thác các công trình không được thực hiện nghiêm túc. Họp báo công bố công khai thông tin về Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cho thấy trách nhiệm xã hội cao của doanh nghiệp chủ đầu tư, khẳng định tính minh bạch của Dự án, sẵn sàng để cộng đồng, công luận giám sát tính trung thực những số liệu được công bố.

Nếu các dự án lớn khác liên quan đến đất, đến rừng, đến tài nguyên môi trường nói chung, đều thể hiện sự minh bạch ngay từ khi làm báo cáo ĐTM như vậy, chấp nhận đối thoại mọi phản biện, sẽ không phải giải quyết nhiều hậu quả đáng tiếc. Ít ra không bị "treo trên núi” như Thủy điện Sông Tranh 2 hiện nay, dù đã nghiệm thu và đã phát điện…

Mới đây, UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết, sau thời gian rà soát, kiểm tra tình hình triển khai đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện đề xuất với UBND tỉnh thu hồi 11 dự án liên quan đến rừng do các doanh nghiệp để rừng bị phá, bị lấn chiếm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không bồi thường thiệt hại rừng, chậm hoặc không triển khai dự án. 

"Cuộc chiến của rừng” nếu có, thực ra không phải chỉ với riêng thủy điện. Song các bài học kinh nghiệm cho quá trình xây dựng và vận hành dự án thủy điện bền vững ở nước ta không thể thiếu những bài học kinh nghiệm phải giữ được rừng ở mức tối đa.

Thanh Như

No comments:

Post a Comment