Thursday, November 29, 2012

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: ĐTM chưa đủ điều kiện để thông qua - http://phapluattp.vn


28/11/2012 - 05:45
Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: ĐTM chưa đủ điều kiện để thông qua
Tiếp tục phát hiện nhiều thiếu sót trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai dự án.
Hôm nay 28-11, Hội đồng Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ họp lấy ý kiến thành viên và các chuyên gia để đưa ra kết luận trình Bộ TN&MT. Sau khi cân nhắc rất kỹ, tôi cho rằng ĐTM của hai dự án này chưa đủ điều kiện để được xem xét thông qua.
Mất vĩnh viễn nhiều diện tích rừng
Theo số liệu trong ĐTM, dự án Đồng Nai 6A sẽ làm 107 ha đất rừng bị ngập, trong đó có 25 ha thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Cát Tiên. Còn dự án Đồng Nai 6 sẽ chiếm vĩnh viễn hơn 171 ha, trong đó có trên 77 ha thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Tuy nhiên, báo cáo này chưa tính đến diện tích đất dùng cho tuyến truyền tải điện, bao gồm cả hành lang an toàn. Dù hành lang an toàn theo quy định là không lớn nhưng lại kéo dài và như vậy diện tích đất và rừng bị mất là không nhỏ.
Đáng lo ngại nhất là cả hai dự án đều phạm vào khu bảo tồn thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Đây là một trong những khu vực hiếm hoi ở Đông Nam Bộ có tính đa dạng sinh học cao, tồn tại nhiều loại động thực vật có tính bản địa, có giá trị kinh tế và cần được bảo tồn vì có nguy cơ tuyệt chủng.
Ngoài ra, ĐTM cho rằng Bàu Sấu là một hồ tự nhiên hình thành vào mùa lũ trên một nhánh suối nhỏ chảy ra sông Đồng Nai. Chế độ thủy văn của Bàu Sấu không phụ thuộc vào dòng chính sông Đồng Nai nên sẽ không bị tác động bởi các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Tuy nhiên, lập luận này lại không được minh chứng bằng mô hình toán, do đó rất thiếu tính thuyết phục
Hai dự án thủy điện sẽ làm biến mất gần 300 ha đất rừng, ảnh hưởng không nhỏ tới Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: T.PHƯƠNG
Chưa tính đến trường hợp vỡ đập
Trong ĐTM có đề cập đến rất nhiều loại rủi ro và sự cố, tuy nhiên những rủi ro hoặc lỗi kỹ thuật trong các khâu thiết kế, thi công lại chưa được đề cập tới (ví dụ hiện tượng rò rỉ, thấm thân đập như thủy điện Sông Tranh 2). ĐTM cũng cho rằng đối với rủi ro do vỡ đập thì mức độ, diện tích ngập ở phía hạ lưu được tính toán tương đương với trường hợp lũ năm 2000 và 2006. Tuy vậy, báo cáo chưa có sự cam kết của chủ đầu tư về việc xây dựng kế hoạch, các biện pháp ứng phó, phương tiện dự phòng nếu sự cố xảy ra.
Theo tôi, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chỉ là đập dâng nhưng vẫn có tác động đến dòng chảy sau đập. Với dung tích tổng cộng cả hai hồ là gần 100 triệu m3, thiệt hại cho vùng hạ du sau đập là đáng kể.
Dân đồng tình - bằng chứng đâu?
Theo chủ đầu tư, kết quả khảo sát ý kiến các hộ dân tại xã Phước Cát 2, Đồng Nai Thượng (Cát Tiên, Lâm Đồng), xã Đồng Nai (Bù Đăng, Bình Phước),… cho thấy người dân đều đồng tình với việc xây dựng dự án. Điều tôi quan tâm là đại diện cộng đồng dân cư gồm những ai? Danh sách của nhóm, phiếu tham vấn cộng đồng? Chủ đầu tư cần giải thích rõ hơn vấn đề này.
* * *
Cái được về mặt kinh tế của hai dự án này đã được chủ đầu tư nêu rõ, tuy nhiên những thiệt hại về môi trường cũng được các nhà khoa học đánh giá khá đầy đủ. Đúng là cả hai dự án đều có trong các quy hoạch đã được duyệt nhưng đó không phải là quy hoạch quốc phòng, an ninh. Trong khi đó, Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học nên theo Điều 11 của Luật Đa dạng sinh học phải được ưu tiên. Cũng lưu ý thêm, Quyết định 1419/2012 của Thủ tướng đã xếp Vườn quốc gia Cát Tiên vào hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cần được bảo vệ, giữ gìn theo Luật Di sản văn hóa.
TS TÔ VĂN TRƯỜNG, Ủy viên Hội đồng Thẩm định ĐTM dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
TRÀ PHƯƠNG lược ghi
Ngày 27-11, ông Nguyễn Huỳnh Thuật, đại diện nhóm Yêu quý và bảo vệ Cát Tiên, gửi văn bản đến Hội đồng Thẩm định nêu hàng loạt thắc mắc về độ tin cậy của nhiều số liệu trong ĐTM của hai dự án. Chẳng hạn, ĐTM đếm lượng cây lồ ô của hai dự án thủy điện “chính xác” đến… nửa cây (771.829,5 cây).
Ngoài ra, nhóm này cho rằng đơn vị được thuê lập ĐTM (Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM) thiếu một số cán bộ chuyên ngành liên quan theo quy định như trắc địa, địa chất công trình, địa vật lý… Do đó các vấn đề liên quan trong ĐTM bị sai, làm mờ hoặc bỏ qua, một số giải pháp đưa ra được xem là không tưởng.
Điều quan trọng, ở phần căn cứ pháp lý, ĐTM của hai dự án không viện dẫn Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội (có hiệu lực từ đầu tháng 8-2010) về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Thay vào đó, ĐTM lại viện dẫn Nghị quyết 66/2006 của Quốc hội đã hết hiệu lực. Nhóm Yêu quý và bảo vệ Cát Tiên đặt vấn đề: Các ĐTM xác định sai thẩm quyền phê duyệt việc đầu tư dự án có đủ điều kiện để được trình duyệt và thẩm định hay không?
Ngoài ra, Nghị định 29/2011 xác định khi lập ĐTM thì phải tham vấn ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức chịu tác động trực tiếp của dự án. Nhưng tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh, thành vùng hạ lưu sông Đồng Nai đã không được tham vấn đầy đủ.
Từ các luận điểm trên, nhóm mong muốn các thành viên Hội đồng Thẩm định xem xét ĐTM một cách khoa học, khách quan để trình Quốc hội, Thủ tướng xem xét, quyết định.
M.PHONG

No comments:

Post a Comment