Thursday, November 29, 2012

Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Không đủ tin cậy! - NLĐO


Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Không đủ tin cậy!

Thứ Tư, 28/11/2012 23:27

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được làm khá công phu nhưng theo định hướng của nhà đầu tư và nhiều khía cạnh vẫn chưa được nói đến

Ngày 28-11, tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (ĐN 6 và 6A) đã có cuộc họp về vấn đề kỹ thuật.
Bỏ lọt nhiều điểm quan trọng
TS Đào Trọng Tứ, Ủy viên Thường trực Mạng lưới Cộng tác vì nước của Việt Nam, Ủy viên Ban Cố vấn Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), cho biết nội dung chính của cuộc họp là chủ đầu tư trình bày tóm tắt nội dung ĐTM của ĐN 6 và 6A. Sau đó, các thành viên hội đồng thẩm định góp ý ban đầu về những điểm còn nghi vấn, thắc mắc. “ĐTM của ĐN 6 và 6A được làm khá công phu nhưng theo định hướng của nhà đầu tư và nhiều khía cạnh đã bị bỏ qua” - ông Tứ nói.
Theo TS Đào Trọng Tứ, hội đồng thẩm định đã đề nghị chủ đầu tư làm rõ thêm khá nhiều vấn đề trọng tâm như ĐTM cần làm rõ tác động môi trường của ĐN 6 và 6A đến sông Đồng Nai và Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên...; các phương án giải quyết sinh kế của người dân, đặc biệt là động đất kích thích.
Một nhóm cán bộ khoa học khảo sát Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: TĂNG A PẨU
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia lâm nghiệp, nhận định ĐTM này vẫn còn nhiều nghi vấn. Ông Lung đặt một loạt câu hỏi cho nhà đầu tư như: “Tại sao lại dọn lòng hồ có 50% số cây rừng? Tại sao đường dây tải điện lại không nằm trong dự án này, nó ảnh hưởng đến rừng như thế nào? Dòng sông Đồng Nai có 13 nhà máy thủy điện, Chính phủ đã có chỉ thị về vận hành liên hồ chứa, mỗi hồ phải làm theo quy trình chung, người trên xả mà người giữa không xả thì bị vỡ đập ngay, tính chất cắt lũ không còn nữa. Vì thế, phải có quy trình liên hồ chứa. Hiện nay, ĐN 6 và 6A không nằm trong danh sách vận hành liên hồ chứa, vậy chủ đầu tư xử lý vấn đề này như thế nào?
Chưa đủ điều kiện để thông qua
Trong bản nhận xét gửi tới hội đồng thẩm định, TS Tô Văn Trường, chuyên ngành tài nguyên nước và môi trường, ủy viên hội đồng thẩm định, cho rằng ĐTM của ĐN 6 và 6A đã có cải thiện so với trước. Tuy nhiên, các mặt tồn tại phải được nghiên cứu bổ sung và giải trình cụ thể. Đặc biệt, phần tính toán mô hình thủy văn, thủy lực không đủ độ tin cậy.
Theo ông Trường, ĐN 6 sử dụng 77,36 ha đất của VQG Cát Tiên và 77,99 ha đất của rừng phòng hộ đầu nguồn; ĐN 6A sử dụng 59,62 ha đất của VQG Cát Tiên và 157,26 ha đất của rừng phòng hộ đầu nguồn - đều lớn hơn so với mức quy định 50 ha tại mục b khoản 2 điều 3 Nghị quyết số 49/2010 của Quốc hội về những dự án phải lập báo cáo đầu tư trình Quốc hội xem xét quyết định về chủ trương đầu tư.
 
Bên cạnh đó, 2 dự án thủy điện này đều có trong các quy hoạch đã được duyệt nhưng không phải là quy hoạch quốc phòng, an ninh; còn VQG Cát Tiên thuộc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học nên theo quy định tại mục d khoản 2 điều 11 của Luật Đa dạng sinh học phải được ưu tiên thực hiện. Ngoài ra, Quyết định số 1419/TTG ngày 27-9-2012 Thủ tướng Chính phủ đã xếp VQG Cát Tiên vào hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt được bảo vệ, giữ gìn theo Luật Di sản Văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa. “Báo cáo ĐTM của ĐN 6 và 6A chưa đủ điều kiện để Hội đồng thẩm định xem xét, thông  qua” - TS Trường nhận định.
Sau khi nghe ý kiến của các bên, ông Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định - Tổng cục Môi trường Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), kết luận: “Chủ đầu tư và tư vấn phải tiếp tục hoàn thiện ĐTM để làm rõ các vấn đề mà các thành viên hội đồng thẩm định đã nêu ra tại cuộc họp cũng như những tồn tại của nó”.
17 tháng giằng co
- Tháng 6-2011, Bộ NN-PTNT xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch VQG Cát Tiên để xây dựng ĐN 6 và 6A. Theo đó, 2 thủy điện này nằm trên địa bàn các tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước, chiếm gần 137 ha của VQG Cát Tiên.
- Báo Người Lao Động thực hiện loạt bài “Thủy điện “lấn” VQG”.
- Tháng 7-2011, Chính phủ giao các bộ, ngành kiểm tra, đánh giá ĐN 6 và 6A.
- Tháng 8-2011, các nhà khoa học tổ chức khảo sát nơi dự kiến xây dựng ĐN 6 và 6A, hội thảo đánh giá tác động của dự án lên môi trường... Qua đó, hầu hết đề nghị không triển khai.
- Tháng 2-2012, TS Phạm Khánh Nam, Phó trưởng Khoa Kinh tế phát triển Trường Đại học Kinh tế TPHCM, có bài viết trên Báo Người Lao Động nhận định dự án chỉ có lợi cho chủ đầu tư.
- Giữa tháng 5-2012, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai (trong đó có Ramsar Bàu Sấu và VQG Cát Tiên) được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
- Ngày 23 đến 25-8-2012, Bộ TN-MT khảo sát vị trí xây dựng ĐN 6A và cho rằng hầu hết là rừng nghèo.
- Đầu tháng 9-2012, TS Nguyễn Huỳnh Thuật, chuyên gia về bảo tồn đa dạng sinh học VQG Cát Tiên, gửi tâm thư đề nghị Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cứu VQG Cát Tiên.
- Tháng 10-2012, ĐTM về ĐN 6 và 6A do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thực hiện bị phát hiện sao chép, cắt dán nên Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã thuê Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) lập ĐTM khác. ĐTM này đã bị VRN chỉ ra 8 lỗ hổng.
- Báo Người Lao Động tiếp tục có loạt bài “Hai dự án thủy điện kỳ lạ”.
- Tháng 11-2012, ông Nguyễn Vũ Trung, Phó trưởng Phòng Đánh giá môi trường tổng hợp - Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ TN-MT), lên tiếng ủng hộ dự án, gọi những người phản đối là “à ơi theo tâm lý bầy đàn”.
- Chủ đầu tư tổ chức họp báo “kết tội” báo chí và một bộ phận tỉnh Đồng Nai câu kết với nhau để làm “tội” doanh nghiệp...
- Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai gửi văn bản lên Bộ Chính trị và Ban Bí thư đề nghị không triển khai ĐN 6 và 6A.
- Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định ĐN 6 và 6A đang trong quá trình thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
- Ngày 28-11-2012, Hội đồng thẩm định ĐTM của Bộ TN-MT họp bàn về ĐN 6 và 6A. Trước đó, ông Nguyễn Vũ Trung đã ra khỏi danh sách hội đồng này.
T.Kim
THẾ DŨNG

No comments:

Post a Comment