Wednesday, February 20, 2013

BỊ HY SINH THÊM LẦN NỮA! VÌ AI?

Ngày 20 tháng 2 năm 2013

NẰM XUỐNG ĐỂ GIỮ ĐỒNG VĂN

Mai Thanh Hải - Lên thị trấn địa đầu Tổ quốc Đồng Văn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), hỏi chuyện ăn chơi ngủ nghỉ, dân thị trấn từ người Mông đến người Kinh, từ trẻ con đến ông bà già đều vach vách đọc tên những quán cà phê Phố Cổ, chốt Đồn Cao, tắm thuốc người Dao, đèo Mã Pí Lèng, quán gà đen - lợn bản...

 
Tuy nhiên, khi mình hỏi: "Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) của huyện nằm đâu?", ai cũng ú ớ hỏi nhau và lắc đầu không biết.

May gặp 1 cán bộ ở Văn phòng UBND huyện, chắc rành rẽ việc "bưng bê khiêng kê" dịp Lễ Tết nên chỉ ra dãy núi sau Thị trấn: "Đi đường vào Đồn Biên phòng Đồng Văn rồi hỏi tiếp. Nằm ngay cạnh Đồn mà!".

Mình cố gặng gặng hỏi, đại loại: Trên ấy có nhiều mộ Liệt sĩ không?. Hồi chiến tranh biên giới 1979-1989, thị trấn Đồng Văn có bị lính Trung Quốc đánh chiếm hoặc câu pháo từ bên kia biên giới sang không?...

Vị này tròn xoe mắt nhìn mình và cấu tai, giống như nghe chuyện trong mơ, rồi mới lắc đầu: "Chưa bao giờ nghe đến chuyện bộ đội - dân quân ở Đồng Văn chết vì Trung Quốc", khiến mình như bị dội gáo nước lạnh, đứng sững.

Vào Đồn Biên phòng Đồng Văn (Đồn 165) hỏi câu y chang với cán bộ huyện, mấy anh em cũng... gãi tai: "Hồi ấy chúng em còn bé tý, chả biết chuyện ấy và từ hồi đi bộ đội, cũng chưa nghe ai nói mấy chuyện như anh nói", nhưng khẳng định: "Trên bia ghi tên Liệt sĩ trên đỉnh đồi, chủ yếu là người hy sinh từ 1979-1989!"..

Chả trách được lính trẻ, toàn ở dưới xuôi lên công tác trên này bởi mình chắc, cũng chả ai quán triệt - kể cho chúng về những chuyện ngày xưa đạn bom chết chóc, tranh giành, ở cái nơi thị trấn vùng biên nhưng đèn sáng trưng ngày đêm, ồn ào khách du lịch khắp các quốc gia đổ về, dịch vụ chả thiếu từ A đến Z... đến nỗi việc đặt Đồn Biên phòng ở nơi này, để quản lý địa bàn thị trấn (dẫu là biên giới) và cái xã Lũng Táo cách Đồn cả vài chục km, cảm giác rất... vô duyên, gượng ép.

Lại vào mạng tra tìm, gõ đủ mọi từ khóa nhưng tịnh không cho một kết quả nào cho thấy trong chiến tranh biên giới 1979-1989, huyện Đồng Văn bị Trung Quốc tấn công, quấy nhiễu, gây rối, lấn chiếm và có liệt sĩ hy sinh tại Đồng Văn.

Thôi thì tìm lên tận nơi, để thắp cho các anh chị nén nhang, dâng ít tiền vàng trong ngày 17/2/2013, đúng dịp cách đây 34 năm, phía Trung Quốc ào ạt xua quân tấn công đồng loạt 6 tỉnh biên giới phía Bắc, mở đầu cả chục năm chiến tranh bành trướng giằng co...

Từ cổng Đồn 165 lên chân đồi là đường đất đá lổn nhổn, chưa bao giờ biết mùi nhựa đường, cho dù vẫn thuộc địa bàn thị trấn. Thêm cả trăm bậc xi măng, mới lên đến đỉnh và ngắm toàn bộ Thị trấn, xếp la liệt như những hộp diêm, ngọ nguậy du khách lần mò vào từng thành bao để chụp ảnh, ngắm nghía, khám phá...

Trên đồi, ngoài tượng đài cao là nhà tưởng niệm với lư hương làm bằng đá tảng, bàn đặt lễ làm bằng xi măng. Thêm 2 tấm bia ghi tên Liệt sĩ dựng 2 bên. Hết!..

Tỉ mẩn đếm, gọn 162 người đã ngã xuống vì đất Đồng Văn, từ những ngày đầu tiễu phỉ 1959, cho đến đánh biệt kích Mỹ - Ngụy những năm 70 và đặc biệt là 128 người trẻ tuổi, ngã xuống từ những năm 1979 cho đến những năm 80-90, trong giai đoạn đánh trả quân Trung Quốc, giành giữ biên giới quê hương.

128 người ngã xuống khi giữ đất, chủ yếu tuổi 18-20, gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích xã và nhất là Bộ đội Biên phòng các Đồn Phó Bảng, Đồng Văn, Ma Lé, Săm Pun và cả Bảo Lộc (Cao Bằng), được ghi rất rành mạch họ tên, quê quán, đơn vị, ngày nhập ngũ - hy sinh, nhưng tịnh trong bát hương tưởng niệm chung, không có lấy 1 chân hương mang dấu hiệu được cắm trong vòng 1 tuần vừa qua...

Ấy thế mà, mình và gia đình trèo lên thắp hương, đúng ngày 17/2/2013.

Mình không hiểu, trong số đang lúc nhúc ăn nhậu, thăm thú, khám phá, chợ búa, chụp ảnh... dưới thị trấn kia, có bao nhiêu người biết đến chuyện: Ít nhất đã có 128 người ngã xuống để bảo vệ Đồng Văn, chỉ trên dưới 30 năm trước thôi?.

Dĩ nhiên, không thể trách sự vô tình của con người, khi sự vô tình đó được gây dựng từ sự vô cảm - giấu giếm lịch sử của những người đã biết, đã trải qua và đang bị siết chặt họng bởi chiếc vòng kim cô vô hình.

Biết bao giờ, cái gọi là "bí mật" về những tháng ngày chiến tranh biên giới được giải mã công khai, để ít nhất, những khách du lịch phởn phơ đến địa đầu Tổ quốc, được nghe thêm vài lời của Hướng dẫn viên du lịch về những người đã ngã xuống, để gìn giữ những cột cờ, điểm mốc, ngọn núi, cánh rừng, nhành hoa, màu lá... cho khách tí tách - say mê chụp ảnh, khoe "hàng" như hôm nay?..

128 người lính. Mỗi người họ chỉ cần nhắc đến trong nửa trang giấy A4, cho người đi sau biết họ đã sống, chiến đấu và hy sinh trong hoàn cảnh nào, với kẻ thù nào... là mãn nguyện lắm rồi và nhắm được mắt thật rồi.

Người chết, cũng như người sống, chả thích mọi người không biết mình làm việc gì, công việc ra sao và mù tịt thông tin về những gì mình đã làm, cho đồng bào.

Và mình chắc, cả 162 tên người trên bia mộ "Tổ quốc ghi công", đều mong được ghi tâm thật, bằng những nén hương thơm cháy thực sự, không chỉ mỗi năm 1-2 ngày Lễ lạt mà còn cả những ngày không thể quên trong lịch sử giữ nước của dân tộc, như ngày 17/2 hàng năm...

Và mình chắc là 162 người lính đều muốn người đang sống phải nhớ: Họ nằm xuống để giữ địa đầu Tổ quốc - Đồng Văn...

2 comments:

  1. Supporter of Save Cattien GroupFebruary 20, 2013 at 10:32 AM

    Tôi nhận được email chuyển tiếp câu chuyện quá buồn này, xin phép tác giả chia sẻ với mọi người:

    Buồn quá chứ anh,
    Anh trai tôi sau khi đánh Pháp trở về quê muốn xây dựng "chủ nghĩa cộng sản" nhưng thấy ở quê toàn là họ hàng với nhau, rất khó. Anh ấy đã đem vợ mới cưới lên Laocai sinh sống vì nơi đó anh ấy đã từng chiến đấu và ở đó đều là người các nới khác tới sinh sống. Bố tôi kể rằng trong vòng chừng 10 năm, anh, một nông dân lo làm nuôi vợ và những đứa con (anh ấy có 6 con) có nguyên một gian nhà sách về Mác và chủ nghĩa cộng sản. Mười năm sau, cũng bố em kể, khi lên thăm thì chỉ toàn là sách ngoại ngữ. Anh ấy tự học và thành thạo 4 ngoại ngữ Anh văn, Pháp văn Nga văn và Trung văn.
    Khi dục dịch có chiến tranh, mẹ em bảo anh đưa con cái về Thái bình. Anh nói chưa có vấn đề gì, trong khi đó anh ấy vẫn mải mê thành lập tổ tuyên truyền chống chiến tranh. Đêm đêm, bắc loa gọi qua bên kia sông cho những người mà mới mấy hôm trước còn qua lại chợ với nhau, rằng chúng ta là bạn bè, không nên đánh nhau. Lúc đó Chính quyền cho anh là người "phản chiến", mãi sau có người bạn cùng bộ đội làm việc ở tỉnh đội Laocai hiểu anh, cung cấp cho anh pin để phát loa. Anh vẫn say sưa kêu gọi, viết kịch, diễn kịch để kêu gọi hai bên đừng đánh nhau.
    Hai bên bờ sông loa công suất cực lớn của hai bên vẫn xà xả chửi nhau. Những cố gắng của anh tôi thật nhỏ bé.
    Đêm 17/2/1979, mẹ tôi ở Thái bình bỗng khóc thảm thiết. Tuần sau, đứa cháu nội của bà về báo tin bố cháu đã hy sinh ngay cái đêm đầu tiền, 17/2 khi chỉ huy đội du kích chống bọn Trung quốc. Cháu là người sống sót sau đó dẫn mẹ và các em chạy loạn xuống Yên bái. Khi đó anh mới 44 tuổi.
    Một vài năm sau, hai bên "nỉ hảo", anh tôi được công nhận là Liệt sĩ.
    Tôi đã kể lại câu chuyện có thật này cho một người bạn Trung quốc khi cùng học tại Hà lan năm 1991. Anh này nắm tay tôi nói "sorry, so sorry".
    Tôi không bao giờ quên được anh tôi, một người chống chiến tranh rồi khi có chiến tranh thì vẫn là người cầm súng để bảo vệ đất nước. Nhưng sự hy sinh của anh trở nên vô nghĩa. Đấy là cái bi của gia đình tôi, cũng là cái đại bi của dân tộc.
    (anh có thể post câu chuyện buồn này cho mọi người)

    Em Vấn
    Xem tại http://www.facebook.com/hoang.hung.714/posts/4308174942581?notif_t=close_friend_activity

    ReplyDelete
  2. Supporter of Save Cattien GroupFebruary 20, 2013 at 3:23 PM

    “Thái Sơn, Hy Mã hào hùng
    Kết tinh châu ngọc trong lòng Trường Sơn”
    (Tình sông nghĩa biển - Trụ Vũ)

    Trong hai câu này có ba tên núi. Núi Thái Sơn là ngọn núi rất cao bên Trung Quốc. Núi Hy Mã là dãy núi cao bên Ấn Độ. Còn núi thứ ba là núi Trường Sơn tức là dãy núi rất nổi tiếng ở Việt Nam, chạy dọc theo miền Trung. Núi Thái Sơn tượng trưng cho nền văn minh Trung Quốc, một nền văn minh rất lớn trên thế giới. Nền văn minh thứ hai là nền văn minh Ấn Độ, được tượng trưng bằng núi Hymalaya, tại vì Ấn Độ có nền văn minh rất sâu, rất cao, rất xưa. Còn Việt Nam là một nước nhỏ, nằm giữa hai nền văn minh lớn, một bên là India, một bên là China. Tuy nhỏ, nhưng chúng ta thâu nhập được những cái hay, cái đẹp của nền văn minh Ấn Độ và nền văn minh Trung Quốc.

    Vì vậy, thi sĩ ví dãy Trường Sơn của Việt Nam như là kết tinh lại tất cả châu ngọc của Ấn Độ và Trung Quốc. Bây giờ các cháu hiểu rồi phải không? Hào hùng là powerful. Tại vì nền văn minh Ấn Độ rất là vĩ đại, nền văn minh Trung Quốc cũng vậy. Dãy Trường Sơn tuy không cao bằng nhưng nó tượng trương cho sự kết hợp những cái đẹp của hai nền văn minh đó. Cho nên Phật Giáo Việt ở Việt Nam cũng khác với Phật Giáo Ấn Độ và Phật Giáo của Trung Quốc. Đó là vì chúng ta có một đạo tổng hợp lại tất cả Nam Tông và Bắc Tông. Nền văn minh Việt Nam cũng vậy. Cho nên khi nền văn minh Việt Nam hơi bị ảnh hưởng Trung Quốc khá nhiều thì chúng ta phải “xích” sang bên nền văn minh Ấn Độ để lấy lại thăng bằng, hoặc ngược lại.

    Nhờ đó mà dân tộc chúng ta sống sót được, nếu không thì chúng ta không còn nữa vì đã bị đồng hóa bởi một trong hai nước đó. Từ hàng ngàn năm, dân tộc mình khôn khéo lắm mới làm được chuyện đó, để nước Việt Nam mình còn tồn tại cho đến ngày nay. Các cháu phải để ý lắm mới được. Ông cha của chúng ta đã rất khôn khéo. Ngày xưa có tới 100 dân tộc Việt, gọi là Bách Việt, mà bây giờ chỉ còn có một dân tộc Việt sống còn. Đó là Lạc Việt. Vì vậy các cháu phải biết, nếu muốn dân tộc mình trường tồn thì phải biết rằng văn hóa Việt Nam là bản chất của mình.

    Thái Sơn, Hy Mã hào hùng
    Kết tinh châu ngọc trong lòng Trường Sơn.

    Bây giờ thì sau khi thi sĩ đã nói hết, thi sĩ mới làm một lời hứa với mẹ của thi sĩ. Đây là mẹ sinh ra thi sĩ, mà cũng có thể là đất nước của thi sĩ. Ông viết:

    Mẹ ơi! Nhớ nước, nhớ nguồn
    Thương quê, thương đạo, con còn làm thơ

    Ý nói Việt Nam và Đạo Bụt là nguồn cảm hứng của thi sĩ.

    (Đây là đoạn cuối trong bài nói chuyện của Sư Ông Nhất Hạnh với thanh thiếu niên tại London)
    *Nguồn: Trang 43-44, Hành Hương Việt - NXB Thanh Niên 2010)
    http://www.facebook.com/dalaihuong/posts/537538442933006?ref=notif&notif_t=close_friend_activity

    ReplyDelete