Thủy điện: 'quan' thích, dân lo
Những cánh rừng phong phú như thế này vẫn bị cho là rừng nghèo để có thể bị chặt hạ lấy đất làm thủy điện. Ảnh: Cao Nguyên
Thông tin sẽ có gần 60 ha rừng trong vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) sẽ bị xóa sổ khi Nhà máy Thủy điện Đrang Phốk xây dựng đã làm nhiều bạn bạn đọc bức xúc. Vườn Quốc gia Cát Tiên đang bị Thủy điện Đồng Nai 6, 6A đe doạ thì nay lại đến Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Sao cứ chọn rừng quý làm thủy điện?
Nhiều bạn đọc bức xúc đặt câu hỏi: tại sao nơi nào nhiều rừng, nhiều gỗ quý thí các nhà đầu tư lại chọn làm thủy điện ? Và đặc biệt hơn nữa là các cấp chính quyền, ngành sở địa phương lại rất ủng hộ. Có phải vì điện không hay vì cái gì ở trong rừng?
Bạn đọc Nguyễn Tuấn, cho biết: “Các nước tiên tiến đã ngừng xây dựngthủy điện vì lợi thì ít mà hại quá nhiều: phá vỡ hệ thống sinh thái tự nhiên, hủy diệt rừng, hủy diệt lá chắn bão lũ... Vậy mà không hiểu sao Việt Nam lại hăng hái hủy diệt rừng để làm thủy điện vậy?”
Buồn bã trước thông tin trên, một bạn đọc lấy nichname Cao Nguyên Không Còn Xanh, đặt vấn đề: “Lại phá rừng. Nơi nào có nhiều gỗ quý thì nơi đó sẽ được xây đập thủy điện, một cái cớ hợp lý, hợp pháp để phá rừng lấy gỗ, rồi những khối gỗ quý kia sẽ đi đâu? VQG Yok Đôn là sỡ hữu của toàn dân, không của riêng ai, vậy toàn dân phải cùng được chiêm ngưỡng, dạo chơi trong cánh rừng của mình, toàn dân phải được hỏi ý kiến khi một nhóm lợi ích định biến nó thành công cụ kiếm tiền của riêng mình chứ”.
Bạn đọc tên Dũng bày tỏ: “Phải viết lại chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh thôi. Tình thế lúc này Thủy Tinh đang gặp thời hay sao ấy. Thủy Tinh đang dùng nhiều chiêu len lỏi vào những vùng quan trọng để xây dựng cơ sở nhằm cát cứ lâu dài, tiêu diệt đuổi dần quân Sơn Tinh. Khi có bất thường thì Thủy Tinh ra tay tàn phá tiêu diệt nhiều hơn... Hình như phía sau Thủy Tinh có một "Chằn Tinh" đầy phép thuật luôn ủng hộ”. Còn bạn đọc Hai Nhách nói thẳng: “Phá rừng hợp pháp, tiền bán gỗ chia nhau là đủ giàu rồi!”
Bạn đọc Lệ Hoa, phân tích: “Khi giải trình một dự án khả thi để rồi thực thi vẫn có thể khác xa nhiều lắm. Để làm được thủy điện thì số lượng rừng bị hủy diệt rừng luôn nhiều hơn so với thực tế là điều chắc chắn. Bao nhiêu thủy điện vừa xây đã cho thấy thực tế này nên không thể tin vào những con số trên dự án của nhà đầu tư nữa rồi. Ai nói chỉ phá rừng trong điều kiện cho phép hay đúng như dự án thì hãy cam đoan rồi mới làm. Còn tôi không tin”.
Còn gì là Đăk Lăk
Bạn đọc Cát Tiên, bày tỏ: “Nghe đến phá rừng là mất cảm tình rồi. Việt Nam nổi tiếng là rừng vàng nhưng bây giờ thấy không còn được bao nhiêu nữa. Họ dùng mọi cách để phá rừng, nhỏ thì lén lút chặt cây, săn bắn; lớn thì móc nối cán bộ đưa xe tải, máy cứ vào. Còn lậy dự án thủy điện thì phải gọi là tận diệt hợp pháp”.
Bạn đọc Nguyễn Tuấn muốn trao đổi thẳng vấn đề này với Bộ Tài nguyên - Môi trường: “Đã nằm trong phạm vi bảo vệ nghiêm nghặt của vườn quốc gia sao lại cho xây dựng thủy điện để hủy diệt rừng? Tôi còn nhớ một vị giáo sư đã nói: "Chủ đầu tư chỉ trồng lại được cây, chứ không thể trồng lại rừng, vì rừng là cả một hệ sinh thái động vật thực vật phải trải qua hàng trăm năm mới hình thành". Ông Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường chắc phải hiểu rõ điều này hơn ai hết ! Phá rừng là phá hoại môi trường, thưa ông. Lá chắn bão tố lụt lội sẽ không còn một khi các ông ký giấy duyệt cho họ hủy diệt rừng, hủy diệt hệ sinh thái. Chỉ tội là bà con sẽ lãnh đủ sự trả thù của thiên nhiên mà thôi”.
Cảm khái với những vẻ đẹp của thiên nhiên Đăk Lăk, bạn đọc Sao Mai, tiếc rẻ: “Thật tội nghiệp cho Đăk Lăk, bao nhiêu con thác đẹp như mơ, niềm hãnh diện của người dân Tây Nguyên, nguồn cảm hứng của khách du lịch, đã bị bóp chết vì thủy điện; nay lại đến vườn Quốc Gia Yok Đôn, vì lợi nhuận của một nhóm, các người cứ tận diệt, xẻ thịt không thương tiếc hết cánh rừng này đến cánh rừng khác. Đã là vườn quốc gia vẫn không được bảo vệ và tôn trọng thì dần dà nó sẽ trở thành vườn của một số đại gia và những cán bộ chấp thuận cho xây dựng thủy điện”.
Cùng cảm xúc, bạn đọc Tiếng xưa chân thành bày tỏ: “nhỏ những giọt nước mắt ngậm ngùi thương tiếc cho một cánh rừng thiêng sắp bị khai tử. Thủy điện chỉ là cái cớ, lợi ích của một nhóm người mới là chính, có khóc có thương thì cũng không ngăn được những kẻ đã dùng tiền bạc và quyền lực dẫm đạp lên tiếng nói từ lương tâm, từ con tim yêu thiên nhiên của bao người. Rừng thiêng Yok Đôn ơi, xin cho ta thắp một nén nhang để tiễn biệt người. Từ nay ta và nhiều người sẽ không còn đặt chân đến đây nữa, vì ta không muốn nhìn thấy cảnh hoang tàn, đìu hiu khi rừng bị xé nát một cách không thương tiếc”.
Đồng quan điểm trên, bạn đọc lấy nickname Rừng Xưa Đã Khép, chia sẻ:“Du khách đến với Tây Nguyên vì những ngọn thác đẹp, hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh hoang sơ đại ngàn che bóng. Giờ đây, những thứ đó đã mất đi, voi Bản Đôn cũng đã bị những kẻ dã man giết hại, có nghĩa là ngành du lịch Đăk Lăk cũng sẽ chết, người dân Tây Nguyên cũng không còn gì để mà tự hào nữa. Ôi, thời đại mà của thì nặng hơn người”.
Kết luận ngắn gọn, bạn đọc Ánh Hồng, nói: “Nếu Vườn Quốc gia Yok Đôn không mang trong lòng nhiều gỗ quý thì có lẽ nó sẽ không chết vì đập thủy điện”.
Vì quyền lợi của ai?
Trước ý kiến ủng hộ hết mình đối với đập thủy điện Đrang Phốk của đại diện Sở NN - NT và UBND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, bạn đọc Hoa Cà Phê đặt vấn đề: “không riêng gì người dân Đăk Lăk mà người dân khắp nơi không đồng thuận với việc xây dựng đập thủy điện trong vường quốc gia nhưng sao các cơ quan trên lại chấp thuận dễ dàng như vậy. Các ông đại diện cho ai ? Vì quyền lợi của ai?”
Bạn đọc Giang Đông phân tích: “Lý lẽ của các vị trên là ngụy biện. Các vị cho đây là rừng nghèo thì phải tự hỏi vì sao rừng này nghèo: giữ rừng không tốt bị chặt phá làm giảm trữ lượng gỗ thì phải chấn chỉnh lại lực lượng kiểm lâm. Trồng lại rừng, tạo lại hệ sinh thái cho rừng thêm phong phú. Và mỗi kiểu rừng đều có hệ sinh thái đặc trưng, có hệ động thực vật cùng phát triển. Chẳng thể cứ viện lý do rừng nghèo là cho đốn hạ làm thủy điện được”.
|
http://thebox.vn/Xa-hoi/Tra-gia-vi-thuy-dien/23109.html
ReplyDelete