Monday, February 18, 2013

Người nuôi rừng, rừng nuôi người

SCT- Người dân bản địa rừng Cát Tiên và nhiều nơi rừng đặc dụng khác mong muốn được chủ động tham gia công tác bảo vệ rừng và sử dụng bền vững tài nguyên rừng bền vững nhưng còn nhiều khó khăn quá?! 

Có người dân hỏi rằng: Sao người ta phá cả khu rừng lớn để làm thủy điện hay xây dựng công trình trong rừng đặc dụng thì được cán bộ cho phép nhưng dân ở rừng đi lấy cái măng, cái quả để ăn, cây thuốc để trị bệnh,... thì bị cấm, bị phạt?! 


Người nuôi rừng, rừng nuôi người

THÁI SINH   -Thứ Năm, 29/12/2011, 11:25 (GMT+7)
Sinh thời Bác Hồ đã dạy "Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quí". Một thời rừng bị khai thác đến kiệt cùng, nhiều gia đình sống cạnh những "mỏ vàng" xanh mà quanh năm nghèo đói. Chỉ những người biết nuôi rừng thì mới được rừng nuôi. Điều giản dị ấy cho đến hôm nay nhiều người mới nhận ra…
Thị trấn Yên Bình (Yên Bái) nằm ngay cạnh hồ Thác Bà, nơi có hơn 1.300 hòn đảo, vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, từ thị trấn Yên Bình nhìn ra hồ, người ta thấy những hòn đảo trọc lốc, chấp chới trên mặt nước như sắp chìm. Những hòn đảo ấy chính là những quả đồi sau khi thuỷ điện Thác Bà chặn dòng sông Chảy. Một vùng đất vô chủ, người người đua nhau ra các đảo hồ phát rừng trồng lúa, ngô, sắn... chỉ sau mấy năm các đảo hồ bị cạo nhẵn thín.
Trong số hàng ngàn hộ nông dân quanh vùng hồ Thác Bà bỏ công sức trồng rừng để hồi sinh cho những hòn đảo đó có vợ chồng ông Nguyễn Tấn Tuyển - Nguyễn Thị Định. Nhà ông nằm sâu trong rừng bên hồ Thác Bà, trên đường vào nhà máy xi măng Yên Bình. Bà Nguyễn Thị Định đang lúi húi phát dọn cây cối quanh nhà thành thật bảo tôi: Cũng do mình nghèo quá nên mới phải vào rừng, chứ mấy ai muốn vào rừng đâu…
Sản phẩm gỗ rừng trồng
Bà Định kể: Gia đình tôi trước đây ở Lào Cai, sau chiến tranh biên giới tháng 2/1979 sơ tán về xã Cẩm Nhân, không có đất đai ruộng vườn, mà có tới 8-9 miệng ăn, mấy cha con ông Tuyển đêm đêm ra hồ đánh cá thuê cho Trung tâm thuỷ sản Thác Bà lấy tiền đong gạo. Năm 1988 gia đình tôi chuyển ra ngoài thị trấn Yên Bình cho dễ đi lại, để khi ốm đau gần bệnh viện hơn. Nói ra thị trấn, nhưng chẳng có tiền nên vợ chồng tôi phải chui vào tận xó rừng này. Ông Tuyển dắt mấy đứa con lớn lên đồi phát cây trồng rừng, chủ yếu là bạch đàn còn tôi luẩn quẩn ở nhà cơm nước, lợn gà và trông mấy đứa trẻ. Hồi ấy người dân thị trấn Yên Bình chủ yếu phá rừng trồng lúa chứ mấy ai trồng rừng.
Ông Tuyển và các con trần lưng ra cuốc đất trồng rừng, những năm đầu trồng xen lúa, ngô khi bạch đàn vượt lên quá đầu người thì chuyển sang làm nương khác. Sau mấy năm rừng lên xanh tốt, đất quanh nhà không còn nữa thì cha con ông Tuyển sắm thuyền ra các đảo hồ trồng rừng, trồng hết đảo này thì chuyển sang đảo khác, tính đến nay gia đình ông đã có 67 ha rừng trồng…
Cũng nhờ những cánh rừng ấy mà vợ chồng ông Tuyển nuôi được mấy đứa con ăn học đến nơi đến chốn, xây được nhà cho mình và cho các con. Bà Định cười hồn nhiên: Bọn trẻ nhà tôi chuyển ra ngoài đường cả rồi, còn vợ chồng tôi thì vẫn cứ ở đây. Ngày xưa mình nghèo thì đến với rừng, nay có chút của cải thì vẫn bám rừng thôi anh ạ…
Thống kê đến tháng 3/2011, tỉnh Yên Bái có 181.736,2 ha rừng trồng, chủ yếu là cây nguyên liệu giấy và cây quế. Trung bình mỗi năm Yên Bái khai thác từ 200.000-230.000m3 gỗ nguyên liệu giấy. Những năm trước đây chỉ bán cho nhà máy giấy Bãi Bằng, mấy năm nay với sự ra đời của khoảng 500 cơ sở ván bóc, người trồng rừng đã "dễ thở" hơn. Gỗ nguyên liệu đang có giá từ 800.000đ - 1,2 triệu/m3, tuỳ theo đường kính to, nhỏ. Người trồng rừng đang trở thành "thượng đế", rừng đến tuổi khai thác thì có khách đến vật nài hỏi mua, ai trả giá cao thì bán, người mua tự khai thác, tự vận chuyển, chủ rừng ngồi ung dung đếm tiền.
Nạo vỏ quế thanh xuất khẩu
Giống như cây nguyên liệu giấy, cây quế đang lên ngôi. Từ năm 2010 đến nay quế ở Yên Bái bán được giá. Đầu năm 2011 quế xô loại B, C có giá từ 12.500-13.000đ/kg, quế chẻ thanh 13.500- 14.500đ/kg, quế bào vỏ 22.000-25.000đ/kg, quế vụn 8.000-9.000đ/kg. Cuối năm tại các điểm thu mua, quế thanh loại B, C đang có giá 25.000-26.000đ/kg, tăng so với đầu năm từ 11.000- 13.000đ/kg, quế vụn chừng 10.000-11.000đ/kg, lá quế cũng đang có giá 1.500-1.700đ/kg.
Huyện Văn Yên là "thủ phủ" của cây quế, nhờ cây quế mà nhiều hộ gia đình xây được nhà, những ngôi biệt thự nằm sâu trong rừng trị giá vài ba tỷ khiến nhiều người ở thành phố cũng ước mơ. Ví như gia đình ông Hoàng Văn An, người dân tộc Tày thôn I, xã Đại Sơn. Từ người chuyên phá rừng làm nương rẫy, ông là người đầu tiên ở Văn Yên trồng quế giữ rừng thắp ngọn lửa đầu tiên cho phong trào trồng quế. Đến nay Văn Yên có khoảng 15.800 ha quế, xã Đại Sơn trên 2.000 ha, riêng gia đình ông Hoàng Văn An có khoảng 100 ha. Mỗi năm gia đình ông thu hàng chục tấn quế, nhờ tiền bán quế các con ông đều xây được nhà, trị giá vài ba tỷ, rộng cả trăm mét vuông.
Xã Mỏ Vàng khó khăn nhất huyện Văn Yên, toàn xã có 3.789 nhân khẩu nhưng chỉ có 58 ha ruộng nước, tính bình quân mỗi khẩu chưa được 16m2 ruộng. Nếu không giữ rừng và trồng quế thì cả xã đói. Hiện Mỏ Vàng có 1.380ha quế, trung bình mỗi năm bà con khai thác 1.000-1.200 tấn quế vỏ, chủ yếu bán tươi cho thương lái đặt các điểm mua dọc đường và thị trấn Mậu A. Đặt chân lên đất Mỏ Vàng đâu đâu cũng bắt gặp quế, quế mọc khắp đồi khắp núi, quế mọc ngay giáp nhà, bước ra khỏi cửa đã gặp quế. Năm nay quế bán được giá, vụ tháng 3 giá quế tươi bán được 5.500đ/kg, vụ tháng 8 bán được 7.500-8.500đ/kg.
Ông Hoàng Văn An bên ngôi nhà con trai
Bởi thế, người dân đua nhau đi bóc quế, nhà nào không có lao động thì bán cả đồi, ví như gia đình ông Hoàng Văn Bảy bán một đồi quế khoảng 200 cây được 90 triệu. Còn anh Cư A Mua thôn Gốc Sấu bán một đồi được 75 triệu, anh bảo: Mình có 5 đứa con mà, chỉ có ba sào ruộng thôi, nếu không trồng quế thì chả có gì ăn đâu, năm nay mình bán quế để làm nhà đấy…
Từ năm 1998 đến 2010 tỉnh Yên Bái đã giao được 251.197ha rừng và đất rừng, trong đó có 127.403 ha cho các hộ gia đình. Nhu cầu của người dân Yên Bái muốn được giao rừng và đất rừng đang là một sức ép rất lớn. Đó là con đường thoát nghèo bền vững nhất và rừng chỉ có thể giữ được khi người dân thực sự làm chủ.
http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/88771/Nguoi-nuoi-rung-rung-nuoi-nguoi.aspx

1 comment:

  1. Lên đại ngàn, nghe đàn chapi
    Thứ Bảy, 16/02/2013 22:21
    Những đêm trăng sáng, nghe con mang, con nai tác vọng núi rừng, ông bỗng da diết nhớ những thanh bậc của đàn chapi
    “Ôi Raglai, những rừng cây, ngọn núi mang tiếng đàn chapi/Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn chapi”. Những ca từ mượt mà, trữ tình nhưng mang âm hưởng đồng vọng núi rừng trong bài hát Giấc mơ chapi của nhạc sĩ Trần Tiến thôi thúc tôi tìm về vùng đại ngàn Ma Nới thuộc huyện Ninh Sơn - Ninh Thuận. Nơi ấy, chỉ còn một nghệ nhân “chân đất” cố giữ lửa cho hồn xưa của người Raglai mãi sống. Ông là Chamaléa Âu.
    Tiếng lòng thúc giục
    Nghe tôi giới thiệu từ miền xuôi lên thăm, ông Chamaléa Âu đon đả pha trà mời. Tấm lòng của người Raglai luôn rộng mở như vậy. Mùa Xuân 2013 này, lão nghệ nhân Chamaléa Âu đã sống qua 60 mùa rẫy nhưng trông còn tráng kiện lắm, vẫn nhanh như con nai, con sóc giữa rừng già.
    Ông kể hồi trạc 10-12 tuổi đã được người cậu ruột dạy đánh đàn chapi và ngồi say mê hàng giờ xem cậu chế tác đàn. Khi xấp xỉ đôi mươi, Chamaléa Âu giác ngộ cách mạng, tham gia bộ đội Cụ Hồ, đánh giặc bảo vệ bản làng ngay tại chiến khu Anh Dũng (Ninh Thuận). Tiếng đàn chapi đã theo ông suốt thời gian kháng chiến. Đất nước thanh bình, ông trở về quê nhà Ma Nới, ngày ngày cùng vợ con lên rẫy trồng khoai, tỉa bắp. Những đêm trăng sáng, nghe con mang, con nai tác vọng núi rừng, ông bỗng da diết nhớ những thanh bậc của đàn chapi. Tiếng lòng thúc giục, ông lặng lẽ vào rừng tìm những cây tre gai già đưa về phơi thật khô, để dành làm đàn chapi.

    Ông Chamaléa Âu và cây đàn chapi
    Chúng tôi tò mò tìm hiểu kỹ thuật chế tác đàn, lão nghệ nhân Chamaléa Âu tỏ vẻ rất vui, giảng giải rành rọt: Vật liệu duy nhất để làm đàn là tre nhưng phải là tre đẹp, không có sẹo, đặc biệt đường kính phải đạt khoảng 7-8 cm và mỗi lóng tre dài ít nhất 40 cm. Tre sau khi chặt về phải để trong bóng râm khoảng 2 tháng cho thật khô, chọn 2 lóng tre tốt nhất làm đàn. Nghệ nhân dùng dao thật bén, nhọn, khoét cật tre bật lên thành 8 dây, mỗi dây cách nhau khoảng 2 cm. Đặt chốt tre nhỏ ở 2 đầu dây để chúng cao hơn thân đàn. Sau đó, vót mảnh tre cật bằng ngón tay cái khoét rãnh, nối từng cặp dây lại với nhau. Ở 2 đầu thân đàn dùng dây mấu bện chặt để giữ căng dây đàn. Công đoạn cuối cùng là dùng dùi lửa khoét thủng 2 mắt tre tạo âm vang cho đàn.
    Gửi gắm chân tình
    Cao hứng khi trò chuyện với chúng tôi, lão nghệ nhân Chamaléa Âu mang đàn ra gảy. Bàn tay sần sùi, chai cứng lướt khoan thai trên 4 phím đàn tạo những âm thanh trầm bổng say lòng, ngỡ như tiếng tự tình của đôi lứa yêu nhau, như tiếng thác đổ mưa nguồn, như tiếng loài chim Chơ rao reo vang giữa núi đồi và như lời mời chào thân mật của người dân Raglai trong ngày lễ ăn đầu lúa hằng năm.
    Bà con Raglai ở xã Ma Nới bảo nghệ nhân Chamaléa Âu biểu diễn thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống như mã la, khèn bầu, tù và nhưng với đàn chapi, ông là người duy nhất còn lại của vùng rừng núi Ninh Sơn này. Tiếng đàn chapi của Chamaléa Âu như gửi gắm chân tình, như tiếng lòng của đồng bào Raglai Ninh Thuận một lòng theo Đảng, theo Bác.
    Chamaléa Âu đã từng mang đàn chapi ra tận Hà Nội biểu diễn chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ I, vào tháng 5-2010. Tiếp đó, Xuân Tân Mão 2011, ông lại được Bảo tàng Dân tộc Việt Nam mời ra Hà Nội tham gia hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân gian.
    Bài và ảnh: LÊ TRƯỜNG
    http://nld.com.vn/20130216100858481p0c1002/len-dai-ngan-nghe-dan-chapi.htm

    ReplyDelete