Hạn hán, cháy rừng: Hệ lụy của xây thủy điện tràn lan?
Cập nhật lúc: 10:40, 21/02/2013
(VOV) - Tình trạng hạn hán đến sớm trong vụ sản xuất đông xuân 2013 có sự “góp tay” của các công trình thủy điện.- Gia Lai: Chưa thể dập tắt cháy rừng Bắc Biển Hồ
- Cháy rừng tại Gia Lai lan rộng khoảng 400ha
- Thủy điện An Khê - Ka Nak: Lời hứa và trách nhiệm nửa vời
3 vụ cháy rừng thông vừa liên tiếp xảy ra tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; trong khi đó, tại khu vực Tây Nguyên các ao hồ, sông suối đều đã cạn kiệt, trơ đáy- hạn hán đến sớm hơn thường lệ. Đây là những biểu hiện bình thường của thời tiết hay là hệ luỵ của việc xây dựng thuỷ điện tràn lan?
Một thông tin trên báo chí mấy ngay qua khiến không ít người phải giật mình lo lắng: chỉ trong ngày 18/2 vừa qua, ba vụ cháy rừng thông liên tiếp xảy ra tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng- thành phố du lịch nổi tiếng với cái tên Đà Lạt mộng mơ, xứ sở sương mù.
Hiện đang là cao điểm của mùa hanh khô nên cháy cũng là điều có thể hiểu được, nhưng điều đáng nói ở đây là tại khu vực cháy đèo dốc ở cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt, do không có phương tiện chữa cháy chuyên dụng, nên lực lượng kiểm lâm Đà Lạt chỉ dùng cây rừng và mượn ống nước tưới vườn để chữa cháy, nên phải sau hơn 2 giờ ngọn lửa mới cơ bản được khống chế sau khi đã thiêu rụi hàng trăm cây thông.
Còn tại khu vực rừng thông phía sau Dinh I, thành phố Đà Lạt, vụ cháy đã thiêu rụi tới 1.000m2 rừng thông. Rõ ràng ở đây, các cơ quan chức năng, mà chính xác hơn là lực lượng kiểm lâm, không hề có sự chuẩn bị nên đã rất bị động khi tham gia chữa cháy rừng.
Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ tiếp tục cháy, trong khi thiếu phương tiện và nước dập lửa |
Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ của Ban phòng cháy chữa cháy rừng huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, đến trưa 20/2, đã có trên 200ha thông 3 năm tuổi và 10 năm tuổi tại khu vực rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ bị lửa thiêu trụi. Điều vô cùng đáng lo ngại là tại một số tiểu khu, lửa rừng vẫn chưa được khống chế đang tiếp tục lan sang các khu vực khác.
Cùng với nạn cháy rừng, khu vực Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán đến sớm hơn so với nhiều năm. Mới bước vào đầu năm 2013 nhưng lượng nước ở nhiều sông hồ thủy lợi đã thiếu hụt đáng kể, chỉ còn khoảng 50-70% dung tích thiết kế, cá biệt hồ Ea Kar- Đắk Lắk chỉ đạt 30%.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, vụ đông xuân, huyện Krông Ana có gần 1.600ha lúa bị hạn hán, trong đó mới đầu vụ đã có 30ha bị mất trắng. Huyện Krông Bông có 90ha lúa mất trắng, do nắng nóng có 850 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt...
Còn tại Đắk Nông, tình hình khô hạn xảy ra gay gắt nhất ở ba huyện Krông Nô, Cư Jút và Đắk G’Long. Nông dân trong vùng cho biết với tình trạng này, đến hết tháng 2 này, tất cả sông suối, ao hồ sẽ cạn kiệt.
Trong khi đó, hạn hán ở tỉnh Kon Tum đang diễn biến nghiêm trọng, đặc biệt khu vực huyện Đắk Hà các trạm bơm bị tê liệt và phải tổ chức khắc phục từ trong và sau Tết Quý Tỵ 2013. Tại Gia Lai, nhiều huyện phía nam như Kôn Chro, Mang Yang, tình trạng thiếu hụt nước đã trầm trọng và phải tổ chức chống hạn từ trong Tết.
Như vậy đủ thấy tình trạng hạn hán đang diễn ra hết sức nghiêm trọng ở khu vực Tây Nguyên. Hạn hán làm cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân vô cùng khó khăn. Riêng tại Đắk Nông, do thiếu nước tưới hoa màu nên đã xảy ra cảnh tranh giành nước, nhiều người dân bức xúc trước việc thiếu nước tưới đã đập phá nhiều cơ sở vật chất, máy móc tưới tiêu và hệ thống kênh mương của Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông.
Vì sao lại có tình trạng này? Một số ý kiến cho rằng, do lượng mưa năm 2012 diễn biến bất thường- chỉ đạt khoảng 70% so với các năm trước. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đây chính là hệ luỵ của việc xây dựng các công trình thủy điện một cách tràn lan ở khu vực này.
Tây Nguyên hiện có 287 dự án thủy điện, với tổng công suất gần 7.000MW được phê duyệt, trong đó 84 dự án đang vận hành. Hệ lụy về môi trường, xã hội từ các dự án này cũng ngày một nghiêm trọng hơn và di hại lâu dài. Điểm chung và cũng là bản chất của vấn đề là các nhà máy thủy điện đều “bức tử” nguồn nước để “sinh ra” tiền” rồi bỏ túi.
Một thông tin được Ban chỉ đạo Tây Nguyên đưa ra khiến rất nhiều người lo ngại, đó là gần đây các thủy điện An Khê-Ka Nak, Đại Ninh, Đa Nhim, Thượng Kon Tum... chuyển nước sang lưu vực khác đã gây ra thiếu nước trầm trọng ở hạ du thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định. Một số nhà máy thủy điện nằm xa đập dâng cũng khiến hàng trăm nghìn hộ “khát nước” quanh năm.
Vậy là đã rõ. Tình trạng hạn hán đến sớm trong vụ sản xuất đông xuân 2013 có sự góp tay của “thủ phạm” là các công trình thủy điện. Điều đáng nói ở đây là hậu quả thì người dân phải gánh chịu, trong khi lợi nhuận thu được lại “chạy vào túi” các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp.
Một chuyên gia về môi trường bày tỏ quan ngại, nguồn tài nguyên nước hiện có rất nhiều cơ quan quản lý nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính. Bởi vậy, ông kiến nghị nên tái lập lại Bộ Thủy lợi để khai thác nguồn nước và có những biện pháp xử lý thích đáng với các công trình thủy điện - đang gây ra hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Đây không phải năm lần đầu tiên người dân phải gánh chịu hậu qủa do các công trình thủy điện gây ra. Rất nhiều người dân sống quanh các khu vực có công trình thủy điện đều đã “lãnh đủ” thiệt hại, trong đó điển hình là vụ Sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Bởi vậy, thiết nghĩ, đề xuất tại lập lại Bộ Thuỷ lợi và đưa ra những biện pháp xử lý thích đáng đối với các công trình thủy điện gây hậu quả nghiêm trọng là điều các cơ quan chức năng cần tính đến- khi chưa quá muộn./.
No comments:
Post a Comment