Tuesday, February 19, 2013

Các đại gia do vơ vét rừng, ruộng đất, khóang sản...nghĩ gì???

Người thợ sửa xe nghèo và chiếc cầu cho quê hương

Thứ Hai, 18/02/2013 22:55

Người thợ sửa xe vẫn sống trong căn chòi rách nát để dành toàn bộ số tiền chắt chiu suốt 20 năm xây cầu cho bà con quê nghèo…

Những ngày giáp Tết Quý Tỵ, người dân hai xã Đại An, Đại Cường, huyện Đại Lộc - Quảng Nam đều phấn khởi vì cây cầu phao nối liền hai bờ sông Vu Gia được đưa vào sử dụng. Em Nguyễn Hoàng Vỹ, học sinh trường THPT Lương Thúc Kỳ, huyện Đại Lộc - Quảng Nam, vui mừng: “Có cây cầu, em tiết kiệm được 30 phút so với thời gian đi đò. Tất cả đầu nhờ công lao của chú Dũng!”. Ông Lê Tất Dũng (48 tuổi, làm nghề sửa xe, ngụ tại thôn Phú Lộc, xã Đại An, huyện Đại Lộc - Quảng Nam) là người bỏ vốn, khởi xướng xây dựng cầu.
Sinh ra và lớn lên bên dòng Vu Gia, ông Dũng hiểu rõ sự khó nhọc của người dân quê mình trong việc di chuyển, giao lưu buôn bán. Chiếc cầu tre trơn trượt, những chuyến đò chở quá tải là nguyên nhân dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm. Ba năm trước, anh ông đã tận mắt chứng kiến một nông dân thiệt mạng khi chở ớt qua sông. Từ đó, ông ấp ủ trong lòng ước mơ xây một cây cầu để nối liền hai bờ Vu Gia.

 Nhờ cây cầu phao mà người dân đi lại dễ dàng hơn
Hơn 20 năm làm lụng, tích góp được 300 triệu đồng định xây ngôi nhà mới thay thế cái chòi xập xệ nhưng vì tấm lòng với quê hương, ông đã dùng tất cả số tiền trên để xây cầu. Ông phải lặn lội khắp nơi để tìm vật liệu chất lượng, giá cả phải chăng. “Đã quyết làm thì phải làm cho tốt, làm qua loa bà con gặp nguy hiểm thì cái tâm mình bỏ ra coi như hỏng” – ông chia sẻ.
Sau 2 tháng thi công, chiếc cầu phao có chiều dài 78m, rộng 2m, tải trọng 750 kg bắt ngang sông Vu Gia (đoạn chảy qua xã Đại Cường - Đại An) hoàn thành trong niềm hân hoan của người dân hai xã; cuộc sống của nông dân nơi đây cũng mở ra một hướng mới. Mùa vụ thêm công, hoa màu thêm lượng, thương lái các nơi đổ về thu mua nhiều hơn. Những chuyến hàng được chở bằng xe máy chạy bon bon trên mặt cầu làm không khí đôi bờ Vu Gia nhộn nhịp, tấp nập.
Gần đó, người thợ sửa xe nghèo vẫn sống trong căn chòi rách nát nhưng nghĩa cử cao đẹp của ông đã giúp quê hương thay da đổi thịt. 
Bài và ảnh: Hồng Nhung

No comments:

Post a Comment