Thứ bảy, ngày 06 tháng mười năm 2012
LỜI ĐỨC THÁNH TRẦN: HÃY TỈNH CẢ ĐI! ĐỪNG CẦU XIN THẦN UY CỦA TA
Vũ Thế Khôi
Tạp chí Xưa và Nay số 287 tháng 7 - 2007 có bài giới thiệu việc phát hiện ở Nghệ An một tài liệu Hán Nôm quý - bộ ván khắc “Trần Đại vương Chính kinh”.
Tác giả bài viết cho biết bản kinh này vốn được thờ ở đền Ngọc Sơn Hà
Nội, Cụ Trần Khắc Hinh lặn lội từ Nghệ An ra thỉnh về, tổ chức khắc in
dưới đời vua Bảo Đại, năm 1943. Tuy nhiên bài báo chưa cho biết thời
điểm, bối cảnh ra đời và sứ mạng cụ thể của bài “Chính kinh”.
Từ 13 năm trước, trên báo Đại đoàn kết, số ra ngày 19 - 9 - 1995, căn cứ các văn bia trong đền Ngọc Sơn và bài ký “Hồ sơn thắng hội tự”
của Phó bảng Nguyễn Văn Siêu, chúng tôi đã nêu ý kiến rằng Đức Thánh
Trần chỉ bắt đầu được hội Hướng Thiện đưa vào thờ trong Đền Ngọc Sơn sau
khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội năm 1882 và phá bỏ đền Hựu Linh thờ Trần
Hưng Đạo ở thôn Hà Thanh trên bờ đông của hồ Hoàn Kiếm.
Ngay sau đó, năm 1997 chúng tôi đã phát hiện ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội 4 sách chữ Hán có khắc bài “Chính kinh”
của Đức Thánh Trần và nhân kỷ niệm 700 năm sinh của Trần Hưng Đạo đã
giới thiệu vắn tắt nội dung của bài kinh “giáng bút” này trên tạp chí Xưa & Nay số 80 – tháng 10 - 2000.
Tháng 5 - 2007 trong báo cáo khoa học tại Hội thảo quốc tế “Vietnam, le moment moderniste (1905 - 1908)”,
tổ chức ở thành phố Aix-en-Provence (Pháp), chúng tôi đã trình bày chi
tiết vấn đề nêu tại đầu đề bài báo này. Dưới đây xin trích phần liên
quan và xin kèm theo nguyên bản chữ Hán, bản phiên âm và dịch nghĩa bài
văn “Chính kinh” trong sách Trần triều hiển thánh Chính kinh tập biên
do đền Ngọc Sơn khắc in năm 1900, hiện lưu trữ với ký hiệu A.2382 tại
Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, để bạn đọc quan tâm có thể đối chiếu với
bản mới phát hiện tại Nghệ An.
5.3.
Tục thờ Đức Thánh Trần thuộc Đạo giáo dân gian Việt Nam (gọi là "Nội
đạo", tức "Đạo bên trong", đạo của dân tộc, không phải từ ngoài du nhập
vào) luôn song hành cùng tục thờ Mẫu Liễu Hạnh. "Tháng 8 giỗ Cha (Trần
Hưng Đạo mất 20 - 8 âm lịch), tháng 3 giỗ Mẹ (Liễu Hạnh mất mồng 6 - 3
âm lịch)" - riêng câu thành ngữ này đã cho thấy ảnh hưởng vô cùng to lớn
của tín ngưỡng ấy trong tâm linh quảng đại quần chúng người Việt. Nội
đạo rất đa dạng và phức tạp, có cả những yếu tố thần bí và mê tín. Tuy
nhiên ở đây chúng tôi chỉ đề cập khía cạnh đặc biệt trong việc thờ cúng
Đức Thánh Trần ở đền Ngọc Sơn, sau đó lan nhanh ra khắp các địa phương.
Một
số tác giả viết về đền Ngọc Sơn cho rằng Trần Hưng Đạo được thờ trong
đền này ngay từ khi sáng lập hay cùng lắm là chỉ "một thời gian sau",
nhưng họ không đưa ra được bất cứ căn cứ nào. Vấn đề không phải ở chỗ
sớm muộn vài chục năm mà có ý nghĩa nguyên tắc đối với chủ đề của luận
văn này, nên cần làm sáng tỏ. Chúng tôi khẳng định rằng trước năm 1887
không hề có hiện tượng thờ cúng Đức Thánh Trần trong đền Ngọc Sơn vì:
-
Những người sáng lập hội Hướng Thiện, như trên đã nói, rất chú trọng đề
tài về các anh hùng cứu quốc, vậy mà Vũ Tông Phan (mất năm 1851), Lê
Duy Trung (mất năm 1863), Nguyễn Văn Lý (mất năm 1868) và Nguyễn Văn
Siêu (mất năm 1872) không viết chữ nào về việc phụng thờ Đức Thánh Trần
trong đền Ngọc Sơn;
- Trong sách "Les pagodes de Hanoi",
xuất bản năm 1887, G. Dumoutier miêu tả khá kỹ lưỡng đền Ngọc Sơn, chỉ
nói đến Quan Đế và Văn Xương, không hề nhắc tới Trần Hưng Đạo[i], mà nếu có thờ ở đây thì chắc chắn ông đã viết vì vốn quan tâm lịch sử Việt Nam.
Như
vậy việc thờ Đức Thánh Trần trong đền Ngọc Sơn chỉ xuất hiện sớm nhất
là cùng với sự ra đời của phả An Lạc mang tên quê hương Ngài. Trong đền
hiện còn treo câu đối của Phó trưởng môn Hồ Đình hoàng giáp Lê Đình
Diên. Lạc khoản vế thứ nhất ghi: "Tháng giữa hè năm Ât hợi (1875) triều
Tự Đức, nguyên Đốc học Hà Nội Lê Cúc Linh soạn"; lạc khoản vế thứ hai
ghi: "Ngọc Sơn Lạc Thiện phả cung tiến". Đã có phả Lạc Thiện,
đương nhiên có hai phả kia: Tập Thiện và An Lạc. Như vậy có lẽ hội Hướng
Thiện chia làm 3 phả ngay sau khi Nguyễn Văn Siêu mất năm 1872 và quân
Pháp đánh thành Hà Nội năm 1873. Vậy việc phụng thờ Đức Thánh Trần trong
đền Ngọc Sơn sớm nhất cũng chỉ có thể bắt đầu từ thời điểm đó. Tuy nhiên việc thờ ấy chỉ thực sự có ý nghĩa như Nguyễn Trọng Hợp chủ trương ("tàng",
tức duy trì chí khí và nhân tâm của sĩ phu và dân chúng thông qua hoạt
động văn hoá dân tộc) từ đầu triều vua yêu nước Thành Thái (lên ngôi năm
1889) mà Nguyễn trọng Hợp làm Phụ chính đại thần. Khoảng từ thời gian
đó bắt đầu việc lập đàn Thiện ngồi đồng để cầu xin thần thánh giáng bút,
gọi là "phù kê. "Phù kê" có từ xưa, nhưng nay có hai điều kỳ lạ: một
là, chư vị thần thánh giáng bút đều là người Việt, nhiều nhất là Đức
Thánh Trần và Mẫu Liễu Hạnh (dẫu có khi giáng bút bằng chữ Hán!), và hai
là, các bài kinh thường thấm đậm đạo lý cổ truyền, răn dạy đệ tử và
chúng sinh giữ đạo "nhân nghĩa" và lòng "trung hiếu".
Trong nhiều tập kinh "giáng bút" hiện lưu trữ ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội chúng tôi đã tìm thấy trong 4 sách bài "Chính kinh" (chữ "chính" với nghiã đã phân tích ở trên, tức “làm ngay thẳng” như chính tâm, chính phong tục) hoặc "Chân kinh" (chữ "chân" trong từ chân chính)
do Đức Thánh Trần "giáng bút", khắc in các năm 1894, 1900, 1904 và 1909
tại các đền Ngọc Sơn và Hà Yên (Hà Nội) và một số đền khác ở Nam Định,
Hải Dương. Ở 1 trong 4 sách đó có lời Tựa và Phàm lệ giải thích rõ bài
kinh này được Đức Thánh Trần "giáng bút" (bằng chữ Hán, sau mới được
diễn Nôm, tức chuyển dịch sang tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm) ngày Rằm
tháng 11 năm Tân mão (1891) đời vua Thành Thái ở đền thờ vọng Hà Lạc (Hà
Nội - Trúc Lạc phố, ở trên bờ hồ Tây), đã đệ trình hai đền thờ chính
Nam Lục (tức đền Bảo Lộc ở xã Mỹ Phúc ngoại thành Nam Định) và đền Vạn
Lạc (tức đền Vạn Kiếp ở Hải Dương), các đền vọng Hà Lạc và Hà Yên (Hà
Nội - Yên Ninh phố) biên tập kiểm lại, hai đền Hà Yên và Ngọc Sơn viết
chữ khắc in, bản khắc lưu trữ tại đền Hà Yên, và cuối cùng đã "hội đảo"
(tức hội họp cầu đảo) nghênh đón bài văn giáng bút này tại đền Ngọc Sơn[ii] <...>.
5.4. Để quảng bá "Chính kinh"
và các bài kinh tương tự của chư vị thần thánh dân tộc, ví dụ "Chân
kinh" của Liễu Hạnh, "Chính kinh" của Phạm Ngũ Lão ..., người ta dựng
thêm các đền thờ Trần Hưng Đạo ở nội ngoại thành Hà Nội và các địa
phương. Căn cứ sách "Đại Nam thần lục", biên soạn khoảng giữa đời
Tự Đức, đến giữa thế kỷ XIX trong cả nước chỉ có 27 đền thờ Trần Hưng
Đạo: Nam Định - 15, Hải Dương - 4, Quảng Yên - 4, Bắc Ninh - 4, Hà Nội
(bao gồm cả đất Hà Nam ngày nay) - 2[iii]. Vậy mà theo sách "Hà thành thần sắc",
biên soạn năm 1909, ở riêng các phố thôn nội thành Hà Nội, tính cả đền
Ngọc Sơn và 2 ngôi đền Hà Lạc và Hà Yên (đến 1909 chưa có sắc phong,
chứng tỏ cũng mới xuất hiện) đã có tổng cộng 7 ngôi đền thờ Ngài[iv]. Đó là chưa kể nhiều điện thờ
tại tư gia ở những phố đông dân mà sách báo có nhắc đến. Riêng tại đền
Ngọc Sơn, để việc giảng kinh tiến hành được thuận lợi, theo bia hiện còn
gắn trên tường, nhan đề "Tu bổ Ngọc Sơn từ bi ký", năm Thành Thái thứ 15, tức1903, phả An Lạc đã xây thêm một đàn giảng kinh mang tên "Hoằng Thiện kinh đàn",
vị trí ở bên trái gian chính điện (nay đã bị chiếm dụng làm nơi bán đồ
lưu niệm!). Tấm bia này có thể minh chứng cho mấy điểm sau đây:
-
Trong số phả viên An Lạc có con cháu và môn sinh các vị sáng lập hội
Hướng Thiện, tức là họ vẫn nối tiếp sự nghiệp của cha ông và thày học:
Vũ Cư (đích tôn của Vũ Tông Phan), Bùi Ngọc Đường, Bùi Huy Tấn (cháu họ
của Bùi Huy Tùng), Vũ Cẩn và Vũ Hán Bích (con cháu Vũ Đức Quang), Nguyễn
Huy Liên (cháu Nguyễn Huy Đức), Hoàng Đạo Thành (môn sinh Nguyễn Văn
Siêu), Nguyễn Duy Nhiếp (con Nguyễn Trọng Hợp) v.v...
-
Mối quan hệ mật thiết của các phả Thiện đền Ngọc Sơn với Đông Kinh
nghĩa thục: cùng với họ tên các phả viên đóng góp tiền công đức, có khắc
tên của hai yếu nhân trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục sau này là
cử nhân Lương Văn Can và hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền.
Chính nhân tố này đã thúc đẩy các phả Thiện Ngọc Sơn nhanh chóng dấn thân, chuyển từ "tàng" sang "hành"
với "Vụ đền Ngọc Sơn" nổi tiếng tháng 3 năm Bính Ngọ (1906), tiếp ngay
là vụ diễn thuyết Rằm tháng Giêng năm sau, 1907, của hai "cậu Cử" Lương
Trúc Đàm và Dương Bá Trạc, cổ động cho công cuộc duy tân và mở trường
Đông Kinh Nghĩa Thục, đều bị cảnh binh Pháp ập đến vây bắt. Chúng tôi
cho rằng hội viên của 3 phả Thiện Ngọc Sơn chắc hẳn đã trở thành một lực
lượng đáng kể triển khai hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục chẳng những
ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương, bởi vì trên bia nói trên có khắc
tên một số phả viên An Lạc từ Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây.
Một
điều càng thú vị nữa là trên tấm bia công đức của phả An Lạc còn khắc
tên của một loạt các vị quan đương chức trong triều Nguyễn và chính
quyền bảo hộ, trong đó nhân vật rất đáng chú ý là Tuần phủ Bắc Ninh Đoàn
Triển (1854 - 1919, đỗ cử nhân năm 1886), sau còn thăng đến Tổng Đốc
Bắc Ninh và Nam Định. Về tư tưởng duy tân giáo dục của Đoàn Triển E.
Poisson đã viết[v].
Chúng tôi chỉ xin bổ sung hai điều: một là, theo một tấm bia mới phát
hiện năm 2001 ở làng Hữu Thanh Oai huyện Thanh Trì Hà - Nội Tuần phủ
Đoàn Triển đã tự bỏ tiền, ruộng của mình ra để lập tại đây từ năm 1906
một trường dạy chữ quốc ngữ và những môn học theo học quy mới mà chính
ông đã kiến nghị[vi].
Ông cùng một vị quan lớn khác là Tổng đốc Bắc Ninh phó bảng Phạm Văn
Thụ thường đứng tên với một số Nho sĩ như Phạm Huy Hổ, Ngô Giáp Đậu,
Hoàng Đạo Thành biên soạn "tân thư" cho nền tiểu học và trung học mới.
Phải chăng họ cũng ra làm quan theo chủ trương "tàng" của Nguyễn
Trọng Hợp mà học giả phương Tây nọ đã đoán ra thâm ý? Có lẽ phải nghiên
cứu kỹ hơn về liên hệ tư tưởng và những quan hệ thực tế khác nhau
(người chống phá, người ngấm ngầm ủng hộ) của các ông quan thời kỳ cuối
thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX với phong trào văn thân yêu nước, bởi dẫu
sao họ vẫn cùng một hệ tư tưởng Nho giáo và cùng một lò đào tạo.
5.5.
Chẳng phải ngẫu nhiên Thống sứ Bắc kỳ gửi thông tư "Mật" cho Công sứ
các tỉnh chỉ thị cho biết ngay về các đền miếu có giảng "Thiện thư", lại
đặc cách "noté" các đền Ngọc Sơn, Quan Thánh với những hội có "sáng lập
viên" (?) là Nguyễn Thượng Hiền, Đào Nguyên Phổ, Cử Can[vii]
... . Ông ta bắt đầu đánh hơi thấy mối quan hệ của các đàn giảng kinh
"giáng bút" của chư vị thần thánh Việt Nam với phong trào văn thân yêu
nước. Giá như mà tìm được "sổ đen" của mật thám Pháp thời ấy để đối
chiếu với danh sách các phả viên trên các bia trong đền!
<…>
陳 朝 顯 聖 正 經 文
吾 < 吾 字 誦 大 王 字 > 在陳時欽 蒙
玉 旨 降 生 扶 國 救 民 惟 忠 惟孝 勳成 果 滿 再 奉 回 證 神 位
敕 封 九 天 武 帝 鎮 治 南 方 顯 灵 振 威 欽 差 文 武 部 官 上 遵 聖
令 下 度 人 間
兹 察 之 下界 眾 弟 子 等 身 雖 投 誠 而 心 不 内 省 所 以 求 之有 應
應 之 不 久 终 淪 寂 寞 世 道 人 心 可 勝 哉
吾 今 據 范 殿 帥 将 軍 恭 迎
神 駕 光 臨 河 樂 望 祠 降 筆 成 經 以 訓 世 曰
人 生 天 地 間 要 當 做 聖 賢 事 業
事業者何 忠 孝 而 已 忠 孝 為 五 倫 之 首 闕 一 不 可 爾 等 當 思
爲 子 如 何 克 孝
爲 臣 如 何 克 忠
兄 弟 如 何 克 和
夫 婦 如 何 克 敬
朋 友 如 何 克 信
上 則 敬 天 神 事 祖 先 下 則 度 陰 魂 行 陰 隲 如 此 為 人 庶 乎 盡 道
不 然 生 懼 王 法 死 受 天 譴 永 离 人 類 不 由 人 道 哀 哉
爾 等既 投 為 吾 弟 子 早 早 回 頭 举 行 眾 善 能 去 諸 惡 首 敦 五 倫
次 行 陰 隲 酒 色 財 氣 嚴 而 絕 之 驕 吝貪 汙禁 而 戒 之 行 吾 仁 義
不 恤 人 言 守 吾 忠 孝 不 紛 俗 念 處 家 庭 以 質 撲 遗 子 孫 以 忠 厚
士 農 工 商 各 有 常 業
不 淪 淪 薄
咸 歸 厚 德
自 然 神 欽 鬼 怕 災 去 福 來 不 必 瀆 祈 吾 神 而 千 祥 雲 集 萬 福 骈
臻 豈 不 樂 哉
爾等勉而行之倘 違 吾 訓 勿 誦 吾 經
凛 之
皇朝成太叁年歲在辛卯拾壹月望日未牌降
Trần triều hiển thánh Chính kinh văn
Ngô [ngô tự tụng Đại vương tự] tại Trần thì khâm mông
Ngọc chỉ giáng sinh, phù quốc cứu dân, duy trung duy hiếu, huân thành quả mãn, tái phụng hồi chứng Thần vị.
Sắc
phong Cửu Thiên Vũ Đế, trấn trị Nam phương, hiển linh chấn uy khâm sai
văn võ bộ quan, thượng tuân Thánh lệnh, hạ độ nhân gian.
Tư
sát chi hạ giới chúng đệ tử đẳng, thân tuy đầu thành nhi tâm bất nội
tỉnh, sở dĩ cầu chi hữu ứng, ứng chi bất cửu, chung luân trầm mịch, thế
đạo nhân tâm khả thắng tai.
Ngô kim cứ Phạm Điện suý Tướng quân cung nghênh
Thần giá quang lâm Hà Lạc vọng từ, giáng bút thành kinh dĩ huấn thế. Viết:
Nhân sinh thiên địa gian, yêu đương tố Thánh hiền sự nghiệp.
Sự nghiệp giả hà? Trung hiếu nhi dĩ!
Trung hiếu vi ngũ luân chi thủ, khuyết nhất bất khả. Nhĩ đẳng đương tư!
Vi tử như hà khắc hiếu,
Vi thần nhi hà khắc trung,
Huynh đệ như hà khắc hoà,
Phu phụ như hà khắc kính,
Bằng hữu như hà khắc tín.
Thượng tắc kính Thiên Thần, sự Tổ Tiên; hạ tắc độ âm hồn, hành âm chất. Như thử vi nhân thứ hồ tận đạo.
Bất nhiên: sinh cụ Vương pháp, tử thụ Thiên khiển, vĩnh li nhân loại, bất do nhân đạo. Thương tai!
Nhĩ
đẳng kí đầu vi ngô đệ tử, tảo tảo hồi đầu, cử hành chúng thiện, năng
khứ chư ác. Thủ đôn ngũ luân, thứ hành âm chất. Tửu sắc, tài khí nghiêm
nhi tuyệt chi; kiêu lận, tham ô cấm nhi giới chi. Hành ngô nhân nghĩa,
bất tuất nhân ngôn. Thủ ngô trung hiếu, bất phân tục niệm. Xử gia đình
dĩ chất phác, di tử tôn dĩ trung hậu. Sĩ, nông, công, thương các hữu
thường nghiệp, bất luân luân bạc. Hàm quy hậu đức!
Tự
nhiên Thần khâm Quỷ phạ, tai khứ phúc lai; bất tất độc kì ngô thần nhi
thiên tường vân tập, vạn phúc biền trăn. Khởi bất lạc tai?
Nhĩ đẳng miễn nhi hành chi. Thảng vi ngô huấn, vật tụng ngô kinh!
Lẫm chi !
Hoàng triều Thành Thái tam niên tuế tại Tân Mão
thập nhất nguyệt vọng nhật Vị bài giáng
.
.
Bài văn Chính kinh của vị Hiển thánh triều Trần
Ta
[khi tụng chữ “Ta” đọc thành “Đại Vương”] dưới triều Trần, vâng chỉ
Ngọc Hoàng giáng sinh, phù quốc cứu dân, một lòng Trung - Hiếu. Công
thành quả mãn, lại vâng mệnh trở về, sung ngôi Thần linh;
Được
sắc phong Cửu Thiên Vũ Đế trấn trị phương Nam, hiển hiện linh thiêng
phấn chấn uy quyền, trên tuân Thánh lệnh, dưới độ nhân gian.
Nay
xét hàng đệ tử chúng dân nơi hạ giới: thân tuy khấu đầu mà lòng chưa
tỉnh ngộ. Cho nên: cầu dù có ứng mà chẳng bền lâu, suốt đời đắm chìm
trong u tối, thế đạo nhân tâm trôi nổi lênh đênh. Khá thương thay!
Ta
nay cậy Điện suý Tướng quân họ Phạm cung nghênh Thần giá quang lâm Đền
vọng Hà Lạc, giáng bút thành kinh răn dạy người đời. Kinh rằng:
Người ta sinh ở đời phải thực hành sự nghiệp Thánh hiền.
Sự nghiệp nào vậy? Là Trung - Hiếu đó!
Năm rường mối thảy lấy Trung - Hiếu làm đầu, không thể thiếu một. Các ngươi khá nhớ lấy!
Làm con, gắng sao trọn chữ Hiếu,
Làm tôi, gắng sao trọn chữ Trung,
Anh em, gắng sao trọn chữ Hoà,
Vợ chồng, gắng sao trọn chữ Kính,
Bè bạn, gắng sao trọn chữ Tín .
Trên tôn kính Trời Thần, phụng thờ Tổ Tiên; dưới cứu độ âm hồn, âm thầm hành thiện. Có vậy làm người mới mong trọn đạo.
Bằng không: sống sợ phép Vua, chết bị Trời phạt, mãi mãi xa rời nhân loại, không còn theo đạo làm người. Khá thương thay!
Các
ngươi đã quy làm đệ tử ở cửa Ta thì hãy mau mau tỉnh ngộ, làm điều
thiện, trừ điều ác; trước gắng đôn đốc năm rường mối, sau âm thầm làm
việc công đức. Tệ hám tửu sắc, tham bạc tiền đều kiên quyết dứt bỏ; thói
ngạo mạn, tham ô thảy nghiêm khắc diệt trừ. Hãy làm theo Nhân – Nghĩa
của Ta, chẳng bận tâm lời khen chê của người đời. Hãy gìn giữ Trung -
Hiếu của Ta, không vấn vương lề thói tầm thường của thiên hạ. Lấy chất
phác mà đối xử trong nhà, đem trung hậu mà khuyên răn con cháu. Sĩ,
nông, công, thương - người người yên nghiệp, không vương phận bọt bèo
nổi trôi. Thảy đều quy về đức đôn hậu!
Tự
khắc Thần trọng Quỷ sợ, hoạ đi phúc đến; bất tất phải cầu xin thần uy
của Ta mà nghìn lành quy tụ, vạn phúc chen vai. Há chẳng vui sao?
Các ngươi khá gắng gỏi mà làm! Nhược bằng trái lời Ta dạy, thời chớ tụng niệm kinh Ta!
Khá kính cẩn vâng theo đó!
Triều Thành Thái năm thứ ba Tân Mão [1891]
ngày Mùi Rằm tháng Một giáng bút xong.
Hậu học Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi kính cẩn phiên âm và dịch nghĩa
Hà thành, Canh Thìn 2000, kỵ nhật 20 – 8
Tảo Trang Vũ Tuân Sán hiệu đính Mậu Tý 2008, ngày Rằm Trung thu.
[i] Dumoutier G. – Les pagodes de Hanoi. – nxb F.H. Schneider, 1887.
[ii] Trần triều hiển thánh Chính kinh tập biên. (Thành Thái canh tý [1900] trọng xuân thuyên ) - Viện nghiên cứu Hán Nôm, số ký hiệu A. 2382.
[iii] Đại Nam thần lục. - Viện nghiên cứu Hán Nôm, số ký hiệu A. 2913 (xin lưu ý: sách Hán Nôm thư mục đề yếu ghi nhần ký hiệu!).
[iv] Hà thành thần sắc. - Viện nghiên cứu Hán Nôm, số ký hiệu: A. 840/1 – 8.
[v] Poisson E. – Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam. Một bộ máy hành chính trước thử thách (1820 - 1918) - Người dịch: Đào Hùng, Nguyễn văn Sự, nxb Đà Nẵng 2006, tr. 317 – 319.
[vi] Vũ Băng Tú - Từ một tấm bia mới phát hiện của cụ Đoàn Triển: biết được ngôi trường cách tân giáo dục ở một vùng quê. – Thông báo Hán Nôm học năm 2002, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nôi 2003, tr. 580 – 585.
[vii] Tảo Trang (Vũ Tuân Sán) - Hội Hướng Thiện và đền Ngọc Sơn. - Tạp chí Hán Nôm số 4 / 1997.
*Bài viết do Nhà giáo Vũ Thế Khôi gửi trực tiếp Nguyễn Xuân Diện -Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!
No comments:
Post a Comment