26/02/2013 ( Tiếp theo bài CHẾT TRƯỚC KHI ĐƯỢC SỐNG)
Viết tiếp về dự án Bauxite Tây Nguyên
Lê Trung Thành
Bài 2: TỔ HỢP BAUXITE NHÂN CƠ –
CÁI BÁNH VẼ XƯƠNG XẨU?
…Cộng
“tất tần tật” mấy khoản lớn ấy, chi phí một năm cho Tổ hợp Nhân Cơ xấp
xỉ 7.000 tỷ đồng. Lúc ấy giá thành 1 tấn alumin sẽ… hơn 10 triệu đồng.
Quy đổi ra USD, là gần 500 USD/tấn.
Cứ
tạm cho lập luận của Vinacomin hôm nay là đúng (cho tương lai mấy năm
nữa), giá 1 tấn alumin sẽ là 450 USD, thì Nhân Cơ vẫn lỗ 50 USD/1 tấn.
Một năm, lỗ khoảng 30 triệu USD. Đã lỗ như thế Vinacomin tìm đâu ra tiền
để trả nợ gốc???
|
Trong
tất cả các văn bản liên quan đến việc “hợp tác” khai thác bauxite Tây
Nguyên giữa Việt Nam và Trung Quốc đều ghi rõ “Sẽ tích cực thúc đẩy các
doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bô-xit Đắc Nông”, hoặc “Khẩn
trương bàn bạc và thực hiện các dự án lớn như bô-xít Đắc Nông”… và “hai
bên tăng cường hợp tác trong các dự án như bô-xít Đắc Nông”.
Cái
tên Đăk Nông được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần như thế bởi tầm quan
trọng chiến lược của vùng đất chiếm 67% trữ lượng bauxite cả nước và có
thể khai thác được 1,5 tỷ tấn! Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào vô tận
dư sức đáp ứng nhu cầu cấp thiết của ngành công nghiệp nhôm Trung Quốc
vì theo tính toán, nếu cứ khai thác với công suất lớn như trong chục năm
cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, tới năm 2014, Trung Quốc sẽ cạn kiệt
nguồn bauxite.
Được Chính phủ và Vinacomin chọn
làm trung tâm khai thác và chế biến bauxite của Việt Nam, bản Quy hoạch
năm 2007 đưa ra kế hoạch xây dựng các nhà máy alumin (nhôm oxit) Đăk
Nông 1 (tức Nhân Cơ)… có công suất 0,3 - 0,6 triệu tấn/năm (T/năm) và
Đăk Nông 2, 3, 4 đều có công suất từ 1,5 - 2 triệu T/năm trong giai đoạn
đầu. Sau năm 2015 sẽ tăng lên 3 - 4 triệu T/năm theo sự phát triển của
thị trường nhôm thế giới.
Tập đoàn công nghiệp
Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) làm chủ đầu tư xây dựng trước
nhà máy alumin Nhân Cơ vừa được nâng công suất 100.000 T/năm lên 300.000
T/năm (năm 2006) và tới tháng 5/2008, lại được nâng lên 600.000T/năm.
Dưới hình thức thành lập công ty cổ phần có vốn điều lệ 600 tỷ đồng do
Vinacomin chiếm tỷ lệ góp vốn 83,33%, còn các doanh nghiệp sản xuất than
trong Tập đoàn góp “chút chút” để có tên trong các cổ đông sáng lập,
tạo thuận lợi cho các cổ đông có công ăn việc làm mới và chia lợi nhuận
trong tương lai. Vào thời điểm 2008, Tập đoàn Alcoa Hoa Kỳ và một công
ty của Úc đã thương thảo với Vinacomin, đồng ý góp 40% vốn xây dựng nhà
máy Nhân Cơ 1 nên trong văn bản ngày 2/5/2008, Chính phủ đã “cho
phép TKV thành lập công ty cổ phần với sự tham gia của công ty alumin
nước ngoài với mức cổ phần không quá 40%, TKV giữ 51%, bán cổ phần ra
công chúng 9%. Hàng năm, công ty cổ phần này nộp ngân sách nhà nước 10%
lợi nhuận sau thuế của công ty”.
Một
quyết định có lợi cho TKV và cũng là dịp thí điểm hợp tác với những ông
trùm công nghiệp nhôm trên thế giới để rút kinh nghiệm cho các dự án
chuẩn bị triển khai tại Đăk Nông. Cái bánh ngon nhất đã dành cho
Vinacomin khiến ông Đoàn Văn Kiển tổ chức buổi ra mắt công ty cổ phần
rất long trọng và đầy phấn khích ngay tại Đăk Nông – thủ phủ của ngành
công nghiệp bauxite - nhôm vừa manh nha của Việt Nam.
Thế
nhưng, khi vừa được ông Hoàng Trung Hải đồng ý cho Vinacomin giao gói
thầu chính cho Chalieco dựa trên khung giá đấu thầu xây dựng nhà máy
alumin Tân Rai vào ngày 17/9/2008 thì sóng gió nổi lên. Những lá thư
thống thiết, những bản kiến nghị rạch ròi, những ý kiến phản biện sâu
sắc tại các cuộc hội thảo và dư luận xã hội dẫn tới bản thông báo ý kiến
của Bộ Chính trị ngày 24/4/2009 (văn bản số 245- TB/TW) ghi rõ: “Chưa chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài” nên Alcoa rút chân khỏi Nhân Cơ và Tập đoàn luyện kim Vân Nam rút khỏi dự án Tân Rai.
Không
có 40% vốn nước ngoài như thỏa thuận ban đầu, tổ hợp Nhân Cơ chỉ còn
lại Vinacomin gánh chịu. Số vốn đầu tư hơn 680 triệu USD là khoản tiền
quá lớn chưa rõ nguồn vay nên Chính phủ và Bộ Tài chính đồng ý cho
Vinacomin phát hành trái phiếu nhưng không thành công. Mãi tới ngày
10/10/2011, khi quyết định số 44 TTg của Thủ tướng có hiệu lực, trong
danh mục các dự án được Chính phủ xem xét bảo lãnh có ghi “các dự án đầu
tư khai thác alumin và nhôm” thì Vinacomin mới tạm yên tâm thi công dự
án Nhân Cơ đã được khởi công từ ngày 28/2/2010 với sự chứng kiến của Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Khi phê duyệt dự án,
Vinacomin tính toán giá thành sản xuất 1 tấn alumin ở mức 254 USD và giá
xuất khẩu là 372 USD. Mỗi năm, nhà máy thu về trên dưới 200 triệu USD.
Tỷ lệ nội hoàn (hoàn vốn nội bộ) IRR là 10,45%. Có nghĩa là, với lãi
suất hơn 120 USD một tấn, nhà máy sẽ thu hồi vốn sau gần 9 năm! So với
đời dự án là 30 năm thì tổ hợp bauxite Nhân Cơ sẽ mang lại lợi nhuận lý
tưởng cho Tập đoàn, cho đất nước, cho địa phương. Để minh chứng sự đóng
góp của mình, “Vinacomin sẽ: nộp thuế xuất khẩu (coi như nộp ngân
sách nhà nước) 200 tỷ, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 287 tỷ, thuế tài
nguyên 6,2 tỷ, thuế đất 1,9 tỷ và phí bảo vệ môi trường 110 tỷ. Số tiền
thuế, tổng cộng 405 tỷ này Đăk Nông được thụ hưởng!”.
Người dân Đăk Nông hi vọng thị xã Gia Nghĩa trở thành thành phố có 200 ngàn dân nhờ công nghiệp nhôm - bauxite phát triển
Với
tỉnh nghèo như Đăk Nông, số tiền trên là điều nằm mơ chưa bao giờ thấy
nên nhiều người chờ mong ngày dự án Nhân Cơ xuất mẻ alumin đầu tiên
chóng đến… Nhưng đã hai năm rồi, lời hứa cuối năm 2012 sẽ hoàn thành lại
kéo dài tới giữa năm 2014, và cứ theo kinh nghiệm của Tân Rai thì qua
năm 2015 dự án Nhân Cơ mới có thể hoạt động. Càng chậm tiến độ, tổng vốn
đầu tư càng tăng mạnh. Nếu vào năm 2008, theo thời giá, số vốn cần
khoảng 12.000 tỷ thì tới nay, phải điều chỉnh lên thành 17.000 tỷ tương
đương 830 triệu USD, tăng 150 triệu USD. Các loại chi phí quản lý dự án,
trả lãi tiền vay cùng tăng theo khiến chủ đầu tư lún sâu vào khó khăn,
bế tắc không dễ gì tìm được cách tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ.
Cho
đến tháng 1/2013, toàn dự án mới đạt 45% giá trị, nhiều hạng mục quan
trọng chưa khởi động, chủ đầu tư mới giải ngân cho các nhà thầu khoảng
5000 tỷ đồng. Như vậy đã là một cố gắng lớn trong lúc Vinacomin đang nợ
đầm đìa.
Tuy rằng sản phẩm alumin của Tổ hợp
bauxite Nhân Cơ còn cả năm nữa mới ra lò (nếu thuận buồm xuôi gió),
nhưng nỗi lo chi phí giá thành sản xuất cao, giá xuất khẩu thấp đang là
bài toán hóc búa đến mức Vinacomin phải tính toán lại để báo cáo Chính
phủ.
Nếu alumin Tân Rai phải chịu lỗ ngay trong
quí 2/2013 thì Nhân Cơ còn cơ hội tìm biện pháp giảm thiểu lỗ thông qua
các hợp đồng ký giữa Tân Rai và các khách hàng nước ngoài đồng thời
nghiên cứu phương án vận chuyển sao cho có thuận lợi nhất mặc dù chặng
đường từ Nhân Cơ về cảng Gò Dầu dài hơn từ Tân Rai 55-60 km.
Giữa
lúc có nhiều ý kiến của các nhà kinh tế phân tích sự thua lỗ tất yếu
của Tổ hợp bauxite Nhân Cơ và khuyến nghị Vinacomin dũng cảm đề nghị
Chính phủ cho tạm dừng dự án thì các nhà lãnh đạo Vinacomin đã trả lời
dứt khoát là không nên dừng. Họ vẫn tin tưởng vào giá alumin thị trường
thế giới sẽ tăng lên 400 - 500 USD một tấn sau vài năm nữa. Bán được giá
cao, Nhân Cơ sẽ có lãi và thu hồi vốn mấy chốc, ngoài ra còn mang lại
nguồn lợi cho địa phương, tạo việc làm cho 1500 người lao động…
Chủ
đầu tư - Vinacomin đang cố gắng bảo vệ quan điểm của mình trước dư luận
bằng những ngôn từ chung chung, họ không dám công bố số liệu cần thiết
để cho mọi người hiểu rõ thực hư. Những đám mây mù, vì thế cứ lởn vởn
quanh hai dự án Nhân Cơ và Tân Rai khiến dư luận càng thiếu tin tưởng vì
sự không minh bạch của nhiều doanh nghiệp nhà nước.
Tuy
không đủ các số liệu chi tiết để tính toán chi phí giá thành sản xuất
cho nhà máy Nhân Cơ hay Tân Rai (vì đến Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng còn
không dám nhận lời tính cho Vinacomin) nhưng trên các số liệu cơ bản,
có thể “tạm” đưa ra những loại chi phí lớn dưới đây để tham khảo:
–
Trong một năm, Tổ hợp bauxite Nhân Cơ tiêu thụ gần 500.000 T than cám
4B và than cục, tiền mua và vận chuyển đường biển từ Quảng Ninh tới cảng
Gò Dầu - Đồng Nai khoảng 1.700 tỷ, phục vụ cho Nhà máy điện công suất
30MW và nhà máy Khí hóa than.
– Nhà máy alumin
cần 52.000 T xút khô (NaOH rắn) để vận chuyển lên nhà máy dễ dàng, an
toàn. Chi phí khoảng 200 tỷ. Nhà máy cũng cần 50.000 T vôi trị giá 100
tỷ, và 10.000 T đá vôi, khoảng 10 tỷ, cộng với 65 T axit sunfuric (H2SO4) loại 95% khoảng 2 tỷ. Tổ hợp cũng tiêu thụ 2.000 T dầu FO và 70 T dầu DO, khoảng 38 tỷ… Cộng chung là 2.050 tỷ.
– Nếu tính tiền vận chuyển bình quân 600.000 đồng/1 tấn, chi phí chở nguyên vật liệu chiều lên nhà máy hết khoảng 350 tỷ đồng.
Tổng cộng là 2.400 tỷ.
–
Tổng mức đầu tư cho toàn dự án chốt giá 17.000 tỷ thì tạm tính lãi suất
6% năm, chủ đầu tư phải trả lãi khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Tính đời dự
án là 30 năm thì chi phí khấu hao xấp xỉ 600 tỷ/năm. Hai loại chi phí
này cộng thêm các loại thuế Vinacomin “dự định” nộp vào ngân sách nhà
nước và địa phương hơn 600 tỷ nữa là 2.200 tỷ đồng.
–
Khoản chi phí sản xuất, tuyển quặng bauxite, vận hành các nhà máy, trả
lương… khoảng 2.000 tỷ đồng. Nếu chạy hết công suất, Tổ hợp Nhân Cơ xuất
xưởng 600.000 T alumin thì phải cộng thêm 360 tỷ đồng tiền vận chuyển
từ nhà máy về cảng Gò Dầu.
Cộng “tất tần tật”
mấy khoản lớn ấy, chi phí một năm cho Tổ hợp Nhân Cơ xấp xỉ 7.000 tỷ
đồng. Lúc ấy giá thành 1 T alumin sẽ… hơn 10 triệu đồng. Quy đổi ra USD,
là gần 500 USD/T.
Cứ tạm cho lập luận
của Vinacomin hôm nay là đúng (cho tương lai mấy năm nữa), giá 1T alumin
sẽ là 450 USD, thì Nhân Cơ vẫn lỗ 50 USD/1T. Một năm, lỗ khoảng 30
triệu USD. Đã lỗ như thế Vinacomin tìm đâu ra tiền để trả nợ gốc???
Còn
theo chiều hướng của nền kinh tế thế giới và của ngành công nghiệp nhôm
toàn cầu thì nếu có hồi phục, 1T nhôm chỉ tăng thêm 15-25 % nữa. Lúc
đó, cả Nhân Cơ và Tân Rai ngắc ngoải vì lấy đâu ra tiền để chống đỡ
khoản lỗ lớn kéo dài năm này qua năm khác???
Chủ
đầu tư - Vinacomin đang cố gắng bảo vệ quan điểm của mình trước dư luận
bằng những ngôn từ chung chung, họ không dám công bố số liệu cần thiết
để cho mọi người hiểu rõ thực hư. Những đám mây mù, vì thế cứ lởn vởn
quanh hai dự án Nhân Cơ và Tân Rai khiến dư luận càng thiếu tin tưởng vì
sự không minh bạch của nhiều doanh nghiệp nhà nước.
Hàng trăm ha càphê đang mùa thu hoạch bị đốn phá để giao đất cho dự án bauxite Nhân Cơ
Mấy hôm trước, có một thông tin ngắn nhưng rất “lãng mạn”, đó là giá 6 tấn alumin… mới bằng 1 tấn cà phê!
Người dân các xã Nhân Cơ, Nghĩa Thắng huyện Đak R’Lấp đã tự tay mình
chặt phá gần 600 trăm ha cà phê và gần 200 ha điều, hồ tiêu… đang mùa
thu hoạch để giao cho Vinacomin xây dựng dự án. Họ rời khỏi bản làng,
nương rẫy, tìm kế khác mưu sinh để góp phần xây dựng quê hương mau giàu
có mau đổi thay, nhưng liệu Vinacomin đáp đền ân nghĩa ấy như thế nào
nếu cứ làm ăn thua lỗ???
L.T.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
No comments:
Post a Comment