Buôn làng mừng xuân
Cập nhật lúc 10:09, Thứ Hai, 18/02/2013 (GMT+7)
Khi xuân còn ngấp nghé ngoài cổng làng,
đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nô nức tổ chức các lễ hội truyền
thống của dân tộc mình, như: Mừng lúa mới (dân tộc S’tiêng, Chơro), Lồng
Tồng (Tày), lễ cúng trăng cầu mùa màng Chol Chnam Thmay (Khmer)… để lưu
giữ truyền thống.* Mừng lúa mới
Lúa trên nương vừa thu hoạch xong, cánh đồng chỉ còn trơ lại gốc rạ, cũng là lúc đồng bào Chơro, S’tiêng trên địa bàn tỉnh chuẩn bị lễ hội mừng lúa mới để tạ ơn “các vị thần” đã cho họ mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Theo lời kể của những người cao niên tại làng dân tộc Chơro, ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), trước kia đồng bào chỉ làm lúa rẫy mỗi năm 1 vụ, lúa được tỉa vào tháng 4-5 và thu hoạch vào tháng 10-11 (âm lịch). Khi thăm đồng thấy cây lúa chín đều thì mỗi nhà chuẩn bị 1 con gà, giã một khay cốm và vào rừng săn thêm con thú, chuẩn bị sẵn vài ghè rượu cần để cúng tạ ơn các vị thần đất, thần nước, thần rừng…, rồi mới tiến hành ra đồng thu hoạch lúa.
Trang trí cây nêu để mừng lúa mới. |
Hôm sau, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi cây rừng thì mọi người lũ lượt kéo nhau lên rẫy, mang gùi tuốt lúa. Khi lúa đã về nhà, cả làng bắt đầu cúng tập thể tại nhà rông, mỗi gia đình góp 1 con gà, 1 ghè rượu và 1 khay cốm. Tất cả được bày dọc theo 2 hàng của nhà rông. Chuẩn bị xong, từng nhà cử đại diện ngồi vào mâm lễ của mình, trai làng đi xung quanh nổi cồng chiêng, già làng cầu mong cho sự bình yên, ấm no chung của cả làng. Già làng được phép ăn và uống rượu trước tiên và cuộc vui thường kéo dài thâu đêm.
Bên tách trà ngày đầu năm mới, già làng Năm Nổi (làng Chơro, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) nói về nghi lễ mừng lúa mới truyền thống. Để tổ chức lễ cúng, đàn ông Chơro vào rừng chọn những cây tre cao, thẳng đem về khoảng sân để hành lễ. Họ lấy hai cây tre non cao từ 3-4m chẻ ngọn thành các nhánh được trang trí bằng những hình vuông với các chùm hình bông (giống như hình tròn) tỉa ra. Chính giữa cây tre cắm chùm gai mây tượng trưng cho bông lúa. Cây tre được phân chia thành nhiều nấc, với các hình vuông, tròn bao trùm và tỏa xuống phía dưới gốc có nhiều dây trang trí các hình tượng con dê bằng lạt tre trông rất sinh động.
Còn già làng K’Lự ở ấp 4, xã Tài Lài (huyện Tân Phú) thì bày tỏ, chu kỳ tổ chức lễ hội cũng thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, như: 3 năm mới tổ chức lễ lớn 1 lần, bỏ tục đâm trâu, không tổ chức theo hộ gia đình mà tổ chức theo cộng đồng, hội mừng lúa mới được làng tổ chức song song với mừng tết cổ truyền của dân tộc Kinh. Già làng K’Lự nói: “Ngày nay, đồng bào Chơro tổ chức hội mừng lúa mới chủ yếu để duy trì nét truyền thống của dân tộc mình và lưu giữ cho con cháu những nghi thức hay, đẹp. Quá trình tổ chức lễ hội, đồng bào đã xóa bỏ các nghi thức lễ lạc hậu, tổ chức ăn uống kéo dài…”.
* Hội của người dân xa xứ
Thông thường, cứ mỗi 3 năm, đồng bào dân tộc Tày ở ấp 8, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) tổ chức lễ hội Lồng Tồng một lần vào ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch. Người già Trương Thanh cho chúng tôi biết, đây là lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc ông. Lễ hội được tổ chức với mong ước một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc.
Ông Vũ Đình Thư, Trưởng ấp 8, xã Thanh Sơn cho biết, do đặc thù của cư dân nên 3 năm địa phương phối hợp cùng với bản làng tổ chức lễ hội Lồng Tồng một lần (theo tập quán thì mỗi năm/lần). Mục đích tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày nơi vùng sâu, sản xuất lúa nước. Dân bản của ông tổ chức lễ hội ngoài việc tạo sân chơi cho cộng đồng, giới thiệu nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày và giao lưu văn hóa các dân tộc…, còn nhằm mục đích tưởng nhớ cố hương sau những năm về xã Thanh Sơn lập làng, dựng nghiệp.
Ngày Tết Mừng lúa mới, nhà nào cũng sắm váy mới, áo mới cho thanh niên; phụ nữ ai cũng đeo bằng hết các trang sức mà mình có để khoe với mọi người trong buôn; các gia đình đều có hàng chục ché rượu cần và cũng mổ trâu, bò, heo… để đãi bà con buôn làng. |
Hàng năm, cứ vào ngày 14 đến 16-4 đồng bào Khmer tại ấp Hiệp Nhất (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) và các vùng lân cận tụ hội về chùa Thái Hòa mừng hội Chol Chnam Thmay. Ông Kim Hường, người có uy tín tại bum Khmer tổ 4, ấp Hiệp Nhất, cho biết, lễ hội Chol Chnam Thmay mang ý nghĩa đón mừng năm mới, mừng thêm một tuổi, là lễ hội lớn nhất của đồng bào Khmer trong năm (tương tự như Tết Nguyên đán của người Kinh). Ngoài ra, lễ hội Chol Chnam Thmay còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ mùa tới. Hội Chol Chnam Thmay diễn ra liên tục trong 3 ngày. Ông Kim Hường nói: “Do điều kiện kinh tế, quần thể cư dân ít nên đồng bào Khmer ở đây tổ chức hội Chol Chnam Thmay chú trọng giữ đúng nghi thức cổ điển về lễ với sự giúp đỡ của các sư trong chùa. Còn về hội, đồng bào chỉ tổ chức được các tiết mục sinh hoạt cộng đồng, như: múa lâm vong đôi, tập thể và múa quân mà thôi. Chuyện tổ chức ăn uống tại chùa phải là tiệc chay, chứ không phải mặn, uống rượu thỏa sức như những nơi khác”.
Đoàn Phú
No comments:
Post a Comment