Saturday, February 23, 2013

Nhóm SCT có mặt vì lương tâm và trách nhiệm

SCT-Nhóm SCT có mặt vì lương tâm và trách nhiệm. Các cố vấn, thành viên và ủng hộ viên của nhóm hoạt động một cách hoàn toàn tự nguyện và tự giác với ý thức trọn vẹn của một công dân tốt toàn cầu (good global citizen).

Đạo đức môi trường: Tự xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm. 

Trong những năm qua, nhà nước ta đã có nhiều văn bản mang tính pháp lý về vấn đề bảo vệ môi trường, đồng thời tham gia nhiều công ước quốc tế, nghị định thư về bảo vệ môi trường ở khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, việc thực hiện bảo vệ môi trường của chúng ta hiện vẫn còn rất yếu. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS, TS Vũ Dũng, Viện trưởng Viện Tâm lý học, Chủ nhiệm đề tài "Đánh giá đạo đức môi trường ở nước ta hiện nay" về vấn đề trên.

- Giáo sư có thể cho biết các tiêu chí để đánh giá đạo đức môi trường?

- Tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá đạo đức môi trường là việc thực hiện các công ước quốc tế, luật và đạo luật, các nghị định của chính phủ, các chỉ thị, quyết định của các bộ, ngành về vấn đề bảo vệ môi trường. Ngoài các văn bản pháp quy trên, còn có quy định của các cộng đồng dân cư (tổ dân phố, khu dân cư ở đô thị, thôn xóm ở nông thôn), các quy ước hay hương ước, luật tục... về bảo vệ môi trường. Tiêu chí quan trọng thứ hai là sự tự ý thức của con người về nghĩa vụ của mình đối với việc bảo vệ môi trường. Điều này thể hiện ở sự quan tâm của con người đối với môi trường khi con người khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế, xã hội. Nghĩa vụ đối với hành vi bảo vệ môi trường còn thể hiện ở chỗ con người luôn ý thức được về mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích của cá nhân cộng đồng, xã hội với yêu cầu bảo vệ môi trường. Tiêu chí thứ ba xác định đạo đức môi trường là việc thực hiện các hành vi bảo vệ môi trường không phải là bắt buộc, mà có tính tự giác, tự nguyện. Trong thực tế, nhiều hành vi của con người được thực hiện một cách bắt buộc. Chẳng hạn, khi tham gia giao thông trên đường, mọi người phải chấp hành theo các tín hiệu giao thông. Đây là hành vi bắt buộc vì nếu không thực hiện, thì các cá nhân hay tổ chức sẽ bị xử phạt. Chỉ khi nào con người thực hiện những hành vi bảo vệ môi trường một cách tự nguyện, tự giác thì mới được coi là hành vi đạo đức môi trường.

- Thực trạng đạo đức môi trường nước ta hiện nay ra sao?

- Việc thực hiện hành vi đạo đức môi trường hiện còn rất yếu. Kết quả điều tra của Bộ Tài nguyên - Môi trường gần đây cho thấy tại 110 khu công nghiệp được khảo sát, chỉ có 61 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 23 khu đang hoạt động, 38 khu đang chuẩn bị xây dựng, 49 khu chưa có. Mặt khác, một lượng lớn nước thải do 1.000 bệnh viện thải ra hàng năm rất độc hại và là nguyên nhân gây bệnh cho người dân. Làng nghề cũng là vấn đề đáng quan tâm. Cả nước có 1.450 làng nghề, rất đa dạng từ chế biến nông sản, giết mổ gia súc, thủ công mỹ nghệ… Ở làng nghề, ô nhiễm môi trường rất cao thể hiện nồng độ bụi và không khí có các chất NO2, SO2 vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nước thải từ làng nghề đổ ra hệ thống thoát nước, sông ngòi rất lớn vượt từ 1 đến 5,1 lần quy định tiêu chuẩn cho phép. Các làng nghề như Vạn Phúc, Bát Tràng, Phú Đô… không có hệ thống xử lý nước thải nên cả nước thải lẫn chất thải rắn đều được đổ ra môi trường xung quanh. Ở khu vực nông thôn, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, vứt vỏ các loại thuốc sâu xuống nguồn nước gây ra ô nhiễm. Tại các khu vực chăn nuôi, phân gia súc thải ngay xuống ao hồ xung quanh. Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng để nuôi tôm cá, làm nương rẫy canh tác, xây dựng công trình,  dẫn đến lũ lụt, hạn hán,…

- Các yếu tố ảnh hưởng đến đạo đức môi trường ở nước ta hiện nay là gì?

- Yếu tố thứ nhất là sự tự nhận thức của người dân về hành vi đạo đức môi trường chưa cao. Khảo sát của Viện Tâm lý cho thấy trên 70% người được hỏi không hiểu được đạo đức môi trường là gì. Khi không hiểu được thì việc thực hiện hành vi đạo đức môi trường chắc chắn sẽ không hiệu quả. Mặt khác, hoạt động tuyên truyền của khu dân cư, chính quyền địa phương, của cơ quan chức năng và phương tiện đại chúng chưa có tác dụng. Dư luận xã hội chưa có vai trò điều chỉnh hành vi con người về vấn đề bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, sự nhắc nhở xử phạt của những người có trách nhiệm ở cộng đồng dân cư còn rất thấp.

- Làm thế nào để xây dựng, nâng cao đạo đức môi trường, từ đó góp phần xây dựng một môi trường bền vững ở nước ta hiện nay?

- Trước hết phải đưa đạo đức môi trường vào các văn bản pháp quy của Nhà nước để giáo dục người dân việc bảo vệ môi trường không phải mang tính chất bắt buộc mà là tự giác xuất phát từ lương tâm, ý thức, trách nhiệm của mình. Ở cộng đồng dân cư đưa vào hương ước, quy ước; doanh nghiệp đưa vào chương trình hoạt động của doanh nghiệp; làng nghề đưa vào quy định hoạt động của làng nghề... Thứ hai, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục để hình thành, thay đổi nhận thức của người dân về đạo đức môi trường. Thay đổi ở chỗ từ xưa đến nay, con người vẫn cho mình quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, thống trị thiên nhiên, coi môi trường là công cụ phục vụ lợi ích của mình đến chỗ coi môi trường là một phần không thể thiếu của cuộc sống con người. Bên cạnh đó, cần gắn việc xây dựng đạo đức môi trường với việc bảo đảm lợi ích của người dân, tăng cường các hình thức xử phạt các hành vi vi phạm đạo đức môi trường.

- Xin cảm ơn giáo sư!

(Lâm Vũ - HNM)
http://tuoitrehanhdongxanh.blogspot.com/2011/03/ao-uc-moi-truong-tu-xuat-phat-tu-luong.html
Bài tham khảo cùng chủ đề:

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời trên tờ Guardian

GNO - Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng chúng ta phải nhận ra sự gắn kết giữa Trái đất và bản thân mình, và rằng chúng ta phải yêu thương Trái đất để chữa lành cho hành tinh này.

Biên tập viên Jo Confino của tờ Guardian đã có cuộc phỏng vấn Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai (Pháp). Confino viết: Thầy Thích Nhất Hạnh đã nhận thấy sự thiếu gắn kết trong cuộc sống của con người là nguyên nhân gây nên thói quen hưởng thụ của chúng ta và điều quan trọng là chúng ta đã nhận ra và phản ứng lại với những sức ép mà chúng ta đã áp đặt lên trên Trái đất khi nền văn minh này còn tồn tại.

Thầy cho rằng việc nhận thức môi trường sống này là tách biệt so với chính chúng ta là một vấn đề nghiêm trọng, việc thay đổi chỉ có thể xảy ra khi chúng ta vượt ra ngoài tư duy nhị nguyên của chính mình.

"Bạn luôn mang theo Mẹ Trái đất bên trong mình" - Thầy nói. "Bà không ở bên ngoài bạn. Mẹ Trái đất không chỉ là môi trường của bạn”.

"Bằng tuệ giác, có thể có được mối liên lạc thực sự với Trái đất, đó là hình thức cao nhất của cầu nguyện. Trong mối quan hệ này, bạn sẽ có đủ tình yêu, sức mạnh và sự thức tỉnh để thay đổi cuộc đời của bạn. [...]

"Sợ hãi, thù ghét, chia tách và giận dữ xảy đến từ quan điểm sai lầm cho rằng bạn và Trái đất là hai thực thể riêng biệt hay Trái đất chỉ là môi trường của bạn. Bạn là trung tâm và bạn muốn làm một cái gì đó với Trái đất để tồn tại. Đó là một nhận thức nhị nguyên.

"Vì vậy, hãy hít thở và nhận thức về cơ thể bạn, hãy nhìn sâu vào nó và nhận ra rằng bạn là Trái đất và ý thức của bạn cũng là ý thức của Trái đất. Không chặt cây, không gây ô nhiễm nước vẫn là chưa đủ".

Thầy nói sự thiếu gắn kết này cũng là nguyên nhân làm cho chúng ta bệnh:

"Nhiều người bị khổ đau nhưng họ lại không biết điều đó" - Thầy nói. "Họ cố gắng che đậy sự đau khổ bằng cách làm cho mình bận rộn. Ngày nay nhiều người bị bệnh bởi vì họ tự tách rời khỏi Mẹ Trái đất.

"Việc thực hành chánh niệm giúp chúng ta chạm được vào Mẹ Trái đất bên trong cơ thể mình và việc thực hành này có thể giúp chữa lành bệnh của con người. Vì vậy, việc chữa bệnh của con người nên đi cùng với việc chữa bệnh của Trái đất và đây là tuệ giác mà bất cứ ai cũng có thể thực hành.

"Loại giác ngộ này rất quan trọng cho một sự thức tỉnh chung. Trong Phật giáo chúng ta nói về thiền định như một hành động thức tỉnh, để nhận thức một thực tế rằng Trái đất và muôn loài đang tồn tại trong nguy hiểm".

Gắn cho thiên nhiên một bảng giá nào đó cũng không đủ, hay nói đúng hơn, tình yêu là trung tâm của sự thay đổi.

"Chúng ta cần một sự thức tỉnh và giác ngộ thực sự để thay đổi cách suy nghĩ và cách nhìn của chúng ta".
Thay vì đặt bảng giá cho những cánh rừng hay các rạn san hô, Thầy nói sự thay đổi sẽ xảy ra ở cấp độ cơ bản chỉ khi chúng ta quay lại và yêu thương hành tinh này: "Trái đất không phải là những khái niệm vật chất hay tinh thần, đó chỉ là những ý tưởng, là hai mặt của cùng một thực tại. Cây thông không chỉ là vật chất vì nó sở hữu một cảm giác biết. Hạt bụi không chỉ là vật chất vì mỗi nguyên tử cấu thành hạt bụi đều có tính thông minh và là một thực tại đang sống và vận động.

"Khi chúng ta nhận ra được những đức tính, tài năng và vẻ đẹp của Mẹ Trái đất, của Mẹ Thiên nhiên thì một cái gì đó sẽ được sinh ra trong chúng ta, một mối gắn kết nào đó, một tình yêu sẽ được sinh ra". (giọt nước từ bi, giọt cam lộ, giọt nước tình thương được ứa ra trong tim ta và nó thúc đẩy ta hành động quyết liệt nhằm bảo vệ Thiên nhiên, bảo vệ Đất Mẹ) 

"Chúng ta muốn được gắn kết. Đó là ý nghĩa của tình yêu, để trở thành một mối. Khi bạn yêu một ai đó bạn sẽ nói rằng tôi cần bạn, tôi muốn ở bên bạn. Nếu bạn làm bất cứ điều gì vì lợi ích của Trái đất thì Trái đất cũng sẽ làm bất cứ điều gì vì lợi ích của bạn”.
Văn Công Hưng (Theo Common Dreams)
http://www.giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=164613

No comments:

Post a Comment