Bình thơ: Nguyên tiêu
Từ cảm hứng bài thơ Nguyên tiêu của nhà thơ Hồ Chí Minh, từ năm 2003 Hội nhà văn VN đã chọn ngày rằm tháng giêng hằng năm làm Ngày thơ VN . Năm nay, Ngày thơ VN lần thứ hai vừa đi qua, nhưng chắc chắn dư âm của thơ vẫn còn vang vọng mãi, bởi lẽ, người VN vốn yêu thơ. Chúng tôi mời các bạn cùng thưởng thức bài thơNguyên tiêu qua lời bình của nhà văn Trần Quốc Toàn...(Nhà thơ Lê Minh Quốc)
Nguyên Tiêu
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên Yên ba thâm xứ đàm quân sự Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
HỒ CHÍ MINH
|
Dịch nghĩa:
Đêm nay, rằm tháng giêng, trăng vừa tròn
Sông xuân, nước xuân liền với trời xuân
Sâu trong khói sóng, bàn việc quân
Nửa đêm trở về, ánh trăng đầy thuyền
Sông xuân, nước xuân liền với trời xuân
Sâu trong khói sóng, bàn việc quân
Nửa đêm trở về, ánh trăng đầy thuyền
Rằm tháng giêng
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân Giữa dòng bàn bạc việc quân Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Bản dịch của XUÂN THỦY
|
Bình thơ:
Đã mấy mươi năm, bản dịch của Xuân Thủy vẫn sống được cùng nguyên bản. Người dịch khéo đưa chữ xuân từ câu thứ hai lên câu thứ nhất để giữ đủ ba chữ xuân trong nguyên bản Hán tự. Nhưng phải đọc ba chữ xuân liền câu mới thú!
Với ba chữ ấy, trong đêm chiến khu 1948 xuân chảy dài theo dòng sông, xuân lan rộng thành mặt nước, xuân vút cao lên tận trời! Xuân hứng thành thi hứng dẫn mạch thơ đi như sóng trào. Hai chữ thiên – yên bắt vần tự nhiên đến không ai nhận ra chính vần ấy đã nối ngọn sóng thơ ở câu hai với chân sóng ở câu bản lề thứ ba. Kín đáo nơi chân sóng, động lực thúc đẩy dòng chảy, con người đang bàn việc quân, việc nước.
Kì lạ thay, sau câu bản lề kia, trăng chỉ là một vừng ở câu đầu, đã thành trăng ánh một trời nơi câu cuối! Và con thuyền quân dụng thoắt biến thành thuyền thi tứ, thành đấu, thành thưng đong đầy ánh sáng để mà nói với bạn đọc niềm vui sống tràn trề của người làm thơ, thi sĩ tướng quân Hồ Chí Minh.
Nhà văn TRẦN QUỐC TOÀN
Nguồn: SCT xin đăng lại bài cũ Chủ nhật, 08 Tháng hai 2004, 12:16 GMT+7
No comments:
Post a Comment