Ngày 18.02.2013, 16:43 (GMT+7)
Suy ngẫm nhân ngày 17.2
SGTT.VN - Muốn đi đến tương lai, có thể không cần mang
vác một quá khứ nặng nề nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, cứ đến ngày này
là muốn dừng lại để suy ngẫm, dù bằng im lặng hay qua bài viết. Bởi vì
có nơi có lúc “chỉ có sự im lặng mênh mông mới không xúc phạm tới chân
lý”.
Dẫu sao vẫn cám ơn nhà văn Tạ Duy Anh khi bàn về viết
lách, “viết rất mệt, nhưng không viết còn mệt hơn!” Thật khó tìm được
một ý tưởng nào có tính đồng cảm cao như thế để người viết sẻ chia với
nhà văn, tuy không dám nhận mình đã đọc được nhiều trang sách của Thánh
hiền.
Kết thúc một chuyên luận 11.364 từ về một đề tài gai
góc mà nhà văn không giấu giếm rằng, cho đến khi hạ con chữ cuối cùng
của chuyên luận, anh vẫn chưa thoát khỏi cảm giác “nghĩ mãi không ra”
(?)
Vòng xoáy mới?
Theo GS. Lý Tiểu Binh (Xiaobing Li), trưởng Phân khoa
Sử - Địa thuộc Đại học Oaklahoma (Mỹ), khi phát động cuộc chiến biên
giới phía Bắc, đối phương muốn chứng tỏ với khu vực/thế giới, họ sẵn
sàng sử dụng vũ lực để giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ.
34 năm trôi qua từ ngày ấy, quan hệ Việt – Trung vẫn
tiếp tục bị căng kéo. Tuy đã có một thời ngắn ngủi, dưới tác động của
“Đổi mới” và “Hiện đại hóa”, cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh dường như tạm gác
các tranh chấp để tập trung cho công cuộc phát triển hòa bình.
Nhưng công cuộc phát triển ấy ngày nay đang bị đe dọa
bởi hàng loạt những hành động lấn lướt của Trung Quốc, chống lại điều mà
họ cho là các vi phạm đối với lãnh hải của họ trên Biển Đông, một Biển
Đông mà họ đòi chiếm trên 80% diện tích.
Rồi chính tờ “Hoàn cầu thời báo”, một phiên bản chính
thống từ cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã không ít lần
hô hào nên đánh Philippines sớm, vì nhờ vậy, một cuộc chiến tranh nhỏ
sẽ giành thắng lợi, để tránh những cuộc chiến lớn khác sau này.
Các nhà quan sát cho rằng, các kiểu “võ mồm” như thế có
thể làm cho quan hệ rơi vào vòng xoáy xung đột mới với các nước Đông
Nam Á có yêu sách chủ quyền ở vùng biển rất quan trọng cho hoạt động
thương mại của cả thế giới này.
Báo cáo của Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG) tại Bỉ nhận
định rằng, chính các quan chức Trung Quốc cũng không biết cụ thể giới
hạn những khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Theo
AP, báo cáo này còn cho biết, Trung Quốc giao trách nhiệm quản lý các
khu vực trên cho không dưới 10 cơ quan khác nhau, hoạt động chồng chéo
và mâu thuẫn lợi ích lẫn nhau.
Trên thực tế, cả hai bên đang tiến tới một ngã ba đường
để lấy những quyết định chiến lược, có tính chất hệ trọng ảnh hưởng đến
tương lai mỗi dân tộc. Trước thời khắc ấy, cả hai bên nên nhìn nhận lại
lần nữa ngày 17.2 một cách kỹ lưỡng, hy vọng rút ra ít nhiều điều hữu
ích để có quyết định sáng suốt.
Sống yên ổn với đại quốc
Một trong những điều đáng suy ngẫm nhất, đó là phải tìm
mọi cách tránh xung đột vũ trang khi còn có thể! Bản thân Trung Quốc
cũng đang làm điều tương tự với các láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc, mặc
dù, một bộ phận dư luận ở nước họ cũng có những tuyên bố sặc mùi thuốc
súng.
Tuy nhiên, tìm mọi cách để tránh, khác với tránh bằng
mọi giá! Hoàn toàn đồng ý với nhà văn Tạ Duy Anh nên xin dẫn một đoạn từ
chuyên luận của anh:
“Đọc lại lịch sử chúng ta đều nhận thấy ông cha ta cực
kỳ nhất quán với quan điểm đó. Cố gắng hoà hiếu đến phút chót và chỉ khi
không còn cách nào khác mới phải dùng đến vũ khí. Trước thế giặc quá
mạnh, triều đình nhà Trần thậm chí đã nghĩ đến chuyện buông vũ khí để
mong không phải chịu cảnh binh đao khốc liệt có nguy cơ huỷ diệt cả dân
tộc! Sửa chữa sai lầm chết người ấy chính là nhân sĩ, trí thức, tướng
lĩnh và những người dân cày Đại Việt”.
Nhân ngày hôm nay, mong độc giả tham khảo bài viết của
nhà văn Tạ Duy Anh “Sống với Trung Quốc” để cùng nhau chia sẻ một cách
nhìn về bản chất của mối bang giao Việt-Trung, của các cuộc tranh chấp
trên Biển Đông hiện nay cùng với các dự báo cho tương lai, về các hành
động của Trung Quốc và sự lựa chọn nên có của Việt Nam.
Có thể đây chưa phải là một bài viết hoàn hảo, nhưng dù
sao nó đã hâm nóng cái tinh thần “bóp nát quả cam”, hâm nóng cái quyết
tâm “nếu bệ hạ định hàng giặc thì trước hết hãy chém đầu thần đi đã”.
Chính nhờ tinh thần ấy, quyết tâm ấy mà triều đình nhà Trần đã kết thành
một khối rắn chắc, chôn vùi huyền thoại sức mạnh Nguyên-Mông và tạo nên
hào khí Đông A để tiếng thơm đến muôn đời.
Cầu hòa là văn hóa phổ quát của những đất nước và xã
hội văn minh trong cộng đồng quốc tế, là cách ứng xử khôn sáng của những
dân tộc có văn hóa. Chỉ có những ai còn khư khư lối sống và tư tưởng
thời bộ lạc mới đòi sống mái với bộ lạc khác. Đó là văn hóa bộ lạc thời
tiền sử.
Nhưng cầu hòa không đồng nghĩa với việc để cương vực và
lãnh hải bị xâm phạm. Cầu hòa không đồng nghĩa với việc quá lo sợ chiến
tranh mà đành ôm hận để biển đảo bị nuốt dần, dân lành bị giết hại.
Việt Nam là nước nhỏ hơn, dĩ nhiên luôn cần hoà bình,
sống yên ổn bên cạnh đại quốc, nhưng đại quốc cũng cần yên bờ cõi không
kém, đặc biệt là cửa ngõ phía Nam, nơi chúng ta có lợi thế về vị trí địa
lý trong tác chiến.
Vị trí ấy trong thời đại ngày nay được bồi đắp thêm bởi
thế “hợp tung liên hoành” mới. Thời nay, hai chiến lược hợp tung và
liên hoành không đơn thuần chỉ mang tính chất quân sự như thời Chiến
quốc mà trước hết ưu tiên căn bản trên cơ sở kinh tế, cở sở của sức mạnh
mềm. Sự kết nối trong khu vực và trên toàn cầu là một hy vọng khả thi
để sống yên ổn. Mong lắm thay!
Nguyễn Thiều Quang
No comments:
Post a Comment