Saturday, February 23, 2013

ĐỒNG NAI GÁNH THÊM TAI ÁCH

Lại “nóng” chuyện vận chuyển bauxite

Cập nhật lúc 23:15, Thứ Sáu, 22/02/2013 (GMT+7)
Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quyết định ngừng dự án xây dựng Cảng Kê Gà (tỉnh Bình Thuận). Sau thông báo này, dư luận rất quan tâm và bàn tán đến phương án vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng qua Đồng Nai về Bình Thuận liệu có thay đổi?
Nói về việc vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng về Cảng Gò Dầu (huyện Long Thành) qua quốc lộ (QL) 20 và đường tỉnh (ĐT) 769, một lãnh đạo Sở Giao thông - vận tải (GTVT) cho biết, lãnh đạo tỉnh đã có lần kiến nghị với Bộ GTVT về biện pháp chuyên chở bauxite bằng xe chuyên dùng thay cho phương tiện khác có tải trọng thấp hơn. Điều này thể hiện sự lo lắng của chính quyền địa phương về sự an toàn đối với người dân.
* “Gánh nặng” trên những cung đường vận chuyển bauxite
Thực tế, theo kế hoạch vận chuyển bauxite của Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin, trước đây là TKV) đã được Bộ GTVT chấp thuận, thì đường vận chuyển alumin từ Nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) về Cảng Gò Dầu chỉ là giải pháp tạm khi chưa có Cảng Kê Gà. Do đó, nếu công trình xây dựng Cảng Kê Gà được tiến hành hoàn tất thì việc vận chuyển nguyên liệu này từ Tân Rai sẽ đi theo hướng Lâm Đồng - Bình Thuận, tức không còn qua QL20 và ĐT769. Thế nhưng, khi dự án Cảng Kê Gà ngừng thì đương nhiên cung đường vận chuyển bauxite bằng xe chuyên dùng 40 tấn sẽ tiếp tục là “gánh nặng” trong thời gian dài đối với QL20, ĐT769 và QL51.
Cầu La Ngà hiện có tải trọng 23 tấn nhưng sẻ phải “cõng” xe 30 - 40 tấn.
Cầu La Ngà hiện có tải trọng 23 tấn nhưng sẻ phải “cõng” xe 30 - 40 tấn.
Căn cứ vào phương án chuyên chở bauxite của Vinacomin, chiều dài của tuyến vận chuyển là 190 km, điểm đầu là Nhà máy Tân Rai và điểm cuối là Cảng Gò Dầu, chia thành bốn đoạn. Theo đó, đoạn 1 thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng (dài 17km), đoạn 2 từ TX. Bảo Lộc về ngã tư Dầu Giây (120km), đoạn 3 từ ngã tư Dầu Giây đi theo ĐT769 ra QL51 (33,38km) và đoạn 4 từ QL51 xuống Cảng Gò Dầu (20km). Có thể thấy rõ, hành trình của các phương tiện chuyên chở bauxite đi ngang qua Đồng Nai chiếm gần 129km toàn tuyến. Trong khi theo kế hoạch, cứ khoảng 10 - 30 phút sẽ có một chuyến chở bauxite lưu hành trên các tuyến mà mật độ xe cộ trong thời gian gần đây đã tăng hơn nhiều so với thiết kế. Cụ thể, QL20 hiện đã ở mức trên 15 ngàn lượt phương tiện/ngày đêm; ĐT769 chỉ rộng 7m, có rất nhiều khu dân cư ở hai bên đường; QL51 hơn 25 ngàn lượt xe/ngày đêm. Như vậy, vấn đề về an toàn giao thông là điều rất đáng lo ngại. Cư dân ở hai bên QL20, ĐT769, QL51 đã nhiều lần phản ảnh về sự bất an trên đường nếu như xe chuyên dùng 40 tấn chở bauxite đi qua. Sự quan ngại về tai nạn, ùn tắc giao thông của người dân không phải không có cơ sở. Bởi những dòng xe đông đúc như hiện nay chắc chắn sẽ trở nên phức tạp hơn, một khi “ông 40 tấn” cứ ung dung nối đuôi nhau bon bon trên đường.
Để việc vận chuyển bauxite thuận lợi, Vinacomin đã ứng kinh phí để nâng cấp QL20 và ĐT769. Hiện nay, cả hai tuyến này đang triển khai thi công, trong đó QL20 được khởi công nâng cấp ngày 23-12-2011 (sau đó tạm ngưng), đoạn thuộc tỉnh Đồng Nai mới khởi công cuối năm 2012, dự kiến đến cuối năm 2014 mới hoàn thành; ĐT769 cũng khởi công nâng cấp ngày 5-1-2013 và sẽ xong sau 6 tháng.
* Xử lý mạnh xe chở quá tải, quá khổ
Mặc dù QL20 và ĐT769 mới triển khai thi công, nhưng thời gian qua, Vinacomin vẫn cho xe chuyên dùng chở nguyên liệu từ Cảng Gò Dầu đến Tân Rai. Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông Đồng Nai, trong 20 ngày của tháng 2 này, đã có gần 40 xe chở nguyên liệu của Vinacomin qua địa phận Đồng Nai vi phạm quá tải, quá khổ bị xử phạt. Riêng lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh cũng phát hiện, xử lý hơn 10 trường hợp xe chở than đá quá tải của Vinacomin đi trên ĐT769 trong thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Quốc lộ 20 đang được thi công.
Quốc lộ 20 đang được thi công.
Đề cập về mật độ phương tiện khi kế hoạch vận chuyển bauxite được triển khai thực hiện, Phó giám đốc Sở GTVT Lê Quang Bình cho rằng, điều quan trọng nhất là việc chấp hành các quy định về Luật Giao thông đường bộ của các phương tiện tham gia lưu hành. Theo đó, sẽ không có trường hợp ngoại lệ với bất kỳ xe chở quá khổ, quá tải. Chính vì vậy, sở sẽ chỉ đạo Thanh tra giao thông thời gian tới phải tăng cường phối hợp với cảnh sát giao thông trong việc tuần tra, kiểm soát xe chuyên dùng vận chuyển bauxite qua địa bàn Đồng Nai; cương quyết xử phạt nghiêm mọi trường hợp vi phạm, đồng thời sẽ hạ tải cho đúng với tải trọng kết cấu đường. Mặt khác, sở sẽ nghiên cứu nhằm tiến hành phân luồng xe hợp lý. Chẳng hạn, xe ô tô từ Lâm Đồng về Dầu Giây, muốn ra QL51 thì có thể đi vào tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Từ đó sẽ hạn chế được lưu lượng ra vào ĐT769, đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện, cũng như tuổi thọ của đường.
Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở: “Tất cả phương tiện lưu hành trên đường đều phải tuân thủ pháp luật”
Trước đây, đã có lần tôi phát biểu tại kỳ họp Quốc hội về mức độ an toàn đối với việc vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng về Cảng Gò Dầu. Tôi nghĩ rằng, bất kỳ phương tiện nào lưu hành trên đường đều phải tuân thủ pháp luật. Chính vì vậy, xe chở bauxite cũng không ngoại lệ mà phải thực hiện đúng với kết cấu hạ tầng. Ví dụ, cầu La Ngà hiện nay chỉ cho phép tải trọng 23 tấn hoặc những cây cầu trên ĐT 769 chỉ có trọng tải 20 -25 tấn mà phải “cõng” xe 30 - 40 tấn; thì sự không an toàn là điều chắc chắn. Mai mốt, QL20, ĐT769 được nâng cấp toàn diện thì cũng không thể để các loại xe quá khổ, quá tải lưu thông. Vấn đề này ngành chức năng phải tính toán, bố trí lực lượng chuyên trách tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn những tình huống xấu có thể xảy ra.
 Thực ra, QL20 và ĐT769 chỉ nâng cấp từ đường cũ chứ không phải mở rộng. Điều này cho thấy, việc cải tạo lại hai tuyến đường này thực chất là để phục vụ việc vận chuyển bauxite trong một thời gian nhất định. Như vậy rõ ràng, khi dự án Cảng Kê Gà ngừng thực hiện thì “gánh nặng” đối với việc chuyên chở bauxite ngang qua địa bàn Đồng Nai không chỉ tính bằng vài năm mà có khi lên đến mấy chục năm. Nhận định về tình hình liên quan đến việc vận chuyển bauxite, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Điệp khẳng định: “Nếu văn bản chính thức về chủ trương không thực hiện Cảng Kê Gà được ban hành, sở sẽ làm việc với đơn vị Vinacomin để đề nghị xem xét lại mức đầu tư đối với công trình ĐT769 đang sửa chữa, nâng cấp. Bởi với hạ tầng cơ sở thì phải được xem xét bằng quá trình sử dụng, một công trình đầu tư thấp mà phải “cõng” lưu lượng phương tiện quá khổ với một thời gian quá dài thì không hợp lý”.
- Trả lời báo chí ngày 18-2, ông Trần Văn Chiều, Phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam khẳng định, Vinacomin bắt đầu bán quặng bauxite sang Trung Quốc, Malaysia. Trong năm 2013, Nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) sẽ sản xuất khoảng 300 ngàn tấn alumin, phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia... với giá xuất khẩu khoảng 340 USD/tấn. Theo ông Chiều, trong 6 tháng đầu năm 2013, Nhà máy Tân Rai sẽ vận hành ổn định. Trước đó, vào cuối tháng 12-2012, nhà máy đã cho ra lò mẻ alumin đầu tiên sau khi hoàn tất công đoạn ủ mầm hydrat, một công đoạn quan trọng cho việc sản xuất alumin. Riêng ông Nguyễn Văn Biên, cũng là Phó tổng giám đốc cho biết, Vinacomin đang nghiên cứu phương án thay thế Cảng Kê Gà. Việc chọn cảng nào để thay Cảng Kê Gà chưa được quyết định mà mới đang nghiên cứu. Do đó, việc vận chuyển bauxite từ Nhà máy alumin Tân Rai vẫn theo hành trình: QL20, ĐT769, QL51 về Cảng Gò Dầu.
- Theo Bộ Công thương, việc quy hoạch dự án Cảng Kê Gà là nhằm phục vụ việc vận chuyển và tiêu thụ alumin. Để đầu tư các dự án khai thác bauxite, Vinacomin cũng đã lập kế hoạch, phương án vận chuyển, xuất khẩu bauxite khá thuyết phục. Đó là xây dựng hệ thống đường sắt từ Tây Nguyên xuống Bình Thuận. Riêng cảng biển Kê Gà chỉ để phục vụ vận chuyển, xuất khẩu alumin và chở nguyên liệu (than, xút rắn, dầu…). Ngoài ra, Vinacomin còn có phương án lấy nước từ Bình Thuận lên để xử lý bùn đỏ.
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã tính toán phương án vận chuyển bauxite qua Cảng Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) để phòng khi phương án Cảng Kê Gà bị trục trặc. Ưu điểm của Cảng Vĩnh Tân là đang trong quá trình xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014. Nhưng hạn chế là chiều dài toàn tuyến khá xa, khoảng 80km, kinh phí đầu tư cao và tiến độ triển khai dự án chậm hơn do phải lập lại các thủ tục từ đầu. Đáng kể là kinh phí đầu tư nâng cấp các con đường để vận chuyển bauxite về Cảng Vĩnh Tân (tỉnh lộ 714 giao cắt QL1, QL28) sẽ mất khoảng hơn 2,8 ngàn tỷ đồng.
T.N (tổng hợp)

Tạ Nguyên

No comments:

Post a Comment