Sunday, February 17, 2013

Sâu mọt hại dân sẽ đê hèn bán Nước.

17/02/2013 - 01:58
Tổ quốc, yêu đến đau thương
Nguyên câu thơ của Chế Lan Viên là Ôi ta yêu đến đau thương Tổ quốc của mình trong bài thơ nhan đề Thần chiến thắng ông viết vào tháng 2-1979.

Giọng thơ Chế Lan Viên những khi đất nước có chiến tranh là giọng hào hùng, ca ngợi. Năm 1964 khi Mỹ đưa máy bay ra ném bom miền Bắc, ông đã có ngay bài Sao chiến thắng, trong đó: Thần chiến thắng là những người áo vải/ Những binh nhất binh nhì mười tám tuổi/ Giết quân thù không cần phải phân vân/ Giết quân thù không cần đợi hạt nhân.
Nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang) nơi có hơn 1.700 ngôi mộ liệt sĩ hy sinh trong giai đoạn 1980-1990.
15 năm sau, trong một nỗi đau bất ngờ và một sự căm giận tột độ, nhà thơ đã trầm giọng xuống khi nói về những “thần chiến thắng” trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc:
Biên giới đã đứng lên diệt thù thay Tổ quốc
Nơi cao điểm nhất, ngày cao điểm nhất, giờ cao điểm nhất
Ôi, những rừng không tuổi, suối không tên
Thơ chửa từng ghi, sử có khi quên
Nay một phút máu anh hùng đỏ rực
Trên nghìn non cao ấy có xương thịt con em ta trên mỗi chốt.
Mỗi ngọn cỏ, nhành cây, muôn thuở hóa thiêng liêng
Họ dâng tất cả cho Tổ quốc mà, đâu có để gì riêng?
Nghìn năm sau nhìn về đây xin hãy rất trang nghiêm
Giữ sông núi là giữ bằng máu xương ta từng tấc đất
Cám ơn nhà thơ đã nói thay và nhắc nhở chúng ta: Hãy rất trang nghiêm khi nhìn về biên giới, khi bước chân đến và bước chân qua biên giới. Hãy rất trang nghiêm vì nơi biên địa cái gì không ý thức. Hãy rất trang nghiêm vì Dù ở đâu cũng Tổ quốc trong lòng/ Cột biên giới đóng từ thương đến nhớ (Nguyễn Duy). Người anh hùng đầu tiên ngã xuống cho cuộc đấu tranh gìn giữ biên giới Tổ quốc là liệt sĩ Lê Đình Chinh mà 35 năm sau phần mộ mới được chuyển về quê nhà. “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh”, lời bài hát năm nào vẫn còn vang vọng hôm nay. Bởi vì biên giới không chỉ là ranh giới địa lý mà đó còn là chủ quyền quốc gia về một vùng lãnh thổ, chủ quyền dân tộc về một vùng văn hóa, lịch sử, chủ quyền người dân về một đất nước.
Cũng chính Chế Lan Viên đã định nghĩa “biên giới” trong bài thơ của mình:
Biên giới! Hai tiếng ấy làm lòng ta quặn thắt
Vết thương nghìn năm. Chiến hào thứ nhất
Mây có biết biên thùy không, mây trắng tần ngần?
Sông nao nao nước đỏ xoáy cuộn dòng
Tiếng còi tàu đến đây chừng thét gấp
Ngàn lau trắng chở che từng cột mốc
Nơi biên địa cái gì không ý thức?
Mùi hoa hồi biên giới quá bâng khuâng!
Câu thơ Ôi ta yêu đến đau thương Tổ quốc của mình làm nhói cuộn lòng người dân Việt. Đó là một tình cảm, một nhận thức, một trách nhiệm, một hành động. Máu những người lính đổ xuống trên đất đai xứ sở chống lại kẻ xâm lược là máu thiêng, hóa thành hồn thiêng sông núi nước nhà. Yêu Tổ quốc đến đau thương còn là một mệnh lệnh: Không thể thờ ơ, lãnh đạm trước vận mệnh an nguy của Tổ quốc!
Lại nhớ mấy câu thơ Nguyễn Duy viết sau 1979, 10 năm khi trở lại Lạng Sơn:
Đồng Đăng... Ải Khẩu... Bằng Tường...
Chợ trời bán bán buôn buôn tít mù
Ta đầy một bị ưu tư
Giá như cũng bán được như bán hàng.
Góc của PHẠM XUÂN NGUYÊN

No comments:

Post a Comment