Friday, February 1, 2013

May mà Ve-dan nộp phạt!


MÔI TRƯỜNG - ĐÔ THỊ


1.938 tỷ đồng và 99 tỷ đồng
Thứ hai, 21/01/2013, 08:39 (GMT+7)
99 tỷ đồng là số tiền mà lực lượng cảnh sát môi trường đã kiểm tra và xử phạt những doanh nghiệp có hành vi vi phạm môi trường trên hệ thống lưu vực sông Đồng Nai. Tuy nhiên, 1.938 tỷ đồng là số tiền mà ngân sách nhà nước cần chi để cải thiện chất lượng môi trường sông Đồng Nai. Hai con số quá chênh lệch đủ để cho thấy, phát triển kinh tế nhưng thiếu sự quan tâm đến môi trường thì lợi nhuận thu được từ hoạt động này liệu có đủ để đầu tư lại cho hoạt động cải thiện chất lượng môi trường?
Ô nhiễm chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai không phải là bây giờ mới được cảnh báo. Ngay từ năm 2003, Viện Nghiên cứu chiến lược bảo vệ môi trường đã từng đưa ra những số liệu thực tế chứng minh mức độ ô nhiễm sông Đồng Nai đang gia tăng và những tác hại thực tế đến đời sống 16 triệu người và hiện nay đã tăng 20 triệu người. Nhiều nhà khoa học cho rằng, chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai và GDP như một đường thẳng. Chất lượng nguồn nước ngày càng xấu đi sẽ kéo theo GDP của các tỉnh phía Nam giảm xuống. Thà “ăn lửng” mà môi trường trong sạch còn hơn “ăn” vào môi trường để phát triển kinh tế thì cái giá phải trả lại cho môi trường còn cao hơn gấp trăm lần lợi nhuận thu được từ kinh tế. Và cho đến nay, luận điểm trên đã được chứng minh bằng con số rất cụ thể.
Tuy nhiên, thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra chưa dừng lại số tiền ngân sách buộc phải tái đầu tư mà còn những tổn hại vô hình khác mà chính những người dân là đối tượng đang phải gánh chịu. Nặng nề nhất là số người mắc các bệnh ung thư liên tục tăng nhanh trong những năm qua. Thống kê Bộ Y tế chỉ rõ trung bình hàng năm nước ta có 200.000 người mắc các bệnh ung thư, mà một phần nguyên nhân là do tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm.
Cục Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản Bộ TN-MT cảnh báo, hiện có đến 80% người dân đang sống chung với nước bẩn. Các công ty xử lý nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân dọc lưu vực sông Đồng Nai cũng thừa nhận, chất lượng nước sông những năm gần đây rất ô nhiễm. Có thời điểm, các đơn vị không thể lấy nước vì nguồn nước chứa nồng độ các chất ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Vậy thử hỏi, số tiền mà người dân đang phải trả cho sự phát triển kinh tế nhưng chưa quản lý chặt về công tác bảo vệ môi trường là bao nhiêu?
Năm 2003, tại cuộc họp tìm giải pháp bảo vệ sông Đồng Nai do nguyên Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực chủ trì, 11 tỉnh thành đã thống nhất ký vào 7 cam kết để bảo vệ sông. Cụ thể, đến năm 2007 sẽ xử lý xong các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đánh giá, đồng thời lập danh mục và chậm nhất là đến năm 2010 phải xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; không cấp phép mới cho các cơ sở hoạt động những lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; những doanh nghiệp đầu tư mới hoặc doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định; các tỉnh phải đảm bảo 70% các KCN có hệ thống nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; xây dựng khu xử lý chất thải tập trung; tăng cường năng lực cán bộ quản lý môi trường.
Tính từ thời điểm đó  đến nay đã tròn 10 năm, nhưng có lẽ chưa một lời hứa nào được các tỉnh thực hiện một cách trọn vẹn. Phải chăng lãnh đạo các tỉnh đã quên?
Minh Xuân
 

No comments:

Post a Comment