Monday, June 10, 2013

Thư Nguyễn Huỳnh Thuật gửi các vị Tân lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Thủ tướng

Thư gửi các vị Tân lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Thủ tướng, 
(V/v hệ lụy cộng hưởng của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đến rừng đặc dụng VQG Cát Tiên-Khu Dự trữ Sinh quyển Quốc tế Đồng Nai và chính sách của Nhà Nước Việt Nam đối với việc Quản lý các Khu rừng đặc dụng và Cảnh quan Văn hóa Việt Nam)
Nguyễn Huynh Thuật viết từ: Rừng Đại ngàn Cát Tiên, Mẹ thiên nhiên Cát Tiên, ngày đẹp trời, tháng 07 năm 2011.
Những ai từng sống nơi đây (rừng Cát Tiên), những chuyên gia, nhà bảo tồn trong và ngoài nước có thời gian sống và nghiên cứu sâu, lâu dài nơi đây sẽ hiểu sâu và thấy rằng tổng thể rừng Cát Tiên hay tôi thường gọi và xem là “Mẹ hiền Thiên nhiên Cát Tiên” như một cơ thể vĩ đại, màu nhiệm, linh thiêng và rất dễ bị tổn thương. Bất cứ một tác động nào dù nhỏ đến mấy đến một phần cơ thể Mẹ sẽ đều có tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến toàn cơ thể Mẹ.  Sông Đồng Nai là mạch máu chính, mạch sống, nguồn sữa của cơ thể mẹ này vốn đã nuôi dưỡng hàng tỷ loài và hàng triệu đứa con nếu do sự ảnh hưởng cộng hưởng-dây chuyền của nhiều công trình-dự án phía trên cùng đại dự án Bauxit Tây Nguyên, thì nếu hậu quả dẫn đến mạch của mẹ bị nghẽn, sửa của mẹ bị nhiễm thì đều gì sẻ xảy ra và ai sẽ chịu trách nhiệm?  
 Xin gửi tặng bài thơ tôi làm để tất cả các vị tân lãnh đạo đảng, nhà nước và đại biểu QH khóa XIII, kỳ họp thứ nhất cùng thủ tướng và những người quan tâm trong chúng ta cùng nhau suy ngẫm và quán chiếu (nhìn sâu, tư duy hệ thống, tư duy-đánh giá môi trường chiến lược):
            “Cát Tiên như thể mẹ hiền
    **Đồng Nai mạch sống nuôi bao triệu người
        Thủy điện như nấm mọc lên
        Cộng thêm Bauxite hỡi ôi mẹ hiền
        Ngôi nhà Tê giác thân thương
        Còn đâu mà để sớm hôm đi về” 
**Đồng Nai: Sông Đồng Nai.
Quan bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA) gửi Bộ TN-MT thẩm định do Công ty, chủ đầu tư thủy điện thuê tư vấn thực hiện thì họ thiên về hiệu quả kinh tế, tuy nhiên báo cáo EIA cần phải công khai và có đánh giá toàn diện, tổng thể, khách quan gồm những tác động xấu đến môi trường, mất mát đa dạng sinh học trong mối quan hệ biện chứng chặc chẽ với Khu Ramsar, Tê giác VN có nguy cơ sắp tuyệt chủng, cảnh quan thiên nhiên, tác động đến văn hóa trong mối quan hệ với không gian văn hóa cồng chiêng và cảnh quan văn hóa, di chỉ văn hóa Óc eo đang được nghiên cứu bổ sung làm cơ sở đề nghị UNESCO công nhận là khu di sản văn hóa thế giới, nhất là hệ tri thức bản địa của người Mạ dọc sông Đồng Nai (đa dạng văn hóa là nền tảng và kho tàng trí tuệ để bảo vệ đa dạng sinh học và PTBV. Mất mát về đa dạng văn hóa kéo theo mất mát về đa dạng sinh học và ngược lại) và mất ổn định xã hội cùng những hệ lụy khó lường khác trong mối quan hệ biện chứng chặc, cộng hưởng, hiệu ứng domino, giọt nước tràn ly của toàn hệ thống với những công trình thủy điện, đại dự án Bauxit Tây Nguyên và những công trình dự án khác”.
Theo tôi/Thuật thì vấn đề Thủy điện 6 và 6A trong mối quan hệ biện chứng tổng thể, chiến lược thì sẽ có thể dẫn đến một vài nguy cơ và thách thức như:
1.       Loài tê giác đặc hữu Việt  Nam sẽ sớm bị tuyệt chủng và biểu tượng tê giác trên logo VQG Cát Tiên được thế giới biết đến hiện nay sẽ bị thay thế bằng logo khác.
2.       Khu dữ trữ sinh quyển có nguy cơ sẽ đưa vào danh sách các di sản thế giới bị đe dọa.
3.       Mất mát nhiều giá trị văn hóa truyền thống vốn gắn liền với dòng sông Đồng Nai trong hệ thống kiến thức bản địa địa phương.
4.       Mất mát nhiều giá trị đa dạng sinh học quý và tiềm ẩn, mất nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng đang được thế giới quan tâm cứu giúp.
5.       Mất ổn định xã hội và nhiều khó khăn cho công cuộc bảo tồn.
6.       Ảnh hưởng không tốt đến hợp tác quốc tế về bảo tồn, gìn giữ và phát triển bền vững Cát Tiên.
7.       Khu Ramsar sẽ bị đe dọa và có nguy cơ rút khỏi danh sách các khu Ramsar thế giới.
8.      Ảnh hưởng xấu đến niềm tin, sự cống hiến của các nhà khoa học, nhà bảo tồn, nhà tài trợ và đặc biệt là những cán bộ, những người địa phương gắn bó và giữ rừng từ lâu nay và lâu dài, dẫn đến chảy máu chất xám, sự ra đi của những cán bộ thật sự năng lực và tâm huyết, đây là sự mất mát lớn và rất khó lượng giá, không thể lượng giá.
9.     Hậu quả lớn của sự ảnh hưởng cộng hưởng cùng với những cộng trình thủy điện trong hệ thống sống Đồng Nai dẫn đến nước ngọt ở thượng lưu về hạ lưu sẽ gây mất cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên về nguồn nước ngọt. Nước mặn xâm nhập từ cửa biển sẽ tràn, lấn sâu vào ở các vùng hạ lưu, có thể lên đến các nhà máy lấy nước ngọt phục vụ cho hàng triệu người dân sống dọc ở trên khu vực sông Đồng Nai và ở các tỉnh, thành lân cận…
Những bài học đắt giá cho nhà đầu tư và quyết định không chuẩn của chính phủ ở những vùng nhạy cảm, địa linh và có ảnh hưởng cộng đồng lớn cũng đã có nhiều đúc kết và điển hình như các dự án thủy điện Sông Ba, Đường cao tốc qua VQG Cúc Phương, Đồi Vọng Cảnh, Tam Đảo II, Ba Vì, Công Viên Thống Nhất,… Nhiều lo ngại nhưng điều tôi suy nghĩ nhiều là dòng sông Đồng Nai như là mạch máu chính của “Mẹ Thiên Nhiên Cát Tiên” cho muôn tỷ loài và là nguồn sữa chính nuôi dưỡng hàng triệu người trong khu vực và hạ lưu, nếu mạch máu của mẹ bị nghẽn mạch, sữa mẹ bị ô nhiễm thì điều gì sẽ xảy ra và ai sẽ chịu trách nhiệm?!
Những người địa phương từng sống-gìn giữ rừng xanh cho đến hôm nay, cùng bao bạn bè và tổ chức quốc tế quan tâm cùng tôi thật đau xót và than ôi khi mỗi ngày chứng kiến mẹ thiên nhiên than khóc và kêu cứu, những cánh rừng xanh đại ngàn được dần thành rừng nghèo kiệt và chuyển đổi sang rừng cao su, rừng cây công nghiệp, khu du lịch, khu resort,…được thay bằng những sân golf, biệt thự, tiếng ồn, bê tông, cốt thép,…phục vụ hầu cho một số nhóm lợi ích nào đó được gắn nhãn “đầu tư-phát triển”. Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi cùng các vị đang chết từ từ, đang tự tử từ từ khi “đầu tư-phát triển” và phát triển như vậy vì đã làm hư nền tảng sự sống yên bình, thanh tịnh, thiên nhiên nuôi dưỡng và linh thiêng của chính chúng ta.  
Chúng ta, Thủ tướng đã quyết tâm rút giấy phép đầu tư các dự án lớn tại khu rừng đặc dụng và nơi yên bình, linh thiêng cho nhiều người dân địa phương như ở Tam Đảo II (Dự án Tam Đảo 2), Công Viên Thống Nhất (Dự án xây dựng khách sạn, tổ hợp vui chơi giải trí tại khu vực Công Viên Thống Nhất) với biết bao lãng phí và tiền thuế của nhân dân,…thì cũng nên cân nhắc việc có nên hay không với dự án Thủy điện 6 và 6A.
Những con người và muôn loài đang sống hòa quyện, chan hòa cùng dưới mái nhà xanh chung Cát Tiên (Cát tường và Tiên cảnh) nơi đây xin dâng tặng đến quý tân lãnh đạo, thủ tướng, QH và quý vị quan tâm bài thơ trước khi QH có chủ trương và thủ tướng ban hành quyết định chính thức cuối cùng:
“Một nhà sum họp sớm trưa
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng
Bốn bề bát ngát mênh mông
Nhạc dâng hôm sớm mây lồng trước sau
Ngài ơi hãy đến đây mau
Quyện cùng tất cả cùng nhau ban hành”
Niềm  tin chúng  tôi còn gửi gắm trọn nơi tuyệt vời của quý vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, QH, ngài thủ tướng và quý vị quan tâm, tâm huyết.
Với tất cả hiểu sâu, kính thương yêu và tin cậy!
Trân trọng,
Nguyễn Huỳnh Thuật*
* Nguyễn Huỳnh Thuật là chuyên gia bảo tồn, chuyên gia đa dạng sinh học và phát triển cộng đồng công tác tại Vườn Quốc gia Cát Tiên (CTNP) từ năm 2000 (tính đến nay là hơn 11 năm), ngay sau khi anh tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và tốt nghiệp loại xuất sắc tại chuyên ngành môi trường quốc tế và phát triển nông thôn tại Tokyo, Nhật Bản. Anh hiện phụ trách chính về khoa học, hợp tác quốc tế và rừng cộng đồng tại CTNP. 
P.S. Các khu rừng đặc dụng nói chung và đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng về văn hóa, tinh thần (sacred sites) luôn là điểm ngắm hấp dẫn của các nhà đầu tư, kinh doanh. Các bài học kinh nghiệm trên thế giới và tại Việt Nam từ những kế hoạch hay dự án phá rừng, cảnh quan để xây dựng và phát triển không bền vững vẫn còn nguyên giá trị.
Các khu vực nhạy cảm cho đầu tư các hoạt động kinh doanh có thể được nhà nước chính thức công nhận và đưa vào hệ thống các khu rừng đặc dụng như VQG Tam Đảo, VQG Ba Vì, VQG Cát Tiên. Cũng có thể nằm ngoài hệ thống các khu rừng đặc dụng như trường hợp Công viên Thống Nhất, Đồi Vọng Cảnh,…
Tuy nhiên cả hai khu vực này đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt liên quan đến việc công nhận giá trị tổng thể và quản lý chúng. Có nhiều lý do khiến nhiều người bản địa và địa phương sống gần gũi và gắn bó với thiên nhiên mà không cần hay không liên quan gì nhiều đến kinh tế, tiền bạc. Họ không chạy theo số đông bên ngoài, họ không chạy theo quyền-tiền-sắc dục và tiêu thụ xa xỉ. Giá trị cuộc sống của họ nằm ở chỗ họ hít thở không khí trong lành, không gian yên tĩnh, nghe chim hót, tiếp xúc với những điều kỳ diệu của cuộc sống xung quanh có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm rất hiệu quả. Họ biết rằng họ đang sống hạnh phúc hàng ngày và hạnh phúc của họ có ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Văn hóa của họ ta cho thấy có một mối liên hệ mật thiết giữa người và những loài cầm thú, cỏ cây và đất đá, giữa người với thiên nhiên, với núi rừng. Họ ý thức rằng cái gốc của con người nằm ở các loài khoáng vật, các loài thực vật và các loài động vật khác. Vạn vật đều có linh hồn. Họ tin có thần rừng, thần núi, thần sông, rừng thiêng, rừng ma,…và họ luôn bảo vệ những mảnh xanh linh thiêng còn lại như bảo vệ nơi tôn thờ linh thiêng nhất của nhà mình. Họ hiểu sâu sắc rằng, nếu không bảo hộ môi trường, không bảo hộ các loài động vật, không bảo hộ các loài thực vật, nếu phá rừng, hủy diệt cây cối, sử dụng toàn xi măng, làm ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí và cả đất đá, v.v…, họ sẽ làm hư nền tảng sự sống của chính họ. Làm như thế chẳng khác gì họ tự tử một cách từ từ. Bản sắc văn hóa này là nền tảng tạo nên những gia đình hạnh phúc, những thôn làng yên vui, những khu phố văn minh không bị những tệ hại xã hội như tội phạm, bạo động, ma túy, băng đảng và sắc dục xâm chiếm. Tất cả những giá trị này là không đếm được. Nó thuộc về giá trị văn hóa tinh thần hay văn hóa phi vật thể.
Trong quá trình thành lập, công nhận và quản lý các khu vực nhạy cảm, giá trị văn hóa, tinh thần, tâm linh và hệ thống kiến thức bản địa thường không hiểu đầy đủ hoặc lờ đi. Điều này dẫn đến sự không hiểu và tin tưởng lẫn nhau, tạo nhiều xung đột và cản trở phát triển quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa dân với chính quyền từ bao đời nay.
Những người vốn bảo vệ tốt các khu vực này nay trở thành nạn nhân của quá trình phát triển không bền vững. Họ rất dễ bị tổn thương, dễ du nhập các luồng văn hóa ngoại lại theo hướng có hại. Nhiều người trong số họ trở thành lâm tặc hay tay sai cho bên ngoài.
Trong quá trình hội nhập, công nghiệp hóa và toàn cầu hóa, các nhà đầu tư thường theo hướng năng suất cao và thu hồi vốn nhanh, hay phớt lờ tính thiêng liêng của khu vực nhạy cảm mình định đầu tư, xem nhẹ không gian đa dạng, cảnh quan tự nhiên và văn hóa trong khu vực. Kết quả là môi trường sinh thái nhân văn và môi trường sinh thái tự nhiên bị xâm hại và làm mất ổn định xã hội, làm hỏng mục đích kinh tế của chính doanh nghiệp.
Trong khi chúng ta hiện chưa có các tiêu chí và lộ trình có hệ thống rõ ràng, chuẩn mực cho việc đầu tư và quản lý các khu vực này, chúng ta nên sớm có chính sách và cơ chế phù hợp, đặc thù cho việc quản lý tổng thể, quy hoạch chiến lược và đầu tư, phát triển bền vững theo đúng tinh thần trong Chương trình Nghị sự 21 (Agenda 21) và cam kết quốc tế tại những khu vực nhạy cảm và vô cùng quan trọng này, cũng như tham khảo và vận dụng cho phù hợp các hướng dẫn quốc tế có liên quan. Cụ thể:
1. Hướng dẫn của UNESCO/IUCN về bảo tồn và quản lý các khu vực tự nhiên linh thiêng (The UNESCO/IUCN Guidelines for the Conservation and Management of Sacred Natural Sites);
2. Công ước Đa dạng Sinh học Akwé: Hướng dẫn Kon về Đánh giá Tác động Văn hóa, Môi trường và Xã hội Liên quan đến Dự án Phát triển Ảnh hưởng Khu vực Thiêng liêng (The CBD Akwé: Kon Voluntary Guidelines for the Conduct of Cultural, Environmental and Social Impact Assessment Regarding Developments Proposed to Take Place on, or which are Likely to Impact on, Sacred Sites and on Lands and Waters Traditionally Occupied or Used by Indigenous and Local Communities);
3. Tuyên bố Yamato cho cách tiếp cận tổng hợp để bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (The Yamato Declaration on Integrated Approaches for Safeguarding Tangible and Intangible Cultural Heritage)
Nguồn: http://sinhquyen.com/biophere/xay-thuy-dien-tren-song-dong-nai-vqg-cat-tien/

Tham khảo:


"Ngày 27-11, ông Nguyễn Huỳnh Thuật, đại diện nhóm Yêu quý và bảo vệ Cát Tiên, gửi văn bản đến Hội đồng Thẩm định nêu hàng loạt thắc mắc về độ tin cậy của nhiều số liệu trong ĐTM của hai dự án. Chẳng hạn, ĐTM đếm lượng cây lồ ô của hai dự án thủy điện “chính xác” đến… nửa cây (771.829,5 cây).
Ngoài ra, nhóm này cho rằng đơn vị được thuê lập ĐTM (Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM) thiếu một số cán bộ chuyên ngành liên quan theo quy định như trắc địa, địa chất công trình, địa vật lý… Do đó các vấn đề liên quan trong ĐTM bị sai, làm mờ hoặc bỏ qua, một số giải pháp đưa ra được xem là không tưởng.
Điều quan trọng, ở phần căn cứ pháp lý, ĐTM của hai dự án không viện dẫn Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội (có hiệu lực từ đầu tháng 8-2010) về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Thay vào đó, ĐTM lại viện dẫn Nghị quyết 66/2006 của Quốc hội đã hết hiệu lực. Nhóm Yêu quý và bảo vệ Cát Tiên đặt vấn đề: Các ĐTM xác định sai thẩm quyền phê duyệt việc đầu tư dự án có đủ điều kiện để được trình duyệt và thẩm định hay không?
Ngoài ra, Nghị định 29/2011 xác định khi lập ĐTM thì phải tham vấn ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức chịu tác động trực tiếp của dự án. Nhưng tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh, thành vùng hạ lưu sông Đồng Nai đã không được tham vấn đầy đủ.
Từ các luận điểm trên, nhóm mong muốn các thành viên Hội đồng Thẩm định xem xét ĐTM một cách khoa học, khách quan để trình Quốc hội, Thủ tướng xem xét, quyết định."
M.PHONG
Tình hình suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam được chuyên gia Nguyễn Huỳnh Thuật hiện làm việc tại Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết như sau:
ct-1-250.jpg
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật cùng giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên và các nhà khoa học đến nghiên cứu Vườn quốc gia Cát Tiên hôm 01-06-2011. Hình do ông cung cấp.
“Ở tại Cát Tiên việc tê giác ra đi, rồi việc một đàn voi hồi năm 2009 khi ở Nhật tôi về nước quay phim, chụp ảnh được 13 con, thì nay 7 con đã ra đi vĩnh viễn, tức chết rồi. Đó là một sự thật rất đau lòng.
Rất nhiều vấn đề… ví dụ vừa rồi bò tót cũng bị giết hại tại Cát Tiên. Vấn đề đa dạng sinh học có đa dạng hệ sinh thái, đa đạng về loài và đa dạng về nguồn gien. Như vậy, đa dạng hệ sinh thái tại Cát Tiên sắp tới đây bị hai thủy điện hủy diệt. Bởi vì hệ sinh thái gọi là rừng nghèo kiệt trong biên bản thẩm định. Thực sự rừng nghèo kiệt là một trong năm hệ sinh thái rừng - rừng kín, rừng xanh, rừng nửa rụng lá, rừng tre nứa, lồ ô. Đó là đa dạng sinh học, nhưng trong biên bản thẩm định đó thì  người ta làm theo sự chỉ đạo của chủ đầu tư, tức theo ý của chủ đầu tư. Họ ghi là rừng nghèo kiệt những trong thực tế không phải như vậy.
Nếu chúng ta bỏ đi bước đa dạng sinh học, bỏ đi bước mà không đánh giá tác động của thủy điện đối với đa dạng sinh học thì đây là một điều rất sai lầm. Đa dạng nguồn gien do trí tuệ hữu hạn đâu có thể nghiên cứu kịp thời và biết hết những giá trị của các nguồn gien quí hiếm; nhất là có một số động vật với nguy cơ tuyệt chủng như tê giác, cá sấu Xiêm, bò tót, voi Châu Á, gà sa cổ hung, ngan cánh trắng, chà vá chân nâu.” GIA MINH

1 comment:

  1. http://www.tuanvietnam.net/ban-re-cong-vien-got-ngon-tam-dao (....Mới đây, tôi lại thấy bài viết của tác giả Nguyễn Huỳnh Thuật nói về hệ sinh thái đặc trưng Tam Đảo cần được bảo vệ. Đây cũng là vấn đề tôi rất quan tâm.)
    http://www.monre.gov.vn/v35/default.aspx?tabid=428&CateID=24&ID=105199&Code=Q75I105199 (Mong Thủ tướng "cứu" VQG Cát Tiên thoát khỏi thủy điện của tác giả Nguyễn Huỳnh Thuật)
    http://sinhquyen.com/biophere/xay-thuy-dien-tren-song-dong-nai-vqg-cat-tien/ (Tâm sự của Nguyễn Huynh Thuật về việc xây dựng đập thủy điện trên sông Đồng Nai và Vườn quốc gia Cát Tiên)

    ReplyDelete