Saturday, June 22, 2013

Trái đất ấm lên đe dọa nhân loại! Chúng ta đang tự tử một cách từ từ!

Trái đất ấm lên đe dọa sinh kế người dân Đông Nam Á

Thứ Sáu 10:27 21/06/2013
Chiều 20/6, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã công bố Báo cáo “Giảm nhiệt: Thời tiết cực đoan, ảnh hưởng khu vực và thích ứng”. Báo cáo do Viện Nghiên cứu Tác động biến đổi khí hậu Potsdam nghiên cứu, biên soạn cho Ngân hàng Thế giới.
Báo cáo này dựa trên một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố cuối năm 2012, với kết luận rằng cuối thế kỷ này thế giới có thể sẽ ấm lên thêm 4 độ C - trên mức nhiệt thời tiền công nghiệp, nếu không hành động ngay bây giờ. Theo ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, các nhà khoa học cho biết, nếu trái đất ấm lên thêm 2 độ C (có thể sẽ đến trong vòng 20 đến 30 năm nữa) sẽ gây hệ lụy là thiếu lương thực trên diện rộng, những luồng nóng chưa từng có sẽ xảy ra, và những trận lốc xoáy cường độ mạnh hơn. Trong tương lai gần, biến đổi khí hậu, đã và đang xảy ra, có thể sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống và hi vọng của nhiếu cá nhân và gia đình mà họ lại không phải là nguyên nhân của nhiệt độ trái đất tăng lên.

 
Hình ảnh của một trận lụt tại Đồng Tháp (Ảnh: Hoàng Ngân)
Hình ảnh của một trận lụt tại Đồng Tháp (Ảnh: Hoàng Ngân)

Báo cáo này tổng hợp những tài liệu mới nhất đã được đánh giá kỹ càng và được bổ sung thêm các mô hình tình huống. Báo cáo trình bày hai kịch bản: nhiệt độ tăng lên cực điểm 4 độ C và một mức vừa phải là 2 độ C. Báo cáo cho thấy nhiệt độ trái đất ấm lên đang gia tăng sự đe dọa đến tình trạng sức khỏe và sinh kế của những người dễ bị ảnh hưởng như thế nào.

Tại khu vực Cận Sahara Châu Phi, tình trạng thiếu lương thực sẽ trở nên phổ biến hơn, trong khi ở Nam Á, kiểu thời tiết mưa bão thay đổi sẽ làm nhiều vùng ngập nước và nhiều khu vực khác không đủ nước để vận hành các nhà máy thủy điện, hệ thống tưới tiêu và cung cấp nước uống.

Tại khu vực Đông Nam Á, sự suy thoái và biến mất các rặng san hô sẽ làm suy giảm ngành du lịch, giảm trữ lượng cá và làm cho các cộng đồng và thành phố vùng duyên hải càng dễ bị ảnh hưởng bởi các trận bão. Đặc biệt, các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng, nhiệt độ tăng cùng cực, các cơn bão nhiệt đới với cường độ ngày càng mạnh, đại dương ấm lên và acid hóa bởi khu vực này bao gồm nhiều quần đảo nằm trong vành đai bão nhiệt đới và có mật độ dân số vùng duyên hải khá cao.

Ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng: Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang triển khai các hoạt động đồng bộ để giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu, nhưng báo cáo này cho thấy chúng ta cần phải hành động nhiều hơn nữa. Chúng ta cần phải tăng cường và đẩy mạnh các hoạt động này để giảm tác động đang gia tăng từ rủi ro khí hậu đến cuộc sống của con người, đặc biệt những người nghèo và dễ bị tổn thương.

Theo Báo cáo, khi trái đất nóng lên thêm 2 độ C, những rủi ro thời tiết nguy hại nhất tại khu vực Đông Nam Á có thể gây ra nước biển dâng lên nhanh hơn dự báo trước đây và bão sẽ càng mãnh liệt. Báo cáo dự đoán việc nước biển dâng cao thêm 50 cm vào những năm 2050 chắc không thể tránh khỏi do hậu quả của các chất thải trong quá khứ, và trong một vài trường hợp, tác động có thể xảy ra sớm hơn. Điều này sẽ gây ra hậu quả tàn phá nặng nề hơn, làm cho những cánh đồng bị ngập lụt trong thời gian dài hơn và những vùng châu thổ ngập nước với những cánh đồng và nguồn nước uống bị xâm mặn.

Báo cáo cũng tính toán rằng, các trận bão sẽ tăng về cường độ. Ba vùng châu thổ sông Mekong, sông Irrawaddy và sông Chao Phraya đặc biệt bị nguy hiểm. Nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản và du lịch là những ngành dễ bị tác động nhiều nhất do biến đổi khí hậu ở những vùng đồng bằng này. Các thành phố vùng duyên hải, với sự tập trung dày đặc về mật độ dân số và tài sản vật chất, cũng đang bị đặt trước nguy cơ những cơn bão cường độ mạnh, nước biển dâng trong thời gian dài và những trận bão ven biển bất ngờ. Thành phố Bangkok, Hồ Chí Minh, Jakarta, Manila và Yangon là những thành phố được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Các rặng san hô cũng sẽ bị tổn hại nặng nề. Quá trình acid hóa đại dương đang tăng lên dẫn đến một nguy cơ cao (khả năng khoảng 50%) là các rặng san hô bị tẩy trắng hằng năm bắt đầu từ năm 2030. Các dự đoán chỉ ra rằng tất cả các rặng san hô ở khu vực Đông Nam Á có thể sẽ trải qua những ảnh hưởng nghiêm trọng vào năm 2050, làm tổn thương các loài sinh vật biển, ngành du lịch, và công việc của người dân. Có khoảng 138 triệu người đang sinh sống ở các vùng duyên hải và trong khoảng cách 30km của một rặng san hô. Những người này có thể phải gánh chịu các tác động xã hội, kinh tế, và dinh dưỡng do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Cũng theo Báo cáo này, việc làm khu vực nông thôn và duyên hải sẽ bị đe dọa. Báo cáo dự đoán trữ lượng cá tại vùng biển Java và Vịnh Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng do nhiệt độ nước biển tăng và mức oxy giảm và trọng lượng cơ thể trung bình của các loài cá sẽ nhỏ đi rất nhiều vào năm 2050. Vùng đồng bằng sông Cửu Long sản xuất khoảng 50% tổng sản lượng nông nghiệp của Việt Nam và đóng góp chủ yếu vào xuất khẩu gạo; khi nước biển dâng 30cm (có thể xảy ra sớm vào năm 2040) có thể gây thiệt hại khoảng 12% sản lượng gạo.

Cũng theo ông Axel van Trotsenburg, các quốc gia cần được hỗ trợ để định hướng lại các kế hoạch phát triển, theo đó biến đổi khí hậu sẽ là một nhân tố trong quá trình lập kế hoạch dựa vào những nỗ lực đang được thực hiện. Chính phủ Việt Nam đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới trong việc ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu và cơ hội thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển sang tăng trưởng carbon thấp. Philippine đã ban hành Luật Biến đổi khí hậu và Luật Quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai quốc gia, đánh dấu một tiến bộ lớn trong việc quốc gia này ứng xử với thách thức biến đổi khí hậu./.

No comments:

Post a Comment