Động đất thủy điện Sông Tranh 2: “Dư chấn lòng dân”
(VOV) -Cuộc sống của người dân ở Bắc Trà My đảo lộn khi phải sống nơm nớp trong nỗi lo động đất
- Lại xảy ra động đất tại Sông Tranh 2
- Kiểm tra kế hoạch sơ tán dân vùng Sông Tranh 2
- Trao tiền hỗ trợ thiệt hại động đất ở thủy điện Sông Tranh
“Cháu sợ lắm! Ban đêm ngủ ở nhà dưới cũng sợ. Chạy ra ngoài thì sợ đất nứt dưới chân, sợ cây cối ngã đổ xuống người thì mình chết thôi”. Cháu Trần Thị Tiên (thôn 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa hết hoảng sợ khi kể lại những đợt rung chấn, thời gian gần đây ở Bắc Trà My khiến cháu không đêm nào ngủ yên.
Ba mẹ cháu bảo, trên ti vi thấy bác Bộ trưởng nói không sao đâu. Nhưng lên lớp lại nghe cô giáo bảo động đất là chết. Tối nào cô cũng một mình chạy xe máy vượt hơn 15 cây số đường rừng về thị trấn Trà My để lánh nạn, cháu Tiên càng thêm sợ.
Căn nhà ba mẹ cháu vừa xây được 2 năm, nay đã xuất hiện nhiều vết nứt lọt cả ngón tay. Sợ động đất, nhà sập đè chết, đêm đến, cháu Tiên dắt em xuống ngủ với ông bà ngoại trong ngôi nhà sàn. Cháu lặng người, nhìn ra khoảng trời tối om giữa núi rừng, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt nhem nhuốc trông thật đáng thương.
Chiều 15/11, một trận động đất mạng chưa từng thấy đã xảy ra tại Sông Tranh 2 khiến cả tỉnh Quảng Nam rung chuyển (Ảnh: VTC) |
Bây giờ, đồng bào miền núi huyện Bắc Trà My sợ nhất là động đất xảy ra ban đêm. Ban ngày còn có thể chạy lên núi lánh nạn, đêm tối thì không biết chạy đâu.
Mùa đông năm nay, vùng cao Bắc Trà My ít mưa, bà con cảm nhận rõ hơn tiếng nổ phát ra từ lòng đất. Những âm thanh lạ lẫm không rõ phương hướng, cứ như đang chạy dưới chân mình.
Ban đầu tiếng nổ lách tách, tiếp đến là tiếng nổ ầm ầm làm nhà cửa chao đảo, bàn ghế ngã nghiêng. Ngay lập tức, người lớn, trẻ em ùa chạy ra đường thoát thân, bản làng vang rền tiếng kẻng báo động, tiếng trẻ em gào khóc, gọi nhau í ới, xé toang bầu không khí tĩnh mịch của núi rừng.
Cuộc sống của đồng bào vùng cao Bắc Trà My đảo lộn nhiều. Lên nương rẫy thấy lo cái bụng vì những đứa con thơ dại ở nhà, nếu xảy ra động đất, ai là người chở che cho chúng, mà quanh quẩn ở nhà suốt ngày thì mùa màng trên nương rẫy chim chuột cắn phá, lo thiếu cái ăn giáp hạt.
Những đứa trẻ ngủ trên lưng mẹ đâu hiểu được rằng, cuộc sống hiện tại không một ngày êm ả. Buổi chiều, khi ông mặt trời còn quá con sào, đã thấy những bước chân vội vã, băng rừng lội suối về nhà sửa soạn bữa cơm tối. Chị Hồ Thị Thảo (thôn 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My) cho con ăn vội bát cháo rồi đi ngủ sớm để nếu lỡ động đất xảy ra vào giữa khuya thì còn có sức mà chạy.
Sau mỗi trận động đất lại thấy những khuôn mặt bơ phờ, thất thần của đồng bào vùng cao Bắc Trà My. Sợ động đất một phần, dân làng còn lo cái túi nước khổng lồ 730 triệu m3 treo lơ lửng ở độ cao hơn 100m so với nơi họ đang sống. Nghe tin, hai vai đập bị nứt, thân đập nước chảy thành dòng, ai cũng sợ. Nghĩ dại, nếu một ngày nào đó, khối bê tông chắn ngang Sông Tranh ấy vỡ ra, dân làng vùng này sẽ bị cuốn trôi. Rồi chợt nhớ mùa lũ năm ngoái, cũng vì sợ vỡ đập mà hàng loạt nhà máy thủy điện âm thầm xả lũ, khiến bao gia đình rơi vào cảnh tang thương.
Để bảo vệ cho công trình thủy điện giá trị hơn 5.100 tỷ đồng này, chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ém nhẹm thông tin về mức độ an toàn. Trong lúc lòng dân bất an, chính quyền địa phương rối bời, vậy mà ông Trần Văn Được - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn một mực cho rằng: Đập vẫn an toàn và không cần xây dựng phương án đối phó với sự cố xấu nhất.
Lời nói của ông chủ đầu tư thật khó nghe. Nhiều người bất ngờ hơn vì công trình thủy điện Sông Tranh 2 thiết kế không có cửa xả đáy để nhanh thu hồi vốn, bất chấp mạng sống của hơn 40.000 dân?.
Đã thế, có thời điểm Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sông Tranh 2 lặng lẽ cho tích nước hồ lên đến 160m, cao hơn nhiều so với mức nước cho phép là 140m, thế là 1 ngày dồn dập 7, 8 trận động đất.
Chính quyền và người dân địa phương lại sống trong “nỗi lo kép”. Ông Đặng Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Trà My nói: “Một trận động đất thì chúng tôi không ngần ngại. Chúng tôi thừa biện pháp để hướng dẫn cho người dân những kỹ năng thiết yếu để người dân hạn chế thấp nhất thiệt hại. Nhưng mà đây là cái nỗi lo kép, động đất rồi còn liên quan đến cái hồ nước mà đang treo lơ lửng trên đó nữa”.
Chỉ riêng năm 2012, khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra cả trăm trận động đất lớn, nhỏ; gần 1.000 ngôi nhà dân bị hư hại. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng sau trận động đất 4,7 độ richter xảy ra hôm 15/11 vừa qua đã vào tận nơi, tận mắt chứng kiến nhà dân bị nứt cũng đưa ra nhận định: “Sau khi có động đất xảy ra, lập tức các cán bộ của Cục Giám định của Bộ Xây dựng cũng như của Ban Quản lý đã kiểm tra ngay. Không có hiện tượng nứt và biểu hiện mất an toàn của đập. Hôm nay chúng ta đi trên đập này và vào trong cả đường hầm thì thấy rất rõ là đập vẫn hoàn toàn an toàn”.
Hiện nay đập vẫn an toàn, nhưng nhà của người dân vẫn bị nứt. Chỉ cần rung chấn nhẹ là có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Ai dám chắc tính mạng bà con được an toàn? Rõ ràng, cuộc sống của đồng bào và lòng dân nơi đây chưa thể nào yên!.../.
No comments:
Post a Comment