Sunday, June 16, 2013

"Vận rủi" mang tên "Gia Lai"!

"Vận rủi" mang tên "Gia Lai"
Thứ Năm, 13/06/2013 08:13 (GMT+7)

Nếu như Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang đau đầu đối phó với cáo buộc của Global Witness (GW) về việc phá rừng ở Lào và Campuchia, đến lượt một thương hiệu "Gia Lai" khác là Đức Long Gia Lai cũng đang đau đầu vì liên quan đến chuyện đốn rừng để làm thủy điện.

Chuyện liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) sau khi Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc loại hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khỏi quy hoạch hồi đầu tháng 5/2013 của công ty này.
Để giải trình và "minh oan" cho mình, ĐLGL cho rằng, trong số 372ha diện tích sử dụng xây hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì chỉ có 1,16% là rừng giàu, còn lại trên 98% là rừng nghèo. Chính khái niệm "rừng nghèo" mà ĐLGL đưa ra đã gặp phản bác.
Theo các chuyên gia, việc đánh giá rừng giàu, rừng nghèo chỉ áp dụng đối với rừng thông thường căn cứ trên trữ lượng lâm sản, còn đối với rừng đặc dụng như Vườn quốc gia Cát Tiên được đánh giá dựa trên hệ sinh thái thì dùng khái niệm rừng nghèo là không đúng.
Trong văn bản gửi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn Hóa Đồng Nai, ĐLGL cho rằng vị trí bậc thang thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm ở rìa phía Bắc khu Cát Lộc của Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Toàn bộ nhà máy, đường giao thông, đường dây đấu nối, khu thi công đều nằm ngoài phạm vi Vườn Quốc gia Cát Tiên thuộc vùng đệm Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
Theo ĐLGL, diện tích rừng phạm vi của dự án đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước phúc tra, thẩm định.
Trong số 372,23ha diện tích rừng sử dụng của đất các dự án này thì hiện trạng rừng có 4,32ha (1,16%) là rừng giàu, còn lại trên 98% là rừng nghèo, lồ ô, hỗn giao, đất trống và bãi đá.
Về hiệu quả kinh tế, ĐLGL cho rằng tổng sản lượng điện hằng năm của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A gần 1 tỷ kWh, giá trị sản lượng điện hàng năm gần 1.000 tỷ đồng, đóng các loại thuế là 323 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, dường như các lợi ích về kinh tế từ hai dự án thủy điện 6 và 6A của chủ đầu tư vẫn chưa làm chuyên gia về môi trường yên tâm bởi các nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn của hai dự án chưa thể đánh giá hết được.
Theo báo cáo về tác động của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyền Đồng Nai gởi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cuối tháng 5 vừa qua, việc xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ làm xâm nhập mặn vào sâu hơn, tăng khả năng ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai, ảnh hưởng lớn trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp của cả Đồng Nai và TP.HCM.
Theo nhận định của Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyền Đồng Nai, ngoài việc lấn chiếm 137,5ha diện tích rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A còn làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, gây ngập úng mùa mưa và thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô cho vùng hạ lưu, làm biến dạng hình thái của sông, bàu, từ đây sẽ gây nhiều hậu quả khó lường như xói mòn đất, sạt lở bờ sông, lũ quét...
Việc chặn dòng sông Đồng Nai sẽ làm thay đổi môi trường sinh thái dẫn đến các loài sẽ khó thích nghi với môi trường mới, hạn chế khả năng sinh sản và làm thay đổi chất dinh dưỡng trong nước, nước sông có nguy cơ bị ô nhiễm nặng.
Do đó, Chính phủ và Quốc hội cần xem xét không triển khai hai dự án này, đồng thời loại bỏ khỏi quy hoạch thủy điện bậc thang sông Đồng Nai hai bậc 6 và 6A.
Theo tài liệu nghiên cứu của chính ĐLGL về vị trí tương quan của các dự án thủy điện đối với Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai cho thấy, hiện khu dự trữ sinh quyển này đang "gánh" đến 10 dự án thủy điện gồm cả hiện hữu lẫn đang triển khai.

ĐỨC THÀNH

No comments:

Post a Comment