SCT - Quá trình tranh đấu bảo vệ phức hợp Cát Tiên của nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên (SCT) bắt đầu từ lá thư gửi thủ tưởng của Nguyễn Huỳnh Thuật (người sáng lập nhóm SCT) vào tháng 7 năm 2011 sau đó là hội thảo do VRN tổ chức vào tháng 8 và tiếp đến là lá thư gửi Chủ tịch nước vào cuối tháng 8 năm 2012 cùng phản hổi của Chủ tịch nước qua công văn số 1496/VPCTN-PL đề nghị UB KHCNMT QH phối hợp 4 bộ ngành liên quan xem xét thư kêu cứu Cát Tiên của Nguyễn Huỳnh Thuật và phong trào phản đối thủy điện nổi lên mãnh liệt từ đây. Nhóm SCT gửi kiến nghị đến QH,... và Tỉnh Ủy Đồng Nai lên tiếng chính thức với lãnh đạo cấp cao TW từ tháng 10.2012, Nguyễn Huỳnh Thuật nhận giải thưởng xanh ASEAN vào ngày 28.11.2012 tại Malaysia và cuối cùng vấn đề cứu Cát Tiên được UB QH thực hiện và đưa ra diễn đàn QH, truyền hình trực tiếp trên VTV1 và phát sóng cuối cùng nhất là vào đầu chương trình thời sự 7h tối ngày 16.6.2013 với phần kết luận của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng rằng: "nếu xét thấy sau khi Bộ TNMT thẩm định và cho kết quả là hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tác động (xấu) lớn đến môi trường và VQG Cát Tiên thì chắc chắn sẽ tham mưu cho Thủ tướng trình QH không thông qua hai dự án này" .
Thương lắm đôi chân trần!
Thứ Sáu, 21/06/2013 10:38
Phóng viên Thu Sương là đồng tác giả loạt bài Hai dự án thủy điện kỳ lạ đoạt giải nhất Giải Báo chí TP HCM năm nay. TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam, nhớ lại chuyến đi đầu tiên ông cùng cô đi thực địa khu rừng dự kiến xây dựng 2 thủy điện này
Đó là một ngày hè nóng nực tháng 8-2011. Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức chuyến đi tham quan hiện trường dự án thủy điện Đồng Nai 6. Đây là chuyến đi thực tế cho các đại biểu có thêm thông tin và hình ảnh phục vụ hội thảo “Bảo vệ rừng đầu nguồn lưu vực sông Đồng Nai và trường hợp nghiên cứu điển hình 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A”. Khoảng 20 đại biểu đăng ký tham gia chuyến đi này.
Không sợ vắt rừng, gai mây
Chúng tôi có mặt tại xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng khá sớm. Theo sự hướng dẫn của ban lãnh đạo Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên và Trạm Kiểm lâm Busa, tất cả hướng về nơi chuẩn bị xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6.
Trời mới mưa lúc sáng sớm, con đường đi xuống bờ sông Đồng Nai khá trơn trượt. Tất cả bấm chân thật chắc leo xuống lòng hồ thủy điện Đồng Nai 6 trong tương lai. Vừa chui vào rừng, tôi đã nhìn thấy ngay một đám cây hùng lan Việt mọc dưới tán rừng. Tôi dừng lại, giới thiệu cho mọi người biết tên của nó và giải thích về nguồn gốc địa lý thực vật của khu rừng.
Bỗng nhiên, một cô gái nhỏ bé chui ra từ phía sau lưng, hỏi đột ngột: “Thầy ơi, tại sao nó là loài quan trọng trong khu vực này? Em thấy nó rất nhiều và giống cây nghệ trồng sau nhà em vậy”. Sau đó, cô tìm một bông hoa màu nâu tối dưới gốc cây đưa cho tôi và hỏi cặn kẽ về cấu tạo của nó. Tôi chỉ cho cô thấy bao hoa màu trắng hình lưỡi gà rất đặc biệt và nói thêm ý nghĩa trong cái tên khoa học của loài này.
Phóng viên Thu Sương (ngồi, bìa trái) trong một lần cùng các đồng nghiệp
và nhà khoa học đi thực địa khu vực dự kiến xây dựng 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ảnh: VRN
Cô gái yêu cầu tôi ngồi xuống cạnh mấy cây hùng lan Việt và lấy máy ảnh trong túi ra chụp vài kiểu. Lúc này, tôi mới có thời gian quan sát diện mạo bên ngoài của cô. Trời ạ, chân cô không có dép, đi chân trần trong rừng. Tôi la lên: “Sao em không đi dép? Em có biết trong rừng này có nhiều con vắt hút máu và nhiều gai mây nhọn không?”. Cô cười tươi, giải thích: “Đôi guốc cao gót của em không phù hợp. Em sợ không theo kịp mọi người nên bỏ luôn ngoài bìa rừng rồi”.
Tôi vẫn rất lo và khuyên cô gái nên ở lại trên này, đừng xuống dưới nữa vì đường còn dài và dốc lắm song cô vẫn không chịu, khẳng định: “Thầy đừng lo, em không sợ vắt và gai cây rừng. Em đi được. Em muốn tìm hiểu về cây rừng và giá trị đa dạng sinh học ở khu vực này. Em muốn học hỏi từ các thầy”.
Như để khẳng định quyết tâm của mình, cô lách giữa những cây rừng đi nhanh lên phía trước theo các anh kiểm lâm, bỏ tôi và nhiều người lại phía sau. Đôi chân trần trắng như cánh cò vẫn đạp cây rừng mà đi, không hề biết sợ vắt, sợ gai mây là gì. Tôi nghĩ thầm: “Cô bé này gan lì thật”.
Chúng tôi tiếp tục đi hết tuyến đường xuống vùng dưới chân đập. Tôi không kịp hỏi tên cô gái nhỏ bé này tên gì và làm nghề gì. Cô luôn bám chặt vào dòng người, không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để hỏi và ghi chép. Đôi mắt cô thật linh hoạt, chân bước thoăn thoắt như con nai rừng.
Chung tay giữ “bảo vật” Cát Tiên
Mấy hôm rồi mưa nhiều, nước sông Đồng Nai dâng cao hơn ngày thường cuồn cuộn chảy về xuôi. Sóng nước reo như trẩy hội. Trải dài rộng trước mặt là những cánh rừng già bạt ngàn màu xanh sâu thẳm. Mấy bắp chuối màu nâu đỏ thấp thoáng sau vạt cây ven sông. Những cây bằng lăng cườm cổ thụ đứng sừng sững giữa hàng lồ ô vách mỏng xào xạc…
“Thế này mà bảo rừng nghèo sao thầy?” - vẫn cô gái ấy hỏi tôi ngay bên cạnh. Giọng cô như chất vấn kẻ có tội. Tôi nghe như có một điều gì đó ấm ức trong lòng cô. Rồi cô đi theo mấy anh kiểm lâm, biến mất sau bụi chuối rừng. Vẫn đôi chân trần như thế.
Con đường trở lên mới vất vả làm sao! Dốc cao, trời nóng nực và mồ hôi tôi ra như tắm. Tôi không thấy cô gái đâu cả. Một chút lo lắng, tôi quyết định ngồi nghỉ giữa lưng chừng dốc và có ý chờ đợi. Một lúc sau, cô xuất hiện, mặt hớn hở với vài thứ cầm trong tay. Thấy tôi, cô mừng rỡ khoe vài thực vật hoại sinh màu trắng đục.
Trên đường leo dốc ra khỏi rừng, chúng tôi đã trở thành 2 người bạn đường thân thuộc. Cô gái hỏi tôi rất nhiều về đa dạng sinh học, về tài nguyên rừng và tại sao tôi lại nghiên cứu về sinh thái nhân văn. Tại sao người ta lại chọn khu rừng này làm thủy điện? Phá rừng lồ ô này có trồng lại như vậy được hay không? Phạm vi ảnh hưởng của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A như thế nào?...
Những câu hỏi dồn dập của cô bé làm cho đoạn đường trở nên ngắn hơn lúc vào. Ra khỏi rừng, tôi trao danh thiếp của mình cho cô. Đến lúc này, tôi mới biết tên cô gái nhỏ nhắn, lanh lẹ đó là Thu Sương, phóng viên Báo Người Lao Động tại TP HCM. Sự nhiệt tình và tính ham hiểu biết, khám phá thiên nhiên của cô gái chân trần đi trong rừng này cứ đeo bám tôi.
Sau đó, hàng loạt bài báo liên quan đến 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A xuất hiện trên Báo Người Lao Động. Ngoài Thu Sương, báo còn có phóng viên Xuân Hoàng, Thế Dũng… Họ là những nhà báo đầy nhiệt huyết, ham học hỏi, bám sát hiện trường tìm kiếm sự thật để cùng các nhà khoa học bảo vệ “báu vật” VQG Cát Tiên trước nguy cơ xâm lấn của các dự án thủy điện.
Chính nghĩa đã được lắng nghe
Ý kiến của nhiều nhà khoa học cũng như nguyện vọng của đông đảo người dân Việt Nam phản đối 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã được truyền tải rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ Tài nguyên và Môi trường nên lắng nghe, xem xét kỹ và mạnh dạn không thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường 2 dự án này. Bởi lẽ, nếu có cho sửa đến bao nhiêu lần thì báo cáo này vẫn không đạt vì những tác động của 2 dự án đến xã hội, đời sống con người là không thể bù đắp. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cần đề xuất Thủ tướng Chính phủ loại bỏ 2 dự án này khỏi quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai.
Văn bản mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho thấy chính nghĩa đã được lắng nghe. Tôi tin tưởng 2 dự án sẽ bị hủy bỏ.
|
TS VŨ NGỌC LONG
Tham khảo:
"Nhóm Yêu quý và bảo vệ rừng Cát Tiên ngày 31-10 cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, đơn vị liên quan, kiến nghị dừng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Nhóm Yêu quý và bảo vệ rừng Cát Tiên cho rằng để bảo vệ Vườn Quốc gia Cát Tiên - di tích quốc gia đặc biệt, Khu Ramsar, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cát Tiên, bảo vệ môi trường nói chung thì việc dừng triển khai 2 dự án thủy điện trên là hết sức cần thiết. Nhóm này khẳng định hết sức chia sẻ về một số ưu điểm của thủy điện nhưng cũng vô cùng lo lắng khi 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nếu được triển khai sẽ có nhiều đe dọa tàn phá môi trường.
Nhóm Yêu quý và bảo vệ rừng Cát Tiên cũng nêu quan điểm có thể xem xét giới thiệu cho chủ đầu tư những vị trí khác để xây dựng thủy điện và đền bù thiệt hại (nếu có), đồng thời xem xét trách nhiệm của các đơn vị khảo sát, tư vấn không trung thực."
http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/2013/06/kien-nghi-cua-nhom-yeu-quy-bao-ve-cat.html
http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/2013/06/kien-nghi-cua-nhom-yeu-quy-bao-ve-cat.html
No comments:
Post a Comment